.

Hai thế kỷ văn hóa Phật giáo

.

Khi nói đến danh thắng Ngũ Hành Sơn, chúng ta nghĩ ngay đến những hang động, chùa chiền, nơi tham quan, trẩy hội, đi lễ Phật… mà ít ai lưu tâm đến những duyên cớ và bối cảnh lịch sử nào đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển đạo Phật tại thắng tích này để từ đó nơi đây được xem là vùng đất Phật.

Dâng lễ lên chùa Tam Thai. Ảnh: P.B
Dâng lễ lên chùa Tam Thai. Ảnh: P.B

Những vị vua sùng kính đạo Phật

Theo tương truyền và sử liệu, nhà Nguyễn là triều đại có những biệt đãi và ban nhiều ân sủng đối với Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn.

Khi chúa Nguyễn Ánh đối đầu với quân Tây Sơn (Nguyễn Huệ), đã ẩn náu tại các hòn đảo ngoài biển và có lần lạc đến vùng đất Ngũ Hành Sơn nghe sư thuyết pháp. Từ đó, chúa nguyện rằng, nếu thống nhất sơn hà, lập được vương triều, nhà Nguyễn sẽ cho xây dựng chùa chiền, tôn tạo cảnh quan để nơi đây trở thành là trung tâm Phật giáo của cả nước. Thế nhưng, khi chiến thắng quân Tây Sơn xong, mãi lo việc triều chính, vua Gia Long không làm được điều đã hứa nên di chúc cho con là vua Minh Mạng phải thực hiện bằng được đại nguyện của vua cha là điểm tô lại Ngũ Hành Sơn để xứng tầm là một danh lam, thắng cảnh của cả nước. Việc này, dân gian còn nhắc: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa.

Công chúa Ngọc Lan, con vua Gia Long, em gái vua Minh Mạng - người đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, băng qua ngọn Hải Vân hiểm trở để đến thọ giới tại chùa Tam Thai và ẩn tu tại chùa Phổ Đà Sơn. Đây cũng là cơ duyên để các vị vua triều Nguyễn thường xuyên đến Ngũ Hành Sơn thăm viếng, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, nảy sinh ý tưởng tôn tạo chùa chiền, phát triển đạo pháp.

Nhà Nguyễn rất sùng kính đạo Phật, là tôn giáo chính thống của hoàng tộc, các vị vua triều Nguyễn luôn có ý nguyện xây dựng Phật giáo Việt Nam thành Quốc đạo. Phải chăng, với cảnh trí nên thơ, huyền bí, các hang động và các ngôi chùa được phân bổ đều khắp tại các ngọn núi mà Ngũ Hành Sơn đã trở thành vùng đất thiêng để các triều vua Nhà Nguyễn mong ước thực hiện ý nguyện xây dựng tại đây thành một “thánh địa” Phật giáo?

Vua Minh Mạng đã ba lần ngự du Ngũ Hành Sơn và đã ban những ân sủng đối với Phật giáo. Theo Châu bản triều Nguyễn, nhà vua đã lệnh cho Bộ Công tôn tạo Ngũ Hành Sơn, xây dựng sửa sang các chùa, tô tượng, đúc chuông, ban cấp kinh sách, ban thưởng cho các tự viện, sắc phong Quốc tự cho hai chùa Tam Thai và Linh Ứng, ban tên gọi cho từng ngọn núi, từng hang động trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hiện nay chùa Tam Thai, Linh Ứng, vẫn còn lưu giữ những bức hoành phi vua ban có ghi: “Ngự chế Tam Thai tự”, “Ngự chế Ứng Chân tự” (tên cũ của chùa Linh Ứng).

