.

Lan man hàng cá, hàng rau

.

Bước vào mỗi khu chợ, luôn bắt gặp hình ảnh chị bán cá, dì bán rau với đôi bàn tay lúc nào cũng bận rộn, quần áo dính bên này, lấm bẩn bên kia. Họ chỉ mong rằng, những con cá được làm sạch sẽ, những rổ rau non mướt, lặt sẵn sẽ dễ thu hút người mua.

Lời lãi ít nên nhiều chị bán rau ở chợ vẫn chọn cách ngồi bệt thay vì thuê ki-ốt. Ảnh: T.Y
Lời lãi ít nên nhiều chị bán rau ở chợ vẫn chọn cách ngồi bệt thay vì thuê ki-ốt. Ảnh: T.Y

Một đời bán cá vẫn thèm cá ngon

Chợ trưa dần. Khu vực hàng cá chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà thưa thớt người qua lại. Mùa Vu Lan báo hiếu, nhiều người ăn chay nên mấy chị tiểu thương chỉ buôn bán cầm chừng cốt giữ chân khách. Mấy thau nhựa bày quanh chỗ ngồi của chị Bình vẫn còn dăm ba ký cá vụn. Ngay dưới chân chị, nước chảy lênh láng, mớ đầu cá nằm trên nền xi-măng cáu bẩn. Ánh mắt lướt một vòng quanh chợ, chị quay sang “đồng nghiệp” hàng bên cạnh, giọng quả quyết: “Kiểu ni lại phải bán tống bán tháo được đồng mô hay đồng nấy. Để qua ngày cá ươn lại không bán được. Còn thì mang về nhà cho mấy sắp nhỏ ăn, mấy bữa ni ế quá”. Vừa nói, chị vừa nhanh tay chia cá làm mấy phần bằng nhau rồi lấy một phần làm sạch, rửa qua một lần nước, bỏ vào máy xay nhuyễn, nêm nếm ít gia vị rồi bỏ vào chiếc giỏ đặt bên cạnh.

Hơn 15 năm bán cá tại chợ Mân Thái, rồi đến chợ Nại Hiên Đông là chừng ấy năm chị Bình thức khuya dậy sớm. Hằng đêm, chị hẹn đồng hồ đúng 2 giờ sáng, thức dậy mang ủng, rón rén kéo tấm cửa sắt rời khỏi căn hộ nhỏ tại Khu chung cư Làng cá Nại Hiên Đông, chạy xe ra chợ hải sản Thọ Quang nằm cách đó không xa. Chị chia sẻ, cá về bến ít, người buôn đông nên không hiếm cảnh gánh cá vừa lên đến bờ đã có hàng chục chị em lao vào tranh giành, tay giữ giỏ cá, miệng không ngớt “trả giá” những mong mua được rổ cá tươi, giá tốt. Cố gắng thế nhưng mỗi buổi chợ tiền lời thu lại chưa đến 100.000 đồng, hôm nào bán ế coi như huề vốn.

Cuộc sống xoay vần bên mùi mặn mòi của cá. Chị Trần Thị Nga, buôn cá tại khu vực chợ Mới nói ngắn gọn về nghề: “Bán cá mà không lanh tay, lẹ chân và không nắm bắt nhu cầu của khách thì khó lòng trụ nổi. Ngoài mùa nào cá nấy, chúng tôi còn phải tính toán lỗ - lãi hợp lý. Cá ngon nhưng nếu giá đắt quá thì không nên mua. Thà chọn cá vừa tầm, người mua đông buôn bán mau kiếm lời. Muốn thế phải chịu khó ra bến từ khuya, có khi phải tranh giành nhau với người khác để mua được vài ký cá ngon”.

Không gian hàng cá ở khu chợ nào cũng ẩm ướt, nước tràn ra lối đi nhỏ hẹp. Người đi chợ đến khu vực này cứ phải nhón chân sợ lấm bẩn giày dép. Thao tác làm cá là phải để dưới nền xi-măng làm mới nhanh, gọn nên chợ dù cơi nới hay xây mới thì người bán vẫn thích ngồi thành dãy dưới đất chứ không thích lên sạp.

Nghề buôn cá lời, lỗ thất thường theo giá cả lên, xuống của thị trường. Một chị bán ở chợ Mân Thái nói thiệt: “Chị muốn giá cá lúc nào cũng rẻ. Giá cao, người mua thường “kỳ kèo bớt một, thêm hai”. Có người, cá cân xong cũng cố lượm một hai con thêm vào vì chê đắt. Cứ thế, rổ cá bán xong, lời đâu chưa biết, chứ thấy lỗ hơn ký là có rồi. Có nhiều chị em buôn cá mà cả đời chẳng dám bỏ tiền ra mua con cá ngon về cho con ăn vì sợ thâm vào nguồn vốn hạn hẹp của mình. Có hôm ra bến, thấy con cá ngon, định mua cho con, nhưng nghĩ lại thấy giá cao quá mà đành chịu”.

Ở những khu chợ nhỏ, chợ tạm, không hiếm những người bê từng rổ cá tìm chỗ chen chân. Họ phần lớn là người nghèo. Không có mặt bằng ổn định, thường phải ngồi sát mép đường hoặc bị dồn sát vào góc chợ. Buôn bán nhấp nhổm vì sợ lực lượng chức năng đẩy đuổi.

