.

"Xông đất" nhà mình

.

Rất nhiều năm qua họ không biết đến thời khắc giao thừa thiêng liêng nhưng không phải vì vậy mà Tết đối với họ phai nhạt ít nhiều ý nghĩa cao đẹp.

CSGT phân luồng giao thông tại công trường xây dựng nút giao thông ngã ba Huế.
CSGT phân luồng giao thông tại công trường xây dựng nút giao thông ngã ba Huế.

Đón giao thừa… trên từng cây số

Khi còn chưa đầy 30 phút nữa là đến giao thừa, gần 900 công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng ăn bữa nửa khuya để chuẩn bị cho trận “ra quân” suốt tới sáng mồng 1 Tết. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 10 năm làm công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1 trực thuộc công ty, cùng với 30 đồng nghiệp làm nhiệm vụ quét dọn đường phố sau khi chấm dứt 15 phút bắn pháo hoa đón giao thừa. Chị phụ trách đường Bạch Đằng, đoạn từ cầu Sông Hàn đến đường Trần Quốc Toản. Nếu chỉ có rác thải (chai nhựa, túi ni-lông…) do người xem pháo hoa vứt lại thì không phải mất thời gian nhiều, còn phải quét dọn, thu gom rác do các hộ dân tranh thủ dọn dẹp trước giờ cúng giao thừa đổ ra đường nên công việc của các chị đến 4 giờ sáng mồng 1 mới xong.

Anh Trương Quang Nam 12 năm nay lái xe vận chuyển rác. Mấy năm trước, có lần anh phụ trách vận chuyển trên địa bàn Hòa Vang, rác nông thôn nhiều, cự ly lại xa nên làm từ nửa đêm đến hửng sáng vẫn chưa xong. Nay, do tác động hiệu quả của chương trình xây dựng Nông thôn mới nên việc thu gom, vận chuyển rác trong đêm giao thừa ở Hòa Vang đã nhẹ nhàng hơn. Nói thế, chứ cũng phải 7 giờ sáng mồng 1 mới về tới nhà, vì xong rồi anh còn phải đưa xe về bãi tập trung và rửa xe để năm mới xe cũng được… ăn Tết.

Biết đến không khí Tết ở nhà trễ nhất là 8 công nhân trong tổ san ủi và dẫn xe của Xí nghiệp quản lý bãi và xử lý chất thải trực thuộc công ty. Anh Nguyễn Đức Tốt 20 năm phụ trách công việc san ủi tại đây cho biết phải đến 9 giờ sáng mồng 1 mới xong. Ngày thường mỗi ngày có 700 tấn rác, ngày Tết lượng rác tăng gấp 4 lần và phải cần đến 600 lượt xe vận chuyển. Để hình dung khối lượng công việc của công nhân môi trường ngày Tết, anh Tốt đưa ra con số so sánh: Như bão Nari 11 năm ngoái, mỗi ngày đêm có đến 800 lượt xe vận chuyển rác!

Công nhân môi trường đón giao thừa trên từng cây số và để lại mọi việc tết nhất cho người nhà. Chị Hạnh nhờ mẹ chồng nhà gần đó đến phụ với chồng mình cúng giao thừa. Anh Nam, anh Tốt thì “bán cái” chuyện cúng kiếng hết cho vợ. “Thấy gia đình người ta đầm ấm, sum vầy đón giao thừa, nếu nói rằng mình không mủi lòng thì không đúng. Bởi ai cũng có một mái ấm sum vầy trong đêm giao thừa mà mình thì...”, chị Hạnh dừng lại, giọng chùng xuống. Một lát, chị lại hóm hỉnh: “Những năm đầu không cầm được nước mắt, nhưng rồi nghĩ, nếu đầu năm mà khóc thì khóc đến… cả năm, nên thôi. Với lại, mình góp phần làm đẹp Tết, làm đẹp thành phố, mang lại niềm vui cho mọi người thì nên lấy đó làm niềm tự hào”.

Tự hào cũng là cảm xúc đêm giao thừa của anh Nam. Một lần, thanh niên xã Hòa Tiến đổ ra đường ĐT 605 vừa mở rộng mới toanh đón giao thừa. Thấy xe anh, họ đón lại, từng người một đến bắt tay anh, nói là cảm ơn anh và ngành Môi trường đã làm đẹp đường thôn ngõ xóm. “Mình và họ đâu có quen biết gì nhau, anh chia sẻ, nhưng cái cách họ đối đãi với mình ngay trong đêm giao thừa làm mình cảm động, tự hào”. Lần khác, anh vận chuyển rác ở Cẩm Lệ, đi ngang qua nhà bạn thấy bạn đang cúng giao thừa, bạn ra đón xe, “kiên quyết” mời cho bằng được vô nhà làm một ly rượu mừng đầu năm. Con bạn hỏi: Ủa, chú Nam chừ mà cũng còn đi làm à? Biết là câu hỏi trẻ con vô tư thôi nhưng anh nghĩ đến vợ con ở nhà, bỗng thấy cay cay trong mắt. Nhưng rồi, nghĩ đến cái bắt tay thân tình của thanh niên Hòa Tiến, anh lại lao vào công việc…

“Xông đất” đầu năm

Trong đêm 30, bên cạnh đồng phục có vệt phản quang của công nhân môi trường, trên đường phố còn có quân phục của các chiến sĩ công an bảo đảm công tác an ninh trật tự và giao thông.

