.

Tục "đi sim"

.

* Cho tôi hỏi, tục “đi sim” là của dân tộc nào ở Việt Nam? Tục này diễn ra như thế nào? Người Cơ tu ở Quảng Nam có tục lệ “đi sim” không? (Trần Hoàng Thanh, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Múa dân gian Hội sim mô tả tục “đi sim” của dân tộc Pa Cô tỉnh Thừa Thiên Huế tại Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Tây Giang (Quảng Nam) tháng 6-2017. Ảnh: V.T.L
Múa dân gian Hội sim mô tả tục “đi sim” của dân tộc Pa Cô tỉnh Thừa Thiên Huế tại Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức tại Tây Giang (Quảng Nam) tháng 6-2017. Ảnh: V.T.L

- “Đi sim” là một mỹ tục mang nét sinh hoạt tình yêu nam nữ của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Dân tộc Vân Kiều (Bru) sống tập trung ở miền núi của Quảng Trị, Quảng Bình, Đăk Lăk và Thừa Thiên Huế. Dân tộc Pa Cô (Tà Ôi) chủ yếu sống ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông tỉnh Quảng Trị và A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nam và nữ thanh niên hai dân tộc này đến tuổi hỏi vợ, cưới chồng ban đêm thường không ngủ ở nhà mình mà đến ngủ một ngôi nhà gọi là nhà Sim. Suốt đêm “đi sim”, họ cùng ca hát đối đáp với nhau bằng các làn điệu giao duyên như: hát xà nớt, hát tà oải, hát xoang… “Đi sim” là để các đôi trai gái tìm hiểu nhau, khi chưa là vợ chồng của nhau thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục với nhau, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Luật lệ đầu tiên mà giới thanh niên phải tuân thủ khi “đi sim” là không được ép buộc con gái yêu mình, không được tranh người yêu và phải nhường cho người đến trước. Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua quãng thời gian tìm hiểu, khi tình cảm và sự chọn lựa đã chín muồi, phải được sự mai mối của ông bà mối, được sự đồng ý của hai gia đình, hai dòng họ trước.

Tục “đi sim” đang dần bị biến thái trong giới trẻ dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Nếp sống hiện đại kèm theo những luồng văn hóa không lành mạnh đang dần xâm nhập vào đời sống sinh hoạt khiến tục “đi sim” với những giá trị truyền thống tốt đẹp đang đối diện với nguy cơ có thể mai một.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Alăng Thanh Hương), Phó phòng VH-TT huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chỉ người Cơ tu ở Thừa Thiên Huế mới có tục “đi sim”, người Cơ tu Quảng Nam có tục “ngủ duông”.  

Vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, sau khi xong vụ mùa, bà con Cơ tu khắp nơi ở Quảng Nam tổ chức lễ ăn mừng lúa mới và cũng dịp để con trai, con gái Cơ tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”. Nam nữ Cơ tu tìm đến nhau và lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Và để làm được việc này, người con trai làm nhà “ngủ duông”.

Nhà “ngủ duông” được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm như cây, lá và được cả làng biết đến. Chính vì chỉ ngủ và tâm sự thôi nên người con trai có thể “ngủ duông” với cô gái trong 5 tối, 10 tối hoặc cả tháng thậm chí hơn nữa, và có thể “ngủ duông” với nhiều người con gái. Con trai đến “ngủ duông” với con gái chỉ được phép tâm sự và hôn vào môi, ngoài ra không được làm gì khác.

Cũng như tục “đi sim”, luật tục Cơ tu cũng quy định rất rõ và nghiêm khắc trừng trị những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi và có thai trước khi cưới. Tùy vào mức độ vi phạm, chàng trai bị phạt rất nặng, có thể bị đuổi ra khỏi làng hoặc làng bắt người con trai đó phải giết lợn, có khi là trâu, bò, mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn. Đôi khi họ phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.