.

Gian nan lối về

.

Bước xuống ga Đà Nẵng, mùi khói thuốc tẩm ma túy mơ hồ, bảng lảng, xa xăm đâu đó, mùi khói mà chỉ có người nghiện mới nhận ra, đã đánh thức cơn thèm trong Hoàng V. Chỉ vì một làn khói, anh tái nghiện sau 4 năm cai thành công.

Các học viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 học nghề sửa xe máy.Ảnh: M.T
Các học viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 học nghề sửa xe máy.Ảnh: M.T

Trò chuyện cùng những người nghiện, nhìn tia sáng trong đáy mắt, cái nuốt nước bọt khi nhắc đến ma túy, thuốc phiện… sẽ hiểu được rằng, có lẽ, không gì khó khăn hơn cai nghiện, không chiến thắng nào vinh quang hơn dứt bỏ được nàng tiên nâu.

Con sẽ làm được!

Ngày cha mẹ “nhờ” công an vào tận nhà bắt và đưa vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06), chị Thanh T. (quận Hải Châu) đã thề: “từ mặt, không bao giờ quay về”. Sự sợ hãi, bất lực trong mắt ba mẹ không khiến chị nguôi ngoai nỗi căm hận. Vào trại, vật vã với hành trình cai nghiện, nỗi hận thù trong chị càng lớn lên. Chị lấy dép tổ ong đốt lên cho chảy thành nhựa đen, trộn đều với kem đánh răng để thành lớp keo dẻo màu xanh. Để chai nhựa không chảy ra khi bị đun nóng, chị “sáng kiến” ra việc dùng kem đánh răng phủ bên ngoài chai và đun sôi nước, sát trùng kim xin được từ các bạn trong Trung tâm. Bằng nguyên liệu tự chế, chị tự xăm cho mình chữ “hận” thật to bên bắp chân phải như một lời nhắc nhở mình khi nhớ về cha mẹ.

Thế nhưng, ba mẹ đã không quay lưng với chị. Chị T. trở thành người có gia đình đến thăm nuôi thường xuyên nhất. Không chỉ chuẩn bị riêng cho con gái, ba mẹ chị còn mang cả thực phẩm, nhu yếu phẩm cho 10 thành viên khác chung phòng với chị. Khối lượng thực phẩm nhiều, cồng kềnh, người cha 72 tuổi ngày ấy đã thuê xe ôm để vận chuyển hàng giúp mình. Cứ như thế, bất kể mưa nắng, đều đặn hằng tuần, ròng rã suốt 18 tháng, ông bà lại lên thăm con gái cùng với “núi” thực phẩm và một bức thư gấp nhỏ.

Giai đoạn đầu, chị Thanh T. không đọc thư mà vứt thẳng vào sọt rác. Về sau, nhìn vào khuôn mặt, đôi bàn tay nhăn nheo, bợt đi vì nước mưa trên suốt quãng đường lên thăm con của cha mẹ, chị đã mở thư ra. Những bức thư kể về tuổi thơ, về giai đoạn nghèo đói nhưng êm đềm và hạnh phúc của gia đình chị. Những bức thư nhẹ nhàng nói với chị rằng, ba mẹ hiểu sự thất vọng, chán chường, đau đớn mà chị đang trải qua và dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù chị có căm ghét đến mấy cũng sẽ không thay đổi được tình thương, sự tự hào mà ba mẹ dành cho con gái. Ba mẹ sẽ luôn bên cạnh dù chị đúng hay sai, có cần đến họ hay không… Các bức thư giúp chị nhớ lại những đêm cha mẹ chở nhau rong ruổi khắp các ngõ ngách, ổ nghiện của thành phố để tìm con, giúp chị nhận ra, “mình đã phản bội lại tất cả những yêu thương đó”.

