.

Kết nối khán giả với điện ảnh thế giới

.

“Mỗi bộ phim được trình chiếu trong các liên hoan phim (LHP) quốc tế là một mảng màu văn hóa. Nhất là đợt LHP châu Âu tháng 5 vừa rồi thì chất lượng phim hay hẳn.

Một cảnh trong phim “Một ngày ở châu Âu”. Ảnh: Internet
Một cảnh trong phim “Một ngày ở châu Âu”. Ảnh: Internet

Ví như phim Một ngày ở châu Âu, phim này đã nổi tiếng từ trước do đoạt giải Oscar về nhạc phim hay nhất. Điều đó chứng tỏ, những bộ phim được chọn chiếu ở nước ta không phải qua loa, đại khái”.

Đó là ý kiến của Trần Nguyễn Yến Nhi (trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh) - một khán giả khá quen mặt ở các kỳ LHP được tổ chức ở rạp Lê Độ, Đà Nẵng.

Xem phim nghệ thuật miễn phí

Cách đây 5 năm, các cường quốc điện ảnh chỉ đem phim đến giới thiệu ở hai đầu đất nước thì giờ đây, người hâm mộ điện ảnh Đà Nẵng hằng năm đón nhận từ 3-5 LHP quốc tế. Các kỳ LHP do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng (TTPHP&CB, gọi tắt là TT) tổ chức thực hiện, được chiếu tại rạp Lê Độ (46 Trần Phú). Tuần phim quốc tế là cơ hội để khán giả yêu điện ảnh Đà Nẵng có cơ hội trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau bởi các bộ phim hầu hết xoay quanh chủ đề về tình yêu, quê hương, đất nước, con người của nước sở tại.

Hầu hết các phim này chưa được chiếu tại các rạp chiếu phim thương mại. Vì các kỳ LHP mang tính chất giao lưu văn hóa, đối ngoại là chủ yếu nên hầu hết các buổi chiếu phim đều phát vé miễn phí. Đối tượng khán giả chính là học sinh, sinh viên (những trí thức ham muốn học hỏi điều mới lạ và trong túi không có nhiều tiền để xem phim rạp thương mại) và trung niên (những người đã từng là du học sinh, người lao động tại nước ngoài).

Trong 3 năm đầu tiên tổ chức, trước mỗi kỳ LHP, cán bộ TT đều họp bàn xem LHP lần này phù hợp với đối tượng khán giả nào… Nếu là các bộ phim thiên về thể loại hành động-hài thì TT sẽ “nhắm” đến đối tượng là học sinh, sinh viên. Nếu là thể loại tài liệu sẽ hướng đến đối tượng trung niên. Sau khi “chốt” được đối tượng khán giả, TT sẽ phát hành vé đến tận tay các đơn vị có nhu cầu như: các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, các sở, ban, ngành…

Ngoài ra, vé xem các đợt LHP đều được phát trực tiếp, miễn phí tại rạp Lê Độ và văn phòng TT cho các đối tượng có nhu cầu. Phương thức tổ chức bài bản của TT đã thu hút được sự quan tâm của khán giả, nhận được sự  đánh giá cao của Đại sứ quán các nước (LHP Đức, LHP Nhật đã tổ chức 5 năm liền). Qua các năm tổ chức, ông Lê Quốc Khánh, quyền Giám đốc TT, nhận định, thể loại phim được khán giả yêu điện ảnh Đà Nẵng ưa chuộng hơn cả là thể loại phim hành động, hài, tâm lý lãng mạn.

Từ năm 2010 đến nay, TT tổ chức rất nhiều LHP quốc tế đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Nga… Song, các nhà tổ chức, Đại sứ quán các nước đều muốn tổ chức LHP tại trung tâm thành phố. Nhờ vậy người dân của các quận trung tâm được xem hầu hết các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của các nước; trong khi người dân ở các xã vùng ven, vùng miền núi chưa lần nào được hưởng thụ.

Xuất phát từ sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa nói trên, TT đã bày tỏ nguyện vọng đến các nhà tổ chức quốc tế và các kỳ LHP Ấn Độ năm 2010; LHP Anh, LHP Pháp năm 2013 đưa về ngoại thành Đà Nẵng và được người dân hưởng ứng tích cực. Cách làm này của TT đã tạo sự công bằng trong hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và đô thị.

Cách làm mới

“Thu hút LHP về đã khó, giữ chân, tạo được niềm tin khiến họ quay lại vào những lần sau khó hơn gấp nhiều lần”, bà Trần Thị Quý Nga, Trưởng phòng Tổ chức Nghiệp vụ TT tâm sự.

Bất kỳ LHP nào, dù khâu tổ chức có hoàn hảo đến đâu mà khán giả không biết đến thì cũng như “công dã tràng”. Vì vậy, quảng bá là khâu quan trọng nhất đem đến sự thành công cho LHP. Những năm đầu tiên khi LHP mới về, công tác quảng bá đến đúng đối tượng nghe qua thì hay nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Lý giải điều này, ông Lê Quốc Khánh cho biết, việc đưa vé đến tận tay khiến nhiều khán giả nảy sinh tâm lý “bị ép buộc” phải đi xem phim. Ví như mang vé đến một trường đại học, phòng công tác học sinh-sinh viên sẽ phát vé cho các em nhưng các em lại hoàn toàn mù tịt về thông tin LHP cũng như nội dung phim nên không hào hứng. Sau đó TT đăng thông tin rộng rãi trên báo, đài truyền hình. Người dân đến tận nơi (rạp Lê Độ) xem nội dung phim, tham khảo lịch chiếu. Họ sẽ tự chọn lựa cho mình bộ phim yêu thích rồi lấy giấy mời, tạo cho người xem cảm giác thoải mái hơn.

Rút kinh nghiệm từ 3 năm đầu tiên tổ chức, 2 năm sau này, các kỳ LHP gây được sự chú ý hơn. TT cũng tạo được một danh sách khán giả tiềm năng bằng cách mỗi khi khán giả đến lấy vé mời sẽ lưu lại tên và số điện thoại. Khán giả nào đến LHP nhiều lần, mỗi khi có LHP kế tiếp, nhân viên TT sẽ gọi điện thông báo. Chính cách làm này của TT đã khiến khán giả yêu điện ảnh cảm thấy được tôn trọng dù họ đi xem phim miễn phí.

LHP quốc tế diễn ra lần đầu tiên ở Đà Nẵng từ năm 2010. Sau hơn 5 năm đã có 21 LHP được tổ chức. Trong đó: Năm 2010: 4 LHP; Năm 2011: 3 LHP; Năm 2012: 4 LHP; Năm 2013: 5 LHP; Năm 2014: 4 LHP; Năm 2015 (tính đến thời điểm hiện tại): 1 LHP; tháng 8, 9 : 3 LHP (đã có kế hoạch). Nhìn chung số lượng LHP qua từng năm ổn định, số lượng phim và buổi chiếu các năm sau tăng hơn các năm trước.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.