.

Đừng con, có tội...

.

Ở một thị trấn miền núi nghèo của một tỉnh miền Trung, 40 năm về trước, tôi sinh ra và lớn lên trong những khó khăn, vất vả của cuộc sống của thời bao cấp. Bố mẹ tôi có 7 người con. Để lo đủ cái ăn đã khó, vậy mà bố mẹ vẫn cho các anh chị em chúng tôi học hành đến nơi đến chốn, ít nhất cũng là hết cấp 3. Đó là một sự cố gắng, một sự hy sinh lớn lao.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bố tôi làm ở một ngân hàng của huyện, tiếng là làm ngân hàng, nhưng “gia tài” của bố chẳng có tiền hay vàng bạc mà là những bằng khen, giấy khen, huân chương và huy hiệu Đảng. Mẹ tôi làm nhân viên trông coi hồ cá ở công ty thương nghiệp nhưng nghỉ hưu sớm theo chế độ “mất sức”. Mẹ ở nhà tráng bánh đa, bánh cuốn, nuôi lợn, gà, làm vườn... Sức mẹ yếu, gánh trên vai bao lo toan vất vả để nuôi cả đàn con lít nhít “trứng gà trứng vịt” chúng tôi, nhưng mẹ vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và luôn động viên chúng tôi cố gắng học hành.

Tuổi thơ của chúng tôi, cũng như nhiều trẻ con trong xóm, ngoài một buổi đến trường, thời gian còn lại là chăn trâu, lấy củi, đi bắt tôm, bắt tép và làm những việc nhà phụ giúp bố mẹ. Thời bé dại, chúng tôi làm những công việc ấy mà nhiều khi chẳng coi đó là trách nhiệm, chỉ thấy thích làm vì đó như là một cách để được chơi! Sau này, trên mỗi bước đi của cuộc đời, gặp một hoàn cảnh nào đó, tôi lại nhớ đến những lời khuyên can của mẹ trong những trò chơi, hay cả những trò nghịch dại của lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy…

Mẹ thường nói: “Đừng con, có tội!” mỗi khi chúng tôi làm một việc ảnh hưởng đến người khác hay làm lãng phí một thứ gì đó, thậm chí chỉ là làm đau một con vật. Mỗi lần mẹ nhắc nhở như vậy, chúng tôi chỉ hiểu là không được tiếp tục làm như vậy vì đó là việc không tốt chứ không hiểu sâu xa ý nghĩa của nó. Một lần, chị em tôi lấy gạo ra chơi và làm đổ vung vãi ra sân, mẹ lại can ngăn: “Đừng con, có tội!”. Chị tôi hỏi lại mẹ: “Sao đổ gạo đi lại có tội hả mẹ?”; mẹ trả lời: “Vứt gạo đi là có tội với người nông dân”. Rồi lần khác, tôi đi chợ bán bánh cuốn với mẹ. Thấy có ông gánh nước thuê đến mua bánh (ông này là người vô gia cư, bị mắc bệnh về thần kinh, ông sống ở chợ, hằng ngày ông đi gánh nước thuê, lấy ít tiền lẻ sống lần hồi qua ngày…), ông chỉ đủ tiền mua có 3 cái bánh nhưng mẹ đã đếm cho ông ấy 5 cái. Mẹ không chỉ làm một lần như vậy, tôi thường theo mẹ đưa bánh đi đổi gạo của những người công nhân xây dựng ở công trường, mỗi khi gặp người đói khổ, mẹ lại đếm thừa cho họ mặc dù chính bản thân mẹ cũng chẳng dám ăn. Đôi lúc tôi cũng thắc mắc: “Sao mẹ lại đếm thừa cho họ?”, mẹ tôi bảo: “Họ đói khổ hơn mình, thương lấy họ”.

