.
TRUYỆN NGẮN

Cầu thang dốc đứng

.

Căn nhà được chia làm ba tầng hẳn hoi dù với diện tích chỉ gần năm mươi mét vuông. Hẹp nhất tầng trệt rồi nở dần cho đến tầng cuối như hình dáng của chiếc loa kèn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở tầng trệt, buồng tắm và toa-lét chiếm một phần ba, trang bị đầy đủ, nhiều nhất là nước hoa. Những lọ nước hoa vàng mật, vàng chanh, vàng nụ ken kín một ngăn trước chiếc gương hình bầu dục. Một phần ba là chỗ để xe, một kềnh càng đen trũi, một mảnh mai nõn nà. Phần còn lại đặt chiếc giường trải nệm hoa dành cho bà mẹ cùng một chiếc cầu thang vừa trơn vừa dốc.

Khi đặt mẹ vào chỗ ấy, anh con trai tần ngần. Anh dòm tới ngó lui, suy đi tính lại nhưng trong căn nhà thừa cao thiếu rộng này, không vị trí nào tiện hơn cho mẹ. Ở đây, cu Bi ít quấy rầy bà. Ở đây, cái chính là bà đỡ phải lên lên xuống xuống cái cầu thang có độ dốc chóng mặt. Và ở đây, bà còn có thể canh cửa, canh nhà, canh bồn nước khi đầy, canh giờ đổ rác.

Như mọi hôm, bà mẹ trở dậy khi con ngõ hẹp còn mê mệt ngủ. Bà len mình qua chỗ để xe, lò dò lần vào buồng tắm, mày mò tìm công tắc, bật đèn và nhẹ nhàng khép cửa để ánh sáng không lọt ra ngoài. Việc đầu tiên, bà hốt đống cứt của con Milu. Bà dội rửa kỳ cọ và nhớ tới cánh mũi mỏng dính của con dâu, bà cầm lên lọ nước hoa rảy rảy mấy cái…

Khi bà tắt đèn, lần mò trở lại ngồi bên mép giường cũng là lúc đường phố lừ nhừ tỉnh giấc.

Bà nghe tiếng con dâu bước xuống cầu thang, ngửi thấy mùi nước hoa riêng biệt, khác mùi nước hoa dùng cho tầng trệt. Bà chui vào mùng, nằm im, mền kéo tận ngực. Bước đến bậc thang cuối, chị với tay bật đèn. Ánh sáng bùng lên. Bà kéo mền trùm kín mặt. Vào buồng tắm, chị mở nước xối xả, phun rảy xì xịt, và tiện tay vung nước  hoa vào xe, vào tường, vào chăn nệm mẹ chồng rồi gấp gảy trở lên tầng trên.

Bà nghe tiếng nước kêu ấm, ngửi thấy mùi cà-phê, mùi trà, mùi da thịt đàn ông của thằng con trai bước ra từ buồng tắm và sau hết là mùi xà bông thơm từ mái tóc còn bết nước của thằng cháu nội. Nó cúi xuống gầm giường, tróc lưỡi rõ to và kéo con Milu ra khỏi giấc ngủ lười. Bị chọc phá, Milu chồm dậy, phóng theo cu Bi, trật vuột trên những bậc thang, loắng quắng sủa lên mấy tiếng Ít phút sau, cái gia đình nhỏ chộn rộn ở tầng trên, chỉ cách bà chiếc cầu thang mười bảy bậc, khoảng cách còn đủ cho đôi tai bà nghe ngóng. Tiếng xào nấu xì xèo, tiếng vỡ giòn tan của vỏ trứng, tiếng muỗng đũa va lách cách, tiếng thằng cháu nội cử nhử, tiếng cha nó dọa nạt và tiếng dỗ dành của mẹ nó. Bà ái ngại cho con dâu. Chiều con, nuông chồng, đi làm còn học thêm, phải tập nói tập đọc như một học trò tối dạ. Bà biết, bà có thể đỡ đần cho con dâu nếu mắt không bị đám mây thịt lùng nhùng che chắn. Tầm mắt phủ lớp sương mờ khiến bà nhìn một thành hai, nhìn lọ đường ra lọ muối. Do vậy, việc nấu nướng con dâu không dám giao cho mẹ chồng. Bà tốc mền, ngồi dậy. Mắt bà đã quá ngày tái khám. Biết đâu đã đến lúc lột được đám mây mờ mịt gây khổ gây sở lâu nay.

