.
TRUYỆN NGẮN

Chicago có chị

.

Năm 1990, gia đình chị Cả tôi sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Sang bên đấy, chị vẫn là người dễ thích hợp với hoàn cảnh, môi trường sống và anh Tuấn - chồng chị là hoàn toàn ngược lại. Anh có thể nhai suốt ngày và ăn ngọt, thôi cứ gọi là phát khiếp lên được. Anh bỏ đầy túi nào kẹo, chocolate… và ăn không lúc nào ngơi. Đấy là lúc các cháu tôi phải đi làm. Còn lúc chúng nó đã về nhà thì bên cạnh cái chuyện ăn lại kèm thêm ở anh cái nỗi chửi – chửi con! Chị bảo: “Cũng giỏi cho chuyện chịu đựng bố của chúng nó, chứ cái lũ trẻ trẻ ở bên này, không thể như thế được đâu”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hẳn, do cách ăn uống và sinh hoạt mà chỉ sau đó mấy năm, anh rể của chúng tôi ốm đau luôn và cứ phải ra vô bệnh viện suốt. Cũng may có quỹ xã hội đài thọ nên các con anh chẳng phải tốn đồng nào. Chỉ thương cho anh! Khổ sở đến quắt quay với chế độ ăn uống do bác sĩ quy định. Chị gọi điện về, kể: “Anh vòi ăn quá thể. Chị cứ phải canh chừng. Là người háu ăn mà phải chịu cảnh như thế, tội lắm!”. Tôi nghe những lời chị nói ra không những cho anh, mà là, cho cả mình với tình yêu chồng ắp đầy và đau đáu bao nỗi ngậm ngùi thương thân.

Rồi anh ốm nặng hơn. Một phần bởi di chứng của bệnh tiểu đường. Một phần do xơ cứng các động mạch vì lười tập luyện nên bị liệt và mất hẳn tiếng nói. Anh nằm bệnh viện có đến nửa năm trời. Chị vào ở hẳn trong ấy để được gần gũi với anh. Chỉ là gần gũi chứ còn chăm sóc và tất tần tật mọi thứ đã có bao người lo, rất là chu đáo. Mình chẳng phải mó tay vào một việc gì. Chị rỗi, buồn, lẻ loi, ngơ ngác… giữa những người không cùng màu da và tiếng nói. Không hiểu được mình và mình cũng chẳng thể trao đổi được gì với họ. Chị chỉ có mỗi một mình anh, mà anh, lại nằm bất động. Không cười, không chửi và cả không ăn. Anh Tuấn nhà chị không ăn, sao còn có thể là anh Tuấn được đây! Vào những lúc như thế này, chị mới nghiệm ra con người ta mà mất đi cái sự hứng thú của đời mình, như chị là làm việc và chồng chị là ăn uống, thì cuộc sống thật là mất hết mọi ý nghĩa.

Ở Mỹ, chị không thể làm được gì, ngẫm ra, còn có lý do chứ anh Tuấn ở cái xứ đồ ăn, thức uống cứ gọi là phát ngốt lên mà không được phép đụng đến, mới thật là phi lý và chị thèm quá thể được nhìn thấy anh ăn. Ăn từ một thứ ra tấm ra món như bát bồ câu hầm đến một món vớ va vớ vẩn như miếng cùi dừa, quả na… Chị mong muốn được thấy anh uống. Uống từ lon bia đậm sánh đến cốc trà đá nhạt phèo. Khiếp! Cái cách anh ăn uống. Nom sao mà thương đến thế chẳng biết. Cứ háo hức, hăm hở, hùng hục như là trẻ con ấy. Ừ! Mà anh, đối với chị, không là trẻ con thì là gì đây chứ! Là người lớn chắc. Phải đấy, người – lớn – dở – hơi. Chị cứ ngồi thần người ra, ngẫm nghĩ hết chuyện nọ lại xọ đến chuyện kia, trong khi ngắm nhìn anh hết giờ này đến giờ khác, hết ngày rồi lại chuyển qua đêm.

Đêm dài quá! Đêm ở nước Mỹ, trong một bệnh viện ở Chicago. Đêm yên lặng quá và anh nằm bất động. Chị khát thèm được nghe anh húp bát canh, rít đẫn mía, nhai rôm rốp cái bánh đa, rau ráu miếng dưa muối… Bởi vậy những lúc cô điều dưỡng bơm thức ăn cho anh, chị nào có dám nhìn vì sợ mình phải khóc. Sống với anh lâu, thương anh nhiều. Chị như nghiện cả cái sự khua động, tự những âm thanh phát ra bởi việc ăn uống của anh nhưng các con nhà anh chị thì khó chịu ra mặt. Chúng nó bảo: “Ở đây, chẳng có ai ăn uống kiểu như bố. Trông chẳng văn minh một tí nào”.

