.

Gạch nối quá khứ với hiện tại

.

Sông Cổ Cò nối từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) ra Cửa Đại (Hội An) đoạn đi qua xã Điện Dương quê tôi có tên là sông Hà Sấu. Ven con sông tương truyền xưa có nhiều cá sấu này từng có miếu thờ Bà Dàng.

Tồn tại nhiều dấu tích văn hóa Chămpa tại Đà Nẵng: Giếng Hời trước miếu Bà Khuê Trung (ảnh trái), Yoni trước đình làng Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
Tồn tại nhiều dấu tích văn hóa Chămpa tại Đà Nẵng: Giếng Hời trước miếu Bà Khuê Trung (ảnh trái), Yoni trước đình làng Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

1. Nghe người ta bảo thế, nhưng không biết viết là Dàng hay Giàng. Lớn lên, mới hay đó là Dàng - phiên âm Yang, một từ gốc Chăm, có nghĩa là thần. Các nhà nghiên cứu chỉ ra tên gọi đầy đủ của “Bà Dàng” theo tiếng Chăm là Pô Yang Ina Nưgar (Thần Mẹ Xứ sở - Pô: ngài; Yang: thần; Ina: mẹ; Nưgar: xứ sở) và cho rằng tục thờ “Bà Dàng” là một cách chuyển tiếp truyền thống văn hóa tâm linh khi diễn ra tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc Chăm - Việt.

Trên đường tác nghiệp, thấy nhiều nơi trên vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng có miếu Bà, có khi không gọi hẳn là Bà Dàng mà dưới một cái tên đã Việt hóa: Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Tìm trong sách sử, được biết năm 1832, vua Minh Mạng phong tặng vị thần Chăm mang tên Việt này mỹ hiệu “Diễn Ngọc Phi” (Bà Chúa Ngọc). Từ đó, nhiều sắc phong ở các đình làng có thêm một vị thần là “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”.

Nói chi xa, sát bên Nghĩa trủng Hòa Vang và nhà thờ Tiền hiền làng Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, cũng có một miếu Bà dưới tán cây mù u cổ thụ. Trước đây bên gốc cây có mấy tảng đá trang trí đầu cột hình quả bí, những viên gạch kích cỡ 30x20x10cm và một Yoni hình vuông phẳng dẹt, dấu tích một thời của kiến trúc và tín ngưỡng Chămpa (trước đình Dương Lâm, xã Hòa Phong, cũng có một Yoni như thế). Dựa vào các hiện vật này cộng với tàn tích của một nền móng cũ thấy ở phía sau miếu Bà, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là phế tích của tháp Hóa Khuê (Quê) mà người Pháp đã ghi chú trong các tài liệu khảo cổ. Phía trước tháp, tức trước miếu Bà hiện nay, có một giếng hình vuông được ghép bằng đá sa thạch, lâu nay người địa phương vẫn quen gọi là giếng Hời.

2. Hời là một cách gọi khác trong dân gian chỉ người Chăm hay người Chàm. Ông Ba Hậu, 80 tuổi, người làng La Bông (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), kể rằng xưa giữa đồng làng có một lùm cây, gọi là lùm Cây Khế, có một cái tháp cũ của người Hời chung quanh có khoảng gần trăm ngôi mộ vôi cổ. Một thời, người trong làng đồn rằng, ban đêm thấy rùa vàng, gà vàng (gọi là “vàng Hời”) ngoài lùm rủ nhau đi ăn, nửa khuya mới về.

Dân gian từng cho rằng người Hời là một dân tộc gì đó… bí hiểm lắm, ghê gớm lắm. Trong mắt của một số người Kinh, người Chăm là những phù thủy cao tay ấn trong các loại phù phép. Người viết từng chứng kiến một du khách người Kinh đang định chụp hình chung với một nghệ nhân người Chăm thổi kèn saranai ở Tháp Bà, Nha Trang thì bà vợ ông này đến nắm tay kéo ra xa vì sợ bị... bỏ bùa!

Thế nhưng, bản thân cộng đồng người Chăm lại mang một mặc cảm chưa thể gột rửa được. Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh (người quận Sơn Trà, Đà Nẵng) khi khảo sát gia phả tộc Lê nhiều địa phương thấy khuyết danh các bà mẹ, bà vợ, hầu hết rơi vào giai đoạn sau khi vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành và lập Quảng Nam thừa tuyên đạo (năm 1471). Ông suy luận, không phải các bà không có tên mà chính vì các bà là người Chăm, mang nặng mặc cảm bên thua cuộc nên không ai muốn nhắc đến tên mình trong gia phả.

