.

Trên hành trình yêu thương

.

Mỗi đứa trẻ đến trong cuộc đời này đều có những đặc điểm và tính cách riêng. Và cách ba mẹ yêu thương hay ghét bỏ, nghiêm khắc hay nhún nhường trước những thói hư, tật xấu của con đều góp phần tạo nên nhân cách một con người.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Dùng đòn roi nhưng phải biết điểm dừng

Trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình sử dụng biện pháp giáo dục con cái theo cách “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Anh Nguyễn Văn Hiếu, tổ 140, phường Nại Hiên Đông có con trai đang học mẫu giáo chia sẻ, anh không thường xuyên đánh con nhưng đã đánh thì đánh cho nhớ. Một lần nhà anh có khách, con trai mải xem ti-vi không chịu đứng dậy chào. Anh nhắc nhở thì cậu bé lầm lì chạy vào phòng đóng mạnh cửa, ngồi khóc rấm rức. Đây không phải lần đầu con trai anh có thái độ đó.

Dù rất ái ngại với khách nhưng anh chỉ biết cười trừ không nói gì. Khi khách ra về, anh quyết định phải dạy con trai vào khuôn phép. Anh gọi con ra ngoài, tay cầm sẵn cây roi và quất vào mông cậu bé 3 roi thật đau. Vợ anh xót con chạy lại định ôm nhưng anh cương quyết bảo vợ tránh ra để mình nói chuyện với con. Đánh xong, anh để mặc cho con khóc và khi cậu bé đã tự nín, anh mới nói rõ lý do vì sao mình đánh con. Cậu bé dần hiểu ra. Kể từ đó, mỗi lần có khách đến nhà chơi, con trai anh chủ động đứng dậy chào hỏi, không còn thái độ vô lễ như trước.

Anh Hiếu cho biết, tuổi thơ của anh mấy lần bị ba đánh đòn đau vì tội ham chơi lêu lổng, gây sự đánh nhau với bạn bè. Lúc nhỏ, anh cũng giận và tự hỏi vì sao ba luôn nghiêm khắc với mình, nhưng sau này lớn lên, anh thấy sự nghiêm khắc của ba giúp mình sống có trách nhiệm hơn. Theo anh, không nên lạm dụng đòn roi khi dạy con nhưng đã đánh thì phải đánh cho đau để trẻ nhớ.

Cũng dùng đòn roi nhưng không phải ai cũng tỉnh táo và biết điểm dừng như anh Hiếu. Bởi thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại xuất hiện một đoạn clip quay lại cảnh người lớn đánh đòn con trẻ khiến dư luận bức xúc. Đơn cử mới đây, đoạn clip dài gần 4 phút ghi lại cảnh người mẹ liên tục dùng chổi đánh con với lý do “con không chịu nghe lời”. Mở đầu, bà mẹ này vừa quát mắng vừa dùng tay tát liên tiếp vào mặt đứa trẻ chừng 8 tuổi tóc tai bù xù khiến đứa bé hoảng sợ, khóc lóc van xin. Vừa đánh, bà vừa quát con “nằm xuống” nhưng đứa trẻ vẫn khóc và tiếp tục thu mình ngồi vào một góc, không chịu nằm theo lời mẹ. Thấy con không nghe lời, người mẹ càng tức giận dùng chổi quét nhà đánh tới tấp lên đầu và người bé đến khi cả người bé đỏ ửng vì đòn roi.

Chia sẻ thông tin này, thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên  Nghiên cứu và tham vấn tâm lý Family (Đà Nẵng) cho rằng, xét về mặt tâm lý, nếu cha mẹ thường xuyên dùng đòn roi mạnh tay dễ khiến tâm lý đứa trẻ rối loạn một thời gian dài. Như một lẽ tự nhiên, đứa trẻ bị đánh mắng thường xuyên sẽ dần nảy sinh tâm lý chống đối và cố tình làm những điều trái ngược khiến ba mẹ phải đau lòng. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ đánh con như một cách trút giận mà không biết rằng càng đánh trẻ càng không ngoan, thái độ lúc nào cũng lầm lì, ít nói.

