.

Những viên gạch nhỏ

.

Bên cạnh nền giáo dục đang phát triển cả về chất và lượng thì học phí thấp, chi phí sinh hoạt rẻ, môi trường sống trong lành cũng là những lý do khiến Đà Nẵng thu hút khá nhiều du học sinh (DHS) đến học tập và nghiên cứu…

Wataru Nabeshima (thứ 3, từ phải qua) chụp hình lưu niệm với các bạn nhỏ Việt Nam.
Wataru Nabeshima (thứ 3, từ phải qua) chụp hình lưu niệm với các bạn nhỏ Việt Nam.

Ký ức đẹp

Đang là sinh viên (SV) tại Trường ĐH Khoa học Kỹ thuật Nagaoka Nhật Bản, đầu năm 2012, Wataru Nabeshima (22 tuổi) quyết định đến Đà Nẵng học tập theo chương trình hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế với Trường ĐH Bách khoa. Những ngày đầu đến lớp, do chỉ biết tiếng Nhật và Anh, nên mọi trao đổi với thầy cô, bạn bè Wataru đều phải nhờ đến người bạn học tiếng Nhật phiên dịch. Dù rất muốn thoát khỏi sự phụ thuộc này, nhưng việc học tiếng Việt với Wataru lúc ấy thực sự là “cơn ác mộng”. Anh chia sẻ: “Đối với tôi, tiếng Việt thật sự rất khó. Ví dụ cũng một từ “buồn” nhưng lại có thêm buồn ngủ, buồn nôn, buồn tình, buồn tủi, buồn bực…, mỗi từ lại có cách giải thích khác nhau làm tôi bối rối. Vì thế, dù đã rất cố gắng, thời gian đầu tôi chỉ có thể sử dụng được những câu đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ như xin chào, món này ngon lắm, tôi đã đi học, hôm nay, ngày mai, ngày mốt, ăn cơm...”.

Khi đã kịp trang bị cho mình vài câu xã giao đơn giản, Wataru Nabeshima nhờ bạn bè giới thiệu nơi cho thuê xe máy làm phương tiện khám phá thành phố. Đi đâu, làm gì, anh chàng này cũng kè kè chiếc máy ảnh trong tay, sẵn sàng bấm máy và chia sẻ facebook với những người bạn tại quê nhà. Anh bảo, có lần do mãi mê chụp hình mà đi lạc, sau một hồi “quơ tay” giải thích, anh đã được một bác đi xe đạp tốt bụng chở về tận ký túc xá. Một lần khác, đang đi trên đường thì xe của Wataru bị thủng lốp, không biết diễn đạt tình huống đó như thế nào, anh liền liên tục chỉ tay vào bánh xe, và nói “help me, giúp tôi, giúp tôi”. Trước tình huống dở khóc dở cười của chàng SV người Nhật, một người đàn ông đi đường đã tận tình tìm giúp Wataru chỗ sửa xe.

“Bên cạnh ấn tượng về sự gần gũi của con người nơi đây, điều tôi thấy thú vị nhất là cách đi chợ của người Việt. Một người bạn đã chỉ cho tôi kinh nghiệm đi chợ ở Việt Nam là, bất cứ món hàng nào bạn cũng có thể trả giá. Khi trả giá không thành, bạn nên giả vờ bỏ đi để người bán gọi lại. Trong khi ở Nhật, mọi hàng hóa đều có dán tem và ghi rõ giá tiền nên mình cứ thế mà mua thôi”, Wataru chia sẻ thêm.

Được biết, với chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa ĐH Đà Nẵng với các nước trong khu vực, mỗi năm Đà Nẵng đón hàng trăm SV từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mỹ… đến học tập và nghiên cứu. Đơn cử, Tại trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng hiện có khoảng 70 SV Trung Quốc và 400 SV Lào đang theo học. Để giúp đỡ, nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và khuyến khích du học sinh tham gia. Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế còn hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, sân tập, nhà thi đấu, phương tiện di chuyển khi các em có nhu cầu đi lại trong thành phố. Lamngeun Xaxasene (đến từ Lào), nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế nói: “Sau gần 2 năm học tập và tiếp xúc với bạn bè Việt Nam, tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân tình. Ngay cả khi tôi nói mong muốn được đi chơi phố buổi tối, họ sẵn sàng sắp xếp để đưa tôi đi. Điều này giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà và yên tâm học tập về phục vụ đất nước”.  

Viên gạch nhỏ xây tình hữu nghị lớn

Ông Hồ Công Lam, thành viên Ban hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng, các chương trình giao lưu thường diễn ra đầy màu sắc với các tiết mục văn nghệ thể hiện nét văn hóa riêng của từng quốc gia. Những câu hát, điệu múa sẽ giúp SV Việt Nam và quốc tế xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, xích lại gần nhau khi cùng hát, cùng múa, cùng reo hò cổ vũ cho một sân khấu chung. “Hoạt động này rất thiết thực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa SV các nước, giúp họ tự tin thể hiện mình trước đám đông, từ đó tự tin trong giao tiếp, học tập. Đây cũng là nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị sau này giữa các nước”, ông nói.

Thông tin từ Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai chương trình SUNY Brockport Việt Nam, một chương trình hợp tác giáo dục Việt – Mỹ, đã có gần 150 SV Mỹ đến học tập tại Đà Nẵng. Đây là chương trình giáo dục duy nhất của Mỹ tại Việt Nam hiện nay. Theo thỏa thuận, hằng năm, SUNY Brockport sẽ cử SV Mỹ đến Đà Nẵng để nghiên cứu, tìm hiểu về chính trị, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam với thời gian mỗi khóa từ 3 đến 4 tháng. Điểm nổi bật của chương trình là các hoạt động xã hội mà SV Mỹ tham gia trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu tại Đà Nẵng. Ngoài các giờ học trên lớp, các em được tổ chức đi thăm, tặng quà và giúp đỡ các gia đình nạn nhân chất độc da cam, các Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Làng Hy vọng, cụ già neo đơn ở các Mái ấm tình thương, người dân Làng Vân và cả những người dân sống tại khu vực Bãi rác Khánh Sơn… Thông qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện này, SV có cơ hội thâm nhập vào đời sống thực tế của người dân địa phương, hiểu thêm về con người Việt Nam, chia sẻ khó khăn với những đối tượng cần giúp đỡ.

Khi được hỏi, điều gì làm bạn ấn tượng nhất khi học tập ở Đà Nẵng, hầu hết du học sinh đều nói rằng, đó là con người thân thiện và cảnh quan tuyệt đẹp ở đây. Như Apostolos Hatzigiannidis, SV thuộc chương trình SUNY Brockport Việt Nam đã viết trong một chia sẻ của mình trước khi về nước: “Còn rất nhiều thứ làm nên cái đẹp của thành phố này, nhưng khi rời khỏi nơi đây, điều khiến tôi nhớ nhất sẽ là ký ức về con người và những lần tản bộ dọc bờ sông Hàn. Tôi tưởng tượng ra rằng, một khi những cây cầu được hoàn tất, khu vực phía bên kia sông sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, và thành phố sẽ ngày càng đẹp và quyến rũ hơn trong mắt bạn bè quốc tế”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.