.

Khi ý thức là... thói quen

.

Chấp hành luật lệ giao thông không đơn giản chỉ thấy đèn đỏ là dừng, đèn vàng chuẩn bị và đèn xanh đi tiếp, hoặc đi vào đúng làn đường, phần đường quy định… mà nó còn hàm chứa nhiều hành vi khác của người điều khiển phương tiện giao thông.

Ở đâu có bóng dáng Cảnh sát giao thông, ở đó người tham gia giao thông chấp hành luật tốt và ngược lại. (Ảnh chụp tại điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và Lê Duẩn trong một thời điểm ùn tắc).
Ở đâu có bóng dáng Cảnh sát giao thông, ở đó người tham gia giao thông chấp hành luật tốt và ngược lại. (Ảnh chụp tại điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và Lê Duẩn trong một thời điểm ùn tắc).

Lỗi do con người

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 64 người, bị thương 92 người, thiệt hại tài sản trị giá 795,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2012, giảm 18 vụ, giảm 1 người chết và 35 người bị thương. Theo phân tích, trên 80% các vụ TNGT xảy ra do ý thức kém của người tham gia giao thông.

Điều đó không có gì bất ngờ. Bởi chỉ cần trực tiếp tham gia giao thông trên đường phố trong một vài giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy “lỗi giao thông” của nhiều người. Lỗi nhỏ có thể kể đến như đi không đúng làn đường, vượt xe sai quy định, tự tiện dừng, quẹo trái, phải không bật đèn xi-nhan, đi vào đường ngược chiều, sang đường quá sớm… Lỗi lớn như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, bóp còi inh ỏi, vượt đèn đỏ, nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện xảy ra như chuyện thường ngày, ở bất cứ đâu, đặc biệt tại nơi không có bóng dáng CSGT. Điều này không phải những người “cầm cân nảy mực” trong ngành giao thông không biết đến. Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT thành phố ví von, ở đâu có mặt lực lượng CSGT, ở đó người tham gia giao thông chấp hành luật tốt. Nhưng cái khó là lực lượng CSGT không đủ người để có mặt khắp nơi và mọi thời điểm trong ngày làm nhiệm vụ.

Năm 2013 tiếp tục là năm An toàn giao thông (ATGT). Hàng loạt giải pháp được Ban ATGT thành phố Đà Nẵng phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhằm bảo đảm trật tự, giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ cũng như ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đặt mục tiêu phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương so với năm 2012.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng, giải pháp được thực hiện, nhưng nếu ý thức của người điều khiển phương tiện kém thì cũng bằng không. Đơn cử, tại khu vực cầu vượt Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) trong vòng 3 tháng đã xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng do va chạm giữa xe tải và xe máy làm chết 3 người. Nguyên nhân được xác định là do tài xế xe tải khi đến đoạn này rẽ phải vào đường Cách mạng Tháng 8 đã không chú ý quan sát, phóng nhanh vượt ẩu để xảy ra va chạm với xe máy đi cùng chiều.

Tuyên truyền chưa tới?

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố, cho biết có gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35. Trong đó không hiếm trường hợp là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố. Câu hỏi đặt ra, phải chăng tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn chưa đến được với đối tượng cần tuyên truyền?

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT thành phố đã in 10.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện phát đến các cơ quan, đơn vị. Tổ chức treo 489 băng- rôn, 2.580 tờ phướn. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức 20 buổi tuyên truyền cho đối tượng phụ huynh học sinh ở trường học và khu dân cư, cấp phát 15.000 tờ rơi về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em… Bên cạnh đó, Đội tuyên truyền của Phòng CSGT Công an thành phố tổ chức báo cáo chuyên đề cho đội ngũ lái xe, đoàn viên thanh niên, các hội, đoàn thể, công nhân khu công nghiệp, doanh nghiệp vận tải và trường học. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Đến thừa nhận, khó nhất là tuyên truyền cho thanh-thiếu niên và công nhân khu công nghiệp vì họ ít có mặt trong thời gian sinh hoạt cùng gia đình, không tham gia các cuộc họp tổ dân phố. Đặc biệt, ở các công ty nước ngoài, không có tổ chức công đoàn thì hầu như không tuyên truyền được. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê chia sẻ, công tác tuyên truyền đến đối tượng thanh-thiếu niên chỉ đến với những em tham gia sinh hoạt đoàn ở địa phương hoặc trường học. Còn những thanh niên không tham gia các tổ chức đoàn, thì chỉ dừng lại ở mức độ nhất định vì khó tiếp cận. “Chỉ có thể chờ đợi như kiểu mưa dầm thấm lâu”, ông Tĩnh nói.

Đang trên đường thực hiện chương trình “Nông thôn mới”, nhưng Hòa Vang là địa phương có số vụ TNGT tăng đáng kể trong thời gian qua. Riêng từ đầu năm đến nay đã xảy ra 24 vụ làm chết 21 người, bị thương 13 người, tập trung vào các tuyến đường giao thông nông thôn. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng lạm dụng bia rượu trong giới trẻ, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách. Để từng bước khắc phục, thời gian tới các ngành chức năng sẽ mời những đối tượng là thanh niên, người từng vi phạm lỗi giao thông bằng hình thức giấy mời để bảo đảm việc tuyên truyền đến được đối tượng cần thiết.

Theo ý kiến của nhiều người quan tâm đến ATGT, muốn thay đổi ý thức của người điều khiển phương tiện cần phải có thời gian, ngắn hay dài phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Thứ nhất, tăng cường tuần tra kiểm soát để người dân dần áp dụng luật giao thông như một thói quen. Thứ hai là khi tuyên truyền và giáo dục, nội dung cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Ngoài ra, cần đưa giáo dục ATGT vào nhà trường để có một thế hệ người Việt Nam mới biết luật cũng như biết chia sẻ, nhường nhịn và có văn hóa, ý thức khi lưu thông trên đường.

Từ đầu năm đến tháng 7-2013, lực lượng Công an toàn thành phố đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 39.787 trường hợp vi phạm. Trong đó xử phạt 37.992 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước 22.531 tỷ đồng. Tạm giữ 76 ô-tô, 1.981 mô-tô, 3 xe máy điện. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 4.365 trường hợp. Gửi thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đến nơi cư trú, công tác, học tập theo Thông tư số 38 của Bộ Công an 2.667 trường hợp. Ngoài ra còn phối hợp với Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý và nhắc nhở nhiều trường hợp chạy xe quá tải, chở hàng cồng kềnh, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, xe mô-tô kéo đẩy xe khác, vi phạm nồng độ cồn…

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.