Từ 5 giờ chiều 30 Tết, Thượng tá Lê Văn Đông, Phó trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động (PC 65) - Công an thành phố Đà Nẵng, cùng lãnh đạo và các chiến sĩ của đơn vị tỏa đến các địa điểm đã được phân công. Ngoài 4 tổ bảo vệ tại 4 điểm bắn pháo hoa giao thừa, 4 tổ tuần tra, kiểm soát thường xuyên trên các đường phố nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra và hỗ trợ cho 4 tổ của đội chống cướp giật. Dù lực lượng mỏng, đơn vị cũng hỗ trợ cho Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) thành phố từ 12-20 chiến sĩ để tăng cường xử lý vi phạm giao thông, chống đua xe trong đêm giao thừa.

 Anh Trương Quang Nam (trái) cùng đồng nghiệp tu sửa xe để chuẩn bị “chiến dịch” phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014.
Anh Trương Quang Nam (trái) cùng đồng nghiệp tu sửa xe để chuẩn bị “chiến dịch” phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014.

Năm nay nghỉ Tết đến 9 ngày, công việc của lực lượng Công an sẽ vất vả hơn nhiều. Có lẽ vì thế mà Phó trưởng phòng PC65, Thượng tá Nguyễn Tấn Đức và Thượng sĩ Nguyễn Văn Thọ (lái xe) đều có vợ đang dưỡng bệnh ở nhà; Thượng úy Phan Công Trung, Đại đội trưởng Đại đội 2 Cảnh sát cơ động có bố đau nặng nằm viện cũng gác lại chuyện nhà, chuyện Tết, lo chuyện cơ quan.

Lãnh đạo và chiến sĩ Phòng CSGT cũng ra quân từ sớm. Sau công tác an toàn giao thông cho pháo hoa giao thừa, khoảng 1 giờ sáng tất cả lại chuyển sang làm nhiệm vụ chống đua xe. Đó là chưa kể một số đầu công việc không thể thiếu bóng dáng của họ: phân luồng giao thông tại công trường nút giao thông ngã ba Huế, đường hoa xuân trên đường Bạch Đằng, kiểm dịch gia cầm, kiểm tra xe dù bến cóc, tham gia với Cảnh sát môi trường…

Tết, tâm lý của người dân cho rằng bị CSGT chặn lại xử phạt là… xui cả năm. Vì thế, Trung tá Lê Văn Lực, Đội trưởng Đội tuần tra và dẫn đường - Phòng CSGT cho biết từ giao thừa cho đến hết mồng 1 Tết anh em trong lực lượng chỉ nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ là chính. Tuy nhiên, đối với những trường hợp “quá quắt” như đua xe thì kiên quyết xử lý để làm gương cho người khác.

Để có những ngày Tết bình yên, có sự đóng góp đáng kể của lực lượng CSGT và Cảnh sát Bảo vệ và cơ động, tất cả xác định đã vào đơn vị là phải 100% trực chiến Tết. Đại úy Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT có vợ công tác ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Từ hồi cưới nhau, Hải chưa năm nào đón giao thừa ở nhà, vợ anh thì cách năm lại trực giao thừa ở bệnh viện. “Ban đầu nghĩ cũng buồn, nhưng rồi quen dần, mọi việc trở nên bình thường. Với lại, mình hy sinh một chút để đường phố bình an, người bệnh cảm thấy yên tâm thì đó cũng là một niềm hạnh phúc”, anh trải lòng.

Thượng tá Đông từ năm 1987, Trung tá Lực thì từ năm 2005 đến nay chưa biết giao thừa là gì. Cũng như những người khác, xong phiên trực giao thừa, đến 3-4 giờ sáng họ mới về nhà mình với 2 tư cách, người “xông đất” và người của gia đình. Dân gian tin rằng người “xông đất” đầu năm phải hợp tuổi, hợp tính, nhưng với ngành môi trường hay ngành công an, mọi chuyện trở nên giản đơn hơn nhiều. Bởi lẽ, họ “xông đất” nhà mình trong nỗi hân hoan đầu năm vì đã góp phần mang lại cái đẹp và sự bình yên cho người dân đón Tết.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.