.

Quãng lặng giữa cơn đau

.

Sau những lúc “lên cơn” như bị ma nhập, người tâm thần trở về với bản tính thiện lành của mình. Họ đánh đàn, chơi văn nghệ, thể thao... hiền lành, chân chất như chưa từng xảy ra những chuyện “động trời” trước đó.

Phó phòng Điều dưỡng phụ trách Khu A Nguyễn Bá Đào (giữa) hòa giọng cùng anh em bệnh nhân qua hợp ca “Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3”. Ảnh: V.T.L
Phó phòng Điều dưỡng phụ trách Khu A Nguyễn Bá Đào (giữa) hòa giọng cùng anh em bệnh nhân qua hợp ca “Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3”. Ảnh: V.T.L

Bước vào phòng làm việc của anh Nguyễn Bá Đào, Phó phòng Điều dưỡng phụ trách Khu A - Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, tôi thoáng chút ngạc nhiên khi thấy có cây đàn ghi-ta treo trên vách. Cứ tưởng Đào mê đàn thì anh bảo: Trung tâm có  6 khu, khu nào cũng có một cây ghi-ta để phục vụ đời sống tinh thần của bệnh nhân. Nói rồi, anh cho người gọi mấy anh em bệnh nhân Khu A đến, toàn là những tay đàn “có cỡ” cả.

Tìm lại chính mình

Tay chơi ghi-ta có hồn nhất Trung tâm, theo giới thiệu của Đào, là anh Lê Văn H. quê Hòa Khương, huyện Hòa Vang. H. khẽ lướt ngón tay qua 6 dây đàn như một nhạc công thực thụ rồi chỉnh lại từng dây cho chuẩn âm. Khi chúng tôi đề nghị anh hát bài mình thích nhất, anh bảo đó là bài “Tấm ảnh ngày xưa” (anh nói rõ tên tác giả là nhạc sĩ Lê Dinh), rồi khe khẽ cất tiếng: Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình. Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau. Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi…

H. ngồi đó, tiếng đàn hòa giọng hát, chừng như ký ức đang quay về trong anh với những buồn vui càng lúc càng rõ nét. H. kể, học đến lớp 9 Trường THCS Hòa Khương, nay là THCS Đỗ Thúc Tịnh, thì anh nghỉ học đi làm thợ mộc giúp gia đình. Anh có nhiều tài lẻ, ngoài tự học đàn ghi-ta, còn biết chơi mấy môn thể thao như: cầu lông, bóng đá, bi-a… H. thích bài “Tấm ảnh ngày xưa” bởi ngày trước anh cũng từng chụp hình chung với người mình yêu.

Mê chơi ghi-ta cổ điển (classic guitar) nhưng chưa học được thì trong một lần đi làm bị cây trính rơi ngay đỉnh đầu, từ đó H. đâm ra ngơ ngẩn như người mất hồn, thỉnh thoảng lên cơn tâm thần. 9 năm trước, người nhà đưa anh vào Trung tâm chữa trị bệnh tâm thần. Vợ anh đến thăm nuôi chỉ duy nhất một lần rồi bỏ đi biền biệt. Hai đứa con 26 và 23 tuổi ở với ông bà nội, thỉnh thoảng có đến thăm anh. Những lúc nhớ kỷ niệm xưa, anh cầm đàn rưng rưng khúc hát “Bài không tên cuối cùng” của Vũ Thành An: Này em hỡi! Con đường em đi đó. Con đường em theo đó. Sẽ đưa em sang đâu?...

Mọi người chùng xuống khi câu hát cuối cùng của H. rơi vào vắng lặng. Cây đàn được chuyển qua cho anh Tạ V. nhà ở đường Phan Thanh. Anh chàng ở nội thành Đà Nẵng này 5 tuổi đã biểu hiện bệnh tự kỷ, lớn lên tự học ghi-ta với mong ước được vượt qua chính mình. V. thích bài “Áo lụa Hà Đông” (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) bởi anh từng theo đuổi một cô gái chuyên mặc áo lụa. Vào Trung tâm, được anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Điều dưỡng phụ trách Khu B bày bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (của Phan Nhân) nên V. có thêm bài hát yêu thích.

Những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ ở tuổi gần 50 chợt giãn ra, nhìn họ đàn và hát không ai nghĩ họ đang điều trị bệnh tâm thần, từng lên cơn đập phá. Họ tìm lại chính mình bằng những xúc cảm chân thật nhất có thể qua từng tiết tấu, giai điệu. Điều lạ lùng là V. hát rất chuẩn bằng tiếng Pháp mấy bài như Oh Maman (Mẹ hiền), Si l’ amour existe encore (Nếu tình yêu còn hiện hữu)… đó là những bài hát anh học lóm được khi “ngồi đồng” trong các quán cà-phê ngày trước.

