.

Tủ lạnh

.

Xóm trọ chia làm hai dãy nhà được ngăn cách bởi khoảng sân buông kín rèm cây mành mành hay còn gọi là cây râu rồng. Xóm trọ giá bình dân dành cho công nhân, chủ yếu là các hộ đã có gia đình. Chẳng biết có phải vì nghèo mà dễ thương nhau hay không nhưng ở đây thứ gì cũng xúm xít chia nhau. Vài bắp ngô luộc, cân mận đầu mùa, ít lạc non từ quê gửi lên… Đến cái chõng nhỏ, cái giường gấp cũng lôi ra giữa sân túm tụm để hóng gió chung trong những ngày Hà Nội nóng nực khủng khiếp này. Cuộc sống trôi qua đều đặn trong tiếng trẻ con khóc, trong những bóng áo công nhân mệt mỏi trở về sau ca làm, trong tiếng đập muỗi bôm bốp và chuyện chợ búa của những người vợ trẻ. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một sự kiện vui diễn ra làm nhốn nháo cả xóm trọ mấy chục con người ấy. Như việc nhà đầu hồi đã lắp điều hòa hay việc vợ chồng chị Tươi mới mua tủ lạnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tủ lạnh từ lâu đã không còn là thứ vật dụng xa xỉ với người dân Việt Nam. Hay nói đúng hơn đó là thứ vật dụng thiết yếu có trong mỗi gia đình để bảo quản thực phẩm được tốt hơn. Vậy mà việc có một chiếc tủ lạnh xuất hiện ở xóm trọ lại khiến nhiều người vui đến thế là bởi vì nó sẽ làm cuộc sống nơi đây thay đổi ít nhiều. Trước đây cả xóm trọ không có chiếc tủ lạnh nào, chẳng phải vì họ thấy không cần thiết. Chỉ đơn giản vì họ đều là những công nhân nghèo với mức thu nhập thấp. Nếu chịu khó làm tăng ca thì thu nhập sẽ nhỉnh hơn nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì so với thời buổi vật giá leo thang giữa thành phố lớn. Người độc thân chi tiêu chắt bóp mới để thừa được mỗi tháng chút ít tiền gửi về quê cho bố mẹ già. Còn người có gia đình thì khéo vun vén lắm mới đủ lo cho con cái. Một phần cũng vì diện tích phòng quá nhỏ, mà phòng nào cũng ba bốn con người từ già đến trẻ thì làm gì có chỗ để kê tủ lạnh. Có người tặc lưỡi bảo “điện yếu vậy chắc gì dùng được tủ lạnh mà mua”. Có người nghe vậy gật gù bảo “kiếp ở trọ nay đây mai đó mua làm gì nhiều đồ để tha lôi đi cho  mệt”. Vậy nên thịt thà, rau cỏ ăn bao nhiêu mua bấy nhiêu. Lỡ mua nhiều cũng phải bỏ đi vì không để được trong tiết trời nóng nực. Muốn uống nước mát ra ngay đầu ngõ mua vài nghìn đá viên về đập ầm ĩ cả xóm. Kể ra cũng bất tiện thật nhưng cái khó bó cái khôn.

Tủ lạnh của vợ chồng chị Tươi là tủ lạnh cũ. “Người ta bảo đã dùng hai năm và còn mới đến 80%. Một ngăn đá, một ngăn mát. Dung tích 180 lít đấy nhé”. Chị Tươi nói với mọi người đang xúm lại tìm giúp một chỗ vừa đủ để kê tủ. “Chị mua ở chỗ nào đây? Liệu có bảo hành không?”. “Có chứ, bảo hành hẳn sáu tháng còn gì nữa. Mua mới cũng mất toi tháng lương ấy chứ. Từ giờ ai muốn uống nước lạnh cứ sang đây”. “Phát đá miễn phí luôn chứ hả?”. Chị Tươi khoát tay cười bảo “cứ vô tư đi”.

Riêng việc phục vụ nước đá miễn phí cho xóm trọ cũng quá tải. Thường chẳng mấy khi đợi được đến lúc đóng đá, nước vừa cho vào một lúc đã có người chìa ca xin. Ngăn mát thì khỏi phải nói, giống như ngăn để đồ của cả xóm với đủ loại thực phẩm. Từ khi có tủ lạnh, ai về quê cũng xách theo ít đồ ăn dự trữ. Người thì đôi con gà làm sẵn gửi tủ ăn dần, người thì mấy chục trứng gà, người thì ôm rau ngót... Cũng có khi đi chợ trót mua nhiều đồ ăn, đổ đi thì phí nên chạy qua chị Tươi gởi nhờ tối đỡ mất công đi mua bán. Vậy nên đồ nhà này chồng lên đồ nhà kia, thịt thà lẫn vào rau quả. Nhà chị Tươi đông vui hẳn lên chỉ vì người sang gửi gà kể chuyện giá trứng ở quê. Người qua gửi rau kể chuyện người ta trồng rau trong nghĩa địa rồi mang đi bán. Người qua lấy hoa quả thì kể chuyện hoa quả tàu đổ đống bán rẻ như bèo…

Có hôm chị Tươi nấu bếp nhờ chồng mở tủ lấy hộ ít thịt mang rã đông. Anh chồng vừa mở cánh tủ thì túi lớn túi nhỏ đổ ào ra. Anh chồng nhấc lên từng túi hỏi vợ có phải cái này của nhà mình không? Chị vợ bảo không, túi thịt đó nhà thằng Lâm, túi màu đỏ nhà cái Tịnh, thịt trong cái hộp in hoa đèm đẹp là của nhà bác Lĩnh… Anh chồng đứng ngẩn ra một lúc với năm sáu túi thịt trong tay rồi bỗng bật cười…

Vũ Thị Huyền Trang

;
.
.
.
.
.