.

Quà xuân

.

Rằm tháng Chạp ta, Tết đã kề mà đất trời vẫn chưa có chút gì sầu muộn của đông tàn. Đấng cao xanh dửng dưng đẩy xuống trần gian toàn nắng. Dưới nắng, những nụ mai, cúc, hồng, lay ơn... vẫn vô tư tỏa hương, khoe sắc; những chậu quất vẫn thản nhiên vàng đi mỗi ngày. Cả năm Hảo thức khuya dậy sớm mới tạo được vườn hoa Tết này.

Cứ nắng nóng, hoa nở toe hết, chưa kịp bán đã thành rác mất! Giá như Hảo có thể gọi mưa khiển gió; giá như đèo Hải Vân thấp xuống một chút để không khí lạnh từ phương bắc tràn về; giá như Hảo tỉa cành, bứt lá, xịt thuốc kích thích chậm lại mấy ngày...

Chưa bao giờ anh chờ chương trình dự báo thời tiết hơn đứa trẻ lên năm đợi phim hoạt hình và quảng cáo như thế. “Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, đêm không mưa ngày nắng”. Giọng truyền cảm của cô phát thanh viên khiến Hảo buồn lo. “Trời hại ta rồi!”. Anh ngửa mặt giữa cao xanh, rên rỉ.

Rằm tháng Chạp ta, Tết đã kề mà đất trời vẫn chưa có chút gì sầu muộn của đông tàn. Đấng cao xanh dửng dưng đẩy xuống trần gian toàn nắng.
Rằm tháng Chạp ta, Tết đã kề mà đất trời vẫn chưa có chút gì sầu muộn của đông tàn. Đấng cao xanh dửng dưng đẩy xuống trần gian toàn nắng.

Hơn năm trước, Hảo ra trường, ngày ngày dán mắt vào ti-vi chờ nghe “thông tin”, “thông báo”. Những phụ trương biếu không của báo chỉ đáng nhận cái nhìn liếc qua của bao người nhưng cho Hảo hy vọng. Anh cẩn thận cắt những mẩu “rao vặt”, “người tìm việc, việc cần người” bỏ vào cái hộp nhỏ để ngay đầu giường; những mẩu báo chỉ nhỉnh hơn cái bao diêm ấy cứ nhiều dần.

Mong manh hy vọng khi tìm đến rồi trở về với bộ mặt đưa đám - đó là Hảo trong những ngày long đong gõ các cửa xin việc. Có cơ quan tối lên ti-vi rao cần người nhưng sáng hôm sau nói đủ rồi. Những bàn tay hững hờ khi nhận đơn, những khuôn mặt vô cảm cùng giọng nói đóng băng của nhiều “đày tớ” nơi cửa quan khiến niềm lạc quan “lộ thiên” của chàng sinh viên mới ra trường ngày càng teo tóp.

Tấm bằng cử nhân văn học, vốn được săm se, ngỡ sẽ là đôi cánh giúp chủ nhân nó bay vào tương lai, giờ nằm im nơi đáy tủ. Nuôi con gái học cấp ba, giờ cõng thêm chàng quý tử thất nghiệp, Hảo cảm như gánh hàng xén nặng thêm trên đôi vai gầy của mẹ. Bấy giờ, Hảo mới thấm thía chiêm nghiệm của người xưa - đọc cả trăm pho sách tưởng khó nhưng dễ; kiếm miếng ăn nhỏ từng ngày, tưởng dễ nhưng khó làm sao.

Ngày ghé thăm bạn ở làng hoa Phước Mỹ, chàng cử nhân bỗng chốc trở thành học trò của chính thằng bạn từ thời “oanh liệt”, chỉ đứng sau ma quỷ. Anh tròn mắt rồi lờ mờ hiểu thế nào là thế “phụ tử”, “huynh đệ”, “long ly quy phụng” cùng bao mỹ từ ẩn trong sắc màu hoa lá.

Lúc đầu là trọng nghĩa cử của bạn muốn giúp mình xóa đói giảm nghèo; sau, Hảo mới biết bàn tay chẳng có chiếc hoa cũng có thể trở thành nghệ nhân trồng hoa và cây cảnh, tất nhiên nghệ nhân tự phong thôi. Chuyên gia nhà, được viện trợ cây giống không hoàn lại, đó là vốn để Hảo tạo nên thế giới cái đẹp ngay trên mảnh vườn 300 mét vuông của mình.

