.

Khát vọng vươn ra biển lớn

.

Chiếc xe cẩu vươn cánh tay sắt nhẹ nhàng nâng khối đá gắn biển tên cầu đặt lên bệ đỡ nơi đầu cầu phía đông. Nắng sớm cuối tháng ba lấp lóa làm nổi bật hai chữ “Cầu Rồng” trên phiến đồng. Lúc đó là 8 giờ 41 phút ngày 22-3-2013, thời khắc cầu Rồng được chính thức gắn biển tên.

Sau khi bắt tay mọi người với nụ cười rất tươi, Trưởng ban Quản lý dự án cầu Rồng Phạm Trường Sơn cho biết, hai biển tên cầu nặng tổng cộng 12 tấn này là thành quả lao động của thợ giỏi nhiều địa phương: Đá Huế, đúc đồng Phước Kiều, gia công chế tác ở Ngũ Hành Sơn và lắp đặt tại hai bờ sông Hàn.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và mắt Rồng mang hình trái tim.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và mắt Rồng mang hình trái tim.

Tác phẩm nghệ thuật

Không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ nối đôi bờ, những chiếc cầu bắc qua sông Hàn còn là những tác phẩm nghệ thuật để thành phố đẹp hơn trong mắt mọi người. Cái nhìn của Sơn với công trình mình đang theo dõi thi công đâu chỉ là quanh quẩn với bê-tông, cốt thép. Với anh, cầu Rồng cùng với cầu Trần Thị Lý sẽ tạo nên một “phép màu” làm ngắn lại khoảng cách đôi bờ sông Hàn, ban đêm sẽ càng trở nên lung linh, huyền ảo, thu hút hơn với các hiệu ứng ánh sáng mới nhất được thiết kế bởi Hãng Philips...

Anh Nguyễn Quang Minh, nhân viên Công ty Điện tử Philips Việt Nam, Chỉ huy trưởng Công trường Gói thầu điện chiếu sáng - chiếu sáng trang trí và đầu rồng phun lửa tại cầu Rồng do công ty đảm trách, là người Đà Nẵng. Đứng ngay trên công trình sắp đến giờ chạm đích, tiếng búa âm vang, ánh đèn hàn nhấp nháy, anh bảo, Công ty có những phần mềm có thể lập trình tạo ra nhiều hiệu ứng mang tính biểu tượng trên một công trình điện chiếu sáng mỹ thuật, có thể điều chỉnh trực tiếp để cho ra những màu ưng ý.

Nếu cầu Thuận Phước có 2 trụ tháp dây võng lớn được công ty thiết kế hiệu ứng chiếu sáng mỹ thuật mang hình tượng hai cánh chim vươn ra biển lớn thì cầu Trần Thị Lý chỉ một trụ tháp chính với dây văng nghiêng hai bờ đông tây như cánh buồm là ý tưởng để công ty tạo nên hiệu ứng ánh sáng khiến người xem có cảm giác như cánh buồm đang đưa con thuyền xuôi ra biển. Một hiệu ứng khác, xem trụ tháp là cô gái, hai vạt dây văng là hai tà áo dài; sắc màu chiếu sáng thay đổi đậm nhạt, nhặt khoan và tà áo chừng như phất phơ, lung linh trên sóng nước sông Hàn.

Với cầu Rồng, chiếu sáng trang trí mang một sắc thái khác hoàn toàn, bởi Rồng là con vật linh thiêng trong truyền thuyết chứ không có thật nên lãnh đạo thành phố đòi hỏi chiếu sáng mang tính trang nghiêm chứ không phải giải trí, màu mè. Minh giải thích, công nghệ điện chiếu sáng cầu Rồng là công nghệ LED tiên tiến của Philips, có thể điều khiển ánh sáng đến 16 nghìn màu, khi chiếu sáng lên thân Rồng bảo đảm làm nổi bật tính trang nghiêm theo yêu cầu.

Đêm xuống, sông Hàn rực rỡ sắc màu, mỗi chiếc cầu là một tác phẩm nghệ thuật và công dân thành phố cảm ơn những người thợ, cảm ơn khoa học kỹ thuật đã tạo nên “phép thuật” làm cho sắc màu lung linh trên sông nước.

Ngẫu hứng từ pháo hoa  

Phun nước ra miệng Rồng ư? Nghe có vẻ như đơn giản, nhưng phun như thế nào? Lưu lượng, áp suất bao nhiêu? Xa gần thế nào? Và cái chính là phải phun cho đẹp, mà cái đẹp trong việc này thì không có mức đo cụ thể… Ông Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh, đơn vị đảm nhận gói thầu đầu rồng phun nước, nói vui.

Đã có nhiều ý kiến bàn bạc, đưa ra nhiều kiểu phun, cuối cùng chọn một kiểu phun ấn tượng nhất là phun thẳng, thể hiện tạo sức mạnh của Rồng. Ông Phương vừa hướng dẫn một nhân viên lắp đặt hệ thống phun nước tại cầu Rồng, vừa chia sẻ: “Khi ta ném cục đá, nếu đá nặng quá sẽ không đi được xa. Ở đây cũng vậy, nếu chỉ là nước “đặc” cũng sẽ không phun được xa, mà phải biến nước thành hơi, tạo luồng mạnh đầy khí phách. Chúng tôi mong muốn tạo cái gì tốt nhất có thể, người tính là vậy, nhưng tất cả còn do ông trời (cười). Nếu xuôi gió thì có thể phun xa đến 40-50m, nhưng ngược gió thì chỉ còn phun xa được một nửa”. Ông dừng lại, đưa tay ra đón gió biển ùa vào đầu cầu Rồng phía Đông và nhìn tôi cười thay lời muốn nói.  

