.

Nỗi buồn trong veo

.

Không dưng, má bảo tính bạn dở dở ương ương không biết đâu mà lần. Má rủ đi coi ảo thuật, bạn cười, mấy trò lừa gạt đó coi tốn tiền chứ có lợi ích gì đâu. Tháng sau có đoàn ảo thuật xuống biểu diễn, bạn nói má, tối nay con với má coi ảo thuật hen má. Má đang ăn cơm bỗng mắc nghẹn, má hỏi, ủa con nói coi chi cho tốn tiền mà. Bạn chỉ cười, con thấy coi cũng vui mà. Nhưng má đâu biết, hôm thằng con trai má bị đám bạn lôi đi coi ảo thuật, bạn thấy chàng ảo thuật gia thân hình ốm yếu nhận xấp tiền mỏng tanh, bước đi trong con hẻm dài và tối, câu nói với theo của chú gác cổng làm mắt bạn cay xè: “Tội nghiệp thằng nhỏ, diễn ra mồ hôi mẹ mồ hôi con cũng không đủ tiền cho mẹ chạy thận, cho thằng em đóng tiền học phí”. Từ lúc đó bạn chấp nhận bị lừa. Ờ thì, cuộc sống đâu cần phải rạch ròi thật giả, đôi khi biết mình bị lừa khi con thỏ tự dưng chui ra từ chiếc nón, tờ giấy bỗng chốc thành tờ tiền. Mà bạn vẫn vờ đi, ngộ quá hen, phải chi mình học cách biến ra tiền vậy he, khỏi phải đi làm cho mệt. Nghĩ vậy mà vui.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có bữa bạn vác về nhà gần chục chai nước rửa chén. Má chưng hửng, mua làm gì cho lắm, nhà còn mà. Bạn gãi đầu, con thấy siêu thị giảm giá nên mua. Má cười, mua nhiều thế này vừa rửa chén vừa gội đầu hả con? Má đâu hay, có bận thằng con trai má lên mạng đọc tờ báo thấy mấy thương hiệu nổi tiếng bị bán lại cho các doanh nghiệp nước ngoài, chỉ riêng cái thương hiệu nước rửa chén vẫn cương quyết không bán. Bạn chỉ biết bảo má, từ nay mình xài nước rửa chén này nha má. Má không nói gì nhưng thế nào má cũng nghĩ thằng con má hôm nay ăn trúng thứ gì.

Vô quán cafe, bạn kêu mỗi sữa đậu nành. Mấy đứa bạn chọc quê, đàn ông đàn ang gì tối ngày sữa đậu nành, sữa đậu nành. Lúc nghe đám bạn nói, bạn cũng ngớ người, thật ra bạn chẳng thích uống sữa. Mà có một dạo, bạn coi trên truyền hình có cái nhãn hiệu sữa đậu nành gì đó chuyên giúp đỡ những người nghèo khổ nên không biết tự lúc nào bạn có thói quen uống sữa đậu nành. Uống để biết đâu lợi nhuận nhiều người ta có cơ hội giúp được nhiều người hơn. Ngồi uống sữa đậu nành được một lúc, bà lão chìa tay về phía bàn bạn ngồi, đám bạn ngó vào màn hình điện thoại. Bạn rút ví ra đặt vào tay bà lão vài tờ bạc lẻ. Bà lão gật đầu cảm ơn, khi rời bàn lão không quên nở một nụ cười hiền. Nụ cười mất hết răng của lão mà tự nhiên bạn thấy nó đẹp lạ lùng. Đám bạn bảo, bạn khùng, cho tiền chi, dân lường gạt, cho cũng bị đám chăn dắt nó lấy hà. Bạn nhìn theo dáng bà lão khắc khổ, lam lũ, lỡ người ta không gạt mình rồi sao? Đám bạn chững lại khi bị bạn hỏi bật lại.

Bạn từng từ chối nhiều người ăn xin, nhiều người lỡ đường cũng chỉ với ba từ: sợ bị gạt! Bạn từng áy náy cả tuần lễ khi từ chối người đàn bà ẵm đứa con trên tay chìa tay xin tiền bạn, để mua thuốc cho con. Bạn bỏ đi mà trong đầu còn thầm trách, con mình vậy mà dám nói gở bệnh hoạn, khi đứa trẻ lớn lên sẽ nghĩ gì nếu biết mẹ nó lấy mình ra kiếm tiền bằng lòng thương hại. Sáng hôm sau bạn vào viện đón ngoại, bạn đi trễ gần một tiếng đồng hồ, má hỏi nhà mình dời lên thành phố khi nào. Bạn viện cớ cái xe dở chứng. Má đâu thấy lúc thằng con trai má đi ngang phòng khám nhi thấy người phụ nữ gầy gò hốc hác cầm tờ giấy xét nghiệm thẫn thờ bước ra. Người phụ nữ tối qua bạn đi lướt qua và bỏ lại tiếng thở dài ngao ngán. Đứa con chị bị viêm phổi cấp tính, phải nhập viện gấp. Bạn nhìn chị - người chẳng máu mủ ruột rà mà sao thấy nhoi nhói ở tim. Bạn gửi chị mớ trái cây bạn định mang cho ngoại và một ít tiền. Ừ thì, chỉ là một ít tiền thôi, bởi bạn cũng là một viên chức bình thường. Mắt chị rưng rưng mà bạn thì chẳng dám khóc. Bạn chào tạm biệt chị và thương cho những giấc mơ còn dang dở, thương cho những con người còn lắm nghi kị, đầm đìa tiếc nuối...

Và má cũng dần quen với tính khí thất thường của đứa con trai, khi tự mang về  nhà con mèo hoang, ngày nào đi làm về cũng mua gói xôi của bà Năm ngoài đầu ngõ, hay ngồi thẫn thờ với những nỗi buồn chưa mất dấu.

Nghĩ lại thấy thương cho bản thân mình, đôi lúc muốn lờ đi, muốn chai sạn đi. Không tự ôm vào lòng mình những số phận con người khác nhau. Mà chẳng thể. Có lẽ bản năng con người sinh ra là để buồn, để khóc cười với cuộc sống chung quanh.

Không dưng má kêu bạn bớt suy nghĩ nhiều, không dưng trong câu chuyện ngoài chợ của má có thêm vài chi tiết về con trai má, thằng con tôi đó, thấy nó lầm lầm lì lì chứ sống tình cảm lắm. Không dưng buổi sáng khi  bạn đi làm má nói với theo: “Trưa đi làm về mua cho má gói xôi, sẵn ghé cho bà Năm mấy trái vừa khô mới rụng, má để ngoài xe con”.

NGUYỄN CHÍ NGOAN

;
.
.
.
.
.