.

Nối đôi bờ thương nhớ

.

Một phần tư thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, người Đà Nẵng lập thêm một chiến công mang tầm thời đại: bắc nhịp cầu thế kỷ qua dòng sông thành phố, nối “bên ni Hàn” với “bên tê Hàn”.

Cầu Thuận Phước và một góc quận Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: V.T.L
Cầu Thuận Phước và một góc quận Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh: V.T.L

Đó là năm 2000, đúng thời điểm kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, cầu Sông Hàn chính thức được khai sinh và trở thành “thành viên” thứ ba trong “đại gia đình cầu” bắc ngang qua dòng sông cùng tên. Nhịp cầu thế kỷ này đã đi vào lòng người dân thành phố như một biểu tượng của thành tựu và triển vọng, nó khép lại những năm tháng nghèo khó và mở ra một chân trời mới đầy niềm tin và hy vọng cho người dân “bên tê Hàn”.

Ở nơi không có kiệt hẻm

Ngày đó, trong ký ức của chị Đỗ Thị Minh Hương, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, là sự kiện “đình đám” nhất đối với các tầng lớp người dân “Quận Ba” lúc bấy giờ, đi đâu cũng nghe râm ran bàn tán về cây cầu quay độc đáo bắc qua sông Hàn.

Nhà chị ở khu vực Nại Nghĩa, cách khu nhà chồ ven sông Hàn chỉ 30 mét. Chị và bạn bè trong xóm học ở Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện bên đường Nguyễn Trung Trực. Đó là con đường độc đạo chạy từ đường Ngô Quyền thẳng ra xóm Bờ Đập sát sông, được người dân gán cho cái tên Đất Đỏ theo đúng thực trạng của mặt đường. Trường nằm bên nổng cát lớn, đến lớp chị ít khi đi con đường duy nhất ở Nại Hiên Đông lúc đó mà băng qua nổng cát cho gần. Sân trường chỉ lèo tèo một vài cây xanh nhưng đầy cát và cát, chỉ có nền các phòng học và khu hiệu bộ mới được tráng xi-măng.

Xóm nhà chồ đêm đêm le lói ánh đèn dầu, trên đất liền thì đèn điện chỗ có chỗ không theo kiểu da báo. Đêm xuống xóm trên xóm dưới đi ngủ sớm. Đường vắng bóng người, thỉnh thoảng có những cơn gió từ phía sông thốc lên, vít những ngọn thông gần khu nghĩa địa xóm Nại Thịnh làm phát ra tiếng rít âm u, ghê rợn. Khi nghe tôi hỏi bao giờ thì Nại Hiên Đông có điện 100%, chị trả lời ngay tắp lự: “Năm 1992. Năm đó đường dây điện dài gần 1km từ cuối đường Nguyễn Trung Trực đến Bờ Đập – khu dân cư Nại Hưng 3 bây giờ – được thi công theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm nào khu dân cư của tôi cũng tổ chức hội trại thanh niên ở Cồn Thông, nhưng mãi tới năm đó chúng tôi mới thoải mái sinh hoạt vui chơi suốt đêm nhờ có đèn điện”.

Năm 1999, sau 2 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và phường Nại Hiên Đông trực thuộc quận Sơn Trà, thành phố chủ trương giải phóng 337 hộ nhà chồ ở phường được cho là nghèo nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Đêm đêm, nhìn ánh đèn trang trí trên cây cầu mới với dáng dấp hiện đại, vững chãi, những người sống tạm bợ trên sông nước chợt chạnh lòng khi nghĩ đến căn “nhà” rung lắc trên mấy cây cột cùng với nỗi lo phập phồng, bấp bênh mỗi mùa mưa bão của mình. “Cú hích” từ cây cầu mới tráng lệ cùng với sự đồng thuận của lòng người đã góp phần tạo nên thành công cho dự án “giải phóng nhà chồ” 4 năm sau khi khánh thành cầu.

Xóm nhà chồ đã lên bờ và đường Nguyễn Trung Trực giờ không còn là “con một” khi cả phường đường ngang lối dọc như ô bàn cờ. Anh Nguyễn Huy Bình tuy mới về Nại Hiên Đông được 2 năm nhưng mỗi khi nói về nơi mình nhậm chức Bí thư Đảng ủy này, bao giờ cũng rất đỗi tự hào: “Nại Hiên Đông từ một phường có điểm xuất phát thấp nhất quận và có lẽ thấp nhất thành phố giờ là một trong những phường đầu tiên ở Đà Nẵng không có kiệt hẻm”.

Tư thế mới, động lực mới

Năm 1997 hầu hết các đường trong khu dân cư ở “Quận Ba” cũ (gồm quận Sơn Trà và hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ thuộc quận Ngũ Hành Sơn bây giờ) đều là đường đất cát hoặc đá dăm, không có hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng. Từ năm 2000, khi cầu Sông Hàn hoàn thành đưa vào sử dụng, quá trình quy hoạch chỉnh trang phía bờ Đông sông Hàn được tăng tốc với hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch lần lượt được hình thành.

