.

"Thành phố này chiếm trọn trái tim tôi"

.

LTS: Guillaume van Grinsven (ảnh, quốc tịch Hà Lan) đến Đà Nẵng với vai trò một chuyên gia cao cấp trong ngành du lịch, khách sạn và giải trí của PUM (Tổ chức Hỗ trợ quốc tế của Hà Lan) để đào tạo kiến thức cho các nhân viên quản lý khách sạn ở Đà Nẵng và Hội An. Đà Nẵng Cuối tuần giới thiệu bài viết ông tham gia cuộc thi “Đà Nẵng với bạn bè quốc tế” do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức đầu năm 2013 qua bản dịch của Mai Dung.

Trước đây tôi chưa bao giờ đến Việt Nam, vì thế với tôi, Đà Nẵng hoàn toàn xa lạ. Tôi không biết điều gì đang chờ đón tôi ở nơi đây, thành phố với gần một triệu dân, một nền văn hóa xa lạ hay là một thứ gì khác?

Khi tôi bước ra khỏi sân bay thì điều đầu tiên đập vào mắt tôi là… wow, rất nhiều xe máy. Xe máy ở khắp mọi ngả đường! Và trong thời gian nửa tháng ở lại Đà Nẵng, tôi ngày càng kinh ngạc bởi tình trạng giao thông xung quanh tôi. Một phần là do bạn bè của tôi ở Đà Nẵng đã chở tôi đi khắp thành phố bằng xe máy của họ, vì thế tôi cũng là một người tham gia giao thông, thậm chí tôi phải mua mũ bảo hiểm cho riêng mình!

Tối hôm đó chúng tôi lái xe dọc theo bờ sông Hàn đến cầu Thuận Phước. Rất nhiều bạn trẻ của Đà Nẵng cũng lái xe dọc tuyến đường để tận hưởng một buổi tối mát mẻ và ngắm cảnh đẹp. Lần đầu tiên tôi được ngắm thành phố Đà Nẵng về đêm nên hôm đó là một buổi tối đáng nhớ đối với tôi.

Vài ngày sau, tôi lại có dịp cùng với những người bạn ấy đi qua cầu Thuận Phước để ngắm nhìn rõ hơn thành phố với những bãi biển đầy cát và những khu nghỉ dưỡng quốc tế. Thời tiết ấm áp, gió mát luồn vào tóc tôi và những cảnh đẹp trước mắt làm tôi cảm thấy thật tự do và hạnh phúc…

Tôi đi dạo hằng giờ liền, lang thang từ con phố này sang con phố khác mà không có mục đích cụ thể nào cả, chỉ là thưởng thức cuộc sống nhộn nhịp của người dân, hầu hết họ đều mở một cửa hàng tại nhà mình và cố gắng bán được một thứ gì đó...

Và nơi mà tôi thích đến nhất là chợ Cồn. Hầu như ngày nào tôi cũng đến đó. Mặc dù tôi không nói được tiếng Việt và những người bán hàng không nói được nhiều tiếng Anh lắm, nhưng tôi đã “giao tiếp” với  họ bằng ngôn ngữ cử chỉ và chúng tôi đã rất vui vẻ với nhau. Họ chỉ có một gian hàng nhỏ bán rau, thịt, cá, nhưng tất cả đều yêu cuộc sống của mình.

Đó là một khu chợ đầy màu sắc, và (khi được cho phép) tôi đã chụp hàng trăm bức hình về con người, hàng hóa và những món quà được bày bán tại khu chợ này. Tôi băn khoăn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tôi được biết rằng đây là nơi vệ sinh nhất vì họ chỉ bán hàng tươi, chứ không có hàng đông lạnh. Họ mua và bán hết thực phẩm trong ngày, vì vậy ở đây luôn có nhiều mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống, điều này thật khó có thể xảy ra. Tôi cũng đã mua nhiều quà lưu niệm để tặng cho bạn bè và người thân khi về nước.

Bởi tình trạng giao thông lúc nào cũng đông nghịt mà tôi đã khám phá ra một trong những tính cách đặc biệt của người dân nơi đây, đó là họ nhường đường cho người khác không chỉ khi tham gia giao thông để tránh bị tai nạn, mà còn ở bất cứ nơi đâu, họ cũng luôn lắng nghe nhau và tôn trọng nhau. Điều này thật là tuyệt vời bởi vì người châu Âu không có được đức tính đó. Tôi cũng không hy vọng có thể thay đổi được đức tính đó của họ.

Một góc chợ Cồn qua góc nhìn của tác giả.
Một góc chợ Cồn qua góc nhìn của tác giả.

Tôi mong rằng chính quyền nơi đây sẽ tìm ra được giải pháp tốt cho giao thông. Bây giờ khi mọi người đều tham gia giao thông bằng xe máy thì không có vấn đề gì. Nhưng một khi có từ 5 - 10% người tham gia giao thông chuyển sang đi xe hơi thì sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông như nhiều nơi trên thế giới, chưa nói đến vấn đề đậu đỗ xe ở khắp mọi nơi. Nơi có thể chứa được hàng ngàn xe máy như Siêu thị BigC, thì chỉ có thể chứa được khoảng trăm chiếc xe hơi và do đó, thành phố cần có giải pháp về nơi đậu đỗ xe lý tưởng tại các cửa tiệm và nhà hàng. Bạn có thể lái xe đến trước cửa tiệm hay nhà hàng và (để) đỗ xe máy của bạn ở đó, thậm chí nếu trời mưa, bạn cũng dễ dàng đi đến một nhà hàng hay quán rượu dễ dàng vì bạn có thể đậu xe gần đó.

