.

Đàn ông ở chợ

.

Đọc “Nghìn lẻ một đêm”, tìm mỏi mắt cũng không ra được một người phụ nữ bán hàng ở chợ. Ở các nước Ả Rập, việc đàn ông mua sắm, buôn bán nơi cửa chợ là điều hiển nhiên. Không như ở Việt Nam, đàn ông đi chợ đã hiếm, đàn ông buôn bán tại chợ lại càng hiếm hơn…

Suốt 31 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Ân đều đặn mỗi sáng, mỗi chiều ra chợ để phụ vợ dọn hàng tại sạp vải Ân Trình, chợ Hàn. Ảnh: M.T
Suốt 31 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Ân đều đặn mỗi sáng, mỗi chiều ra chợ để phụ vợ dọn hàng tại sạp vải Ân Trình, chợ Hàn. Ảnh: M.T

Thế nhưng vì mưu sinh, vì muốn được san sẻ những nhọc nhằn, vất vả với vợ, nhiều người đàn ông vẫn bỏ qua ngượng ngùng, gượng gạo ban đầu để làm quen với không khí tấp nập, rộn ràng thậm chí chao chát nơi cửa chợ; để học cách tính toán, đong đếm, “thuận mua vừa bán”…

Đi chợ Phước Mỹ, quận Sơn Trà, tôi luôn ghé qua hàng rau của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tương (42 tuổi). Vợ chồng anh lúc nào trông cũng lem luốc, tất bật, những ngón tay đen, quanh năm suốt tháng dấp dính vì mủ rau lang, rau muống, đu đủ, mít. Anh chồng luôn mặc áo sơ-mi bỏ bên ngoài chiếc quần cũ kỹ, nhàu nhò, cứ chộn rộn dọn dẹp và nụ cười luôn nở trên môi.

Khi con lớn vào đại học, anh chị nhận ra làm nông không đủ để vun vén cho giấc mơ đèn sách của các con nên anh chị bỏ ruộng, bỏ nhà ở Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam ra bán rau tại chợ Phước Mỹ. Đều đặn suốt 8 năm nay, anh Tương luôn bên vợ trong mỗi buổi chợ, từ lúc trời còn mờ sương cho đến khi bóng nắng đứng đỉnh đầu. Chị vợ tay thối tiền, miệng vừa tính nhẩm vừa trả lời giá cả cho khách.

Khi khách chọn được mớ rau ưng ý thì anh chồng nhanh tay đón lấy, lồng vào túi ni-lông và gửi kèm cả câu cảm ơn khách. Anh còn thoăn thoắt giúp vợ gọt khoai, mướp, nhặt rau lang, rau muống khi khách yêu cầu. Ngồi cùng vợ ở cửa chợ lâu, anh tự nhận mình nhặt rau đã đạt đến tầm “chuyên nghiệp”, tuy nhiên, không bao giờ kỳ kèo thêm bớt một hai, mặc cả hay trả giá bởi “dù gì mình cũng là đàn ông”.

Ngồi cạnh nhau, anh chị vừa bán, vừa trò chuyện lúc vắng khách, vừa mở bình nước rồi giục nhau uống, vừa cười thành tiếng khi nhắc đến những câu nói hài hước của con, vừa che nắng cho nhau… Lúc chợ vãn, vợ anh Tương mới bắt đầu mua sắm cho bữa cơm gia đình.

Chị hay “chê” chồng là “con nhà lính nhưng tính nhà quan” bởi món ăn anh thích nhất là chả cá, nhưng chả cá xay sẵn tại chợ lại khiến anh đau bụng. Vì lẽ đó, chị luôn cẩn thận mang theo một chai nước sôi để nguội để rửa sạch mẻ cá tươi trước khi bỏ vào máy xay ngay tại chợ. Chị chu đáo chuẩn bị cả hành và tỏi lột vỏ sẵn, tiêu, muối để mẻ cá xay bảo đảm ngon, hợp vệ sinh cho chồng…

Cách đó không xa là hàng bán dừa của vợ chồng anh Phan Thanh Tuấn (33 tuổi). Trước đây, anh Tuấn làm nghề trang trí nội thất tại Sài Gòn, trong một lần về thăm vợ lúc mang thai, nhìn vợ bụng mang dạ chửa phải xách và chặt những trái dừa cứng ngắt, nặng nề, anh quyết định bỏ nghề để ra chợ phụ vợ. Để bàn tay luôn sạch sẽ, tạo cảm giác an tâm cho khách, anh Tuấn cai cả thuốc lá.