Anh con trai bỏ áo vào quần, cổ thắt cà-vạt, giầy bóng lộn, bước phùm phụp trên những bậc thang. Thấy bóng dáng đường bệ của con, bà mẹ trở nên lúng túng. Chiếc lưng còng lơi ra, bà nhẩm lại câu nói đã thuộc lòng: “Út à, con coi thử tới ngày má khám lại mắt chưa?” và nghĩ, chắc nó trách: “Sao má không nhắc con sớm hơn?”. Bà nghe tiếng nói của con nhưng không phải nói với bà mà lom khom dặn gì đó với thằng con lưng đeo cặp ngồi trên yên xe sau lưng mẹ nó. Bà bỏ chân xuống nền gạch, dụ dự đứng lên, trù trừ chưa kịp nói tiếng nào đã thấy con ngồi chễm chệ trên yên. Anh quay lại chào mẹ bằng câu nhắc quen thuộc: “Lên tầng trên, má nhớ khóa cửa dưới này!”. Nói xong, rồ ga rền rĩ, phùn phụt lao đi.

Bà kéo, hì hụi nhưng cánh cửa trở chứng. Nó giãn ra một chút rồi đùn lại như cũ. Bà đẩy ngược vào, lấy trớn, kéo ra nhưng chỉ xê dịch tí chút. Bà loay hoay không biết làm cách nào để khép được cửa thì chợt nghe giọng nói khào khào: “Bà chị để tôi!”. Bà nhận ra ông lão ở căn nhà đối diện, cách cánh cửa nhà con trai bà một lối đi chừng sáu bước chân. Ông lão chầm chậm bước tới. Ông dừng lại nơi cửa, quan sát khắp lượt bằng cái nhìn còn khá tinh sau đôi tròng kính. Ông nắm lấy cánh cửa, rung, lắc, kéo tới đẩy lui nhiều lượt rồi thụp xuống, lấy ngón tay rà đi rà lại trong khe sắt. Ông moi ra mấy viên sỏi be bé.
Khép và khóa cửa xong bà mới biết con Milu không có trong nhà. Bà mở cửa ra, len mình qua khoảng cửa hẹp gọi tên con chó. Bà gọi nhiều lần. Tiếng gọi đục như nước vo gạo, giọng đuối dần như sắp cạn hơi. Lại tiếng ông lão: “Bà chị vô nghỉ đi. Để tôi đi tìm nó!”. Dứt lời, bà thấy ông lão tra cái khóa to tướng vào khoen cửa rồi lò dò chiếc gậy, lần ra đầu ngõ. Ngóng đợi một lát, bà cũng khóa cửa, men theo lối đi của ông lão. Bà gặp ông lão trên đường quay về nhưng không thấy con Milu. Nhìn quanh quất bà chỉ thấy cái lặng im lành lạnh của những ống khóa sáng loáng trước những cánh cửa khép chặt. Ông lão nói câu trấn an và cố tình bước thật chậm nhường bà đi trước.

