.

Tư duy cá nhân, trí tuệ tập thể

.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh việc triển khai thành lập và phát triển các nhóm giảng dạy-nghiên cứu (GD-NC).

Lễ ra mắt sản phẩm SmartBook do các cán bộ ĐH Đà Nẵng phối hợp với Microsoft nghiên cứu và chế tạo. Ảnh: N.X
Lễ ra mắt sản phẩm SmartBook do các cán bộ ĐH Đà Nẵng phối hợp với Microsoft nghiên cứu và chế tạo. Ảnh: N.X

Sự hoạt động hiệu quả của 9 nhóm GD-NC ở các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau được xem là hạt nhân thúc đẩy chất lượng nghiên cứu, giảng dạy đáp ứng với xu hướng hội nhập và tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu đạt chuẩn đại học nghiên cứu vào năm 2020 của Đại học Đà Nẵng.

Theo thầy Võ Văn Minh, Trưởng nhóm GD-NC “Môi trường và tài nguyên sinh vật” thì trong suốt hành trình học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, sự nỗ lực của mỗi cá nhân đóng vai trò cốt lõi. Tuy nhiên, khả năng đó của mỗi cá nhân cần được sự chung tay nâng tầm bởi sức mạnh tập thể. Tài trí của mỗi cá nhân sẽ như hạt cát trên sa mạc nếu không có môi trường khuyến khích, tổ chức, cơ chế phù hợp để người tài phát huy tối đa khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc. Vì lẽ đó, nhiều giảng viên đã tham gia vào nhóm GD-NC - nơi kết hợp mang tính tự nguyện của các cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, với năng lực và hoài bão khác nhau nhưng cùng hướng đến mục tiêu là giải quyết các vấn đề nghiên cứu chung.

Được thành lập từ ngày 10-1-2012, đến năm 2014, nhóm GD-NC “Môi trường và tài nguyên sinh vật” đã có 3 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 3 đề tài nghiên cứu cấp thành phố, 4 đề tài nghiên cứu cấp sở cùng nhiều ấn bản sách đã xuất bản, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và các dự án xoay quanh vấn đề bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thầy Phan Cao Thọ, Trưởng nhóm GD-NC “Vật liệu tổng hợp” cho rằng, nhóm GD-NC ra đời đã khắc phục được thực tế nghiên cứu rời rạc, mang tính cá nhân, nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng chưa kết hợp chặt chẽ với nhau. Nhóm GD-NC đã giúp công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có những bước tiến đáng kể. Các định hướng nghiên cứu có tính chiến lược đã và đang bắt đầu được thực hiện với quyết tâm cao độ của cả tập thể. Không ít công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Đà Nẵng được cấp bằng phát minh sáng chế và có những ứng dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nghiên cứu của nhóm GD-NC chỉ dừng lại trong môi trường sư phạm, phục vụ mục đích giảng dạy chứ chưa có nhiều cơ hội để thương mại hóa. Điều này xuất phát từ thực tế thị trường công nghệ khu vực miền Trung mới bước vào giai đoạn hình thành; vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các nhóm GD-NC với các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc, đa số các đề tài nghiên cứu vẫn còn nặng về nghiên cứu lý thuyết.

Xuất phát từ thực tế đó, thầy Phan Cao Thọ cho rằng, trong thời gian đến, các nhóm GD-NC cần vạch rõ phương hướng hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu và phát triển. Đề tài nghiên cứu cần gần gũi thực tiễn, sớm xây dựng những đề tài công nghiệp thể hiện sự hợp tác giữa các nhóm với các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế sản xuất. Có như vậy thì nhóm GD-NC mới thực sự là động lực phát triển cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và hiện đại hóa khu vực.

Theo thầy Trương Hồng Trình, Trưởng nhóm GD-NC “Đổi mới kinh doanh” thì mô hình GD-NC là nơi hội tụ đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực và nhiệt huyết trong công tác nghiên cứu khoa học… không chỉ trong một môi trường mà còn ở các Khoa khác nhau, các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng. Do vậy, nhóm GD-NC đã thực hiện các đề tài, dự án đòi hỏi sự chung tay, góp sức về mặt trí lực, kiến thức, kỹ năng của lực lượng cán bộ Đại học Đà Nẵng ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Nhóm GD-NC cộng hưởng giữa mục tiêu chung của nhóm và hoài bão, nhu cầu nghề nghiệp riêng của từng thành viên trong nhóm; nơi các thành viên có cơ hội tự đánh giá và trau dồi hơn nữa kỹ năng làm việc nhóm; nơi giúp mỗi ý tưởng riêng lẻ, khả năng sáng tạo của cá nhân được kết nối và nâng tầm trong môi trường tập thể với mục tiêu chung: hỗ trợ nhau để phát triển và cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục.

Vì tính hiệu quả trong việc phát huy khả năng chuyên môn và nghiên cứu khoa học, PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã xác định trong thời gian đến, ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình nhóm GD-NC ở tất cả các cơ sở giáo dục thành viên. Theo đó, mỗi trường cần chọn một số ngành phù hợp để đến chậm nhất cuối năm 2015 phải xây dựng được và đưa vào hoạt động các nhóm GD-NC. Các nhóm này sẽ được ĐH Đà Nẵng đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực đội ngũ để làm hạt nhân phát triển công tác nghiên cứu khoa học tại các trường. Đối với những ngành đã thành lập được nhóm GD-NC, ĐH Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tổ chức đào tạo chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao. Khi đó, nghiên cứu khoa học sẽ là nhiệm vụ bắt buộc đối với từng giảng viên.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.