Rồi cũng đến lúc anh được ra viện, trở lại nhà với đôi chân nhúc nhắc đi được nhưng vẫn không thể nói, ăn như một người bình thường. Chị ngày mấy bận hầm nấu đủ thứ, xay nát và đút cho anh. Chị bảo anh ăn nhiều, ra hiệu đói bụng luôn và cười. Rõ là thương! Cho cả anh lẫn chị. Bệnh tật của anh Tuấn cũng có thuyên giảm, dẫu chậm. Giá như khí hậu ở Chicago ấm áp như các nơi khác, anh đã đỡ nhiều. Đằng này lại quá rét. Chị không thể đưa anh ra ngoài để tập đi và anh ốm như thế, nên chị bận rộn lắm nhưng chẳng hề nghe thấy một tiếng than van nào. Chị thì không nhưng mẹ tôi lại có. Cụ rền rĩ mãi: “Cái số chị chúng mày thế nên vất vả cả đời. Tao chưa được thấy nó sướng lấy một ngày. Cả lúc ở nhà với mẹ đến lúc đi lấy chồng. Độc chuyện khổ chuyện nhọc mà thôi.”  Rồi một ngày mẹ tôi ốm rất nặng. Gục xuống, khi đang ăn cơm trưa và hôn mê ngay. Suốt khoảng thời gian mẹ cận kề với cái chết, bệnh anh Tuấn cũng tái phát và phải nhập viện trở lại. Giọng chị luôn tắc nghẹn và đẫm đầy nước mắt những khi gọi về.

Vậy là chị Cả tôi đã không thể thực hiện được điều mà mình  luôn ao ước từ ngày sang đất Mỹ: Lúc mẹ ốm kiệt, được trở về nhà cùng với các em lo liệu cho mẹ vẹn toàn. Tôi như cảm thấu hết những nỗi đau ứ ngập, chỉ chực vỡ ra mà đành phải nén lại của chị. Đêm. Những khi ngồi trông mẹ, ngắm nhìn mẹ, nghe mẹ thở và biết mẹ sắp ra đi mãi mãi rồi lại hình dung ra người chị thương yêu của mình, ở một bệnh viện mãi bên Mỹ. Cũng ngồi như thế này, bên cạnh người chồng nằm bất động với nhiều nỗi niềm ẩn trắc. Tim tôi nhói lên từng hồi và hết cả cõi lòng thắt lại, từng cơn. Khi tình trạng của mẹ nguy kịch hơn, chị gửi về một trang fax. Tôi đọc và cố gắng để nước mắt không làm nhòa từng con chữ: “…Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu của mẹ. Con lấy chồng sớm lại con đông nên chỉ biết cặm cụi lo cho chồng, cho con đến cạn sức, cạn lòng. Nào có biết nghĩ gì cho mẹ, cho cha. Giờ mẹ sắp ra đi. Con lại ở nơi đất khách quê người với tình cảnh như thế này. Mẹ ơi! Mẹ tha lỗi cho con. Mẹ ơi! Làm sao con nắm được tay mẹ. Ôm mẹ. Hôn mẹ. Làm sao… mẹ ơi! Cho con xin được vĩnh biệt mẹ…”.

Rồi mẹ tôi mất mấy ngày sau đó. Suốt khoảng thời gian cùng những người thân lo tang lễ cho mẹ, tôi luôn nghĩ đến các anh chị và các cháu mình ở phương xa và người mà tôi nghĩ đến nhiều nhất, vẫn là chị  Cả. Hôm đưa mẹ đi, trời mưa dầm. Tôi đứng bên huyệt mộ. Muốn nói với mẹ một câu mà sao không thể. Chỉ bật lên từ tận sâu thẳm tâm hồn tôi, câu gọi cũ quen: “Mẹ ơi!” rồi “Chị ơi!” quay quắt. Trong phút chốc tôi thấy mình nhỏ bé biết bao và mong manh biết bao. Tôi ước ao có chị Cả, để được dụi đầu vào lòng chị và khóc nấc lên như mình đang còn tuổi nhỏ. Như những ngày bé dại, hễ bị các anh chị trong nhà hay đứa trẻ nào đó trêu, là đi tìm chị để mách. Bóng dáng của chị, bỗng chốc lớn hẳn lên trong tâm hồn và đời sống của tôi, kể từ sau khi mẹ tôi không còn.

Tình trạng ốm đau của anh Tuấn cứ phập phù như thế mãi và càng lúc càng tệ hại hơn. Rồi anh mất để lại cho chị cảnh côi cút một mình giữa ngôi nhà rộng rinh. Sợ cảnh ở không sinh buồn bã, tủi thân và vốn là một người không chịu nổi sự chây lười, ù lì, chị nhanh chóng tìm đến với công việc và những sinh hoạt mà mình có thể. Chị làm vườn rất giỏi và nhờ sự siêng năng của mẹ mà gia đình các con của chị, cũng ở trong cùng một thành phố, tha hồ ăn các loại rau củ Việt Nam. Chị ươm mầm, đánh luống trồng tỉa không chỉ rau trái mà cả nữa các loại hoa.  Chị dùng xe đạp và xe bus làm phương tiện đi lại chứ, cũng ít muốn phiền đến con cháu. Không lệ thuộc nên chị thoải mái đi lễ và đến hồ bơi, mỗi ngày. Năm ngoái, chị  cho một cháu gái là du học sinh Việt Nam ở trọ nên cuộc sống có đỡ quạnh hơn.

Và điều này khiến tôi thấy nhẹ lòng bởi biết, Chicago sắp sang đông. Mùa chị vốn ghét nhất. Mùa, chị rất hay ốm vặt và cùng với đó là cảm giác chạnh buồn và nỗi cô đơn như thẳm sâu và mông mênh, đến vô cùng.

NGUYỄN MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.