.

Nước mắt đọng lại

.

Khơi lại chuyện đau buồn là điều chẳng nên, nhưng mong rằng những người đã và sẽ có nguy cơ gieo rắc tang thương cho đồng loại bằng sự vô ý thức của mình khi tham gia giao thông hãy ghé mắt xem qua những dòng này và tự thay đổi mình trước khi quá muộn.

 Anh Nguyễn Văn Cường cầu mong đừng ai phải bất hạnh vì tai nạn giao thông. Ảnh: V.T.L
Anh Nguyễn Văn Cường cầu mong đừng ai phải bất hạnh vì tai nạn giao thông. Ảnh: V.T.L

Đúng một tháng sau khi tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra ở ngã ba Huế, tôi đến thắp cho hai mẹ con người phụ nữ vừa bước qua tuổi 33 ấy một nén nhang. Chiều thu muộn, tiếng kinh chậm trầm khẽ vang lên đâu đó, khói hương tỏa nhẹ trên hai di ảnh mà ánh mắt của họ vẫn tinh anh một niềm tin vào những điều tốt đẹp còn ở phía trước. Chỉ tội người ở lại, có lẽ đã chạm đáy đau thương nên ánh mắt trở nên u uẩn, lặng người bên bàn thờ, trầm ngâm, thảng thốt.

Chuyện trò với tôi trong căn nhà cấp 4 ở tổ 7 Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, anh Nguyễn Văn Cường vẫn chưa hết bàng hoàng vì sao định mệnh lại gõ cửa cuộc đời mình cay nghiệt đến vậy.

Đó là một buổi sáng chủ nhật, bé Thỏ (tên khai sinh là Trâm Anh) bị sốt. Làm xong việc nhà thì khoảng hơn 9 giờ, vợ anh đưa bé đi khám bác sĩ, kết hợp đưa bé Tơ (tên khai sinh là Thanh Trâm) đi sắm đồng phục. Tơ đã chia tay Trường tiểu học Tây Hồ, vừa vào học lớp 6 được đúng 10 ngày ở Trường THCS Sào Nam, quận Hải Châu.

Cường mở tiệm sửa xe máy ngoài đầu hẻm 184 đường Nguyễn Như Hạnh. Ba mẹ con vừa đi được khoảng 15 phút thì có người đến tận nơi báo anh tin dữ. Ngổn ngang cảnh tang tóc nơi ngã ba Huế. Vợ anh nằm sấp trên mặt đường, bé Tơ thì ngửa người bất động. Cả hai đã vĩnh viễn ra đi, một sự ra đi không báo trước, không được nhìn mặt người thân và nói lời từ biệt sau cùng như những cuộc ra đi bình thường khác. Bé Thỏ nằm khóc thét cách đó không xa, được đưa gấp đi bệnh viện cấp cứu...

Mẹ anh nhà dưới đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thuận Phước, có tiền sử nhồi máu cơ tim, mọi người giấu tin nhưng rồi bà cũng biết. Chiều nào học xong bé Tơ cũng ghé nhà nội, chờ ba hoặc mẹ đến đón. Giờ thì sau trước quạnh hiu một nỗi đau tre già khóc măng non. Cường thì ngồi đâu sững đó. Khi nghe tôi hỏi chuyện đau buồn của gia đình xảy ra hôm nào thì anh bảo 28 tháng 5, nhưng rồi vội đính chính ngay là 25 tháng 8. Anh thui thủi một mình, vào ra nhìn hai bát nhang không còn nước mắt mà khóc. Thỉnh thoảng anh lại mơ hồ nghe tiếng vợ dưới bếp hoặc thảng thốt nghe tiếng con gái đi học về gọi ba…

Vợ chồng anh sống không mích lòng ai. Khi chuyện đau buồn đến với mình, anh đã được mọi người sẻ chia, đùm bọc. Bé Thỏ mới 9 tháng tuổi, sau khi được y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc tận tình, sức khỏe đang dần ổn định, được đứa em gái đã có gia đình ở chung nhà với mẹ anh, chăm sóc.

Trên bàn thờ, ngoài vòng hoa chia buồn của tổ dân phố địa phương, có câu liễn của thầy trò Trường tiểu học Tây Hồ và Trường THCS Phan Sào Nam, có vòng hoa của các chị tiểu thương chợ Hàn chia sẻ nỗi đau cùng mẹ của Cường - người đã mấy chục năm bán chuối ở đó. Ấn tượng hơn hết, có lẽ là hai câu thơ lục bát viết theo dạng thư pháp thành hai vế: Hoàng hôn nghiêng giữa vô thường/ Ngàn năm vĩnh biệt tâm hương còn nồng. Một người em của Cường biết chị dâu vốn say mê thư pháp nên đã nắn nót viết tiễn chị và cháu.

Tin buồn gia đình Cường lan khắp xóm Đa Phước dưới chân cầu Thuận Phước, bởi mẹ anh ở đó. Có một người đón nhận nguồn tin với sự cảm thông sâu sắc là anh Nguyễn Văn An, 4 năm trước một TNGT suýt lấy đi mạng sống người thân của anh. Vợ anh mở tiệm tạp hóa nhỏ trong nhà, một chiều chị mua hàng ở chợ chạy xe về đường Thanh Thủy thì bị một thanh niên đi ngược chiều tông vào, ngã sóng soài trên mặt đường. Anh hay tin chạy đến thì người chị đã phù nề; đưa đi cấp cứu, bác sĩ bảo bị gãy quai hàm mặt bên phải, rất nặng, tưởng đâu không qua khỏi. Điều trị mất một tháng.

