37 năm cuộc đời với tám khoa thi đều hỏng, dấu ấn lều chõng cùng với cảnh nghèo vừa là nguồn đề tài phong phú vừa là nỗi đau dằn vặt giúp ông làm nên những vần thơ tuyệt tác để Nguyễn Công Hoan suy tôn là “bậc thần thơ thánh chữ”.
Trần Tế Xương (1870 – 1907) tự là Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh; lúc nhỏ bố mẹ đặt tên là Trần Duy Uyên, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh; nay thuộc phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh). Ông đậu Tú tài năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời thường gọi ông là Tú Xương.
Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, tổ tiên ông lập công lớn dưới thời Nhà Trần nên được phong quốc tính (đổi theo họ nhà vua). Ông lận đận về đường khoa cử: đi thi từ năm 15 tuổi nhưng hỏng hoài, mãi tới năm 24 tuổi (1894) mới đỗ Tú tài; sau đó lại trượt Cử nhân 5 khoa liền.
Ông cưới vợ rất sớm, bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái quê, có với nhau 8 người con - 6 trai và 2 gái. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học của ông lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú quán xuyến. Bà được xem là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình… Chính bà đã đi vào thi phẩm của chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn: Lặn lội thân cò khi quãng vắng,/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông./ Một duyên hai nợ âu đành phận,/ Năm nắng mười mưa dám quản công… (bài Thương vợ).
Cuộc đời ông gắn liền với lều chõng, tính ra có tất cả 8 lần. Sau 3 lần hỏng, mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đỗ Tú tài, nhưng cũng chỉ là Tú tài thiêm thủ (lấy thêm). Mãi sau đó dù kiên trì đeo đuổi, ông vẫn không đỗ được Cử nhân. Khoa Quý Mão (1903), ông đổi tên thành Trần Cao Xương với hy vọng bớt vận đen, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phải cáu gắt lên trong bài “Hỏng thi khoa Quý Mão”: “Tế” đổi làm “Cao” mà chó thế!/ “Kiện” trông ra “Tiệp” hỡi trời ôi! (Kiện và tiệp là hai chữ Hán viết hơi giống nhau, chỉ cần viết nhầm chữ này sang chữ kia là dù bài thi có hay mấy cũng cứ bị đánh hỏng).
Đang lúc còn đeo đuổi nghiệp khoa cử thì ông đột ngột qua đời năm 1907. Cuộc đời 37 ngắn ngủi của ông toàn nằm trong giai đoạn bi thương của đất nước, ông dũng cảm dùng ngòi bút trào phúng giễu mình, giễu đời, tung hê mọi cái nhố nhăng của xã hội, từ dân chí quan, không chừa một ai.
Tú Xương được xem là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam, là người tạo ra “môn phái” thơ ca riêng với nhiều “môn đệ” hậu sinh. Chữ Xương trong tên ông có nghĩa là “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng); nhưng những người chuyên làm thơ trào phúng về sau đã cố tình “xuyên tạc” một cách đáng yêu, cho đó có nghĩa là xương thịt. Từ đó, họ tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư một “môn phái” quy tụ những môn đệ “ăn theo” học vị khoa bảng như: Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc, rồi Tú Poanh, Đồ Phồn...
Câu nói bất hủ của nhà văn Nga M.E. Saltykov-Shchedrin (1826 – 1889) “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, hay câu thơ Nguyễn Khuyến khóc Tú Xương “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn” đã vận vào số phận thơ văn của con người bước không qua tuổi 37 ấy.
Xuân Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau ba thi hào dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm. Ðặng Thai Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”. Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ, suy tôn ông là “bậc thần thơ thánh chữ” như Nguyễn Công Hoan thì mới xứng đáng với thi tài của một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung nơi ông.
Từ trước năm 1975, thành phố Đà Nẵng đã có con đường mang tên ông dài 192m, rộng 7m, nối từ đường Ngô Gia Tự đến đường Triệu Nữ Vương, nay thuộc phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Nhưng, bảng tên đường lại ghi thành Trần Kế Xương (ĐNCT sẽ giải thích trong mục Cửa sổ tri thức ở những số báo tới).
LÊ GIA LỘC