.

Bắt bệnh... y đức

Y đức ở đâu và lúc nào cũng là vấn đề thời sự, nhưng có lẽ chưa bao giờ nó trở thành vấn đề nóng bỏng, được đưa ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt như hiện nay, trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như câu chuyện thường nhật ở mỗi gia đình, từ diễn đàn quốc hội đến chương trình nghị sự của các cấp quản lý.

Y đức ngày xưa

Nói “Y đức”, người Việt nào cũng hiểu là “đạo đức của ngành y”, hay “đạo đức của người làm nghề y”, một nghề cổ xưa như trái đất. Vậy mà, tra cứu trong nhiều từ điển, cả tiếng Việt, tiếng Hán, lẫn Hán-Việt, Việt-Hán… không thấy đâu có mục từ “Y đức”. Tương cận với khái niệm y đức ngày nay, ta thường bắt gặp rải rác trong y văn ngày xưa những lời huấn thị, cách ngôn, dạy về những điều nên làm, nên tránh áp dụng cho thầy thuốc, ví dụ như bài Y huấn cách ngôn mà Hải Thượng đã trích dẫn trong tác phẩm “Lãn Ông tâm lĩnh” của mình (xem bản dịch trên báo ĐNCT ra ngày 24-2-2013).

Liên quan đạo đức người làm thuốc, người xưa thường nói đến khái niệm khá siêu hình là “âm đức” hay “âm công”, như trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu có viết: “Nhớ câu “Y tích âm công”/ Ta nên chứa phúc để dành lâu thay”. Từ “âm công” đồng nghĩa với “âm đức” được Đào Duy Anh giải nghĩa là “công đức kín mà người ta không thấy được, chỉ quỷ thần biết thôi”. Phải chăng, theo dụng ý người xưa, bản chất của ngành y là cứu người, cái đức của thầy thuốc là cứu người, thì không cần cho thấy, không cần nói ra, không cần phô trương cho ai ai đều biết. Đó mới đích thực là người có “đức” vậy.

Có lẽ cũng cần nói thêm, người xưa vốn trọng “đạo” hơn là “đức” (Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử khẳng định: mất đạo nên mới có đức…). Vì vậy người học và làm nghề thuốc được xem là đã nhập môn và thực hành Y đạo. Y đạo mới thực sự quan trọng chứ không phải là Y đức. Bởi Y đạo bao hàm cả Y triết, Y lý, Y thuật và Y đức. “Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền” (Đạo y học thấu tận cùng/ Soi lòng vắng lặng chứng thông lẽ thiền) - chẳng phải Lãn Ông từng có câu thơ bất hủ đó sao?

Y đức ngày nay

Ngày 4 tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập, do một Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, bà Bộ trưởng cũng đã tỏ ý bức xúc và thẳng thắn thừa nhận: “Thời gian qua đã có quá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan tới y đức, thái độ của y, bác sĩ với bệnh nhân, do vậy thời gian tới chúng ta cần phải tiến hành (xử lý) nghiêm việc này nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân”. Một số giải pháp đã được Bộ trưởng cho biết, là sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử, tiếp tục giáo dục nâng cao y đức, tăng cường thanh kiểm tra, thành lập đường dây nóng ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh và thành lập nghiệp đoàn y bác sĩ để có thể vừa bảo vệ bác sĩ, vừa bảo vệ người bệnh…

Có cảm giác hội nghị được tổ chức như là “mất bò mới lo làm chuồng”, một động thái “phản ứng nhanh” trước dư luận xã hội chứ chưa thật sự đi tìm những giải pháp căn cơ để chấn chỉnh những yếu kém thiếu sót của ngành y. Không chỉ vấn đề “y đức”, ngay cả đối tượng “hành nghề y dược ngoài công lập” được chọn trong chủ đề hội nghị có vẻ như là “con dê tế thần”. Bởi lẽ, những căn bệnh trầm kha của ngành y hiện nay, từ những ca tử vong bất thường cho tới không ít vụ việc sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn và quản lý đã xảy ra… chủ yếu trong hệ thống y tế công lập. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận vấn đề mấu chốt là do “quản lý yếu kém” thì còn lâu mới giải quyết được bức xúc của người dân.

TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), một trong những chuyên gia chuyên nghiên cứu về những chính sách và vấn đề y tế, nhận định: “Có nhiều bằng chứng để nói lên rằng hệ thống y tế từ nhiều năm nay đang trượt theo xu hướng thương mại hóa, đặt mục tiêu lợi nhuận trên sức khỏe, tính mạng người bệnh và phần lớn nguồn tiền thu được này đang làm giàu cho các công ty dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị máy móc vật tư tiêu hao...

Qua nghiên cứu của chúng tôi thì hệ thống y tế công hiện nay của chúng ta đang trong tình trạng công - tư lẫn lộn do cơ chế điều hành quản lý của chúng ta. Dịch vụ y tế công nhưng điều hành lại theo cơ chế thị trường, tự hạch toán. Với việc thực hiện việc tự chủ trong bệnh viện, với quỹ lương cho cán bộ y tế bệnh viện trích từ nguồn thu phí dịch vụ từ bệnh nhân thì rõ ràng hoạt động của bệnh viện công hiện nay đang được đặt vào bài toán tự điều chỉnh lợi nhuận. Do đó, khi bệnh viện bị đặt vào tình huống phải xem bệnh nhân là nguồn thu thì vô hình trung đã đặt y bác sĩ vào môi trường mà họ buộc phải coi công việc họ làm luôn luôn bị đặt trong tình trạng “được quản lý theo kiểu kinh doanh”. Đấy là tiền đề đẩy nhân viên y tế rời xa các cam kết y đức”.

Thiết tưởng ý kiến của TS.BS Trần Tuấn trong một bài trả lời PV báo SGGP hồi tháng 8-2013 dẫn lại trên đây rất đáng được nghiên cứu để các nhà quản lý tìm lời giải chính xác nhất cho bài toán y đức ngày nay.

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.