.

Thợ khắc bia nhà nước và thợ khắc bia dân gian

.

* Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) có một số người chuyên làm bia đá. Theo tôi biết thì trước đây họ dùng các loại đục để khắc chữ lên bia bằng thủ công, nay thì khắc tự động bằng máy móc. Xin cho hỏi ngày xưa việc khắc bia đá ở nước ta diễn ra như thế nào và làng đá mỹ nghệ Non Nước chịu ảnh hưởng ra sao? (Trần Văn Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bia Vọng Hải Đài (ảnh trái) và bia Vọng Giang Đài ở Ngũ Hành Sơn do các nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác, tương truyền theo thủ bút vua Minh Mạng. Ảnh: V.T.L
Bia Vọng Hải Đài (ảnh trái) và bia Vọng Giang Đài ở Ngũ Hành Sơn do các nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác, tương truyền theo thủ bút vua Minh Mạng. Ảnh: V.T.L

- Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ giữa thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Ông tổ nghề là một người quê gốc Thanh Hóa, có công đem nghề đá từ xứ Thanh vào đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày trước, cũng như ở quê gốc Thanh Hóa, những người thợ ở Non Nước ban đầu chủ yếu sản xuất một số vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc... dần dần đến các loại bia mộ, bia thần tích (tại các lăng miếu, chùa chiền, di tích…) được khắc bằng đá.

Việc chế tác các loại bia của người xưa được tác giả Đinh Khắc Thuân mô tả trong bài viết “Đá, thợ khắc và đặc trưng bia thế kỷ XVI” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 2-1988. Theo đó, ngày trước việc khắc bia trên đá chuyên dùng do thợ nhà nước và thợ chuyên nghiệp dân gian đảm nhiệm.

Bia do thợ nhà nước khắc chủ yếu là bia Nhà Lê ở giai đoạn đầu thế kỷ, bao gồm bia lăng mộ, bia vua quan và tầng lớp quý tộc Nhà Lê, cùng bia tiến sĩ ở nhà Quốc học. Đây là bia “nhà nước” nên cách thức và nội dung văn bia đều tuân thủ theo quy chế chặt chẽ của triều đình.

Thời Lê Sơ, rồng được xem là hình mẫu tượng trưng của vương quyền, được khắc rất trang nghiêm ở vị trí quan trọng nhất của tấm bia. Cùng với rồng là phượng. Nếu rồng tượng trưng cho vua thì phượng tượng trưng cho hoàng hậu.

Tên bia được khắc to, theo hàng ngang dưới trán bia. Chữ khắc theo lối khải là phổ biến. Bên cạnh đó, có không ít bia được khắc lối chữ triện. Bố cục bài văn bia thường gồm hai phần: bài ký và bài minh. Bài ký khá dài, trung bình 400 - 500 chữ. Bài minh cũng lớn, chừng 30 - 40 câu. Văn bia đều do các bậc đại bút soạn. Là bia “nhà nước” nên ngôn từ được gọt giũa theo văn phong cung đình.

Hình thức và nội dung văn bia “nhà nước” được ấn định bởi công trạng của người được dựng bia, mức độ sự kiện dựng bia. Phù hợp với nó là loại đá làm bia, kích cỡ bia, người soạn văn bia và thợ khắc bia…

Bia do thợ chuyên nghiệp dân gian khắc phần lớn là bia Nhà Mạc, còn lại là một số bia Nhà Lê ở giai đoạn đầu và cuối thế kỷ XVI. Vì lý do lịch sử, Nhà Mạc không có bia lăng miếu như Nhà Lê. Duy có một số bia về hoàng thân Nhà Mạc nằm ở các di tích dân gian. Thợ khắc bia không phải là thợ nhà nước mà hoàn toàn là thợ chuyên nghiệp dân gian.

Nhận định về bia Nhà Mạc, tác giả Đinh Khắc Thuân viết trong bài đã dẫn: “Thời Mạc, rồng không có ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền, nên không được thể hiện oai nghiêm như rồng thời Lê sơ. (…) Trang trí trên diềm bia Nhà Mạc phổ biến là dây leo và hoa văn xoắn tựa tay mướp. Đôi chỗ xen kẽ bông hoa năm cánh hoặc hoa văn hình chữ S. Bố cục bài văn bia Nhà Mạc thường gồm ba phần: bài ký, bài minh và tên người công đức. Bài ký ngắn chừng 200 - 300 chữ, bài minh không dài, khoảng 12 - 15 câu. Văn bia hầu hết do các vị khoa bảng soạn”.

Như đã nói ở trên, Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ giữa thế kỷ XVII. Bấy giờ, những nghệ nhân nghề đá từ Thanh Hóa đã mang nghề truyền thống cha ông vào Đà Nẵng và phát triển nghề theo phong cách nơi quê nhà. Hiện nay, “hậu duệ” của những nghệ nhân xa xưa đó đã phát triển làng nghề theo xu hướng nghệ thuật hiện đại hơn, góp phần mang lại “thương hiệu” cho một làng nghề và cho cả thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, một số người vẫn còn chế tác các loại bia đá và họ hoàn toàn là thợ chuyên nghiệp dân gian chứ không ai là thợ nhà nước như tiền nhân của họ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.