Liệu pháp âm nhạc

Tuấn A. quê Tam Kỳ, vì bị sốc mà đổ bệnh. Năm nay 45 tuổi, anh chia sẻ, từng có đến 7 người bạn gái nhưng chưa có một mảnh tình nào cho ra hồn. 30 tuổi, anh xin cưới vợ thì cha anh lúc đó 80 tuổi đã không hiểu tâm lý của tuổi trẻ, cứ khư khư ôm lấy quan niệm xưa cũ, cương quyết từ chối vì cho rằng không môn đăng hộ đối. Buồn bực, thất vọng, anh giải khuây bằng các chất kích thích, từ đó sinh ra bệnh tâm thần.

Thấy A. xin điếu thuốc và rít liên tục, tôi hỏi vì sao người bệnh tâm thần lại thích hút thuốc lá thì anh giải thích như một nhà phân tích bệnh học thực thụ: “Thuốc lá có hại, nhưng lại xoa dịu thần kinh nên khó bỏ lắm. Có bỏ thì bỏ bia rượu, vì rất nguy hiểm. Tôi có lần được về thăm nhà, uống một chai bia là sau đó phải chích tới 18 mũi thuốc. 10 năm tập thể dục mà tôi không nhớ nổi động tác, nhưng ai hứa cho điếu thuốc là nhớ miết”.

Nói thế, nhưng V. sử dụng từ ngữ rất chuẩn xác và đầy triết lý: “Tôi không bị tâm thần, tôi chỉ bị ảo thanh, nghe một bản nhạc hay là cứ hát đi hát lại trong đầu. Chắc do cái tâm tôi không tịnh…”. Rồi anh kể một loạt các bài “cứ hát đi hát lại trong đầu” như: Hàn Mặc Tử, Đêm đông, Hát nữa đi em… Anh còn cẩn thận nhắc nhở tôi: “Hát nữa đi em của Thanh Sơn khác với Hát nữa đi Hương của Phạm Duy anh nghe”.

Nói về triết lý, anh Nguyễn Văn T. từng “gối đầu giường” sách của các triết gia như Kant, Heidegger… Không biết có phải vì ngốn ngấu quá nhiều triết thuyết mà anh “tẩu hỏa nhập ma” phải chữa trị tâm thần gần 30 năm nay. Tôi từng xem anh biểu diễn ghi-ta cổ điển rất hay, nhiều bài cần kỹ thuật khó anh vẫn chơi khá tốt. Mười ngón tay lả lướt trên các ngăn đàn, dây đàn ngày nào giờ ám đầy màu vàng khói thuốc. Hỏi đến những bản độc tấu anh từng chơi rất nhuyễn như Domino, La Campasita… anh chẳng nhớ đến một nốt. Anh Nguyễn Bá Đào đưa ra quyển sổ chép nhạc thì T. bảo anh đọc được hết. Đào hứa sẽ mua tặng T. một quyển để anh từng bước phục hồi lại kỹ năng xưa và sẽ đỡ bệnh hơn nhiều.

PGS,TS,BS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Bộ Y tế) đã dùng các điệu nhạc để xoa dịu những cơn sóng dữ trong ký ức bệnh nhân tâm thần. Liệu pháp âm nhạc này sẽ đưa bệnh nhân tâm thần “du hành” về thế giới của tiềm thức đầy cảm xúc. Trong một dịp chia sẻ với báo giới cách đây vài năm, ông Thọ cho biết: “Bệnh nhân sẽ tự kể lại những xung đột trong tâm thức. Một khi đã giải quyết được khúc mắc cho người bệnh trong cuộc sống thì việc điều trị ổn định, cải thiện các triệu chứng và kỹ năng sống cho bệnh nhân chỉ là vấn đề của thời gian”.

Ở một góc độ nào đó, việc Trung tâm trang bị mỗi khu 1 ti-vi, 1 đầu đĩa, 1 cây đàn ghi-ta, cũng là cách đưa “liệu pháp âm nhạc” vào trong đời sống tinh thần của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân nhờ “vịn” vào cái “hoa tay” của mình mà tìm lại được quãng lặng bình yên giữa những cơn đau. Anh Đào bảo, nếu có được một căn phòng trang bị hệ thống âm thanh để anh em bệnh nhân đến nghe nhạc, chơi đàn, hát hò văn nghệ… thì căn bệnh sẽ thuyên giảm nhanh hơn.

Chiều muộn, chia tay những “nhạc sĩ – ca sĩ” của Trung tâm, thoáng chút chạnh lòng. Gác lại những giai điệu trầm hùng của Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3 – bài hát sẽ được bệnh nhân Khu A biểu diễn tại buổi sinh hoạt văn nghệ toàn Trung tâm vào cuối tháng 8 này, anh H. đưa tay vẫy chào chúng tôi với lời nhắn: Hôm nào lên nhớ ghé lại hát với chúng tôi!...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.