Làm bạn cùng con

Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ trẻ thường xuyên theo dõi facebook của chị Phan Hồ Điệp - mẹ cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam để học về phương pháp nuôi dạy con. Theo chị Điệp, từ khi Đỗ Nhật Nam còn nằm ngửa, chị đã dạy con bằng sự nhẹ nhàng, tinh tế theo kiểu “lạt mềm buộc chặt” và những thành tích đặc biệt mà Nhật Nam đạt được thời gian qua đã chứng minh phương pháp của chị hiệu quả. Trong cuộc sống, hai mẹ con chị luôn có những đoạn đối thoại hài hước như hai người bạn. Ví như khi Nhật Nam đòi mẹ mua giày xịn vì thấy bạn cùng lớp mang, chị nói với con: “Em ơi, ngày mai mẹ đi thẩm mỹ đấy. Vì mẹ đọc trên báo, thấy nhiều cô gái đi thẩm mỹ nâng mũi, gọt cằm xong đẹp lung linh. Mẹ định đi thẩm mỹ... não. Chứ dạo này mẹ hay quên lắm”.

Nhật Nam cũng hài hước trả lời mẹ: “Ái chà, mẹ cao tay đấy. Em biết thừa rồi, mẹ lại muốn nói nội dung hơn hình thức chứ gì. Thôi, mẹ mua giày gì cho em cũng được”. Trong quá trình dạy bảo Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp không bao giờ phủ nhận ngay ý kiến của con trai mà luôn tìm hiểu để thăm dò nhằm đưa ra lời khuyên hợp lý. Theo chị, Nam không phải lúc nào cũng ngoan, cũng nhiều lần mắc lỗi. Tuy nhiên cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, thấu tình đạt lý luôn giúp mối quan hệ của hai mẹ con trở nên cởi mở và chia sẻ nhiều hơn.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hằng Phương, khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng khẳng định, một trong những phương pháp giáo dục con tốt nhất là làm bạn cùng con. Làm bạn nhưng không thỏa hiệp bởi bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích làm mình làm mẩy, bướng bỉnh, la hét hay sử dụng nước mắt mỗi khi muốn người lớn thực hiện mong muốn của mình. Nếu cha mẹ thỏa hiệp vài lần, đứa trẻ sẽ “ngựa quen đường cũ” vì biết chắc lần sau nếu làm như thế ba mẹ sẽ “thua”. Sự nghiêm khắc, khen - chê đúng lúc sẽ giúp trẻ nhận ra khi nào mình ngoan, khi nào mình sai.

Chị Nguyễn Thị Minh, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu chia sẻ, từ khi vợ chồng chị có thêm bé thứ 2 thì nhà lúc nào cũng “như cái chợ”. Bé lớn 5 tuổi lúc nào cũng tị nạnh, tranh giành đồ chơi của em. Dù khi có mặt hai chị em, chị Minh thường xuyên thủ thỉ trò chuyện với bé rằng làm chị hai phải biết thương và nhường đồ chơi cho em. Tuy nhiên, khi chị vừa quay đi thì mười lần như một, bé lại giật phắt đồ chơi trên tay em làm đứa nhỏ khóc thét. Nếu em có ý cầm chặt, thế nào cũng bị chị nhéo một cái vào tay đau điếng. Phạt kiểu gì bé cũng không chịu thay đổi.

Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, công ty  của chị tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ tiểu học không chịu đến trường. Độ tuổi chủ yếu thường từ 6-8 tuổi. Các em có những biểu hiện như khóc lóc, la hét, ôm chặt lấy người thân khi phải đến trường, thời gian diễn ra thường từ 2 tuần trở lên, cứ chuẩn bị đến trường là trẻ tìm cách thoái thác… Theo chị Hồng Nhung, ngay từ khi bé khoảng 1 tuổi, ba mẹ có thể áp dụng phương pháp nuôi dạy con bởi thời gian này bé bắt đầu hiểu được thế giới xung quanh. Và khi đã hướng các bé theo ý mình thì ba mẹ phải thật sự cương quyết - nhất là với bé lớn tuổi. Đừng thấy bé mới khóc lóc một chút đã vội dỗ dành và cho bé điều bé muốn. Việc cương quyết không chỉ có một người mà đòi hỏi sự đồng lòng của cả hai vợ chồng. Đành rằng con mình sinh ra ai mà không thương nhưng chúng ta phải biết dành tình thương cho con đúng lúc, nếu không chính tình thương đó sẽ làm hư đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ lớn lên đều có những biểu hiện khác nhau, không ai giống ai. Và, để giáo dục tốt một đứa trẻ, mỗi thành viên gia đình cần bên nhau, phải nhất quán và kiên định trong những nguyên tắc khen - chê, nhấn mạnh vào các điểm tốt, kiểm soát cơn giận dữ, sử dụng phương pháp tạm lắng và thưởng ngược khi con trẻ biết vâng lời.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.