Đường Bạch Đằng Đông, tạm gọi theo tên dự án được đặt tên đường Trần Hưng Đạo - vị tướng lừng lẫy trận Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông thời nhà Trần, cùng với đường Bạch Đằng bên kia sông tạo thành một nét gắn kết hài hòa giữa lịch sử dân tộc và cảnh quan đô thị. Tương tự, tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa được đặt tên cho đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc cùng với Công viên Biển Đông trở thành những cột mốc “cắm” trên đất liền Đà Nẵng đánh dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuyến đường Yết Kiêu – Ngô Quyền mở rộng, trở thành điểm khởi đầu của trục Hành lang kinh tế Đông Tây…

Đến khi cầu Thuận Phước, cầu Rồng ra đời, cầu Trần Thị Lý thay “áo mới”, hàng loạt dự án phát triển kinh tế - du lịch, dân sinh “bên tê Hàn” có điều kiện tiếp tục hình thành và phát triển: Cảng Tiên Sa được nâng cấp mở rộng, đường bao quanh và các dự án du lịch sinh thái tại Bán đảo Sơn Trà, Âu thuyền Thọ Quang, Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, hàng chục công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi, chợ và sự hình thành các khu dân cư mới Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Thọ Quang,…

Thọ Quang là phường có nhiều nét đặc thù với sông, núi, biển, cảng, khu công nghiệp, khu du lịch (sinh thái, tâm linh), nhiều cơ quan đơn vị Trung ương, nhất là quân đội... Anh Văn Thanh Quảng trước khi nhậm chức Bí thư Đảng ủy phường Thọ Quang đã từng 5 năm làm Bí thư phường Nại Hiên Đông. Anh bảo, cầu Thuận Phước đã tạo biến chuyển tích cực về nhiều mặt cho người dân bán đảo Sơn Trà, không chỉ thông thương tạo thuận tiện phát triển kinh tế mà còn giúp cho người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Cuối tuần dễ dàng qua “bên ni Hàn” xem phim, uống cà-phê, nghe ca nhạc, tham dự các sự kiện... Cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam này đã tạo điều kiện cho bán đảo Sơn Trà phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Thời gian qua, trên 120 dự án đã được triển khai đạt hiệu quả trên địa bàn quận. Nhìn lại vóc dáng của Sơn Trà hiện nay, ông Nguyễn Thái Phiên, nguyên Chủ tịch UBND quận, khẳng định: “Có thể nói việc nối các nhịp cầu qua sông Hàn đã tạo cho Sơn Trà một tư thế mới, động lực mới, mở ra các khả năng phát triển lớn lao về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo thế liên hoàn vững mạnh về an ninh, quốc phòng”.

Vầng trăng không xẻ làm đôi

Số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố cho thấy Sơn Trà hiện có gần 400 con đường đã được đặt tên; nếu kể thêm hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ (tách ra từ phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) thì cái “Quận Ba” đìu hiu gió cát ngày nào giờ đã ngót nghét trên 500 đường phố lớn nhỏ. Một sự “lột da” mang tầm thời đại, như nhận xét của Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ Trần Thị Mẫn: Ngày trước tìm đỏ mắt ở Khuê Mỹ cũng không ra một con đường rộng 5m, chừ thì đường rộng 7,5m, thậm chí 10,5m, cũng không còn là của hiếm.

Nhà ở gần Khu di tích K20, ngày chị còn tập tễnh ôm cặp lên học cấp 2, con đường nhựa duy nhất đi qua phường mình còn quá “nhà quê” chứ chưa mang dáng vẻ nguy nga phố thị và được đặt tên là Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến như bây giờ. Ngoài ra còn có hai đường làng đi qua các khu phố cũ, mãi đến khi các cây cầu lần lượt ra đời kéo theo dân cư đông đúc mới được nâng cấp và đặt tên là Nguyễn Đình Chiểu, Trần Hoành. “Hệ thống cầu qua sông Hàn đã góp phần xóa bỏ tự ti của người dân bên bờ Đông bởi sự cách biệt khá xa về diện mạo đô thị, trình độ dân trí, văn hóa,... bên bờ Tây” - chị nói.

Ở tít tắp dưới chân núi Sơn Trà, nơi một thời từ bãi biển chạy lên toàn là cồn cát, có nơi trồng thông với những đường mòn băng qua nổng cát đầy gai lưỡi long dọc hai bên, giờ đã khác xưa. Lúc đầu chỉ 3 đường: một Ngô Quyền thẳng ra cảng Tiên Sa, một Nguyễn Phan Vinh chạy ra biển và một Trần Quang Khải vòng qua Suối Đá dưới chân núi. Giờ thì "vô thiên lủng" đường sá với những dãy nhà nhiều tầng, điều mà 15 năm trước người dân ở đây có mơ cũng không thấy.

Nại Hiên Đông, nơi giải tỏa, chỉnh trang đô thị trên 98% diện tích đất với trên 3.500 hộ phải di dời, cuộc đời của 337 hộ ở “phố nhà chồ” giờ đã sang trang. Hơn chục hộ trong số này có tàu thuyền lớn, ngư cụ nhiều, được lãnh đạo thành phố quan tâm và cấp đất riêng. Số còn lại về nhà chung cư, được hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng, được cấp “sổ đỏ” chính chủ. Nói về chuyện này, chị Minh Hương dẫn hai câu hát trong bài “Tình yêu Nại Hiên Đông” của Thanh Anh phổ thơ Ngân Vịnh: Đất hoang vu giờ đây lên phố mới. Làng Chồ xưa nay đã không còn.

Tôi thì thích bài “Chiều Nại Hiên Đông” cũng của hai tác giả này hơn. Nhịp cầu nối đôi bờ thương nhớ. Đà Nẵng mình ngày đêm vui rạng rỡ. Ngày vầng trăng không xẻ làm đôi. Sông Hàn ơi, sông đưa thuyền ra khơi… Đó là đoạn ca từ mà theo tôi, có thể khái quát bức tranh của “Quận Ba” ngày ấy – bây giờ…

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.