3. Người Huế có câu ca “Mẹ già lút cút lui cui/ Mua gà cúng Đất, đất xui mẹ giàu” nói về lệ cúng Tá thổ hay cúng Đất. Lệ này đã trải qua hơn 700 năm, gắn liền với sự kiện công chúa Huyền Trân được vua Nhà Trần gả cho vua Chế Mân của Chiêm Thành vào năm 1306 để nhận sính lễ là Châu Ô và Châu Lý (gồm phần đất từ cửa Việt - Quảng Trị đến Hòa Vang - Đà Nẵng ngày nay). Bấy giờ, các cư dân Đại Việt khi vào lập nghiệp tại vùng đất mới này cảm thấy xa lạ; từ thổ nhưỡng, khí hậu đến địa hình, phong tục (của một số cư dân người Chăm còn ở lại) đều chưa quen nên luôn tỏ lòng tôn kính đối với các vị thần linh. Từ đó, tục lệ cúng Đất ra đời với sự mong cầu thần linh, linh hồn những người bản địa từng cư ngụ ở đây phù hộ độ trì, chấp thuận cho sự có mặt làm ăn sinh sống của cư dân Đại Việt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, trong một bài viết đăng trên Địa chí Đại Lộc, có nói về lễ cúng Tá thổ: “Tôi thấy ở Thừa Thiên, Quảng Nam, ngày trước lễ cúng Tá thổ thường cử hành trọng thể. Tá thổ là thuê, mướn đất... Lễ này của đạo giáo, các phù thủy giữ vai trò liên lạc với người khuất mặt bằng những lối riêng để đạt những yêu cầu nào đó của người sống. Lễ tá thổ sở dĩ có vì hai lý do: để an ủi tiền nhân vì đã mất đất và để xin tiền nhân đừng vì cơn phẫn nộ truyền kiếp mà khuấy phá kẻ hậu sinh. Trong các văn tế từ Thừa Thiên (tôi chưa khảo sát những vùng khác) vào Quảng Nam, dù lời văn có khác nhau, song đại ý đều chỉ đối tượng đầu tiên là: “Chủ Ngung, Man Nương”, rồi tiếp theo lời khấn vái các cô hồn khác: Lồi, Lạc thương vong/ Chàm, Chợ, Mọi rợ/ Đăng chủ hương hồn/ Đồng lai cộng hưởng…”.

Lệ cúng Đất cùng với các đền tháp Chăm còn lưu dấu đến ngày nay, nhất là chứng tích phát hiện qua khảo cổ gần đây trên vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng đã cho mọi người một cái nhìn khác về dân tộc Chăm. Sự giao thoa, tiếp biến văn hóa cùng với sự hòa trộn huyết thống của các dân tộc Chămpa – Đại Việt hơn 7 thế kỷ qua đã xóa đi vĩnh viễn lằn ranh giữa bên thắng cuộc – bên thua cuộc.

Trang 339 cuốn Địa bạ triều Nguyễn, Dinh Quảng Nam 1, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010) có một địa danh “Phú Tài tứ chánh man sách” với địa giới rất đặc biệt: nam giáp sông, ba mặt còn lại đều giáp xã Hóa Khuê Trung Tây (gần tương ứng với phường Khuê Trung hiện nay). Từ thông tin này, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng nhận định: “Man sách” này nằm ven sông và nằm lọt bên trong địa phận Khuê Trung. “Động”, “sách” là tên gọi các đơn vị hành chính đặt ra dưới các triều Lê, Nguyễn để quản lý những dân tộc thiểu số (được gọi chung là “man”). Các “man sách” ở vùng đầu nguồn là nơi cư trú của các dân tộc miền núi; nhưng “man sách” ở ven sông, ven biển như “Phú Tài tứ chánh man sách” ắt phải là nơi cư trú các dân tộc miền biển. Những người tự nhận là “tứ chánh lương bằng tộc” cùng nhau xây một ngôi miếu ở ấp Thuận An (lân cận với miếu và đình chính của làng Khuê Trung) này rất có thể là cộng đồng những sắc dân hậu duệ của các cư dân biển của Chămpa xưa cùng các cư dân tứ phương mới đến?

4. Người đứng đầu bảo tàng duy nhất thế giới về điêu khắc Chăm này buông lửng một dấu hỏi cho nhận định của mình. Thế nhưng, có lẽ nghĩa của tên ấp Thuận An cũng đã ít nhiều phản ánh thực trạng xã hội lúc bấy giờ: người cũ Chămpa và dân mới Đại Việt sống cộng cư trên tinh thần thuận thảo và bình an.

Ngược dòng lịch sử, người Chăm nhiều lần đánh xuống lãnh thổ Khmer hoặc liều lĩnh tấn công lên Đại Việt. Các nhà nghiên cứu sử đều đồng ý rằng Đại Việt ngày ấy không hề có ý định thôn tính Chiêm Thành. Vì sao? Cha ông ta lúc nào cũng canh cánh mối lo chống lại âm mưu xâm lăng từ phương Bắc. Phòng thủ, đánh trả thích đáng với anh hàng xóm to con đó cũng đã mệt lắm rồi, còn đâu sức lực đem quân đi chiếm nước khác. Có điều, người hàng xóm phương Nam lại hiếu chiến, đánh vào nước ta trước sau đến 43 lần, trong đó có 3 lần vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân đánh thẳng vào Thăng Long khiến vua Nghệ Tông chạy lên Bắc Ninh, vua Duệ Tông chết giữa mặt trận. Quân Chiêm vào thành đốt phá, cướp của giết người và bắt đi hàng ngàn cô gái Việt…

Giữa hai người hàng xóm “khó chơi” như thế, buộc lòng các vua nước ta phải thực thi chính sách “Phạt Tống, bình Chiêm” để giữ yên bờ cõi. Lịch sử sang trang, có thể nói, giờ thì ai có gốc gác ở vùng đất Chiêm Thành xưa cũng có một phần dòng máu Champa hòa trộn trong xác thân mình, không ai nhắc đến chuyện thù địch, thắng thua thuở nào.

Trong dòng chảy của lịch sử, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tồn tại như một “biên niên sử” trong quá trình rũ bỏ nhận thức cũ và mở ra hướng nhìn mới: xóa bỏ định kiến rằng Vương quốc Chămpa bị Đại Việt chinh phạt. Văn hóa Chămpa là một bộ phận của văn hóa Việt, người Chăm là một bộ phận của đại gia đình Việt Nam, lịch sử Chămpa là một phần của lịch sử Việt Nam. Bảo tàng Điêu khắc Chăm chính là một bộ phận của lịch sử, chứng tích của một giai đoạn, là trung gian, là gạch nối quá khứ với hiện tại và cho cả tương lai…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.