.

Thói quen thay đổi nhận thức

.

Tổng kết chương trình “Gia đình tiết kiệm điện năm 2012”, đã có 12.079 hộ gia đình ở Đà Nẵng tiết kiệm (TK) từ 10% trở lên điện năng sử dụng liên tục trong 3 tháng 7, 8 và 9. Đặc biệt, chương trình đã tác động rất lớn đến việc hình thành ý thức, thói quen sử dụng điện TK trong nhân dân.

Tiết kiệm điện - không chỉ cho riêng mình, mà còn cho thế hệ tương lai.
Tiết kiệm điện - không chỉ cho riêng mình, mà còn cho thế hệ tương lai.

Gia đình tiết kiệm điện, thưởng 360 triệu đồng

Theo công ty TNHH MTV Điện lực (ĐL) Đà Nẵng, chỉ tính riêng những hộ TK từ 10% trở lên, người dân đã TK với tổng số điện năng hơn 3,6 triệu kWh (tương ứng gần 5,8 tỷ đồng). Và cũng trong năm 2012, toàn thành phố đã TK được 25,95 triệu kWh, chiếm 1,58% điện thương phẩm.

Theo khảo sát của ĐL Đà Nẵng, các hộ gia đình đã có ý thức hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hòa nhiệt độ, máy nước nóng, bàn là...) vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Nhiều hộ dần chuyển sang sử dụng các loại bóng đèn TK điện như bóng đèn compact hoặc bóng đèn huỳnh quang, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện…

Ông Đỗ Ngọc Nông, ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn là một trong 656 khách hàng của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được trao giấy khen và tiền thưởng do TK điện của năm 2012. Ban đầu việc TK điện của gia đình ông chỉ là thay các bóng đèn cũ bằng bóng đèn compact và tắt đèn khi ra khỏi phòng. Sau vài tháng, hóa đơn tiền điện giảm khá rõ, thế là tất cả mọi người bắt đầu có ý thức hơn, như xem chung chương trình truyền hình và tắt ti-vi khi không xem, máy giặt và bàn ủi chỉ dùng vào buổi sáng. “Gia đình tôi xem việc TK điện là mang lại lợi ích trực tiếp cho ngân quỹ, đến khi nhân viên điện lực gửi giấy thông báo tôi đi nhận thưởng vì TK điện, ai cũng vui vì việc mọi người cùng TK đã có hiệu quả. Với lại mùa nắng mà không lo TK điện là dễ cúp điện như chơi”, ông Nông cho biết.

Khi việc TK điện đã trở thành thói quen, thì hẳn nhiên ý thức của người dân cũng nâng lên rõ rệt. Ông Lê Hồng Cương, Giám đốc ĐL Sơn Trà cho rằng, việc TK điện phải được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, để trở thành một thói quen hằng giờ, hằng ngày, không chỉ vì túi tiền của mình, mà vì môi trường, vì cộng đồng. Bởi vấn đề cao hơn TK, là nguồn năng lượng sản xuất điện như nước các dòng sông, than đá đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt, ở rất nhiều vùng nông thôn, miền núi hiện nay còn chưa có điện thắp sáng; người này TK điện, người khác sẽ có điện dùng - khi hiểu sâu sát vấn đề này, chuyện TK điện mới thực sự trở thành ý thức của mỗi người.

Điểm mới trong việc tuyên truyền TK điện ở Đà Nẵng năm 2012 là ngành điện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng phát động chương trình thi đua “Gia đình TK điện”. Năm nay,  chương trình tiếp tục triển khai, Ủy ban MTTQ các phường, xã đã phát 240.500 thư ngỏ; phát động phong trào đến từng hộ gia đình. Đồng thời, lồng ghép nội dung này vào quá trình vận động xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn khu dân cư. Chương trình phấn đấu TK từ 10% trở lên lượng điện năng tiêu thụ của 3 tháng 4, 5 và 6 so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy sẽ có 1.200 hộ gia đình đạt tiêu chí được lựa chọn để trao giấy chứng nhận “Gia đình TK điện tiêu biểu năm 2013” kèm theo tiền thưởng 300.000 đồng/hộ với tổng giá trị là 360 triệu đồng.