Giờ đây, sau 10 năm cai nghiện thành công, cha mẹ chị đã khuất núi. Những lúc trái gió, trở trời, xương cốt nhức buốt, lúc một mình, chị vẫn nhớ về chất bột trắng chết người kia. Tuy nhiên, hình ảnh đôi tay bợt đi vì nước mưa của cha, chồng thư đầy nước mắt của mẹ, chữ “hận” vẫn xanh nhức mắt nơi bắp chân lại ngăn cản sự “nổi loạn” trong chị. Chị biết, mặc dù đã đi xa, ba mẹ vẫn cần và thương yêu chị.

“Ba mẹ chẳng thể cầm tay mình để đi hết con đường. Mình phải tự chọn con đường mình sẽ đi bằng tình yêu, niềm tin, sự tự hào và những điều tốt đẹp khác mà ba mẹ đã để lại, để dũng cảm chiến thắng đối thủ đáng sợ nhất: bản thân mình”, chị Thanh T. nói.

Yêu sách, thương gia đình, hiểu được tác hại của ma túy nhưng anh H. không thể lý giải được vì sao anh không vượt qua được phút yếu lòng của bản thân.Ảnh: M.T
Yêu sách, thương gia đình, hiểu được tác hại của ma túy nhưng anh H. không thể lý giải được vì sao anh không vượt qua được phút yếu lòng của bản thân. Ảnh: M.T

“Chỉ thử một lần…”

Bị kiểm soát quá chặt suốt những năm tháng tuổi thơ, ngày được tạm biệt mẹ để nhập học Đại học D.T cũng là ngày Hoàng V. (quê Nghệ An) như được sổ lồng. Cuộc “chạy tiếp sức” triền miên của gia đình đã giúp V. dần làm quen với rượu, ánh sáng mờ ảo tại các vũ trường, quán bar ở Đà Nẵng. Trong một lần “bay đêm”, V. nhận ra mùi lạ trong khói thuốc của bạn và được thuyết phục: “Thử một lần để đê mê, bay bổng, quên hết mọi buồn phiền”. Đó thực sự chỉ là lời phỉnh nịnh khi tất cả những gì V. cảm nhận được là cảm giác buồn nôn, toàn thân rã rời, đầu óc tê dại. Tuy nhiên, kỳ lạ là cảm giác khó chịu đó lại dai dẳng bám riết, lôi cuốn, hấp dẫn. Nó đánh bại mọi suy nghĩ, trí khôn và nghị lực kiềm chế bản thân, để rồi, V. tiếp tục nếm thử lần thứ hai, thứ ba… cho đến khi bị bắt.

Không biết đã ở bao lâu trong Trung tâm, tất cả những điều anh Hoàng V. còn nhớ là cảm giác kiệt cùng sức lực. Suốt nhiều ngày dài, anh không ăn, không uống, không suy nghĩ, chỉ ngồi và nhìn không chớp mắt vào khoảng không nhất định. Khi đêm xuống, anh mới thực sự “sống” với nỗi đau đớn.

Giờ đây nghĩ lại, anh vẫn không hiểu vì sao mình có thể dùng đầu đập như búa tạ vào tường, vì sao có thể đấm đá, gào thét suốt những đêm dài ác mộng đó mà vẫn sống sót. Cai nghiện thành công, để tránh xa những bạn nghiện quen thuộc xung quanh, anh Hoàng V. quay về quê ở Nghệ An để “được bao bọc trong sự thương yêu của gia đình”. Suốt 4 năm dài, Hoàng V. đoạn tuyệt được với ma túy. Tự tin vào bản thân, anh quay lại Đà Nẵng với hy vọng sẽ tiếp tục được con đường học vấn.

Thế nhưng, khi vừa bước chân xuống ga Đà Nẵng, anh nhận thấy mùi khói thuốc tẩm ma túy mơ hồ, bảng lảng, xa xăm đâu đó, mùi khói mà chỉ có người nghiện mới nhận ra. Làn khói mỏng mảnh đó đã đạp đổ mọi cố gắng, nghị lực và cả đau đớn của anh trong suốt nhiều năm, để rồi, bi kịch cũ lặp lại. Giờ đây, trong Trung tâm 05-06, anh thừa nhận rằng, mình không dám hứa hẹn, thề thốt về một tương lai không ma túy mặc dù biết rõ, hiểu rõ, nhớ rõ những tác hại cũng như bi kịch mà ma túy đã mang lại cho bản thân và gia đình.

