.

Nơi biển xanh, cát trắng

.

13 năm sống ở Mỹ, năm nào ông Hồ Ngọc Mỹ cũng về Đà Nẵng vài tháng. Nhà ở ngã 5 Ngô Quyền, ông chỉ cần đi bộ một chặp là ra đến bãi biển Mỹ Khê, thỏa sức vùng vẫy với sóng nước. Chừng ấy thời gian đi đi về về nửa vòng trái đất, ông thấy biển quê mình ngày càng khác. Hỏi khác sao, ông bảo “thì nó ngày càng đẹp hơn, sạch hơn, hiện đại hơn”.

Sạch và đẹp là thương hiệu của bãi biển Mỹ Khê - “1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”. Ảnh: H.N
Sạch và đẹp là thương hiệu của bãi biển Mỹ Khê - “1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”. Ảnh: H.N

Cát trắng níu chân người

Ông Mỹ từng đi khắp các bãi biển trong cả nước. Phía bắc có Hạ Long, Đồ Sơn, Cửa Lò, phía nam có Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, rồi gần đây có Lăng Cô, Tam Thanh. Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng. Nhưng ông vẫn thấy biển Đà Nẵng đẹp. “Không phải vì quê mình rồi mình khen, mà chú thấy nó đẹp thiệt. Tắm biển Mỹ Khê thì được nhìn thấy núi Sơn Trà như bức bình phong phía trước, ngó qua tay mặt thì thấy núi Ngũ Hành. Chừ về Thọ Quang, ngó ra giữa biển thì thấy Hòn Sụp. Bây giờ và kể cả ngày xưa cũng vậy, ở đây đẹp nhất”.

Trước ở ngã 5 Ngô Quyền, giờ ông Mỹ mua một lô đất, xây căn nhà nhỏ ven đường Hoàng Sa. Ông bảo giờ già rồi, hết còn bay nhảy, mấy năm làm việc ở xứ người dành dụm được một ít, giờ về đây ông thưởng cho mình cảnh sống an nhàn, hưởng tuổi già. Ông chọn làng biển Thọ Quang này, ở cạnh những gia đình ngư dân, sáng đi bộ lên núi, lúc về ghé ngang chợ cá nằm ngay mép biển mua ít cá tươi cho bữa ăn trong ngày, chiều thì ra vẫy vùng với sóng. “Ít năm nữa, ghe thuyền ở đây phải chuyển qua cảng cá Thọ Quang, bãi biển sẽ hình thành bãi tắm và nơi neo đậu thuyền du lịch, lúc nớ thì chỗ ni tha hồ đẹp”, ông Nguyễn Củi, 86 tuổi, góp chuyện.

Ông Củi vốn dân Hòa Hải, hồi chiến tranh ông dạt về Thọ Quang. Đời ông gắn với ghe, với biển. Ông mới thôi đi biển chừng hơn chục năm. Ông bảo “trước dân ở sát mép biển, phải thêm 4-5 lớp nhà mới đến nhà tui bây chừ, ở sát biển để còn ngó thúng, ngó lưới và máy móc. Cả bãi ni toàn hoa muống biển, rác rến người ta cũng vứt đầy dưới gốc phi lao. Bãi biển ni để ghe, thúng nên còn sạch, chứ đi lên “phía trên kia” thì bẩn lắm. Như bãi thải của người dân. May khi làm con đường ven biển ni, dọn sạch mới ra cái bãi biển”.

“Ở trên kia” tức là vệt biển từ Mân Thái đến Phước Mỹ, theo lời người dân sống ven biển thì ngày xưa, tức khoảng 15 năm về trước, hồi chưa có con đường dọc dài ven biển, bãi biển Mân Thái “tỉ nhớp” vì rác, cỏ.

Ông Nguyễn Văn Xất, 80 tuổi, ở khối An Bình, phường Mân Thái kể “nhà dân ở sát biển, không có đường xuống biển, cứ men theo từng lối đi nhỏ mà xuống, không có cây, không có đường, toàn rau muống biển. Người già, con nít chi cũng đi vệ sinh ngoài biển. Chừ thì khác rồi. Có con đường, nhà dân lui vô trong, bãi biển dọn sạch, chừ làm bãi tắm nữa. Hồi trước chỉ có dân làng tui tắm ở bãi ni, chừ thì người ở khắp nơi đến, để ý thấy đủ các giọng! Đi lên phía trên tê (ý ông là bãi Sao Biển, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An-PV) thì quá là đẹp”. Để ý, thấy người làng biển khen bãi biển quê mình sạch đẹp, luôn nhắc đến một điều là nhà nào cũng có giỏ rác, để đúng nơi, nên con cháu phải giữ sạch đường, sạch biển. Ý thức đó có từ hồi con đường ven biển mới mở, rồi ngày nào cũng thấy chị công nhân vệ sinh đi cào cát, đãi rác.  