Đơn cử, ở chợ tạm đoạn đường Phạm Đình Hổ - Lâm Quang Thự - Kinh Dương Vương khu vực phường Hòa Minh giáp ranh Thanh Khê Tây mỗi ngày có gần chục hộ bán cá. Không có hệ thống thoát nước riêng, tất cả nguồn nước thải phụ thuộc vào hệ thống thoát nước mưa công cộng, nước làm cá tràn xuống nền gây ô nhiễm. Biết thế nhưng lực lượng chức năng cũng khó lòng xử lý dứt điểm vì đằng sau những hộ buôn thúng, bán bưng kia là cả gia đình, là hộ nghèo cần chạy ăn từng bữa. Một lãnh đạo tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết, hiện thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng khu chợ mới ở cuối đường Kinh Dương Vương, diện tích 3.000m2. Ông hy vọng, khi chợ này xây xong, người dân sẽ ý thức hơn trong việc kinh doanh, buôn bán nhằm giữ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng mức giá cho thuê sẽ là gánh nặng đối với chị em nghèo.

Tất bật gánh hàng rau

Trên 40 năm buôn hàng la-gim tại con hẻm bên hông chợ Cồn, bà Phan Thị Thanh Nhàn (74 tuổi) cho biết, chợ họp từ 2, 3 giờ sáng. Rau củ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi theo xe hàng tập kết thành từng đống chờ tiểu thương đến lấy. Một ngày làm việc của bà bắt đầu từ việc sắp hành ngò, cà chua, cà rốt, xà lách, cải ngọt, đu đủ, bí đao, hành củ, chanh… ra rổ, khéo léo không để chúng bị dập nát.

Luôn tay với đống hàng hóa bề bộn, bà không quên mời chào khi có khách ngang qua: “Vô mua đi cô ơi. Hôm nay rau ngon lắm”. Bà nói, nhiều năm ngồi ở chợ này, bà có nhiều khách quen, chủ yếu bán cho mấy quán ăn. Có lẽ vì thế mà khi vừa thấy một chị chừng 40 tuổi chạy xe máy tới, bà đã nhanh miệng cười: “Vẫn 3 cân cà chua, 4 cân cà rốt với 2 cân chanh hả cô”. Người phụ nữ vẫn ngồi trên xe gật đầu. Bà thoăn thoắt lựa hàng cho khách, cột chặt, mang ra treo vào xe. Khách đi rồi, bà cười hiền, nói: “Cô đó bán quán cà-phê trên đường Trưng Nữ Vương. Mỗi ngày đều đặn lấy cho tôi từng đó hàng. Thời buổi đông người bán, có mối quen như thế là quý lắm”.

Ở chợ, các mặt hàng khô có thể để qua đêm. Riêng hàng cá, hàng rau, hàng thịt, phải bán trong ngày nếu không muốn bị héo úa, ẩm ương. Để hút khách, họ phải nghĩ ra cách bày biện rau củ sao cho thu hút người mua.

Chị Hồng, bán hàng la-gim ở chợ Đống Đa chia sẻ, có lần, buổi tối rảnh rỗi, chị lấy mớ thân rau muống thừa, chẻ sợi trộn vào rổ rau sống để mai bán. Nào ngờ sáng hôm sau, trong vòng tiếng đồng hồ, chị đã bán xong rổ rau to bự. Từ đó, chị phát hiện ra dân mình thích ăn cọng rau muống sống nên chăm chỉ chẻ sợi, chú ý hơn đến giá tươi, lấy hàng rau thơm, bắp chuối từ Hội An, Điện Bàn, chăm chút rổ rau sống sao cho thật đẹp mắt. Chị bảo, chính rổ rau sống đã giúp mặt hàng rau của chị trở nên hút khách để mua rau sống rồi kết hợp mua thêm các loại rau củ khác.

Buôn bán mặt hàng rau, củ, quả thỉnh thoảng lại điêu đứng bởi những nguồn tin về an toàn thực phẩm. Nhiều chị cho biết, cứ sau mỗi bài báo về thuốc trừ sâu, tưới rau bằng nước thải, tiêm (hay phun) thuốc tăng trưởng cho cây là y như rằng cả tháng trời không ai bán buôn được. Để đảm bảo nguồn thu, tiểu thương chú ý nhiều hơn đến nguồn gốc rau xanh, thậm chí đôi lúc gắn mác hàng quê mới bán được hàng. Nhiều chị thuê sạp hàng hẳn hoi, nhưng cắt cử thêm người thân mang rau củ ra ven chợ ngồi bán.  

Trong khi người buôn bán ở trung tâm thành phố vẫn dựa vào nguồn rau từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Lạt hoặc các tỉnh phía Bắc thì các chợ quê ở quận Ngũ Hành Sơn hay huyện Hòa Vang, nhiều chị em lấy rau xanh tại chỗ, từ các vùng rau an toàn. Chị Tán Thị Vân, bán hàng rau củ quả tại chợ Túy Loan cho biết, vì tin tưởng vào nguồn gốc sạch của rau, nên mặt hàng này rất được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, rau được trồng tại Đà Nẵng chưa phong phú, chủ yếu dền, muống, mồng tơi, cải, xà lách, húng, ngò, dưa leo, chưa tạo nguồn cung hấp dẫn với tiểu thương. Thời tiết này, rau củ rất dễ héo nên khoảng 30 phút là phải phun sương giữ ẩm.

Bước vào mỗi khu chợ, hình ảnh chị bán cá, dì bán rau với đôi bàn tay lúc nào cũng bận rộn, quần áo dính bên này, lấm bẩn bên kia. Họ chỉ mong rằng, những con cá được làm vảy sạch sẽ, những rổ rau non mướt, lặt sẵn sẽ dễ dàng thu hút người mua.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.