Khi bà mở được cửa thì ông đã an vị trên ghế dựa, mắt lơ mơ nhìn khoảng tường tróc vôi trước mặt. Bà chợt nảy ra ý định táo bạo là mời ông sang nhà uống một tách trà. Từ ngày rời bỏ làng quê khoáng đãng đến sống trong căn nhà thừa cao thiếu rộng này, nhẩm tính đã hơn một năm. Suốt khoảng thời gian đó, dường như ngày nào khi mở cửa, bà cũng thấy ông lão trong nhiều trạng thái: Khi thì ngồi co ro, khi chăm chú đọc báo, khi lơ đễnh không nhìn vào đâu, khi lim dim nửa thức nửa ngủ bên chiếc quạt máy quay vù vù. Ông còn là người duy nhất vỗ cửa sắt gọi lớn: “Rác, đổ rác, bà chị ơi!” khi nghe tiếng xe rác í ới ngoài đầu ngõ. Ấy vậy mà chưa có dịp trò chuyện thân mật, ngay cái thứ của ông lão bà cũng chỉ nghe hàng xóm gọi. Một tách trà, không, bà lại đổi ý. Bà sẽ đãi khách một ly cà-phê, thứ cà-phê thơm nức mà sáng nào con trai bà cũng uống. Sau đó sẽ uống trà, loại trà ướp bông lài chắc ông ấy không chê. Bà bỗng thấy vui vui khi hình dung vẻ mặt tươi tỉnh của ông bạn già trước tách trà bốc khói. Mắt bà chợt vướng những bậc thang. Bà thấy lo, lỡ ông lão… sẩy chân. Bà bỏ ý định, ngồi thừ một lúc rồi kéo mạnh hai cánh cửa sắt cho khớp vào nhau. Bà rị mọ cài thêm ống khóa bên trong trước khi leo từng bước thận trọng lên tầng trên.

Bà giở chiếc lồng đậy trên bàn ăn. Tô mì, phần ăn sáng của bà đã nguội. Duềnh lên mặt tô một quả trứng, lòng đỏ còn nguyên. Ruột gan bà nở ra trước biểu hiện chăm chút của con dâu. Bà nhớ hai đứa con gái và thấy mình thiếu công bằng, đã tước đi của chúng niềm hạnh phúc được gần gũi, được chăm sóc mẹ. Chúng giống bà. Ngay giây phút cuối cùng của người mẹ tảo tần khốn khó bà cũng không có mặt. Dẫu biết, nước mắt chỉ chảy xuôi nhưng trong bà những tiếc nuối âm thầm thành ray rứt.
Bà lau khóe mắt, chế ngự cái đa sầu đa cảm chưa chịu cằn úa như tuổi tác. Bà ăn vội tô mì, uống nửa ly nước lọc, quày quả trở về với công việc quen thuộc: Gom góp, bưng bê, cọ rửa, lau khô, treo úp đúng nơi đúng chỗ rồi gấp mùng mền, rồi cầm chổi, cầm giẻ lau nhà.

Khi những viên gạch nửa vàng nửa trắng sạch bóng, mát lạnh dưới gan bàn chân thì cột sống mỏi nhừ của bà như sụm xuống. Bà chỏi tay nơi đùi, lấy đà, từ từ gượng đứng dậy, từ từ nắn bóp những khớp xương, từ từ nuốt ngụm nước mát và cũng từ từ lấy lại sức. Bà lần xuống cầu thang, vào buồng tắm, mở nắp máy giặt lấy quần áo đã giặt sạch cho vào xô nhựa. Bà lọm khọm bê đến chân cầu thang rồi nhấc từng nấc một lên hai chiếc cầu thang có hình dáng, kích thước và độ dốc như nhau.

Nhấc đến nấc thang cuối, bà thấy bủn rủn tay chân, xây xẩm mày mặt. Bà nhớ lọ thuốc trợ tim để trên tủ lạnh và cái máy điện thoại đặt gần bàn học của cu Bi nhưng chúng đã quá xa, xa đến mức bà không nghĩ đến nữa. Bà còn nhớ cái thứ của ông bạn láng giềng nhưng không kịp gọi. Một con sóng đen ngòm chồm tới, cuốn đi. Xô quần áo vuột khỏi tay bà. Trần nhà, tường nhà, những bậc thang chao đảo, bềnh bồng. Bà chơi vơi, nhẹ hẫng…

Bà bị giật tỉnh bởi tiếng đập cửa liên hồi và những hồi chuông riết róng. Phải mất hơn một phút bà mới tách được đôi mi mắt trĩu nặng. Bà ngạc nhiên thấy mình nằm vắt nửa người trên giường nệm và bao phủ là mùi nước hoa thơm tho được hãm lại trong phòng. Bà ráp chưa khớp đầu đuôi sự thể thì một hồi chuông nữa gióng lên. Bà lật đật rời khỏi giường chúng nó, bám vào tay vịn, không bước từng bước như mọi khi mà liều lĩnh lao xuống.

