.

Tình yêu không biên giới

.

Khi chọn con đường đi chung, tình yêu và sự đồng cảm đã giúp các “chàng rể Tây” hòa nhập vào môi trường sống của quê hương người vợ đến mức nhiều người nhận mình là “người Việt Nam đến 60%”. Tình yêu đã giúp họ cân bằng mọi khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục…

Gia đình ông bà Enzo Falcone –Minh Tâm và hai con.
Gia đình ông bà Enzo Falcone - Minh Tâm và hai con.

 Tình yêu ngày càng đẹp và sâu sắc hơn

 “Nếu được chọn lại từ đầu, tôi vẫn chọn vợ tôi, người đã thắp sáng tâm hồn tôi và cho tôi biết thế nào là một gia đình hạnh phúc”, gương mặt ông Enzo Falcone bừng sáng khi nói về người vợ thân yêu, bà Lưu Thị Minh Tâm. Đến Việt Nam từ cách đây 20 năm, trở thành con rể trong một gia đình người Việt và chọn đất nước này làm quê hương thứ hai, với người đàn ông Ý này, tình yêu không có tuổi và không có biên giới.

20 năm trước, ông Enzo gặp người vợ tương lai của mình trên chuyến bay từ Milan (Ý) về Việt Nam, khi ông được Chính phủ Ý phân công sang Việt Nam trong dự án “Thầy thuốc không biên giới”. Đến không phận nước Pháp, máy bay gặp sự cố, buộc phải hạ cánh tại Paris. Tất cả hành khách đều bị ảnh hưởng bởi chuyến bay và được bác sĩ Enzo chăm sóc, trong đó có bà Minh Tâm. Trong chuyến bay về Việt Nam, hai người có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn, như ông Enzo nói “đó như là định mệnh, giúp tôi chọn người phụ nữ đó chứ không phải ai khác bởi tôi đã có nhiều năm công tác tại châu Phi nhưng vẫn không để ý đến ai”.

Bà Tâm đã có nhiều năm học tập và làm việc tại nhiều nước châu Âu nên trong câu chuyện, họ đã có thể chia sẻ cho nhau về những nơi đã đi qua, những công việc đã và đang định làm. Và ông Enzo cũng không ngờ là chỉ 2 ngày sau, ông cảm thấy cuộc đời mình không thể thiếu người phụ nữ này, dù khi về đến Việt Nam, hai người đến hai địa phương khác nhau. Thế là những bức thư, những cuộc điện thoại dày lên giữa hai người và 3 tháng sau, một đám cưới với đầy đủ lễ nghi theo phong tục người Việt Nam diễn ra. Bà Tâm cũng bắt đầu dấn thân vào công việc từ thiện cùng chồng trong suốt 10 năm sau đó, với những chuyến đi dọc chiều dài đất nước.

Hơn 10 năm nay, ông Enzo quyết định dừng làm việc cho tổ chức  “Thầy thuốc không biên giới”, hai ông bà về Đà Nẵng, quê hương của bà Tâm sinh sống và cùng sáng lập tổ chức “Care the People”, chăm sóc trẻ em bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng. Ngoài ra, ông Enzo còn làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ để tìm nguồn hỗ trợ cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Theo ông Enzo Falcone, chính sự đồng cảm, sẻ chia với người khác giúp hai vợ chồng chia sẻ và hiểu nhau hơn. Và khi làm việc cùng vợ, ông còn hiểu người phụ nữ Việt rất năng động, mạnh mẽ, kiên định, không hề ngại khó, ngại khổ. Chính những tính cách này của bà Mỹ Tâm khiến Enzo hiểu rằng tình yêu của hai người ngày càng sâu nặng, bởi như ông nói thì vẻ bề ngoài và tính cách ban đầu khiến người ta yêu nhau; còn khi đã là một gia đình, có hai đứa con, làm việc cùng nhau thì những hành động, tấm lòng của người bạn đời mới chinh phục trọn vẹn trái tim của người còn lại; nhờ đó tình yêu của hai người ngày càng đẹp và sâu sắc hơn.

Ông Enzo Falcone tự nhận mình “60% là người Việt” khi ông có tên Việt Nam là Lưu Hòa Bình, hằng ngày hoàn toàn ăn cơm và các món ăn Việt Nam dù món mì Ý quê hương ông nức tiếng thế giới và vợ ông là đầu bếp chính trong gia đình. Hai con ông, con trai 15 tuổi và con gái 13 tuổi vừa giống bố vừa giống mẹ khiến Enzo nghĩ rằng ngay tại thời điểm hiện tại, ông có một ngôi nhà như ý, hai đứa con ngoan và một người vợ-người yêu chia sẻ với ông mọi chuyện, điều đó vượt cả những điều ông mong đợi. Và quê hương, gia đình vợ khiến ông không hề thấy lạc lõng và “Đà Nẵng là thành phố cuối cùng tôi chọn, sau khi đi khắp Việt Nam”.

Vì yêu, tôi đến Đà Nẵng

“Cơ duyên duy nhất khiến tôi gắn bó với Đà Nẵng suốt những năm qua chính là tình yêu”, ông Bertrand Courné, Trưởng đại diện người Pháp tại thành phố Đà Nẵng mỉm cười hạnh phúc khi chia sẻ lý do ông chọn thành phố bên sông Hàn là quê hương thứ hai của mình. Với ông, cuộc sống đầm ấm bên người vợ Việt yêu dấu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời, và cũng vì lẽ đó mà ông đã rời nước Pháp - mảnh đất chôn nhau cắt rốn để hòa mình với nhịp sống của người dân Đà thành.

