.

Chợ cũ

.

Chợ có tên là chợ Hôm hẳn cũng như nhiều ngôi chợ nhỏ trên khắp dải đất này vẫn mang tên hôm mai sớm sủa từ lúc họp mặt. Nằm cách bờ sông Thạch Hãn chỉ dăm ba bước, người bên sông đi chợ bằng đò. Ba mẹ tôi nên duyên cũng từ ngôi chợ nhỏ. Hồi đó ba làm trong kho xay xát của nhà cô ngay trước mặt chợ. Mẹ thường chở lúa về xay, chuyện trò dăm ba bữa rồi mến nhau. Từ lúc ba mẹ cưới đến khi tôi được ba tuổi, cả nhà đã sống trong gian nhỏ bên cạnh chái bếp nhà cô, chỉ cần mở cửa ra là thấy chợ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ kể, ngày nhỏ, lúc mới biết đi, tôi đã chập chững cầm tờ hai trăm đồng ra chợ mua hàng quà để ăn. Mấy cô quen mặt, cứ thấy con bé cầm hai trăm mà đòi mua này mua nọ ai cũng phì cười. Có lần đi vấp đá, ngã dúi mặt giữa chợ, tôi đứng dậy phủi áo quần rồi kêu “ui chao, may”. Dì bán hàng tạp hóa nay đã thập cổ lai hy cứ nhắc mãi chuyện đó mỗi lần gặp lại, bảo chẳng hiểu nó kêu may cái chi, chắc là may vì chưa rách áo chứ mặt mũi thì trầy xước tùm lum.

Chợ cũ hồi đó xôn xao vì một vụ nổ bom. Như xứ mình thi thoảng vẫn thế, chiến tranh qua lâu nhưng đâu đó trong lòng đất vẫn sót lại vài quả bom còn thuốc nổ. Tiếng nổ chát chúa vang xa cả vùng. Chú và con gái mất nằm lẫn vào nhau, may sao vợ và con trai hôm đó đi lên nhà ngoại nên thoát nạn. Chợ đìu hiu cả tuần sau đó, ai nấy tái mét xót thương người phận bạc.

Hồi ấy, nhiều người ăn xin, người điên thường tìm về chợ. Ban ngày họ lang thang khắp nơi, người cho miếng bánh người cho cái kẹo hoặc ai bán thứ gì thì cho thứ nấy. Đêm đến, họ nằm chèo queo bên những chiếc sạp rồi ngủ. Nhiều đêm em quấy khóc, mẹ dọa kêu ông điên ngoài chợ thì đứa mô đứa nấy im re, nhắm chặt mắt rồi ngủ mê.

Nhiều người buôn bán ở chợ nay tóc đã điểm màu, có người chỉ còn hiện diện trong ký ức. Chợ bây giờ chỉ họp trong khoảng một giờ đồng hồ vào sáng sớm, đôi khi bày bán đôi ba rau trái hái từ vườn của vài nhà gần đó. Những gian hàng đóng im ỉm. Chợ mới đã xây đẹp đẽ, ai muốn duy trì bán buôn phải lên thị trấn đấu thầu một lô chứ bán ở dưới chợ cũ cũng chẳng ai mua.

Lắm người đã mất nên có dạo trong làng gọi dân xóm chợ thay bằng xóm mồ côi. Con mồ  côi cha, mồ côi mẹ, vợ vắng chồng. Người mất vì tai nạn, người thì ốm bệnh. Vẻ náo nhiệt của khu chợ đông đúc ngày xưa đã biến mất, giờ đìu hiu lạnh lẽo khôn cùng. Buổi chiều khi tôi ghé lại chợ cũ chỉ bắt gặp bóng dáng vài đứa con nít đang rượt đuổi nhau quanh các quầy hàng đã đóng. Mái chợ không còn một thứ gì che phủ qua bao mùa mưa bão của miền Trung. Bỗng nhiên thấy thương ngôi chợ nhỏ an phận nằm chơ hơ trước nắng gió khắc nghiệt bởi quy luật được mất của cuộc đời.

Bận đó gặp em ở phố, tôi vui ví như gặp đứa em thân thuộc lâu ngày. Trò chuyện đôi câu, nhắc tới quê nhà, em bảo sẽ chẳng bao giờ về lại xứ mình làm chi. Em quyết đi xa và đi lâu, chối bỏ ngày xưa và quên khai sinh mình là dân xóm chợ. “Đâu có chi hay ho khi người ta tỏ tường rồi khinh bỉ bởi biết mình con cái người bán hàng cá ở chợ hả chị?”. Chợt hẫng hụt với cô gái vừa qua tuổi hai mươi không còn thiết tha gốc gác của mình. Nhưng chắc rằng, trong cuộc mưu sinh rong ruổi, sẽ có biết bao người mỗi khi ghé qua một góc chợ xôn xao nào đó, lại bồi hồi nhớ về ngôi chợ nhỏ gần nhà, dù xưa cũ sẽ chẳng còn nguyên vẹn.

DIỆU ÁI

;
.
.
.
.
.