Cánh cửa mở ra, bà chạm những gương mặt đỏ lửng. Không chào hỏi, không trách cứ. Bà lớ ngớ không biết giấu cái thân dư thừa chậm chạp vào đâu cho khuất mắt chúng thì từ ngoài đường, con chó đi hoang te te chạy về. Nó cắn cắn vào gấu quần bà như biết lỗi, như xin bà đừng trách. Cu Bi cúi xuống kéo Milu ra, vuốt vuốt bộ lông óng mượt. Bàn tay cu cậu chạm phải cái bụng lép xẹp: “Nội chưa cho Milu ăn?”, nó hỏi rồi nhảy tót lên cầu thang, nhanh nhảu mang thức ăn cho Milu. Con chó vẫy đuôi, rối rít sủa lên mấy tiếng.

Lẳng lặng lần lên những bậc thang, bà cúi nhặt quần áo vương vãi, làm tiếp cái phần việc bỏ dở, tức là một lần nữa bước qua căn phòng sực nức mùi hạnh phúc của chúng nó, đến bên cửa sổ, mở rộng hai cánh, mắc dò dọc quần áo lên sợi dây phơi giăng ngoài khoảng không lơ lửng trên mái nhà thiên hạ.

Bà xuống đến tầng giữa thấy bữa cơm đã dọn ra. Anh con trai chặn mẹ lại: “Má ăn luôn với tụi con!”. Ngồi vào chiếc ghế đặt cạnh cu Bi, đối diện với thằng con to lớn, hồng hào, bà lịu nghịu so đũa.

Anh con trai gắp khúc cá chiên vàng lưỡm bỏ vào chén mẹ. Bà cầm đũa lật qua lật lại miếng ngon hiếu thảo. Bà thấy lại thằng bé đen nhẻm nắng gió, chạy lúc thúc ra đồng, mang cho mẹ những củ khoai ủ nóng. “Ăn chớ má!” anh con trai giục. Bà trệu trạo nhai được lưng chén cơm đã thấy con trai, con dâu buông đũa, xỉa răng, bước lên tầng trên dỗ giấc ngủ ngắn trước giờ làm chiều. Bà ăn hết chén cơm, cu Bi đã rời bàn. Không kịp uống nước, súc miệng nó vội chộp cái điều khiển từ xa, chăm chăm trước trò chơi nhoeng nhoéng trên màn hình. Vô số cuộc săn lùng đuổi bắt đã đẩy nó vuột khỏi vòng tay âu yếm của bà. Lâu rồi bà không được nựng nịu, trò chuyện với nó. Chẳng lúc nào nó có thời gian dành cho bà. Dưới chân bàn, con Milu cũng đang chí thú với mấy khúc xương.

Bà dọn rửa trong trạng thái rã rời. Một chồng chén dấp dính dầu mỡ trượt khỏi tay rơi xuống gạch.
Âm thanh đổ vỡ kéo anh con trai bước xuống. Anh dừng ở lưng chừng cầu thang, lầu bầu mấy tiếng rồi quay ngược trở lên. Biết con bực bội vì bị quấy rầy nhưng hai quai hàm bà mẹ run run, hai hốc mắt đong đầy nước. Mọi vật quanh bà không còn hình dáng, màu sắc, kích thước thường ngày. Chúng mờ, nhòe, giãn nở, run rẩy, trườn trượt. Chúng trì níu, xô đẩy vùng vằng khiến bà khó lòng lê khỏi đống đổ nát dưới chân nếu không vọng xuống tiếng cù vờn khùng khục.