Về chuyện ăn uống, tôi thật khó mà chọn lựa việc sẽ ăn ở đâu vì có quá nhiều quán ăn ngon nơi đây. Tuy mỗi quán ăn đều có sự khác biệt về nét đặc trưng, món ăn, cách phục vụ, nhưng tất cả chúng đều tuyệt vời. Tôi biết Việt Nam là đất nước có nhiều kiểu khí hậu khác nhau nhưng tôi không biết rằng nơi đây có nhiều món ăn đặc sản đến thế. Tôi cảm nhận được rằng mỗi vùng miền ở Việt Nam lại có nét văn hóa ẩm thực của riêng từng vùng. Mỗi buổi tối, bạn tôi dẫn tôi đến các quán ăn khác nhau, tôi đã học được cách cuốn bánh tráng và chấm với những loại nước chấm mà tôi không biết tên, nhưng chúng có một điểm chung là làm cho món ăn thêm ngon và đậm đà hơn. Và cho dù đó là món ăn của một nhà hàng nổi tiếng hay là những quán vỉa hè, tôi đều thích cả.

Sau bữa ăn tối, chúng tôi thường đến một quán rượu hay quán cà-phê và chuyện trò với nhau một cách cởi mở và thân thiết về công việc, bản thân, về quá khứ và tương lai, về những ước mơ và hoài bão. Tôi đã tìm hiểu được rất nhiều về đất nước Việt Nam, nền giáo dục, gia đình và tổ tiên, cuộc sống hằng ngày của người dân và cách xem chỉ tay. Tôi cũng biết thêm được sự khác nhau về cách nghĩ giữa người phương Đông và người phương Tây, gần như khác biệt về mọi thứ. Tất cả chúng tôi đều thích nghe về lối sống và cách nghĩ của riêng bản thân mỗi người.

Tôi cũng đã hiểu nhiều hơn về lối sống và cách nghĩ của người Việt Nam trong các chuyến tham quan về những nơi có phong cảnh thiên nhiên và đặc trưng văn hóa. Tôi đã đến Bà Nà, nơi mà chỉ trong vài giờ lại thay đổi đến bốn mùa thời tiết. Đứng trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy được cảnh thờ cúng tại ngôi chùa với tượng Phật tổ uy nghi và sắc màu hiện đại của khu công viên vui chơi. Quả thực là hai thế giới khác biệt với một bên là sự thanh tịnh và một bên là sự nhộn nhịp.

Tàu Hòa Bình (Peace Boat) cập Cảng Tiên Sa.                                Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tàu Hòa Bình (Peace Boat) cập Cảng Tiên Sa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tôi đã khám phá nền văn hóa Chăm cổ xưa khi tham quan Bảo tàng Điêu khác Chăm, và có cuộc trải nghiệm “một lần trong đời” về thăm cội nguồn ở Thánh địa Mỹ Sơn. Rời xa đô thị ồn ào, lang thang dưới những tán cây cổ thụ, nhìn thấy những chú chim ca hát líu lo chuyền từ cành này sang càng khác. Tôi cảm nhận được sự linh thiêng và ánh sáng màu nhiệm trong những ngôi đền tháp đã hàng ngàn năm tuổi, chúng tôn vinh giá trị văn hóa không thể lay chuyển và thế hệ mai sau sẽ được chiêm ngưỡng, tôn thờ và đam mê nghiên cứu.

Đà Nẵng có vị trí thuận lợi là gần Phố cổ Hội An, tôi đã có cơ hội tham quan khu phố với những kiến trúc cổ kính đẹp lung linh vào đêm trăng rằm này. Chỉ với nến và ánh trăng ngày rằm thôi cũng đủ khiến cho Hội An thật quyến rũ. Nó có sức lôi cuốn, rất đẹp và rất lãng mạn mà bạn không thể hình dung được nếu chưa từng đến với Hội An. Và khi đã trải nghiệm rồi thì bạn sẽ thấy đam mê ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ trở lại Đà Nẵng bởi thành phố này đã chiếm trọn trái tim tôi. Tôi phải quay trở lại để nạp thêm năng lượng cho cuộc sống và tôi biết rằng bạn bè của tôi nơi đây luôn chào đón tôi. Lần trở lại này, bạn bè tôi không cần đón tôi ở sân bay nữa, tôi sẽ tự đi trên cây cầu Rồng mới xây, và tôi không cần chờ đợi họ chạy đến bên tôi nữa, tôi sẽ tìm họ. Thế là chúng tôi đã biết cách tạo dựng nên một nhịp cầu tình bạn giữa chúng tôi, một tình bạn sẽ tồn tại mãi mãi.

PUM tập trung các chuyên gia cao cấp trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kiến ​​thức của mình để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước như Việt Nam trên tinh thần tình nguyện. Chính phủ Hà Lan hỗ trợ chi phí các chuyến bay, chi phí chỗ ở và ăn uống cho ứng cử viên. Nếu bạn nghĩ rằng PUM có thể giúp ích cho công ty của bạn, bạn có thể liên hệ với ông G.V. Grinsven (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt) theo địa chỉ email guillaumevangrinsven@ziggo.nl.

Mai Dung, chuyên viên Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Đà Nẵng

Guillaume  van Grinsven

;
.
.
.
.
.