Thủ thư của thư viện Trung tâm 05-06 là một người cao ráo, da dẻ hồng hào và đặc biệt yêu sách vở, báo chí. Nhìn cách anh Võ H. (quận Hải Châu) phân loại, cẩn thận lau sạch bụi trên sách báo, cách anh kể về những nhân vật yêu thích của mình trong các tác phẩm kinh điển như “Thép đã tôi thế đấy”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Trở về Eden” hay tấm gương của người mất tay, mất chân – Nick Vujicic…; khó ai có thể tin, người trước mắt mình đã có hành trình 7 lần vào Trung tâm cai nghiện và 1 lần đi tù.

Anh luôn tự hào mình là người duy nhất tại Trung tâm không xăm trổ bởi: “Tôi bán thuốc tây tại nhà, xăm mình sẽ khiến khách hàng sợ hãi”. Thừa hưởng tiệm thuốc lâu đời của gia đình, anh H. hiểu và thuộc làu tất cả những tác hại của ma túy. Thế nhưng, với ý nghĩ “phải nếm trải mọi thứ để sau này không hối tiếc và chỉ thử một lần thôi” anh H. đã làm bạn với ma túy suốt 15 năm nay. Khi không đủ tiền để hút, anh chuyển sang tiêm.

Khi đã gần như nát hết những đường ven trên tay, chân thì anh bị đưa vào Trung tâm 05-06. Sau khi cai, trở về, anh chuyển sang sử dụng ma túy đá để tránh bị nghiện vật vã như trước. Đây cũng là giai đoạn có “bóng ma” luôn xuất hiện trong đầu, buộc anh phải “cầm dao đi lấy lại tiền của mình đã bị hàng xóm trộm”. Với con dao bầu trong tay, anh khiến cả khu phố hoảng loạn và kết thúc bằng việc đi tù 4 năm.

Anh Võ H. sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, 4 anh chị của anh sở hữu tổng cộng 8 tấm bằng đại học, thạc sĩ; nghề nghiệp ổn định. Duy chỉ có anh là không có tấm bằng nào và việc làm theo anh là làm… phiền. Giữa những lần vào, ra tù và Trung tâm 05-06, anh H. cũng cưới được vợ và đã có 2 con nhỏ. Đến tận bây giờ, anh vẫn không thể lý giải được vì sao, có sức khỏe, gia đình yêu thương nhưng anh lại buông xuôi, từ bỏ tất cả chỉ vì không thể vượt qua phút yếu lòng của bản thân.

Nếu hỏi về hiểm họa của ma túy, vai trò của phòng và chống, giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy… hầu hết người cai nghiện tại Trung tâm 05-06 đều thuộc lòng và trả lời vanh vách. Họ vẫn có những giọt nước mắt ăn năn, vẫn lấp lánh hạnh phúc vào ngày cai nghiện thành công. Họ vẫn hy vọng rằng, sự đấu tranh hôm nay của mình sẽ mang lại bình yên, thanh thản cho cha mẹ khi nhắm mắt, mang lại niềm tin, hy vọng cho các con. Họ vẫn sợ một lúc nào đó, nhìn lại cuộc đời mình, họ phải bàng hoàng ân hận. Hiểu thấu đáo nhưng, biết bao người vẫn tiếp tục luẩn quẩn trong vòng quay tái nghiện – cai nghiện.

Theo ông Phạm Tạo – Phó Giám đốc Trung tâm 05-06 thì hiện nay Trung tâm đang điều trị và dạy nghề cho 530 người nghiện; trong đó có 170 người tái nghiện (90% là tái nghiện nhiều lần).

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.