.

Bài toán phim truyện Đà Nẵng

.

Phim truyện ngoài nội dung kịch bản hay, sáng tạo, diễn xuất nhập thần của diễn viên... còn đòi hỏi vai trò của đạo diễn và kỹ thuật quay phim với góc quay đẹp, nghệ thuật.

Diễn viên Trương Thanh Bình (phải) và diễn viên Hoàng Hải trong phim Hạnh phúc trần gian – do nhóm làm phim Đà Nẵng thực hiện vào năm 1997. (Ảnh tư liệu)
Diễn viên Trương Thanh Bình (phải) và diễn viên Hoàng Hải trong phim Hạnh phúc trần gian – do nhóm làm phim Đà Nẵng thực hiện vào năm 1997. (Ảnh tư liệu)

Vì lẽ này mà phim truyện được xem là “đỉnh cao” của nghệ thuật thứ bảy. Điện ảnh Đà Nẵng vẫn chưa có riêng cho mình bộ phim truyện gây tiếng vang nào bởi Đà Nẵng thiếu tất cả những yếu tố nói trên.

Từ năm 1997 đến 2005 được xem là giai đoạn “cất cánh” của điện ảnh Đà Nẵng với khoảng 10 bộ phim do chính lực lượng làm phim của thành phố thực hiện (bằng kinh phí do Hãng phim Truyền hình Việt Nam tài trợ). Những thước phim gói trọn vẹn những góc phố, ngôi nhà, nhịp sống của người dân Đà Nẵng.

Một trong những diễn viên tham gia vào tất cả các bộ phim về Đà Nẵng này là NSƯT Hoàng Hải. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh, làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội, Hoàng Hải quyết định quay về nguyên quán Đà Nẵng và tham gia vào những bộ phim gắn với thành phố. Trong bộ phim đầu tiên – “Hạnh phúc trần gian” – quay vào năm 1997 tại bán đảo Sơn Trà, Hoàng Hải đóng vai anh chồng đi tìm vợ, không biết bao lần bị trói ngược tay, xô xuống biển.

Chính sự lầm lì, gan dạ, khả năng nhập vai tốt đã giúp Hoàng Hải lọt vào mắt xanh đạo diễn Khải Hưng và trở thành người chiến sĩ công an mạnh mẽ, rắn rỏi trong loạt phim “Cảnh sát hình sự” – bộ phim đưa sự nghiệp Hoàng Hải lên một nấc thang mới, giúp hình ảnh của anh trở nên gần gũi hơn trong lòng khán giả Việt. Tuy nhiên, điều đáng buồn là “Hạnh phúc trần gian” chỉ mang lại thành công, may mắn riêng cho Hoàng Hải bởi phim chỉ duy nhất một lần được chiếu trên sóng truyền hình.

Hoàng Hải đã đóng hàng trăm bộ phim, từ người đàn ông hiền lành, nhẫn nại; thương gia thành công, lịch lãm; cảnh sát luôn có mặt trên mọi mặt trận nguy hiểm để truy bắt tội phạm cho đến kẻ du côn ngang tàng, xảo trá; từ xe ôm cho đến chủ tịch huyện… Sau mỗi vai diễn, anh buộc phải gạt đi mọi hình ảnh, cảm xúc của bộ phim trước đó để sẵn sàng hóa thân cho nhân vật tiếp theo. Trong số những nhân vật đã thể hiện, Hoàng Hải nhớ mãi những phân cảnh đóng trên quê hương Đà Nẵng. Anh nhớ chiếc cống hở trên đường Nguyễn Văn Linh khi đóng vai người dọn cống trong phim “Rác phố”, nhớ vẻ đẹp của khu rừng già trên bán đảo Sơn Trà trong phim “Hạnh phúc trần gian” – những phân cảnh chỉ được ra mắt một lần với khán giả Đà Nẵng và mất hút cho đến nay.

Ông Trương Thanh Bình, diễn viên từng tham gia vào 3 bộ phim về Đà Nẵng (Hạnh phúc trần gian, Duyên đời, Mưa muộn) cho rằng, phim chỉ chiếu một lần và ra đi mãi mãi bởi vì phim chưa hay. Nguồn tiền làm phim từ Hãng phim Truyền hình Việt Nam chuyển về địa phương vì thế mà cũng dừng hẳn. Điện ảnh Đà Nẵng “đóng máy” từ đó đến nay. Diễn viên trên đất Đà Nẵng tự gọi nhau bằng tên “những con chim ẩn mình chờ chết” bởi không còn đất diễn.

