.

Kiên quyết xử lý nạn xe dù

.

Quan điểm của ngành Giao thông cũng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự về vấn đề tình trạng “xe dù, bến cóc” là ngoài việc chấn chỉnh, phải giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nhu cầu người dân…

Nhiều xe chạy tuyến đường ngắn thường xuyên dừng, chạy chậm đón khách sau khi ra khỏi bến xe Đà Nẵng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường. (Ảnh chụp tại số nhà 210 Tôn Đức Thắng sáng 2-8)
Nhiều xe chạy tuyến đường ngắn thường xuyên dừng, chạy chậm đón khách sau khi ra khỏi bến xe Đà Nẵng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường. (Ảnh chụp tại số nhà 210 Tôn Đức Thắng sáng 2-8)

Điểm mặt “xe dù” và “bến cóc”

Tình trạng xe khách chạy các tuyến cố định, đường ngắn (trên dưới 300km tính từ Đà Nẵng) bắt khách ngoài khu vực bến không đúng nơi quy định (“xe dù”) đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp chấn chỉnh. Dù có Cảnh sát trật tự (CSTT) đứng chốt, nhưng vẫn có những xe khách “lờn mặt”, sẵn sàng dừng đón khách, dù đó là đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự của các lực lượng, ngành chức năng hay chỉ là những ngày thường.

Sáng 2-8, ngày thứ 2 sau đợt ra quân xử lý phân làn, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, những tuyến xe chạy đường ngắn như Đà Nẵng-Huế, Đà Nẵng-Đông Hà, Đà Nẵng-Quy Nhơn và các tuyến Đà Nẵng đến Quảng Nam vẫn “nhởn nhơ” dừng đón khách. Vừa ra khỏi bến chừng 200m, xe khách biển số 43S 9420 xuất bến vào khoảng 9g30, dừng hẳn trước số nhà 210 Tôn Đức Thắng bắt khách. Lúc đó một xe chạy tuyến Đà Nẵng-Đông Hà cũng vừa ra khỏi bến, chạy lên trước và dừng hẳn ở trước nhà thờ Tin lành Hòa Mỹ đón khách. Chừng 20 phút, xe biển số 43S 9420 mới chuyển bánh sau khi một xe khách khác chạy tuyến Huế biển số 43B 00252 ra khỏi bến, cũng dừng trước số nhà 210 Tôn Đức Thắng. Cụm từ mà các lái và phụ xe đón khách dọc đường này thường dùng là “hết phiên” để chỉ hết thời gian “được phép” đón khách ngoài bến, khi có chuyến xe khác đến phiên chạy.    

Và tình trạng này lặp lại giống như vậy, với các xe chạy tuyến Quảng Nam và Quy Nhơn (Bình Định). Riêng nhiều xe chạy tuyến Bình Định còn dừng hẳn lại khá lâu gần gầm cầu vượt Hòa Cầm để đón khách.

Cách đây gần 10 năm, những người quê Quảng Ngãi chọn Bệnh viện C17 để  khám và điều trị bệnh đều có một chuyến xe biển số 76, đề tuyến Đức Phổ-Đà Nẵng chạy thẳng đến bệnh viện đón, trả khách. Đều đặn nhiều năm như thế, từ khi bệnh viện còn đi cổng cũ (nay là đường Đặng Thùy Trâm) cho đến hiện nay bệnh viện đã xây mới, chuyển cổng ra đường Nguyễn Hữu Thọ.

Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng (VT&QLBX) còn “điểm mặt” được 9 điểm khác được gọi là “bến cóc” đón, trả khách không đúng nơi quy định, đi sâu vào nội thành như ở Âu thuyền Thọ Quang (đường Vân Đồn), Bệnh viện Bình Dân (số 376 Trần Cao Vân), Bệnh viện Đà Nẵng (103 Quang Trung), Bệnh viện Hoàn Mỹ (161 Nguyễn Văn Linh), siêu thị điện máy Nguyễn Kim (46 Điện Biên Phủ), trước số nhà 192-194 Hà Huy Tập, số 115 Lê Đình Lý …Chưa hết, có nhiều nơi trên địa bàn thành phố như tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi, tại cổng Trường ĐH Kinh tế, Học viện Chính trị - hành chính khu vực 3… xuất hiện xe đón, trả khách vào các ngày, nhiều nhất là ngày đầu và cuối tuần đã nhiều năm nay. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp vận tải tư nhân tổ chức bán vé, đặt chỗ chạy tuyến cố định, núp bóng dưới xe chạy hợp đồng hoặc xe tour du lịch đón, trả khách trên đường Điện Biên Phủ như nhà xe Cẩm Vân, Đình Nhân và Xuân Tùng chạy tuyến Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh và có 6 xe chạy tuyến đường dài khác.