Sản phẩm đầu đời thắp lên kỳ vọng về cái Tết vui vẻ giờ đang bị cái nắng trái mùa lăm le phá hoại. Suốt ngày Hảo ngong ngóng nhìn trời, người lơ ngơ như đang trong giấc mơ dữ.

Nhưng chưa tới 23 tháng Chạp, trời đã mưa lạnh. Chẳng cần đàn cầu mưa cũng chẳng cần Hải Vân quan thấp xuống thì mưa phùn, gió bấc vẫn về. Và lạnh, cái lạnh đủ để cảnh báo mọi người đừng vội tin lời thi sĩ “anh ở trong này không thấy mùa đông”.

Tín hiệu vui về giữa khuya; khi cảm nhận được cái lạnh lùa qua khe cửa và nghe tiếng mưa lắc rắc trên mái ngói, anh mới chắc không phải mình mơ. Hảo chạy ra sân, nhảy loi choi như gã lên đồng và hả hê nhìn bầu trời tứ phía đen ngòm.

Gió từ biển đẩy lên từng đợt mưa bụi trắng xóa. Mảnh trăng “suy dinh dưỡng” cuối tháng bị vùi trong lớp lớp mây đen. Cả vườn hoa co ro, thu mình trong mưa lạnh. Chẳng biết chúng có hay mình đang thoát khỏi cảnh quá lứa lỡ thì.

Vui rạo rực khiến Hảo mất ngủ. Không còn nỗi lo, giờ trong anh dọc ngang những dự định ngày mai. Đầu tiên, phải rinh một chiếc xế nổ vi vu cho mát đời; tất nhiên chẳng thể của rin đập hộp mà chỉ cần “con xe mông má” cũ người, mới ta.

Nếu túi còn rủng rẻng, mần luôn một chiếc ti-vi màu thế chỗ cho chiếc đen trắng có từ cuối thế kỷ trước; chí ít cũng tậu cái cát-xét ò e cho vui. Hơn hết là nên có quà gì mừng tuổi mẹ để lòng bớt day dứt trước những hy sinh vô bờ mà mẹ dành cho con. Và anh nữa, chẳng lẽ cứ dặt dẹo mãi? Nhớ lại, Hảo thương mình trong những cái Tết tha hương “giũ áo phong sương trên gác trọ...”. Chỉ cần ba trăm ngàn đồng đổi lấy một ngày đêm trên xe đò để được bên mẹ và em trong những ngày xuân từng là ước mơ không hiện thực của Hảo.

Các chợ hoa trong thành phố bắt đầu khai trương. Khác mọi người, Hảo không thể chuyển khuôn viên hoa lá của mình tới quảng trường. Người đâu có để thay nhau đến đó ngả chõng, dựng lều vạ vật nằm trực ngày đêm.

Càng không thể treo cao giá ngọc, chờ đến giao thừa. Hảo từng chứng kiến những cái Tết thành phố “bội thực” hoa. Đến thời khắc thiêng liêng ấy, cho người ta cũng không thèm rước mà đổ không phải lối, công ty vệ sinh môi trường phạt trắng mắt. Chỉ cần ới một tiếng cho vài trung gian đánh ô-tô tới, hạ vài giá là rẹt rẹt xong ngay.

Khi chậu hoa cuối cùng được đổi chủ, Hảo lặng đi trong niềm vui. Nếu nói anh là triệu phú thì tội nghiệp cho những người mang danh hiệu ấy nhưng quả thật lần đầu tiên anh có bạc triệu. Sau khi trao tiền cho mẹ, lì xì cho em, Hảo nhét chỗ tiền còn lại vào túi, hiên ngang đến các “thẩm mỹ viện” xe cũ và các quầy hàng điện tử.

