.

Nhức nhối vỉa hè, chợ cóc

.

Vỉa hè, chợ cóc là câu chuyện dài nhiều tập mà có hay không “cái kết có hậu” còn tùy thuộc vào nhận thức của người dân và sự kiên quyết của cơ quan chức năng.

 Những hình ảnh phản cảm: “Chợ” trái cây di động bên chợ Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, lấn chiếm lòng đường Lương Nhữ Hộc (ảnh trái); chợ Kinh Dương Vương phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, chiếm hẳn đường Lâm Quang Thự. (Ảnh chụp sáng ngày 2-8-2013)
Những hình ảnh phản cảm: “Chợ” trái cây di động bên chợ Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, lấn chiếm lòng đường Lương Nhữ Hộc (ảnh trái); chợ Kinh Dương Vương phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, chiếm hẳn đường Lâm Quang Thự. (Ảnh chụp sáng ngày 2-8-2013)

Chuyển đổi hành vi bằng… xử phạt

Vỉa hè “nóng nhất” là quận Hải Châu, nơi có nhiều tuyến đường kinh doanh sầm uất, đến nỗi trong tổng số 74 cán bộ, viên chức của Đội Kiểm tra quy tắc (KTQT) đô thị quận thì đã có 47 người (nguyên là thanh niên xung kích cũ của thành phố) chuyên lo việc bảo đảm trật tự vỉa hè, chia thành 11 tổ quản lý 11 tuyến đường phức tạp về vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận. Ở 13 phường có tổ quản lý đô thị, nhưng xem ra làm việc không hiệu quả, không kiên quyết trong vấn đề xử lý vì do quá quen với người dân địa phương. Đội trưởng Huỳnh Văn Rân cho biết, đến tháng 11-2012, lãnh đạo quận đã quyết định đưa 39 nhân viên của Đội xuống tăng cường cho 13 phường, trong đó nhiều nhất là 3 phường được cho là “nhức nhối về vỉa hè” - như nhận xét của ông Rân, gồm: Thạch Thang, Hải Châu 1 và Hải Châu 2.

Từ khi có lực lượng tăng cường từ quận, các tổ quản lý này đã làm việc thẳng thắn, không sợ mếch lòng. Từ đầu năm đến ngày 20-7-2013, lực lượng KTQT về trật tự vỉa hè của quận và 13 phường đã lập hồ sơ trình người có thẩm quyền ban hành 449 quyết định (tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2012), xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 378 triệu đồng. Điều đáng nói là do có cả lý lẫn tình nên tất cả 449 quyết định này đều được người bị xử phạt chấp hành, không khiếu nại. Xuống kiểm tra, nếu cơ sở vi phạm, nhân viên của tổ, đội không khiêng bàn, khiêng ghế vì trông rất phản cảm, đôi lúc bị một số người có hơi men gay gắt phản ứng. Để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, nhân viên chỉ chụp hình rồi mời chủ cơ sở kinh doanh lên xử lý.

Nói thế, chứ cũng có vài trường hợp phải cứng rắn, như lần thu mấy bộ bàn của một quán lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trước đó, Đội đã mời chủ quán làm việc nhiều lần về hành vi vi phạm hành chính này nhưng chủ quán vẫn quá quắt, chứng nào tật đó. Lần thu bàn ghế đó, theo lời ông Rân, có một cán bộ gọi điện thoại đến phàn nàn rằng làm vậy là phản cảm. Tuy nhiên, ông Rân khẳng định rằng anh em làm hoàn toàn vô tư, vì cái chung; cả dãy vỉa hè không ai lấn ra, bỗng dưng thò ra mấy bộ bàn ghế mới là phản cảm; nếu không kiên quyết thì người ta sẽ cho là lực lượng KTQT thiên vị hoặc chủ quán có ai đó “chống lưng”.

Đối với các hộ “lỳ lợm”, biện pháp cuối cùng là sẽ không… phạt nữa, mà trình UBND quận tước giấy phép kinh doanh và đã có 2 cơ sở bị xử lý như thế sau 3 lần vi phạm. Quan điểm của chúng tôi là xử phạt không phải để thu tiền mà cốt sao cho họ chuyển đổi hành vi, chứ phạt xong mấy đồng rồi chứng nào tật nấy thì không hiệu quả - ông Rân nói.

Kẻ vạch vỉa hè

Công tác quản lý vỉa hè là rất khó, ảnh hưởng trực tiếp đến mưu sinh, quyền lợi kinh tế của người dân. Một thực tế diễn ra lâu nay là nhiều hộ nghèo trong kiệt hẻm đã ra chiếm dụng một chỗ trên vỉa hè ngoài đường mặt tiền để mưu sinh. Lãnh đạo thành phố vẫn thừa nhận sự tồn tại của “kinh tế vỉa hè”, bởi đã có không ít người nhờ đó mà nuôi con ăn học; nếu bây giờ cấm hẳn thì họ sẽ sống bằng gì? Trên quan điểm nhân văn này, từ ngày 1 đến ngày 15-8, chủ tịch UBND 13 phường thuộc quận Hải Châu sẽ hoàn thành phương án kẻ vạch vỉa hè để quản lý và thu một phần phí vỉa hè để bảo đảm đời sống người dân, an toàn giao thông (ATGT) và cảnh quan đô thị.