Đến nay có tất cả 76 xe hoạt động không đúng tuyến, đón/trả khách không đúng quy định, chạy vào nội thành, trong đó có 57 xe đăng ký biển số Quảng Ngãi, 16 xe đăng ký biển số Bình Định, 3 xe đăng ký biển số Đà Nẵng.

Kiên quyết xử lý…

6 tháng đầu năm 2013, CSTT xử lý 3.242 trường hợp xe đón trả khách không đúng nơi quy định, xe chạy không đúng tuyến, phạt 2,44 tỉ đồng. Từ ngày 4 đến 30-7-2013, CSTT phối hợp với TTGT xử phạt 14 trường hợp, phạt 30,1 triệu đồng. TTGT đã ra quyết định xử phạt 203,2 triệu đồng với 54 trường hợp xe chở khách không có giấy phép kinh doanh, không có phù hiệu, chạy không đúng tuyến, đón trả khách không đúng quy định.

Gọi là “xe dù”, “bến cóc” nhưng thực tế là ở Đà Nẵng chưa tồn tại hai hình thức này. “Bến cóc” ở Đà Nẵng mới chỉ là những xe không đủ điều kiện kinh doanh, xe trá hình (chạy không đúng tuyến đường, không có hợp đồng vận chuyển, không có danh sách hành khách). Nhưng ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng ban An toàn Giao thông, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho rằng dù tồn tại manh nha, vẫn cần kiên quyết xử lý triệt để “xe dù, bến cóc”, “cần quản lý chặt bằng những ràng buộc và xử lý phải cương quyết mới cơ bản dẹp được tình trạng trên. Ví dụ như đoạn dưới gầm cầu vượt Hòa Cầm cần có rào chắn, không cho buôn bán, để người đi xe không có chỗ chờ xe, vì đây là tuyến đường quốc lộ. Rồi ngành giao thông vận tải nên siết chặt công tác quản lý như doanh nghiệp đủ điều kiện mới được cấp phép kinh doanh; bao nhiêu xe thì đủ vì hiện nay lượng khách đi lại ở bến xe Đà Nẵng thấp hơn năng lực bến xe hiện có…”, ông Cường “hiến kế”.

Thượng tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng CSTT, Công an Đà Nẵng cho biết nhiều xe hoạt động kiểu “bến cóc” khi kiểm tra thấy xe có hợp đồng, do sở giao thông, hợp tác xã vận tải các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ký khống trước, thậm chí trong bản hợp đồng còn ghi “được phép đậu, đỗ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Với trường hợp này thì CSTT thu hồi luôn hợp đồng, xử phạt theo quy định, gửi công văn cho sở giao thông các tỉnh trên yêu cầu chấn chỉnh quản lý và cương quyết không cho xe trá hình hoạt động. Ngoài ra, CSTT cũng cương quyết xử lý những trường hợp xe biển số Đà Nẵng thực hiện gom khách, tập kết khách ở một điểm không được phép hoạt động.

Theo Thượng tá Sương thì thời gian tới sẽ triển khai ráo riết, xử lý dứt điểm các xe hoạt động trá hình. Còn với những xe vận chuyển khách chuyên dừng đón khách trên 2 tuyến đường quốc lộ thì khó xử lý dứt điểm. Bởi tuyến đường này không quy định tốc độ tối đa, luật thì không thể quy định tốc độ tối thiểu và CSTT cũng như cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT) chỉ được phép phạt xe “tĩnh”- tức xe đang dừng hẳn trên đường đón/trả khách; còn xe “động”- tức xe đang di chuyển (xe chạy với tốc độ “rùa bò” như hiện nay ngoài bến xe Đà Nẵng cũng được gọi là xe động), thì CS không có quyền dừng xe (trừ trường hợp xe đông, chèn ép khách; xe chở hàng cồng kềnh, làm rơi vãi - PV).

 Ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc CTCPVT&QLBX cho biết các chủ xe phải cam kết không được chạy “xe dù”; khi xe bị xử phạt, bến đều thực hiện đình phiên, cắt tuyến, vi phạm lần 1 cắt 1 phiên, lần 2 cắt 5 phiên, lần 3 cắt 15 phiên và lần 4 cắt lịch chạy. Theo ông Hoàng thì tình trạng xe dù xảy ra là bởi “cung vượt cầu”. “Hiện nay mỗi xe chỉ được chạy 20 phiên/tháng, 10 phiên nghỉ, nên có xe no, xe đói khách. Đôi khi lịch xuất bến chỉ chênh nhau vài phút các lái xe cũng cự cãi nhau. Còn chuyện xe này chờ xe kia xuất bến mới chính thức lên đường thì có thể đó là thỏa thuận ngầm giữa các lái xe, còn doanh nghiệp và các hợp tác xã không có chuyện thỏa thuận”.