Khi những đứa con của mẹ hiểu được sâu sắc lời mẹ nhắc nhở thì mẹ không còn ở bên chúng tôi nữa. Mẹ về với thế giới những người hiền năm tôi 14 tuổi. Những kỷ niệm về mẹ luôn đầy ắp trong trái tim tôi. Cách sống và những lời khuyên nhủ của mẹ ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống của chúng tôi sau này. Trước khi làm một điều gì, lời mẹ lại vang lên trong tâm trí... “Đừng con, có tội!” không chỉ nhắc con rụt tay lại trước một việc làm không tốt mà còn động viên con hãy làm thật nhiều điều tốt…
Câu chuyện mà tôi sẽ kể ra đây để kết thúc bài viết này đã khiến tôi luôn tin rằng, “gieo nhân nào, gặt quả nấy”, điều tốt trao đi sẽ nhận lại được điều tốt…

Đó là, khi mẹ tôi mất, không biết ai nói mà cái ông gánh nước thuê tôi kể trên đây đã mua hương lễ đến viếng mẹ tôi. Thần kinh của ông ấy không được bình thường, lúc nhớ lúc quên, chỉ biết gánh nước lấy vài đồng tiền lẻ, dường như chẳng quan tâm đến ai, vậy mà ông ấy tập tễnh tìm đến nhà tôi để thắp hương, đứng hồi lâu trước bàn thờ, rồi lại tập tễnh đi về… Sau khi mẹ mất, bố con chúng tôi rời thị trấn miền núi chuyển về sống ở thành phố cách đó khoảng 200km. 10 năm sau, gia đình tôi trở lại thị trấn để tổ chức cải táng cho mẹ. Trước giờ làm lễ, bỗng gia đình tôi phát hiện một tấm vải điều dùng cho việc cải táng bị thất lạc tự lúc nào. Giữa nghĩa địa vào 2-3 giờ sáng, chúng tôi không biết lấy đâu ra vải mới để thay thế cho kịp hoàn thành mọi việc trước khi trời hửng sáng. Cuối cùng, 3 anh em chúng tôi quay về chợ cách nghĩa địa khoảng 3km với hy vọng sẽ tìm được một ki-ốt bán vải nào đó có người ngủ lại canh hàng. Gọi mãi nhưng chẳng có ai ngủ lại trong những kiốt tối đen đó, bỗng có tiếng ông gánh nước thuê cất lên ở một chiếc chõng tre trong góc chợ: “Nghe tiếng nói giống như con bà M. có phải không?”. Chúng tôi giật mình chạy đến… và thật không ngờ, ông ấy đã tập tễnh dẫn chúng tôi tìm đến nhà một cô tên là Phúc bán vải. Ông ấy không nhớ chính xác nên cứ vừa đi vào trong xóm vừa gọi to: “Chị Phúc ơi! Chị Phúc ơi!”. Tìm được đến nhà cô Phúc, nghe ông ấy nói là con của bà M., thế là giữa đêm thanh vắng cô ấy một mình đi theo chúng tôi xuống chợ dù cô ấy đang nuôi con mọn… Cuối cùng, chúng tôi có được tấm vải điều để kịp đưa mẹ về nghĩa trang của họ tộc cách đó khoảng 150km trước khi trời sáng. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó kỳ lạ… Phải chăng mẹ đã dẫn dắt cho chúng tôi, hay chính ánh sáng của lòng nhân hậu đã soi đến tận mọi ngóc ngách của cuộc sống này?

Chúng tôi luôn tin rằng, ở thế giới bên kia, mẹ luôn mỉm cười bởi sự yêu thương, đùm bọc nhau của các anh chị em chúng tôi. Mặc dù chẳng trở thành “ông nọ, bà kia” lẫy lừng thiên hạ nhưng tất cả anh chị em chúng tôi đều có cuộc sống ổn định, điều quan trọng hơn cả là những thành quả đó đều từ con đường lương thiện và chúng tôi luôn hãnh diện về điều này khi đứng trước vong linh của mẹ. Cám ơn Mẹ! Mẹ đã dạy các con nên người bằng tình yêu thương và đức hy sinh, bằng sự sẻ chia và lòng nhân hậu.

XUÂN THU

;
.
.
.
.
.