Nhà biên kịch “tay ngang” Quế Hương (tên thật là nhà văn Hoàng Thị Thương, hai lần đoạt Giải viết kịch bản phim truyện toàn quốc) cho rằng, những năm gần đây, thị trường phim Việt có sôi động hơn trước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, nhiều bộ phim được đầu tư tiền tỷ nhưng phòng vé luôn ế ẩm, thậm chí, phim “chết” ngay khi ra rạp. Nguyên nhân có lẽ bởi đây là những bộ phim mang tính giải trí nhiều hơn nghệ thuật. Những thước phim làm theo cùng khuôn mẫu về tình yêu của giới trẻ, về tầng lớp thượng lưu xa cách và sáo rỗng…

“Từ đó, có thể đi đến kết luận rằng, tiền không phải là yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim. Tôi tin rằng, muốn khác biệt và tồn tại được, điện ảnh Đà Nẵng cần tập trung vào những lát cắt số phận hay những chủ đề nóng hổi tính thời sự. Phim phải bật lên câu hỏi về số phận con người, phim phải chứa giá trị văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, có chiều sâu, chiêm nghiệm chứ không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích giải trí. Phim phải giúp người xem cảm thụ nghệ thuật, duy dưỡng tinh thần, hướng đến chân-thiện-mỹ…”, Quế Hương khẳng định.

Với nhà biên kịch Lê Khôi (đoạt giải nhì (không có giải nhất) cho kịch bản Hồ Quý Ly tại Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Hà Nội năm 2005) thì điện ảnh là một bài thơ về hình ảnh. Do đó, những khuôn hình không được trau chuốt, bối cảnh sơ sài, nhân vật không rõ cá tính, tình tiết vụn, thiếu logic lồng vào câu chuyện nhàn nhạt sẽ khiến bộ phim rơi vào quên lãng dẫu cho nó có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ tên tuổi và khoản tiền đầu tư khổng lồ. Bởi theo ông, “phim cần phải chạm đến trái tim của người xem”.

Muốn làm được điều này, trước hết Đà Nẵng cần xây dựng đội ngũ những nhà viết kịch bản phim chứ không phải những kịch bản phim do các nhà văn viết ra, mặc dù mỗi trang kịch bản cần phải hay và đẹp, phải bàng bạc chất văn học. Điều này sẽ tránh được tình trạng đạo diễn “chế biến” lại kịch bản cho phù hợp với phim và đôi khi xa rời hồn cốt, thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm với tác giả kịch bản.

Kịch bản được ví như bệ phóng cho bộ phim. Bởi, với cốt truyện hay thì người kể sẽ chuyển tải được câu chuyện hay, ngược lại, người kể có giỏi mấy nhưng cốt truyện dở thì sản phẩm đưa ra sẽ không thể thu hút được khán giả. “Nhìn chung, một bộ phim có thể vừa phục vụ, vừa định hướng thẩm mỹ cho khán giả phải là kết tinh trí tuệ, sáng tạo, đam mê của tập thể gồm những cá nhân vừa có tài vừa đặc biệt yêu nghề”, ông Lê Khôi nói.

Là người chuyên viết kịch bản phim lịch sử, ở tuổi 88, ông Lê Khôi vẫn cần mẫn viết dẫu những tác phẩm nhiều lần đoạt giải thưởng của ông chưa bao giờ được dựng thành phim

. Ông viết bởi qua con chữ, ông được “đau nhiều đời, sống nhiều kiếp”, và biết đâu đấy, sau này kịch bản của ông sẽ được hồi sinh trên màn ảnh. Để con cháu ông không chỉ biết về Võ Tắc Thiên, Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo mà còn hiểu rõ cuộc đời, sự nghiệp oai hùng của Hồ Quý Ly, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi… “Lịch sử Việt Nam hào hùng lắm. Lịch sử đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Việt. Điều cần là người có khả năng biến những chi tiết khô cứng trong lịch sử trở nên sống động, hấp dẫn bằng hình ảnh qua các thước phim chính sử”, ông tâm sự.

Vẫn biết, điện ảnh là bài toán khó của Việt Nam chứ không riêng Đà Nẵng, những người làm nghệ thuật ở đây vẫn mong mỏi rằng, rồi đây, thành phố sẽ có chính sách đào tạo chuyên sâu từ đội ngũ viết kịch bản, biên kịch, đạo diễn, diễn viên cho đến những bộ phận kỹ thuật khác như âm thanh, phục trang, ánh sáng…

Những cá nhân yêu điện ảnh, được sự chắp cánh của môi trường đào tạo chuyên nghiệp sẽ có thể tạo ra những tác phẩm nhân văn, mang hơi thở cuộc sống, những nhân vật có tính cách độc đáo, tình tiết logic… Có lẽ, chính những điều này (chứ không phải khoản tiền khổng lồ đầu tư vào mỗi bộ phim) sẽ đọng lại trong lòng người xem.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.