Mấy ông già làng biển sáng chiều ra bãi tắm, ngó đám thanh niên chơi bóng chuyền, hay ngồi dọc bờ kè ven bờ nói chuyện biển bữa ni ít tôm cá, mấy hồi nữa sẽ có dự án bãi thuyền dành cho khách Hàn Quốc, Ý, Mỹ chi đó, làng biển ni sẽ còn khác nữa.

Mấy ông nghe tôi bảo, cách đây 10 năm, bãi biển chỗ Mỹ Khê được bình chọn là 1 trong 6 “bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” thì cười, như họ biết từ lâu rồi, là không sớm thì muộn mấy bãi biển đẹp như mơ ấy cũng được xếp hạng, không nhất thì nhì! Sau ngày cái bãi cát giăng đầy hoa muống biển, rác, cỏ, là cái nhà vệ sinh lộ thiên của hàng trăm con người được dọn sạch, thì triệu triệu người sẽ biết đến cái vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Người quận Ba ngày xưa giờ nở mặt nở mũi vì biển đẹp, cả thế giới biết đến chứ đâu có âm thầm như xưa.

Biển đã có thương hiệu du lịch

Đà Nẵng được biết đến với những bãi tắm đẹp kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước. Nhưng riêng các bãi quanh bán đảo Sơn Trà, hình như được trời phú cho nét đẹp không cần điểm tô, dù có bàn tay con người can thiệp vào nhiều, vẫn nhìn thấy vẻ hoang sơ, khoáng đạt của trời, của núi, của mây, của màu xanh tưởng như bất tận.

Khi con đường Sơn Trà-Điện Ngọc, nay là tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa hình thành, rồi Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng được thành lập, từ chỉ có bãi Mỹ Khê, T20, T18, Non Nước có thể tắm được, thì nay một vệt dài từ chân Sơn Trà về đến gần Điện Ngọc, bãi biển giang rộng vòng tay chào mời du khách.

Thế mạnh của Đà Nẵng là biển. Sau khi con đường ven biển ra đời năm 2003, liên tiếp các cây cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn ra đời, có thể nói “mọi ngã đường đều dẫn đến biển”. Đưa biển đến thật gần với người dân nội thành và mở ra cơ hội cho du lịch biển phát triển. Từ chỗ đón vài trăm nghìn khách mỗi năm, giờ Đà Nẵng đón khoảng 4,4 triệu khách, trong đó hơn 3 triệu là khách nội địa. Từ chỗ biển Đà Nẵng không có tên trên bản đồ du lịch đến nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ: Phát triển thế mạnh các bãi tắm từ Phạm Văn Đồng đến Ngũ Hành Sơn, biển Đà Nẵng ghi tên trên bản đồ du lịch. Khách nội địa tăng từ 35-40% mỗi năm. Mọi vấn đề cứu hộ, vệ sinh môi trường, hạ tầng đều được đầu tư bài bản; dịch vụ buôn bán của gần 200 hộ dân đi vào quy củ, không được phép bán đồ ăn và xả rác trên biển; các dịch vụ cho thuê phao, ghế ngồi với giá cả niêm yết công khai…

Tất cả những dịch vụ đó cộng với thái độ lịch sự, nụ cười thân thiện của người bán là “bảng quảng cáo” chân thực, không cần màu mè bóng bẩy mà thu hút lòng người, tạo dựng niềm tin cho du khách phương xa.

Ông Hải nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc trồng những vườn dừa, bãi cỏ, bãi biển sạch không hề có rác, thì những tiện ích nhỏ như nhà vệ sinh, người bán hàng được tập huấn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, biết quan điểm “kinh doanh không chỉ là buôn bán”, nên trong mắt du khách, bãi biển đẹp, con người đẹp làm nên thành công của du lịch Đà Nẵng hôm nay.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, tổ kinh doanh số 12, có 25 năm buôn bán trên biển Mỹ Khê, từ bán dạo đến quầy sạp như hiện nay, với chị như một cuộc “cách mạng” trong kinh doanh. Chị cứ tấm tắc hoài: biển chừ đẹp quá, khác ngày xưa quá nhiều. Thành phố mình đẹp, ai cũng khen, khách du lịch nhiều thì thu nhập mình tăng theo, chỉ hiểu đơn giản rứa thôi để giữ gìn nó.

Du lịch biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Một bức tranh đa sắc mà các bãi biển mang lại đã tạo nên sức bật lớn, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo chuỗi đô thị nghỉ dưỡng trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến biển Hội An. 10 năm qua, bãi biển quyến rũ nhất hành tinh càng ghi dấu trong lòng du khách.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.