Trong lúc vãng khách, anh tranh thủ chặt, bổ những trái dừa già và khéo léo đưa vào máy để nạo ra lớp cơm dừa trắng muốt. Giữa tiếng máy ồn ã, công việc luôn tay, anh Tuấn vẫn để mắt nhìn ra phía cửa để khi khách xuất hiện, anh lập tức đứng dậy, chạy ra chào mời và nhanh tay bổ dừa. Anh Tuấn thừa nhận, mình nhanh nhẹn, đon đả với khách không phải chỉ để bán được nhiều hàng hơn mà còn bởi sợ vợ phải vất vả.

Trong những lúc hàng đông khách, xen giữa những câu hỏi về yêu cầu của khách là tiếng nhắc nhở nhỏ hơn nhưng rành rọt của anh Tuấn dành cho vợ: “mẹ cứ tính tiền đi, chặt dừa để ba lo”. Cứ như thế, dần dần anh trở thành người bán chính, chị vợ anh thành ra… thừa thãi trong gian hàng của mình nên phải bày thêm mẹt trái cây để bớt rảnh rang trong những buổi chợ.

Nên vợ, nên chồng được 31 năm là 31 năm ông Nguyễn Ngọc Ân đều đặn mỗi sáng, mỗi chiều ra chợ để phụ vợ dọn hàng tại sạp vải Ân Trình, chợ Hàn, quận Hải Châu. Cách đây 8 năm, ông quyết định nghỉ hưu trước tuổi và ra chợ cả ngày để chở vợ đi chọn vải, vận chuyển về chợ, cùng vợ chọn, sắp xếp, trưng bày những mảnh vải sao cho bắt mắt nhất. Chợ Hàn có gần 90 sạp vải, hầu hết người bán đều phải thuê người bày biện, chỉ duy nhất ông Ân lại chọn cách tự tay gấp từng tệp vải, cẩn thận xếp từng chồng vuông vức, gọn gàng, chất cao đến tận nóc ki-ốt mặc dù việc dọn hàng thường kéo dài đến 2 giờ đồng hồ.

Trong một lần thấy vợ phải chỉ trỏ, mướt mồ hôi nói chuyện với du khách nước ngoài… bằng tay, ông Ân quyết định học tiếng Anh để giúp vợ giao tiếp, bán hàng. Sau thời gian tự học, giờ đây ông đã trở thành “thông dịch viên” cho hầu hết các sạp vải trong chợ. Ông còn mày mò học cách sử dụng máy tính bảng và tải về những mẫu quần áo thời trang cùng các loại vải phù hợp để giới thiệu, thuyết phục khách mua hàng. Tự nhận mình là người ghét các con số, tính toán, tuy nhiên, khi quyết định phụ vợ cùng buôn bán, ông Ân lại làm quen với các phép tính cộng trừ nhân chia, ghi nhớ rành rọt giá cả của từng loại vải, ông học cả cách đo vải bằng thước gỗ, xẻ khổ vải dài thẳng băng chỉ bằng một đường kéo ngọt lịm.

Khi sức khỏe ngày càng xuống, anh Nguyễn Đình Cảnh (52 tuổi) quyết định bỏ nghề thợ hồ để mỗi ngày cùng vợ lên chợ Đầu mối Hòa Cường lấy trái cây về bán tại chợ Phước Mỹ. Đã 5 năm ngồi chợ, anh Cảnh không còn cảm giác ngượng nghịu, lóng ngóng như những ngày đầu, giờ đây anh có thể thuộc và đọc vanh vách giá tiền của từng loại trái cây. Điểm đặc biệt của vợ chồng anh là không bao giờ rao, không chào mời. Cả hai chỉ rì rầm trò chuyện cùng nhau, kiên nhẫn ngồi đợi đến khi có ai đó sà xuống mẹt hàng, lúc đó anh mới nhỏm dậy, tay mở túi ni-lông, miệng vừa cười vừa nói: “Cam gốc đó chị, sần sùi, xấu xí nhưng ngọt nước”.

Hầu hết những người đàn ông buôn bán nơi cửa chợ mà người viết được tiếp xúc đều không ngại khi ngày ngày có mặt tại cửa chợ, khi phải tính toán, cân đo và thuyết phục khách hàng, khi phải lem luốc giữa trời nắng mưa… Ngược lại, dường như họ vui và tự hào vì công việc mình làm là lương thiện, xuất phát trọn vẹn từ tình thương vợ và niềm tin: những nhọc nhằn hôm nay sẽ giúp con đường đến tương lai của các con thênh thang hơn.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.