.

Kỹ thuật in li-tô

.

* In li-tô có phải là kỹ thuật in ấn sơ khai của con người và dựa trên nguyên lý nào? Việt Nam ứng dụng kỹ thuật in này ra sao? (Nguyễn Trần Lê, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bài hát Tiến quân ca được in bằng kỹ thuật in li-tô. Ảnh tư liệu
Bài hát Tiến quân ca được in bằng kỹ thuật in li-tô. Ảnh tư liệu

- Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, in li-tô (tiếng Pháp: lithographie) là phương pháp in bản phẳng trên đá, do Alois Senefelder (1778-1834), người Đức, sáng chế năm 1796. Còn được gọi là in cơ hóa hay in thạch bản, vì bản in làm bằng loại đá vôi xanh, sau thay thế bằng bản kẽm nên còn gọi là in li-tô kẽm. Chủ yếu để in các tranh ảnh phục chế nhiều màu (10 - 15 màu), năng suất 300 - 400 bản một giờ.

In li-tô là công nghệ in mới đầu tiên của con người sau in khắc nổi của thế kỷ XV.

Ðể in được cuốn sách phải chọn người viết chữ đẹp nhưng phải biết viết ngược từng chữ trên đá (nếu là in li-tô đá) hoặc trên kẽm (nếu là in li-tô kẽm) bằng một loại mực đặc biệt có thể bám chắc trên đá hoặc trên kẽm, tạo nên khuôn in và mỗi khuôn in như vậy chỉ in được khoảng 100 tờ in.

Nguyên lý của in li-tô dựa vào lực đẩy giữa dầu và nước. Dầu và nước không trộn lẫn nhau và luôn có xu hướng tách rời nhau. Trong các phiên bản đầu tiên của kỹ thuật in li-tô, người ta hay dùng bề mặt của đá vôi để vẽ dầu lên. Do đó mới có tên gọi in đá, in thạch bản. Sau khi có hình dầu trên đá, a-xít được đổ lên để dầu thẩm thấu sâu vào trong đá. Khi dầu đã ngấm vào trong đá, người ta đổ lên đó dung dịch keo Ả Rập để keo bám vào những chỗ chưa có dầu, để dầu không thấm loang ra những chỗ này. Khi in, nước dính vào chỗ có keo Ả Rập, còn mực dầu dính vào những chỗ còn lại.

Vài năm sau khi được sáng chế, kỹ thuật này đã được dùng để in màu. Các họa sĩ thích phương pháp này vì họ có thể dùng sáp dầu vẽ ngược trực tiếp trên đá, hoặc vẽ sáp dầu xuôi trên giấy rồi áp lên đá. Phương pháp in màu bằng công nghệ này được hoàn thiện vào thế kỷ XIX với tên gọi in thạch bản màu. Nhiều tác phẩm in màu đẹp đã ra đời tại châu Mỹ và châu Âu thời kỳ này. Với kỹ thuật in màu, các phiến đá khác nhau được dùng cho mỗi màu, và bản in sẽ được in lần lượt qua các phiến đá. Khó khăn nhất là phải căn chính xác vị trí các hình màu sao cho không bị lệch nhau.

Tại Việt Nam, kỹ thuật in li-tô được GS-NGND Nguyễn Văn Chiển mô tả trong bài viết “60 năm Trường trung học kháng chiến Chu Văn An” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14-04-2007 như sau:

“Ðể in sách, trường phải cử người sang học in li-tô ở một xưởng in của quân đội và cử thầy Vũ Huyến (một nhiếp ảnh gia lão thành – ĐNCT) xuống Khu 3 mua các phiến đá in in li-tô: đá vôi hạt rất mịn mỗi lần có thể in được bốn trang khổ A4 ngày nay. Một học sinh năm thứ hai được cử phụ trách xưởng in, vừa học, anh vừa phải lo mua nguyên vật liệu: giấy, mực, dụng cụ in và trả công cho thợ in, anh được các bạn tặng cho biệt danh là “Kỳ đá”.

Thợ in được chọn là những học sinh có chữ đẹp viết ngược trên mặt đá bằng một loại mực đặc biệt chỉ ăn mực chứ không ăn nước. Một học sinh có biệt tài minh họa và trình bày bìa lúc ấy sau này đã thành họa sĩ có tên tuổi: Lưu Công Nhân. Mỗi lần in có thể được vài chục bản. Công in tuy ít nhưng cũng góp phần bổ sung cho học bổng ít ỏi”.

Nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác xong Tiến quân ca năm 1944, ông tự tay viết bản nhạc lên đá để in li-tô cho trang văn nghệ của báo Độc Lập, phát hành bí mật, vào tháng 11 năm đó. Tờ báo này ban đầu in li-tô, được trình bày bởi các họa sĩ có tiếng bấy giờ như: Hồ Quảng, Trương Qua, Lê Công Thành, Nguyễn Trọng Cát… Người phụ trách in ấn đầu tiên là Đoàn Hữu Công, về sau ông trở thành nhạc sĩ Thuận Yến nổi tiếng.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.