Hệ thống phun nước gồm 2 xi-lanh, một cấp khí, một cấp nước, được điều chỉnh thế nào để có độ phun tốt nhất tại một thời điểm cụ thể. Dòng nước phun ra, nếu nhiều hơi nước gặp mặt trời sẽ sinh ra hiệu ứng cầu vồng rất đẹp. Ông bảo, dẫn nước từ bể ngầm 50m3 dưới gầm cầu lên không dễ, vì chỉ được dùng nhiều ống nhỏ để bảo đảm mỹ thuật. Khó khăn về kỹ thuật, công nghệ có thể dễ dàng vượt qua, nhưng ông cho rằng khó nhất là 9 người 10 ý. Về lâu dài, phải phun đa dạng như thế nào đó để có thể thỏa mãn hết mọi người. Xưa người ta bắn pháo hoa sáng rực xanh đỏ vàng tím trên bầu trời, giờ bắn pháo theo nhạc, theo chủ đề, một sự giao hòa giữa âm thanh và sắc màu tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ. Khán giả xem, nghe và suy tư, chiêm nghiệm về nghệ thuật.

Rồng phun nước, phun lửa cũng vậy, ông bảo, cần đa dạng, tránh đơn điệu. Nếu lúc nào cũng chỉ phun ra từng cục lửa, từng dòng nước… thì khán giả sẽ chẳng mấy chốc chán nản ngay. Tại sao không “lập trình” phun nước như bắn pháo hoa? Đến ngày 29-3 phát bài hát về ngày giải phóng Đà Nẵng, cả lửa và nước đều phun theo tiết tấu, giai điệu của bài hát đó thì Rồng sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Đến ngày Phụ nữ 8-3, ngày tình nhân 14-2… cũng vậy, mỗi ngày lễ một “kịch bản” đầy nghệ thuật thì Cầu Rồng sẽ luôn mới trong cái nhìn của mọi người.

Ông Phan Đình Phương (trái) hướng dẫn công nhân lắp đặt hệ thống đầu rồng phun nước.
Ông Phan Đình Phương (trái) hướng dẫn công nhân lắp đặt hệ thống đầu rồng phun nước.

Trái tim tình người

Đi dọc từ Đông sang Tây theo chiều dài 666m của cầu Rồng, cảm nhận được “độ nóng” của công trình đang dần về đích qua cường độ làm việc của công nhân.

Anh Nguyễn Văn Dũng, tổ phó tổ Sắt, Xí nghiệp Cầu 17 (Cienco 1), là một trong những công nhân hiếm hoi người Quảng Nam – Đà Nẵng trên công trường thi công cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Đã từng làm cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân nhưng chưa bao giờ anh “say” nghề như ở cầu Rồng, cả  đứa con mới 8 tháng tuổi ở Quế Sơn, anh cũng ít có thời gian để về thăm.

Anh Lê Thảo Tâm, xưởng trưởng Xưởng gia công cơ khí, Xí nghiệp Cầu 17, từ trước Tết Quý Tỵ đến nay chưa về thăm nhà ở Hưng Yên. Anh làm việc ở Đà Nẵng hơn 10 năm nay, thi công các cầu Sông Hàn, Trần Thị Lý, Tiên Sơn, Cẩm Lệ… Đến cầu Rồng thì nói thiệt, anh bảo, lần đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ, vì công nghệ quá mới; nhưng nhờ đó, mình cũng học hỏi, sáng tạo được rất nhiều điều trong lĩnh vực chuyên môn. Anh đã đi khắp mọi miền đất nước, nhưng quý nhất, đáng nhớ nhất là tình người Đà Nẵng.

Có lần nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đứng dưới đầu Rồng có đôi mắt mang hình trái tim và cũng nói về một tình người như thế. Lâu nay chỉ thấy Rồng trên đình chùa miếu mạo với các chất liệu đá, gỗ, sợi thêu … Nay bằng thép thì thể hiện nó như thế nào? Ông mất 240 ngày đêm nghiên cứu, suy nghĩ để đưa được hình tượng trái tim vào mắt rồng và đuôi rồng. Lãnh đạo thành phố hỏi, vì sao lại chọn trái tim? Ông bảo, trái tim là biểu tượng của con người. Rồng Đà Nẵng khác với các con Rồng trên thế giới ở trái tim, ở tình người. Đà Nẵng mở cửa ra thế giới, nếu không có cái riêng thì có gì đáng nói? Sự sáng suốt của lãnh đạo và sự quả quyết bảo vệ của nghệ sĩ đã gặp nhau ở mối đồng cảm và hiện hình nên tác phẩm bằng thép chở nặng tình người.

Những người thợ cầu đến từ mọi miền đất nước đã góp phần làm thăng hoa sóng nước sông Hàn. Cuối tháng Tư này khi đêm xuống, những chiếc cầu mang khát vọng vươn ra biển lớn sẽ níu đôi bờ gần lại hơn khi con người đắm mình trong sắc màu rực rỡ của lễ hội pháo hoa lần thứ 6…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.