Trong vai trò quản lý bến xe Đà Nẵng, ông Hoàng cho rằng vấn đề “xe dù, bến cóc” cần kiên quyết xử lý triệt để, nếu không sẽ gây mất trật tự bởi các xe này không phải nộp thuế, đi sâu vào nội thành, gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải. “Nhiều doanh nghiệp vận tải gửi đơn lên ban giám đốc chúng tôi yêu cầu làm mạnh hơn nữa vì họ chịu giám sát hành trình, xuất bến rất chặt chẽ, phải đóng thuế cho Nhà nước trong khi nguy cơ mất khách rất rõ ràng. Đến nay đã có 4/57 xe đăng ký tuyến Quảng Ngãi, gần 20 chiếc xe tuyến Quy Nhơn bỏ bến ra ngoài hoạt động. Nếu không giải quyết triệt để thì nguy cơ xe đường dài bỏ bến ra ngoài đón khách cũng sẽ xảy ra”, ông Hoàng cảnh báo.

Nhưng cần hài hòa lợi ích

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra sở GTVT Đà Nẵng cho rằng ngoài chuyện xử lý nghiêm những xe vi phạm “xe dù, bến cóc”, thì nên khảo sát vị trí, diện tích, phương tiện nào thường xuyên hoạt động, có đủ điều kiện hay không ở những nơi là “bến cóc”, để có biện pháp chấn chỉnh, nếu được thì cho các xe này tiếp tục hoạt động. Bởi đây là nhu cầu thực tế của người dân ở các tỉnh xa khi họ đến Đà Nẵng khám bệnh hay làm ăn (ở âu thuyền Thọ Quang), vì không thể nói quản lý không được là cấm. Nếu không có được những đề xuất cụ thể, những “bến cóc” này sẽ còn tồn tại.

Thượng tá Phan Thanh Sương cũng cho rằng nên giải quyết “có tình, có lý”, vì các xe này phục vụ người dân, giúp người dân đi lại thuận tiện, đỡ tốn kém. Nhưng về lâu dài thì các xe chạy vào nội thành, đến những điểm như bệnh viện, trường học như kể trên phải đăng ký lịch trình, có hợp đồng, phải nộp thuế để tránh thất thu cho Nhà nước. Và cần thiết phải có xe trung chuyển (không thu phí) để người dân dễ dàng đi lại giữa bến xe và các bệnh viện.

Nhưng điều ông Lê Viết Hoàng lo nhất là hành khách không có nhu cầu vào viện vẫn muốn đi các xe vào nội thành, để đỡ mất thêm chi phí đi lại, đỡ tốn thời gian, “mà nếu như thế thì vai trò của bến xe không còn, tình trạng lộn xộn sẽ khó xử lý triệt để, doanh nghiệp vận tải sẽ còn gặp khó”. Cũng theo ông, nếu cần xe trung chuyển, bến xe sẽ bố trí xe từ bến xe Đà Nẵng đến âu thuyền Thọ Quang,  còn các tuyến đường khác đến Bệnh viện C17, Hoàn Mỹ, Phụ sản – Nhi hay Bệnh viện Đà Nẵng thì không cần đến xe trung chuyển vì các tuyến xe buýt đi Tam Kỳ, Ái Nghĩa và Hội An (30 phút/chuyến) đều đi qua các con đường có các bệnh viện trên; nếu không đi qua thì từ điểm dừng đến bệnh viện cũng chỉ cách vài trăm mét…

Số lượng xe đi các tuyến đường gần (>=300km) do công ty CPVT&QLBX Đà Nẵng quản lý:

Tuyến Đà Nẵng-Quảng Ngãi: 24 xe biển số Đà Nẵng (43) và 27 xe biển số Quảng Ngãi (76).

Tuyến Đà Nẵng-Huế: 37 xe biển 43 và 43 xe biển Thừa Thiên Huế (75)

Tuyến Đà Nẵng-Bình Định: 17 xe biển 43 và 43 xe biển Bình Định (77)

Tuyến Đà Nẵng-Quảng Trị: 25 xe biển 43 và 35 xe biển Quảng Trị (74)

Tuyến Đà Nẵng-Quảng Bình: 37 xe biển 43 và 26 xe biển Quảng Bình (73)

Lịch trình: tuyến Huế: 15 phút có 1 chuyến; tuyến Đông Hà 25 phút/chuyến; tuyến Quảng Bình: 30 phút/chuyến; tuyến Quảng Ngãi: 20 phút/chuyến.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.