.

Người chưa có ngày sinh

.

Chị bạn gọi điện, hăm hở thông báo: “Bé ơi! 8-3 Yves Rocher giảm 40% cho thành viên. Em có mua son thì nói chị nhé!”. Yves Rocher mà chị bạn tôi vừa nhắc là tên một trong nhiều hãng mỹ phẩm của Pháp, đang cung ứng cho thị trường Việt Nam. Phụ nữ mà, kể cả phiên bản thông minh nhất, cũng khó thoát khỏi đôi chút phấn khích bởi những điều phù phiếm. Huống hồ là tôi, thỉnh thoảng vẫn chùn tay lái trước một cô gái ưa nhìn hơn mình đang chạy xe phía trước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vậy mà, tôi khước từ cơ hội thỏa mãn mình. Câu trả lời để em nghiên cứu lại của tôi, giống như cú phanh gấp làm khựng lại cơn lao dốc đầy mê cảm của chị. Lúc đấy, tự nhiên trong đầu tôi chỉ có mẹ. Mẹ như đang vận hành cơ thể tôi.

8 tháng 3 là sinh nhật mẹ tôi. Là ngày mà chị em tôi chọn để “sinh” mẹ ra lần nữa. Dĩ nhiên, mẹ cũng như bao nhiêu người, hẳn có một ngày đầu tiên với thế giới. Nhưng, buổi ấy khó khăn, ông bà ngoại tôi không còn nhớ rõ các con sinh vào ngày nào. Thế là, chứng minh nhân dân chỉ còn mỗi năm sinh. Và trong bốn mươi năm, mẹ chưa một lần biết đến sinh nhật. Tuổi của mẹ, được thêm vào sáng mùng Một Tết mỗi năm, như cách ông bà vẫn tính. Năm mẹ đi qua tuổi bốn mươi, em gái thỏ thẻ với ba và tôi, muốn chọn một ngày tổ chức sinh nhật cho mẹ. Từ phương Nam xa xôi, ba đóng vai nhà tài trợ cho chương trình sinh nhật. Vừa y có chú người quen làm cùng chỗ với ba về thăm nhà, nên ba lén gửi hai đứa tôi ba trăm nghìn, chuẩn bị tiệc đón tuổi mới cùng mẹ. Có tiền, hai đứa ngấm ngầm đi đặt bánh kem. Hôm đó, mẹ đi làm cả ngày, chị em tôi nhóm lửa, đun một nồi đông sương lớn. Chiều hôm ấy, em tôi chạy về ngoại vặt mấy quả dứa chín còn tôi lui cui tìm chỗ giấu bánh kem.

Tối đó, hình như mẹ tôi khóc khi nhìn thấy cái bánh kem chằng chịt bốn mươi mốt cây nến. Hồi đấy nến số chưa phổ cập đến vùng cao quê tôi, nên mỗi cây nến được tính là một tuổi. Hai đứa mất nửa buổi chiều cho mỗi việc tính toán cắm nến sao cho thẩm mỹ. Đông sương, vì nhiều nước quá nên không chịu đông hẳn. Ba người chúng tôi hè nhau ra… húp như húp cháo. Ngoài đĩa dứa, tiệc sinh nhật được bổ sung “trái cây” là mấy chùm dủ dẻ mẹ mang về lúc chiều. Cuối tiệc, em gái ôm chiếc nón lá mới tặng mẹ. Quà sinh nhật giá hai sáu ngàn, tiền ăn sáng của em. Thế là mẹ có thể bỏ cái nón cời rách bươm, sẫm màu qua bao mùa mưa gió. Vỏn vẹn một bữa sinh nhật. Bấy nhiêu thôi là đủ đầy. Là hạnh phúc.

Tôi ra phố học bốn năm nay. Bốn mùa sinh nhật mẹ, mùa nào tôi cũng phải mừng sinh nhật theo kiểu truyền hình trực tiếp. Ba và tôi, lúc nào cũng phải vào vai đầu cầu, tiếp sóng. Mỗi lần thấy có cô nào trạc tuổi mẹ, khoe ảnh hoa và quà rực rỡ dịp Quốc tế Phụ nữ hay sinh nhật có đủ chồng, con, bạn bè, tôi trên facebook, lại thấy ngậm ngùi. Chưa bàn đến hoa hay quà, mẹ chưa từng có một bữa tiệc sinh nhật đủ mặt ba cha con tôi…

Mẹ tôi vẫn làm nghề đụng, dẫu đã bắt đầu trượt theo tuổi tác. Năm đầu nuôi tôi đi học, mẹ nai lưng ra rồi dằn lại từng đồng. Có khi bệnh đau, không dám đi viện. Bẻ tạm nắm lá, uống rồi xông. Hai năm nay tôi vừa học, vừa làm thêm, nhiều khi không phải nhận tiền gia đình, nhưng mẹ vẫn kham khổ, tiết kiệm như trước. Nghĩ tới chuyện mua một cây son giảm giá, đúng ba trăm nghìn, cũng không thành vấn đề lớn lao. Nhưng nghĩ phía mẹ, một ngày làm công chưa đủ nửa cây son. Mình tự dằn lòng…

HẢI DƯƠNG

;
.
.
.
.
.