.

Con sông nào đã xa nguồn

.

Nhân những ngày thanh minh, trời đang giao mùa sắp chuyển vào hè, tôi có dịp đưa các cháu về quê giỗ tộc. Cho dù bây giờ đường ô-tô chạy liền một mạch, cầu cống bắt qua sông cứ tăm tắp từ phố về làng, nhưng tôi lại chọn cái lối đò ngang đò dọc lênh đênh để bọn trẻ được tha hồ bơi lội, tắm táp cùng… cổ tích!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ôi chao, Con sông nào đã xa nguồn. Thì con sông đó sẽ buồn với tôi (thơ Hoài Khanh). Vâng, không chỉ là buồn với tôi mà chắc là sẽ còn buồn với nhiều người. Hình như căn bệnh vong thân cũng bắt nguồn từ chuyện xa nguồn quên nguồn đó. Biết gọi tên một nỗi buồn như thế cũng tức là gọi tên trí nhớ quay về. Thành ra, chẳng phải riêng gì cho bọn trẻ nhỏ mà là cho chính tôi, có lúc quên tuổi tác khi trên những bến xưa còn dư hương của cái đẹp tựa như trong tranh vẽ của cố danh họa Nguyễn Phan Chánh: Sông biết nhớ từ tóc dài em gội!

Nhưng, dòng sông đang dần vào mùa hạ rồi mà con nước còn đục ngầu. Không như ngày xưa, những dòng sông con về mùa hạ đều trong veo trong vắt, và mực nước xuống rất thấp, có đoạn người ta chỉ cần xắn quần lội qua sông chứ chả phải đò giang gì.

Làng tôi như đất bán đảo nằm giữa sông nước ba bên bốn bề vây quanh. Trước làng sông trôi, sau làng sông chảy, vắt từ nhánh sông này qua nhánh sông kia lại cũng một dòng sông. Giàu có sông nước như vậy nên phù sa màu mỡ cũng thuộc vào hàng ít ai sánh bằng. Ấy là tôi nói chuyện đời xưa, thuở mà các cô các chị Qua cồn mang giỏ hái dâu. Hái dâu không hái hái câu ân tình. Vâng, dâu xanh bạt ngàn dâu xanh! Những triền gành cồn bãi tít tắp xanh từ đầu sông đến cuối sông. Mà nào chỉ dâu xanh không thôi, còn bao thứ hoa trái khác: dưa hấu, đậu phụng, đậu xanh, mè, ớt, thuốc lá… cứ thi thố với nhau mà tươi tốt, cứ thi thố với nhau mà đẹp. Đẹp nhất là các chị các em, những buổi chiều mùa xuân mùa hạ, sau những buổi hái dâu, hái đậu, hái dưa…, tất cả đổ ra bến sông ngụp lặn gội tắm tâm tình. Nước sông mát rười rượi và trong vắt nhìn thấu tận đáy. Từng suối tóc mềm mại như tóc tiên buông lơi theo dòng. Cứ nhìn vào đất đai trù phú đó, người ta sẽ hiểu ra sức sống của hoa trái và văn hóa của vùng đất ấy đẹp đến nhường nào!

Bây giờ thì vẫn những dòng sông ấy, nhưng hễ đến mùa lũ lụt thì nước xiết chảy điên cuồng, cây rừng đốn hạ vô tội vạ trôi đầy sông. Đến nỗi người ta mô tả: có thể lội bộ trên cây mà qua sông được. Những vùng đất màu mỡ ven sông xói lở hàng trăm héc-ta, có làng lở trôi tuốt Biển Đông phải di dời tất cả. Đến mùa nắng mùa khô nào có hơn gì, nước cạn nông đến kiệt dòng, đục ngầu một màu ô nhiễm. Những dòng sông quê thương tích đầy mình lặng lẽ chảy qua bao bến bờ hoang vắng.

Hình ảnh con sông quê đẹp như thơ tôi thường kể cho các cháu nghe, bây giờ bọn trẻ ngỡ như là chuyện hoang đường. Mà chẳng riêng gì những dòng sông chảy quanh quất qua làng tôi, từ đầu Bắc đến cuối Nam, sông Cầu, sông Thương, sông Đáy, sông Sê Rê Pok, sông Kôn, sông Ba, sông Trà Khúc… Dòng sông nào cũng thương tổn, cũng bị bức tử, đến nỗi có dòng hấp hối. Tiếng báo động kêu cứu từ các báo, các đài ngày này qua tháng khác, vậy mà xem ra chẳng thấm tháp tới đâu.

Câu nói của bác nông dân già trên chuyến đò ngang qua sông cùng tôi (và bọn trẻ) trong giây phút tào lao thiên địa về chuyện sông bồi sông lấp, làm tôi chột dạ: “Lúc nào mà đất trời nổi giận làm cho sơn băng thủy kiệt thì đấy là lúc đáng sợ nhất”. Chẳng rõ câu nói ấy là do kinh nghiệm hay là gì, nhưng có lẽ trước thiên nhiên đầy bí ẩn, những dự báo cho con người quả thật không vô ích.

Giữa khoảnh khắc ưu tư ấy, bọn trẻ hồn nhiên hỏi tôi mà như hỏi vu vơ: Bao giờ sông lại xanh trong? Làm sao tôi có thể trả lời được một câu hỏi nghe ra đẹp như một ý thơ nhưng lại nhuốm màu tuyệt vọng, nó cũng từa tựa như kiểu hỏi: Bao giờ cho đến ngày xưa?

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.