.

Ngã ba làng

.

Ngã ba đường, theo cách hiểu đơn giản nhất là nơi con đường chia ra ba hướng khác nhau. Trên khắp dải đất Việt Nam, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những ngã ba gắn liền với danh xưng. Đó cũng là một cách gọi để nhớ tên người, tên đất, tên cây…

Ngã ba dẫn vào Đình làng Túy Loan ở Hòa Phong. (Ảnh minh họa: T.Y)
Ngã ba dẫn vào Đình làng Túy Loan ở Hòa Phong. (Ảnh minh họa: T.Y)

Ở Đà Nẵng, ngoài những ngã ba rất quen thuộc như ngã ba Cai Lang, ngã ba Huế, ngã ba Hương Nho… thì dường như địa bàn nào cũng có những ngã ba. Ví như ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn có một ngã ba được người dân gọi là ngã ba cây Thông. Theo lời kể của dân làng, trước làng Thái Lai chỉ có khoảng 7 nóc nhà với vài chục nhân khẩu. Ngã ba đường được mở ra để dân làng Thái Lai thông thương, buôn bán với người dân xóm trên, xóm dưới và xóm ngoài. Thế rồi năm 1848, khi ông Đỗ Văn Duyệt, làm tới chức Thừa biện tỉnh Quảng Nam (dưới thời vua Tự Đức) về hưu quay về làng Thái Lai sinh sống đã mang theo 5 cây thông do một thương gia người Pháp trao tặng, trồng tại ngã ba này. Theo năm tháng, những cây thông lớn lên, người tứ phương đi qua địa danh này thấy mấy cây thông cao vút, thẳng tắp quen miệng gọi đây là “ngã ba cây Thông”.

Cuối thế kỷ XIX, ngã ba cây Thông trở thành giao lộ để người dân từ làng Hòa Sơn đi về Túy Loan buôn bán. Cùng với vị thế quan trọng, người dân làng Thái Lai đã lập miếu thờ Cao Các Đại vương cầu mong hưng thịnh cho làng, mở Trường tiểu học Thái Lai làm nơi dạy học cho con em trong làng và các xóm, làng lân cận. Thời gian trôi, qua nhiều trận bão lớn, mấy cây thông nay đã không còn, nhưng tên gọi ngã ba cây Thông vẫn tồn tại đến ngày nay, như một chứng tích lịch sử, chứng kiến mọi sự đổi thay tại làng quê Thái Lai.

Theo lời ông Tán Kim, cán bộ văn hóa-xã hội xã Hòa Phong, một số ngôi làng ở Hòa Vang, đâu đó vẫn còn những câu chuyện tâm linh, tín ngưỡng liên quan đến ngã ba đầu làng. “Đối với những làng tin vào đạo Mẫu, tín ngưỡng tôn thờ Mẫu (mẹ) làm thần tượng có các quyền năng sinh sôi và che chở cho con người thì địa điểm ngã ba làng là nơi họ ngưỡng vọng, cúng kính mỗi dịp lễ, Tết. Trong tín ngưỡng của người Việt và một số dân tộc khác, việc tôn thờ Mẫu thần, nữ thần là hiện tượng khá phổ biến và có lịch sử, nguồn gốc sâu xa. Tùy theo đời sống dân làng giàu hay nghèo mà các vị cao niên sắm mâm thờ phù hợp”, ông Kim nói.

Xưa bày nay bắt chước

Từ xưa đến nay, nhà, đất ở ngã ba đường thường khi mua, bán đều có giá thấp và khó giao dịch hơn so với các vị trí khác. Học giả Nguyễn Thiếu Dũng cho biết, theo luật phong thủy, ngã ba đường là nơi hội tụ khí trời, nơi âm dương tương đồng. Vì thế, người ta ít xây nhà ngay cạnh ngã ba vì sợ “cái gì đâm thẳng vô nhà đều không tốt”. Ông Dũng nói, xét về mặt khoa học, sự bất an này là có cơ sở vì nếu nhà nằm ngay ở ngã ba, nếu không may xe ô-tô bị mất phanh, mất lái đều có thể xông thẳng vào nhà gây tai nạn.

Buổi tối yên tĩnh, xe đi bật đèn pha có thể chiếu rọi vào nhà, khói bụi ở địa điểm này cũng nhiều hơn nơi khác. Mặt khác ông Dũng nói, không phải ngã ba nào cũng có phong thủy xấu bởi theo luật phong thủy, luôn có yếu tố “tốt” và “xấu”, có “vượng” tất có “suy”… Tùy theo tình hình thực tế mà có sự sắp đặt về bố cục sao cho hợp phong thủy. Chưa kể trên thực tế đã có rất nhiều công trình xây dựng ở ngã ba đường mà vẫn an lành, thuận lợi trong việc an cư, lạc nghiệp.

Khi tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã đi nhiều nơi, hỏi nhiều người cao tuổi, cố gắng tìm kiếm nguồn tư liệu để lý giải vì sao tại ngã ba đường luôn gắn với những phong tục tập quán của người dân. Nhưng dường như, mọi thứ đều trở nên mơ hồ theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”. Ông Tán Kim cho rằng, dù đã được chính quyền tuyên truyền nhưng đâu đó vẫn còn những người bày biện lễ vật cúng cô hồn, cầu an, giải căn, giải tam tai năm tuổi… mang màu sắc mê tín dị đoan cần phải dẹp bỏ, loại trừ ra khỏi cuộc sống văn minh.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hiện chưa có một tài liệu nghiên cứu nào viết về “văn hóa ngã ba” trong các làng xã Việt Nam. Dù theo dòng lịch sử, ngã ba đường luôn gắn liền với những hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, trong đó bao hàm cả vấn đề mê tín dị đoan như đã nói. Đây thực sự là một đề tài lịch sử rất cần các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đầu tư tìm hiểu trong thời gian tới.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.