Sau vua Minh Mạng đến các vua Thiệu Trị, Tự Đức và cả Thành Thái sau này, Phật giáo Ngũ Hành Sơn vẫn luôn nhận được sự ưu ái. Vua Thiệu Trị sau lễ đăng quang lên ngôi năm Tân Sửu (1841) đã xuống dụ tổ chức lễ trai đàn tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn để khao mừng và tiếp tục duy trì việc ban cấp kinh phí cúng tế cho các chùa theo quy chế của các đời vua trước đó, vua Tự Đức còn ban cấp ruộng đất cho các chùa để có thêm nguồn thu trang trải cho công tác Phật sự. Sau này vua Thành Thái cũng chuẩn y đề xuất của Bộ Lễ để tu sửa chùa Tam Thai, Linh Ứng, cấp kinh phí khắc lại các tấm biển tại các chùa, xây thêm nhà ở cho các vị tăng cang.

Hồn cốt văn hóa Phật giáo

Vị sư đầu tiên được vua bổ về cai quản chùa Tam Thai năm 1826 là đại sư Thích Viên Trừng, chùa Ứng Chân Tự (sau này là Linh Ứng Tự) là đại sư Chân Như. Những Thiền sư cai quản chùa tại Ngũ Hành Sơn phải là những người tinh thông giới luật, am tường đạo pháp, có phẩm chất, uy tín để dẫn dắt và đào tạo đệ tử, giúp tăng chúng sớm giác ngộ, đắc pháp.

Do biến động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chùa chiền Ngũ Hành Sơn không còn được triều đình nhà Nguyễn quan tâm như trước nữa, nhưng thời hoàng kim của Phật giáo vẫn còn lưu lại dấu ấn đậm nét tại đây. Những công trình kiến trúc chùa, tháp, các văn bia, di vật, cổ vật, các sắc phẩm vua ban cùng hai Quốc tự Tam Thai và Linh Ứng đang được bảo tồn tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là minh chứng xác thực về ý chí và tâm nguyện của triều Nguyễn đối với Phật giáo tại vùng đất này, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng di sản văn hóa Phật giáo.

Năm 2010, trong đợt thống kê di vật, cổ vật tại khu danh thắng, Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã thống kê, tổng hợp trên 100 di vật, cổ vật hiện đang còn lưu giữ tại các chùa và các hang động, nhưng để thẩm định giá trị của các di vật, cổ vật này cần phải có những nhà chuyên môn, những nhà nghiên cứu.

Lần đầu tiên, tháng 9-2013, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm Tinh hoa, cổ vật Phật giáo với 80 cổ vật tuyệt tác được chọn lọc trong hàng nghìn cổ vật  đang giữ trong bộ sưu tập ở các chùa và các nhà sưu tầm cổ vật tại Đà Nẵng, trong đó có các chùa trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Những cổ vật tại các chùa trong khu danh thắng lần đầu tiên tham gia triển lãm, giới thiệu rộng rãi đến công chúng, khách du lịch, kể cả khách nước ngoài hiểu được phần nào tinh hoa và hồn cốt văn hóa Phật giáo tại thắng tích Ngũ Hành Sơn.

Chùa Quan Âm tham gia 13 hiện vật như tượng Phật Quán Thế Âm bằng đồng có niên đại thế kỷ VII - VIII, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, tượng gỗ Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt…; chùa Linh Ứng với bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đá Non Nước; riêng chùa Tam Thai đặc biệt hơn với tấm Kim bài “Quả tim lửa” có niên đại gần hai thế kỷ, mặt trước và mặt sau có các dòng chữ được rập in từ chính ngự bút của vua Minh Mạng, nội dung thể hiện sự tán thán, ngưỡng vọng công đức vô biên của Phật Tổ hóa độ chúng sinh.

Hai thế kỷ nhìn lại, mặc dầu nhà Nguyễn không còn nữa, nhưng chúng ta không thể không biết đến sự quan tâm của triều đại này đến việc tôn tạo cảnh quan, xây dựng và trùng tu chùa chiền, miếu mạo, ban thưởng các sắc phẩm, có các chế độ biệt đãi với tăng ni Phật giáo đang hành đạo tại đây. Nhà Nguyễn đã góp phần xiển dương, phát triển đạo pháp để Ngũ Hành Sơn mãi mãi đi vào huyền tích của vùng đất Phật, vùng văn hóa tâm linh, xứng danh là biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng.

PHAN BÂN

;
.
.
.
.
.