Bà chùi đôi mắt đỏ tấy rồi nhặt nhạnh, gom góp những mảnh vỡ. Một mảnh sứ găm chênh chếch dưới lòng tay. Máu nhờ nhợt loang trên nền gạch.

Trên chiếc đệm êm, bà không nằm yên được. Bà đặt bàn tay có vết đứt băng dán cồm cộm lên ngực. Cái đau như kim châm muỗi chích này có là cái gì so với nỗi đau đang dày vò. Bà bỏ lại tất cả, ruộng vườn, mồ mả cha mẹ ông bà và nỗi lòng đau đáu của hai đứa con gái để được đến đây, tự nguyện giam mình trong bốn bức tường này. Bà ngồi nhỏm dậy.

Thấy chiếc xe dềnh dàng còn dựng trước mặt, bà lẩm bẩm: Chiều nay nó có nhà. Mình sẽ lên trên đó, dựng đầu nó dậy, bảo nó nhìn vào đôi mắt sắp mù của mẹ nó, nhìn vào trái tim khổ đau của mẹ nó. Bà hấp hải leo lên cầu thang.

Cửa sổ vẫn mở, vài tia nắng len qua được hàng rào quần áo, trườn lên giường nhảy nhót trên gương mặt ngủ say của con trai. Đôi môi đầy đặn của nó he hé như cười mơ, như con trẻ, như ngày nào. Bà rón rén bước lại và cúi gần con. Đây này, gương mặt chữ điền của cha nó, cánh mũi phập phồng của cha nó, đường nhân trung sâu của cha nó, và đây nữa, cái khuôn ngực ức cu tròn căng của cha nó… Tất cả những gì yêu thương nhất, gần gũi nhất dường như không hề mất đi, vẫn hiện diện nơi hình hài huyết nhục này. Giọt nước mắt trong như giọt mật ứa ra, lăn dài xuống má. Thật lạ lùng, lần đầu tiên, sau hơn ba mươi năm bị chồng phụ bạc bà bỗng thấy như trút được cái tảng đá hận thù. Rồi một thèm muốn bất chợt mà bà không sao cưỡng lại là được ôm con vào lòng, được khóc, được cười với nó.

Bà cảm thấy đôi tay khỏe mạnh của con đẩy bà ra và nghe tiếng hỏi: “Má sao vậy?”. Giọng ráo hoảnh kéo bà ra khỏi cơn sốt yêu thương và nhận ra đôi mắt thờ ơ dửng dưng chẳng khác gì giọng nói. Bà loạng choạng như bị một roi quất mạnh khi thấy nó xoay lưng lại và kéo cái ngáp thật dài, ngủ tiếp.

Ngoài cửa sổ, gió lồng lộn trước cơn mưa tháng bảy. Chúng kéo giật cánh cửa đập mạnh vào những chấn song, kéo tuột mấy cái quần rộng lưng tấp vào gờ cửa. Bà rướn người tới trước, nhùng nhằng kéo mấy cái quần vào trong. Rồi bà mở cánh cửa sắt, chồm ra ngoài, lần lượt gỡ hết sào quần áo mang vào.

Bà đặt đống quần áo vừa kịp khô xuống khoảng giường còn trống. Bà đang vuốt vuốt xếp xếp thì anh con trai trở mình, chân co chân duỗi. Bà lật đật gom hết áo quần, lật đật lùi khỏi giường, lật đật đặt chân xuống cầu thang.

Mấy cái quần dài con trai và một lô áo đầm, áo ngủ của con dâu trở nên quá dài so với chiếc lưng còng đang lò dò từng bước. Chúng lết phết, lượt phượt, chân lướng vướng líu víu khiến bà buông tay vịn, co co kéo kéo. Bỗng, hẫng một cái, bà trượt chân…

Bên ngoài, tiếng vỗ cửa và tiếng gọi quen thuộc: “Rác, đổ rác, bà chị ơi!”.

BÍCH NGÂN

;
.
.
.
.
.