Bà Thúy Loan và chồng, ông Bertrand Courné trong ngày cưới tại Đà Nẵng.
Bà Thúy Loan và chồng, ông Bertrand Courné trong ngày cưới tại Đà Nẵng.

 Nhiều người sẽ rất bất ngờ khi nghe Bertrand Courné kể về câu chuyện tình yêu giữa ông với người vợ Việt Nguyễn Thị Thúy Loan - một cô giáo dạy tiếng Pháp ở Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ông nói, đây là “tình yêu sét đánh”, một tình yêu nảy nở ngay từ ánh nhìn đầu tiên và rồi, hai trái tim từ hai nền văn hóa, hai đất nước khác nhau hòa chung nhịp đập, kết hoa thơm trái ngọt bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Năm 2004, khi Loan đang hoàn tất luận án tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại Paris thì tình cờ chúng tôi gặp nhau ở cabin điện thoại công cộng. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã biết đây là người phụ nữ của đời mình, người mình sẽ chung sống cho tới lúc về già. Tôi mời cô ấy ăn trưa nhưng bị từ chối. Sau đó, chúng tôi nói chuyện, dần hiểu nhau hơn và thường xuyên trao đổi thư qua lại bằng tiếng Pháp. Loan viết thư tình rất hay. Tôi chưa gặp người phụ nữ nào viết tiếng Pháp hay và chuẩn như vậy”, gương mặt Bertrand Courné toát lên niềm hạnh phúc khi tâm sự về câu chuyện tình của mình.

Bertrand Courné kể rằng, khi đang ở độ tuổi thiếu niên, những người bạn đồng trang lứa với ông đi lính tại Việt Nam và khi trở về Pháp, họ nói người phụ nữ Việt Nam rất đẹp, rất dịu dàng và đáng yêu. Từ lúc đó, Bertrand Courné đã có những tình cảm trân trọng dành cho phụ nữ Việt Nam. “Năm hơn 20 tuổi, tôi đã có ý định tìm hiểu và sống ở Việt Nam vì qua những gì bạn tôi kể, tôi nghĩ Việt Nam rất tuyệt vời. Tôi đã đi du lịch đến hơn 130 quốc gia nhưng chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào đẹp hơn phụ nữ Việt Nam mà đại diện là vợ tôi. Phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, cần cù, chăm chỉ và biết hy sinh cho gia đình”, Bertrand Courné không chút ngần ngại dành cho phụ nữ Việt những lời khen ngợi thật lòng và chân tình như vậy.

Từ năm 2006 đến nay, ông gắn bó với mảnh đất này, xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Cùng trò chuyện và là người phiên dịch giúp cho chúng tôi, Quân - con trai riêng của cô Loan chia sẻ: “Em rất quý cha Bertrand Courné và thấy tình cảm cha dành cho mẹ mình rất thắm thiết. Họ như những người bạn tri kỷ của nhau vậy và qua thời gian, tình cảm đó chứng minh sự lựa chọn của họ không hề sai lầm”.

Người Việt có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng”, vậy mà bà Thúy Loan lại viết nên một câu chuyện ngược lại. Anh chồng Bertrand Courné đã theo vợ về Việt Nam, sinh sống tại Đà Nẵng và trở thành một trong những giáo viên dạy tiếng Pháp rất “chuyên nghiệp” đối với sinh viên Đà Nẵng. Ngoài giờ làm việc, chiều nào Bertrand Courné cũng đạp xe dạo quanh khu phố nơi ông cùng vợ sinh sống, thường xuyên đến mức mà những người dân địa phương đều “nhẵn mặt”. Họ mời ông ăn uống để được trò chuyện, cười đùa với ông Tây đi xe đạp, nói tiếng Việt còn bập bõm. Cho đến giờ, sau hơn 8 năm gắn bó với Đà Nẵng, Bertrand Courné đã hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Ông yêu mến thành phố hiền hòa này không chỉ vì Đà Nẵng có nhiều cảnh đẹp, mà còn bởi con người nơi đây thật hòa đồng, nhiệt tình và thân thiện. Bertrand Courné cho biết, hiện tại ở Đà Nẵng có hơn 50 người Pháp đang làm ăn, sinh sống. Đa phần họ đều đã lớn tuổi và muốn chọn Đà Nẵng làm nơi để tận hưởng cuộc sống. Một số người đứng ra mở quán bar, nhà hàng, vẽ tranh, thậm chí là dạy võ thuật… Tất cả họ đều yêu mến thành phố bên sông Hàn thơ mộng và xem đây như quê hương thứ hai của mình.

“Tôi tiếc là mình đã không gặp được Loan sớm hơn, nếu không tôi đã đến Việt Nam, đến Đà Nẵng sớm hơn nữa. Cuộc sống ở đây thật tuyệt vời, yên bình và tôi rất hài lòng với mái ấm hiện tại của mình. Tôi thường hay nói với những người bạn của mình rằng hãy đến Việt Nam và gặp gỡ những người phụ nữ Việt Nam đích thực thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy hạnh phúc”, Bertrand Courné không giấu cảm xúc hạnh phúc, chen lẫn niềm vui khi nói về cuộc sống của mình. Giờ đây, Đà Nẵng với ông đã là một phần không thể tách rời, bởi nơi đây, ông được chia sẻ cuộc sống với người vợ Việt Nam thân thương và tìm thấy một không gian sống bình yên. Chính tại thành phố này, Bertrand Courné cùng người thân, bạn bè chứng kiến những đổi thay vượt bậc của Đà Nẵng, để rồi mỗi khi nhắc đến, những người Pháp như Bertrand Courné sẽ không bao giờ tiếc nuối vì đã chọn thành phố biển xinh đẹp là nơi an cư, lạc nghiệp.

Ghi chép HOÀNG NHUNG - MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.