 Bạch Đằng là 1 trong 8 tuyến đường ở Đà Nẵng sẽ được kẻ vạch vỉa hè để bảo đảm đời sống người dân, an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.
Bạch Đằng là 1 trong 8 tuyến đường ở Đà Nẵng sẽ được kẻ vạch vỉa hè để bảo đảm đời sống người dân, an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.

Quận Liên Chiểu, ngoài việc giao cho Phòng Quản lý đô thị quận và UBND các phường giám sát và thu phí sử dụng vỉa hè, còn triển khai thí điểm theo kế hoạch xã hội hóa tự quản vỉa hè trên địa bàn quận với 3 tuyến đường chính là Tôn Đức Thắng, Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở.

Thực ra, theo ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý đô thị - Sở GTVT Đà Nẵng, thành phố đã từng kẻ vạch hoặc lát gạch khác màu (đối với một số tuyến đường xây dựng mới) để phân định vỉa hè, nhưng một số tuyến đường trọng điểm phức tạp trật tự vỉa hè qua thời gian và nâng cấp cải tạo đã mất vạch kẻ. Sở GTVT đang đề nghị UBND thành phố cho phép tiến hành tiếp tục kẻ vạch phân định phạm vi dành cho người đi bộ và phạm vi được phép sử dụng tạm thời vỉa hè nhằm tạo điều kiện cho người dân biết, thực hiện và lực lượng chức năng dễ dàng kiểm tra, xử lý.

Bao giờ chợ cóc thôi… nhảy?

Quận Liên Chiểu hiện còn 5 chợ cóc, chợ tạm, trong đó chợ gây phản cảm về cảnh quan đô thị và mất trật tự ATGT là chợ Kinh Dương Vương. Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, UBND quận đang trình UBND thành phố phê duyệt xây dựng hai chợ loại 2 trên địa bàn: Chợ Hòa Phú tại góc đường Kinh Dương Vương - Trần Đình Tri, chợ Hòa Hiệp Bắc tại phía Bắc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải 2. Khi hai chợ này hoàn thành và đưa vào sử dụng, UBND quận sẽ di dời và tiến đến triệt tiêu tất cả

các chợ cóc trên địa bàn quận.

Quận Hải Châu có 12 chợ cóc, đã xử lý nhiều lần rồi những vẫn tái diễn. Có những chợ nằm ngay trên trục lộ giao thông quan trọng, như tại giao lộ đường 3 Tháng 2 – Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bùi Văn Dũng 5 giờ sáng đã có mặt cùng với Chủ tịch UBND phường Thanh Bình trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng dọn dẹp. Chợ cóc Tiểu La ở Khu tập thể Hòa Cường, phường Hòa Cường Bắc, luôn gây mất ATGT, Đội KTQT quận đã xuống làm việc liên tục 4 ngày, mỗi ngày 3 lần sáng trưa chiều, sau khi ổn định mới giao lại cho UBND phường quản lý.

Theo thông tin của Phòng Kinh tế hai quận Thanh Khê và Sơn Trà, hai đơn vị này hiện không còn chợ cóc, chỉ thỉnh thoảng có một vài người mang cá biển lên bán dọc theo các con đường, cơ quan chức năng thường kiểm tra, nhắc nhở.

Thói quen ghé vào vệ đường mua hàng là một trong những nguyên nhân khiến cho chợ cóc khó triệt tiêu và cứ… nhảy lung tung. Vỉa hè, chợ cóc là câu chuyện dài nhiều tập mà có hay không “cái kết có hậu” còn tùy thuộc vào nhận thức của người dân và sự kiên quyết của cơ quan chức năng. Để có thể “dứt điểm” hiện trạng nhức nhối ảnh hưởng giao thông, mất mỹ quan đô thị này, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh đề nghị một giải pháp “cứng rắn”: “Không làm thì thôi, chứ làm thì phải kiên quyết. Chấp nhận việc ảnh hưởng đến đời sống của một số người, nhưng cái được lớn hơn là cả xã hội. Cái gì cũng có cái giá của nó”.

900 triệu đồng triển khai kẻ vạch vỉa hè

UBND thành phố đã cho chủ trương lập hồ sơ và triển khai kẻ vạch vỉa hè trên một số tuyến đường: Bạch Đằng (2,54 km), Trần Phú (2,46km), Lê Duẩn (2 x 2,22km), Nguyễn Văn Linh (2 x 2,17km), Nguyễn Hữu Thọ (2 x 4,68km), Phạm Văn Đồng (2 x 1,605km), Nguyễn Văn Thoại (2 x 1,16km), Ngô Văn Sở (2 x 0,4 km) và một số đoạn đường, tuyến đường khác phức tạp về trật tự vỉa hè.

(Nguồn: Sở GTVT Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.