Nghe những tiếng mời chào, nhìn những nụ cười khuyến mãi, anh chạnh nhớ những khi đi chợ Tết với túi lép, bụng xẹp. Lúc ấy, đi chơi, đi coi chứ nào dám mó vào cái gì. Lớ xớ đụng vô mà không mua, các mụ lại đốt vía, xua như đuổi tà rồi quăng vào mặt “thượng đế” những câu hạ nhục: “Không có tiền thì đừng sờ vô!”; “Thu nhập tiểu nông mà đòi ăn chơi quý tộc!”. Nhớ lại những khuôn mặt cong cớn, vênh váo ấy mới đáng ghét làm sao.

Ngày cuối năm, hết nhìn chiếc xe ở sân, Hảo lại nhìn chiếc cát-xét đặt trên tủ. Sau tân trang, xe đang chạy rô-đa; lúc lúc anh lại rồ ga lượn một vòng trên phố. Rời xe, anh vặn đài hết cỡ volume. Vẫn những bài hát, giọng ca quen thuộc nhưng được phát từ đài nhà mình, anh thích làm sao. Anh lắc mông giậm giật theo nhạc, hệt như đứa trẻ.

- Con vặn đài nhỏ lại và đừng rồ ga như thế - Mẹ anh từ dưới bếp chạy lên, giọng không vui.

- Sao vậy mẹ?

- Vô tình trước nỗi buồn của người khác là không nên đâu - Lời mẹ nhỏ nhẹ nhưng nghiêm khắc đến bất ngờ - Trời mưa làm con vui nhưng con biết mưa làm mọi người quanh mình buồn sao không!? Hư bao nhiêu việc!

Nói rồi mẹ chỉ qua mấy nhà hàng xóm. Hảo chợt nhận ra.

Bà Ba ngay bên nhà anh chuyên làm bánh tráng; cứ giáp Tết là khoảng sân tí tẹo của bà tầng trên tầng dưới la liệt vỉ phơi bánh. Nhiều lúc hết chỗ, bà phải kê vỉ phơi nhờ trên sân nhà Hảo. Vậy mà mười ngày qua những chồng vỉ được xếp lại, dựng đứng trong hiên. Cũng cạnh nhà Hảo nhưng phía bên kia là dì Mười mắm dưa.

Thành lệ rồi, khoảng rằm tháng Chạp là dì chuyển qua làm dưa món để chiều những “thượng đế” có thói quen mua sắm hơn là tự làm. Không có nắng nên dịp này trên mái tôn, trên sân nhà dì không còn vô số lát đu đủ, cà rốt, hành, kiệu phơi dày đặc.

Và nữa, đối diện nhà anh là bác Tư quét vôi. Trước Tết, nếu ai đến thắp hương cho người thân ở nghĩa trang thành phố là gặp bác với cái chổi và thùng nước vôi đứng đó. Ai muốn làm đẹp mộ phần tổ tiên thì vẫy bác lại. Mấy ngày qua, sáng nào bác cũng ra sân nhìn bầu trời đen kịt, mọng nước rồi chép miệng, buồn bã quay vô. Mải vui nên Hảo nào để ý đến ai. Những ánh mắt ghẻ lạnh nơi công đường, vài lời xúc xiểng nơi chợ trời đã khiến anh nhớ mãi. Vậy mà...

Buổi chiều, Hảo quét dọn nhà cửa rồi ra vườn bê chậu quất và bốn chậu hồng vào sân. Đây là phần anh để lại chưng Tết. Anh cắt tỉa mấy lá già rồi lấy chổi quét lớp đất dính quanh chậu. Sực nhớ, anh nhìn qua nhà hàng xóm; sao chẳng có hoa Tết? Cũng ngày này năm trước, các nhà í ới gọi nhau đi mua hoa rồi thuê chung chiếc xích lô, ngất nghểu chở về nào hồng, mai, cúc, thược dược. Hảo chợt hiểu.

Bắt đầu là nhà bác Tư rồi dì Ba và cuối cùng là dì Mười, Hảo lần lượt bê cho mỗi nhà một chậu hồng. “Của nhà làm được, con biếu bác.” Mấy cái chậu nặng quá khiến anh thở dốc, đôi tay rã rời. Nhưng thấy ba đứa con bác Tư xúm lại bên chậu hoa, mắt ngời niềm vui; anh mỉm cười lặng lẽ.

Nguyễn Trọng Hoạt

;
.
.
.
.
.