Để TK điện đi vào thực chất

Vấn đề TK điện đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Từ năm 2009 đến nay, chiến dịch Giờ Trái đất triển khai trên toàn thế giới đã nhận được sự hưởng ứng của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng qua các năm, số lượng điện TK vẫn chưa có sự bứt phá. Giờ Trái đất 2013, thành phố Đà Nẵng TK được 19.800 kWh điện, tương đương gần 30 triệu đồng. Trước đó, năm 2012, chiến dịch này đã góp phần TK được hơn 53.200 kWh (tương đương 73 triệu đồng) gấp 4 lần so với sản lượng TK điện của chương trình Giờ trái đất 2011.

Bà Mai Thị Nguyệt, Giám đốc ĐL Hải Châu cho biết, với chương trình Giờ Trái đất năm nay, đoàn thanh niên của quận đã đến các chợ, trường học để phát tờ rơi TK điện; nhắn tin cho hơn 2.170 khách hàng về Giờ Trái đất. Tiếp tục tuyên truyền TK điện cho 40 nghìn hộ dân thuộc 13 phường trên địa bàn quận. Ngoài ra, còn yêu cầu 32 công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo phải thay bóng đèn công suất thấp, thời gian chiếu sáng phải hợp lý và tắt bớt điện vào giờ cao điểm.

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn mới đưa vào sử dụng chưa lâu, và có thể nhiều người chưa biết về vẻ đẹp rực rỡ của dáng Rồng khi đêm về, phản chiếu làm lung linh dòng sông Hàn được tạo nên từ hơn 1.000 bộ đèn LED trang trí với 5 chủng loại đèn LED khác nhau. Ông Nguyễn Quang Minh, kỹ sư công ty Philips - Việt Nam cho biết, đèn LED Philips có khả năng chiếu xa và mạnh với hiệu năng thuộc hàng cao nhất thế giới, TK khoảng 50% điện năng so với đèn chiếu sáng thông thường, tuổi thọ cao (sau 50.000 giờ sử dụng - hơn 20 năm sau, quang thông của đèn vẫn duy trì được ở mức trên 70% so với quang thông ban đầu). Những lợi thế TK điện của công nghệ đèn LED Philips giúp tổng công suất tiêu thụ của đèn trang trí trên cầu Rồng nhỏ hơn nhiều so với công nghệ chiếu sáng thông thường khác đã chinh phục lãnh đạo thành phố, để cầu Rồng là một trong các công trình công cộng ở Đà Nẵng sử dụng năng lượng TK mà hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị khách hàng sử dụng điện năm 2013, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng muốn thực hiện TK điện hiệu quả, ngoài các hộ dân, thì các doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán năng lượng, bởi có kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp mới sử dụng điện hiệu quả. “Hiện nay các công trình lớn đều dùng thiết bị TK điện, mật độ trang trí gấp 5 lần trước đây nhưng đều dùng đèn LED TK điện. Vậy nên mong các đơn vị thực hành TK điện, dành điện cho mục đích sử dụng hiệu quả hơn”.  

Đầu năm 2013 đến nay, Công ty ĐL Đà Nẵng đã thực hiện lắp đặt 3.068 công- tơ điện tử 3 giá (giá bán điện theo các giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm trong ngày) cho các khách hàng sản xuất-kinh doanh có điện năng tiêu thụ trung bình từ 2.000 kWh/tháng trở lên liên tục trong 3 tháng.

Tại Đề án sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, Đà Nẵng phấn đấu TK 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển KT-XH, TK từ 11 - 12% sản lượng điện so với dự báo tại các cơ quan công sở, chiếu sáng trên địa bàn.

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.