Khi đi du lịch đến một vùng nào đó, sau khi thăm thú các nơi ai ai cũng muốn thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của địa phương mà nơi khác không có. Hoặc thậm chí không cần vậy, đơn giản người ta chỉ cần đến một chỗ ăn tối, bình thường thôi, nhưng phải nhộn nhịp và đông vui, không bị chặt chém. Ở Đà Nẵng đó là đâu?
Tổng hợp các hình ảnh chợ ẩm thực Bangkok rất sinh động và nhiều lôi cuốn. Ảnh: Internet |
Đã có nhiều lời than phiền trên mạng rằng ăn hải sản ở Đà Nẵng mắc quá. Nhiều nhà hàng thật đẹp, thật sang ven biển như Cá Voi Xanh, Mỹ Hạnh, Nhà hàng Việt… nhưng mắc quá! Nhiều người tìm đến các quán dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa có rẻ hơn những nhà hàng trên nhưng cũng mắc không kém. Tối xuống, đi ăn nhà hàng nào là một cuộc chiến không phải chỉ với các du khách mà đó là cuộc cạnh tranh bất tận giữa các công ty du lịch, hướng dẫn viên (HDV) cùng đội ngũ tài xế taxi.
Đã thành luật bất thành văn, taxi đưa khách đến mặc nhiên được nhận từ nhà hàng mỗi khách 50.000 đồng tiền cửa bất kể khách đó ăn gì. Ở nhà hàng lớn thì HDV đưa khách vào cũng mặc nhiên được nhận 10-20% trên hóa đơn. Tất cả đều được tính vào giá thức ăn. Chưa kể, một nhân viên phục vụ ở nhà hàng ven biển có lần cho biết: Chỉ cần “khéo léo” trong khi cân hải sản, là bớt đi mỗi thứ một ít để có tiền chi hoa hồng cho taxi và HDV.
Thế là nảy sinh chuyện nhà hàng chỉ chăm chăm vào việc chi “đậm” cho taxi và HDV mà không còn quan tâm đến chất lượng món ăn, và đội ngũ taxi, HDV đều biết những vị khách này họ cũng sẽ không gặp lại nên không ngại đưa vào những nhà hàng chịu chi “đẹp”. Giá cao mà chất lượng thấp, nên nhiều khách chỉ vào đĩa cá hấp, con tôm hùm ươn vừa trả tiền, vừa chửi thề. Nhiều du khách nói tiếng nước ngoài, không ai nghe không ai hiểu! Các nhà hàng quên rằng trong thế giới phẳng ngày nay không thứ gì là người đến sau không biết.
Thực trạng này diễn ra đã lâu, các cấp quản lý cũng đã biết nhưng thực sự chưa biết giải quyết như thế nào cho ổn thỏa.
Chị Lê Thị Minh Thư người Hà Nội, không năm nào không vào Đà Nẵng vài lần nói: “Thứ mà Đà Nẵng thiếu là một chợ ẩm thực”. Tôi bảo Đà Nẵng có rồi đấy chứ, chợ ẩm thực gần công viên 29-3; chị cười: “Đó không phải là chợ ẩm thực. Về Đà Nẵng là phải ăn hải sản, chợ ẩm thực đó đâu có tôm, cua, cá, mực...
Mà chợ ẩm thực đâu phải là chỗ tập hợp những hàng ăn, vào ngồi rồi gọi người ta bưng ra tận miệng, mà là nơi người ta có thể dạo chơi trước hàng ngàn món ăn từ tôm hùm đến con dế mỡ, dế cơm rang vàng”. Không riêng gì chị Thư, mà nhiều du khách đã gợi ý: Đà Nẵng cần phải biết lấy hải sản làm trọng tâm cho khu chợ ẩm thực, ở đó, có nơi bán hải sản tươi sống và nơi chế biến riêng, khách mua hải sản tươi và mang vào nơi chế biến khác. Và ngoài ra thứ gì ăn được cũng phải có ở đó từ côn trùng rang, bánh xèo cho đến khoai lang, sắn củ hấp, chiên, luộc, nướng.
Những ai đã từng đi khu ẩm thực Bangkok sẽ thấy việc tạo nên một sản phẩm du lịch đúng nghĩa như họ không quá khó. Có thế thì taxi và HDV mới không lấy tiền được của nhà hàng và các nhà hàng tiệm ăn mới đi vào cạnh tranh về chất lượng được.
Thử hình dung, nếu bây giờ chọn một nơi làm chợ ẩm thực thì nên chọn nơi nào. Nếu lấy hải sản làm trọng tâm thì không nơi nào khác là phải ven biển. Hiện chỗ ngã ba đường Lê Đức Thọ gặp Hoàng Sa (đường cầu Thuận Phước kéo dài gặp biển) có một khu quán hải sản thực hiện theo kiểu khách mua hải sản tươi và gửi vào những quán ăn cạnh đó để chế biến. Nơi này quỹ đất có còn nhiều để tạo điểm nhấn để phát triển thành chợ ẩm thực?
HỒ TRUNG TÚ