“Mình đã khổ rồi, anh ta còn khổ hơn – anh An nói về người gây tai nạn cho vợ anh. Anh ta chạy vạy đâu được 800 nghìn đồng mang xuống nói là gửi tiền thuốc thang, tôi đưa lại 300 nghìn, bảo về mua sữa cho em bé. Cũng tội, anh ta làm phụ hồ, quá nghèo, nghe tin vợ sinh nên chạy vội chạy vàng. Tôi thấy thế cũng không truy cứu trách nhiệm làm gì”.

Anh An làm tổ trưởng dân phố, phó ban bảo vệ dân phố từ 1994 đến nay, sống với bà con lối xóm như bát nước đầy. Lúc vợ anh bị nạn, ai nấu món chi ngon ngon cũng mang tới nhà để bồi dưỡng cho chị. Anh một mình bươn chải nuôi vợ và 4 con. Sáng làm công tác quản lý chợ xếp Đa Phước, chiều chạy xe thồ, tối đi trực bảo vệ dân phố. Vợ anh mỗi khi trở trời là đau nhức nửa đầu bên phải, đầu óc không còn minh mẫn như trước.

Con chim đã một lần bị tên thì thấy cái gì cong cong cũng đâm sợ. Với những người bị TNGT, họ dè dặt mỗi khi xuống đường và cảm thông mỗi khi nghe ai đó bị tai nạn. Chị Lê Thị Thu Hiền, nạn nhân của một vụ đụng xe năm 2000, mỗi lần nghe thông tin về những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, trong lòng chị nhiều nỗi đau tưởng chừng đã nguôi ngoai lại trở về như mới hôm qua.

13 năm trước, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Công nhân Bưu điện II chưa nóng tay thì Hiền bị TNGT trầm trọng, ô-tô cán nát chân phải. Ở lứa tuổi đẹp nhất trong đời, chị không sao tưởng tượng được rằng mình sẽ sống như thế nào nếu thiếu mất một chân. Thế mà định mệnh đã lạnh lùng ném vào đời chị một số phận đắng cay. Nằm ở khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đà Nẵng được một tháng thì bác sĩ bảo chị bị nhiễm trùng nặng, chân bị hoại tử, sẽ cắt dần lên, người nhà nên chuẩn bị lo hậu sự.

Còn nước còn tát, vết thương ở hông chị đã vá đi vá lại 4 lần rồi mà vẫn không liền thịt. Bác sĩ quyết định tiểu phẫu: hoặc gây mê bằng thuốc phiện (gia đình phải cam đoan nếu sau này chị bị nghiện thì đưa đi cai), hoặc mổ trực tiếp. Đi cai thì tiền đâu? Chị bảo với ba mẹ là mình chấp nhận mổ trực tiếp. Bác sĩ bảo đau lắm, con có chịu được không? Dạ được, bác sĩ cứ làm đi – chị cương quyết.

Bác sĩ lấy da dưới bắp chân trái đắp lên hông chị, cắt tới đâu y tá đổ thuốc, băng bó tới đó. Chị nghiến chặt răng, chiếc khăn cắn trong miệng lún sâu để hai hàm răng chạm vào nhau. Ba chị nước mắt ràn rụa trên mặt chị. May tất cả 18 mũi. Anh y tá đang may, không nén nổi xúc động, chạy ra ngoài khóc. Hai chị y tá mặt đầy nước mắt, bảo em hãy hét lên đi. Xong việc, bác sĩ Ngọc - người được xem là vá da giỏi nhất của bệnh viện lúc đó, quăng dao cúi xuống bảo: Đời ta cầm dao mổ mấy chục năm rồi nhưng chưa thấy ai lì như con, hãy làm con nuôi của ta nhé.

Sau một tháng 25 ngày nằm viện, Hiền được đưa về nhà. Của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi cộng với nghị lực phi thường của chị đã cứu chị thoát khỏi bàn tay tử thần.

Không đầu hàng số phận, chị đi học vi tính, ngoại ngữ, đến năm 2005, được Ban Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng tuyển dụng và trở thành giao dịch viên tại Bưu điện Đà Nẵng II (quận Liên Chiểu). Chị say mê luyện tập môn cầu lông trên xe lăn và đạt nhiều Huy chương vàng tại các kỳ Đại hội Thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Đặc biệt, chị đã hai lần liên tiếp đứng trên bục cao nhất ở đấu trường ParaGames về nội dung cầu lông đơn nữ. Vậy là cuối cùng, chị đã “cãi” lại số phận của chính mình, có một mái ấm hạnh phúc với cậu con trai lên 5.

Khơi lại chuyện đau buồn là điều chẳng nên, nhưng mong rằng những người đã và sẽ có nguy cơ gieo rắc tang thương cho đồng loại bằng sự vô ý thức của mình khi tham gia giao thông hãy ghé mắt xem qua những dòng này và tự thay đổi mình trước khi quá muộn.

Chia tay họ, tôi mang về nụ cười đầy tự tin của Hiền, ánh mắt nhẫn nhịn của anh An và gương mặt đượm buồn của Cường. Con gắng học giỏi, ba sẽ tặng chiếc xe đạp mới thay xe cũ - lời Cường hứa với bé Tơ dù có đổi cả đời mình, anh cũng sẽ vĩnh viễn không thực hiện được. Hôm đó anh lững thững tiễn tôi ra cổng rồi bần thần nhìn trẻ con trong xóm chơi trò múa lân, dù Tết Trung thu đã qua đi được 4 ngày. Tiếng trống thúc giục, con lân tí hon mình đỏ nhảy chồm lên trong tiếng hò reo thích thú của bọn trẻ. Tôi thấy trong mắt Cường có ngấn nước…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.