.

Những đứa trẻ bị bỏ quên

.

Vườn trẻ Hoa Hồng chui tọt trong ngõ nhỏ. Sau khi xem địa chỉ trên mạng, tôi loay hoay một lúc mới tìm đến nơi. Vào ngày thường lại trong giờ làm việc nên thưa thớt cha mẹ dẫn trẻ đến chơi. Thả con vào nhà bóng ngồi chống cằm nhìn con thích thú vui đùa. Nhưng tâm trí tôi còn đang vướng bận ở nhà. Quần áo chưa giặt, nhà chưa lau. Mà nhà gần đường, xe container chạy suốt ngày bụi bám thành từng lớp đi bết dưới gót chân. Tôi cũng chưa kịp bắc giàn cho mấy gốc mướp leo lên, nhổ cỏ luống rau cải vừa mới lên xanh tốt. Bài vở còn dang dở dù đã hứa sáng mai phải nộp cho tòa soạn sớm. Cô hàng xóm bảo “nắng thế này chó còn biết chui vào nhà mà mẹ con chị lao ra đường đi tìm chỗ chơi. Mà nó bé thế vào vườn trẻ thì chơi được cái gì?”. Không thể nói với cô ấy rằng hôm nay bỗng nhiên tôi nhìn thấy ánh mắt cô đơn của con mình. Khi con tựa vào thanh chắn cửa nhìn vời vợi ra ngoài chỉ mong có ai đó đi qua để í ới vài câu. Hàng xóm xung quanh thì đóng cửa suốt ngày. Chồng trước khi đi làm thường dặn “em ở nhà nhớ chơi với con, đừng để con tha thẩn”. Nhưng tôi lúc nào cũng bận…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi nhìn quanh vườn trẻ, thấy duy nhất một ông bố dẫn con đi chơi. Anh ta chăm chú thích thú nhìn theo từng động tác của đứa con gái nhỏ chừng hai tuổi. Đứa bé có vẻ e dè với thế giới xung quanh. Không thích chơi cùng các bạn chỉ lúi húi một mình. Cô bé cầm đồ chơi trên tay nhưng không chơi mà đập phá. Mỗi lần như vậy người bố liền chạy lại can ngăn với thái độ nhẹ nhàng. Đó là người đàn ông có dáng vẻ phong trần. Anh ta mặc bộ quần áo lao động đã bạc màu. Trên gấu quần còn bám vệt vôi vữa, để lộ đôi gót chân nứt nẻ. Con gái anh ta hẳn sẽ rất hạnh phúc khi được đôi cánh tay rắn chắc ấy nhấc bổng lên. Được ngồi trên bờ vai vạm vỡ, tay ôm lấy cổ để bố công kênh khắp nơi. Tôi cũng từng có một tuổi thơ tươi đẹp bên bố. Bố tôi là phụ hồ, mười ngón chân cũng bị vôi vữa ăn mòn giống như người đàn ông này vậy.

Đang miên man hồi tưởng thì tôi bỗng nghe thấy tiếng con khóc thét. Tôi ngẩng lên thấy con mình đang bị bé gái hai tuổi lao vào cào mặt. Vội vàng lao lại ôm lấy con. Tôi thấy trên má con có một vết xước dài đang rỉ máu. Người đàn ông chạy lại hỏi han con tôi rồi dẫn con gái mình lại ghế trò chuyện gì đó. Tôi đoán là anh ta đang dạy bảo con mình. Đứa nhỏ cúi gằm mặt, chân di di xuống đất. Một lúc sau người đàn ông tiến lại phía tôi áy náy bảo: “Chị thông cảm, con tôi không kiểm soát được cảm xúc. Cháu bị tự kỷ nên rất hay đánh bạn”. Tôi hết nhìn anh ta lại quay nhìn đứa nhỏ. Trong lòng tôi dâng lên nỗi xót thương. Tôi cũng từng bị tự kỷ trong suốt khoảng thời gian học cấp 2. Tôi sợ tiếp xúc với người lạ, cứ có khách là chui tọt vào xó xỉnh nào đó ngồi một mình. Tôi cũng sợ ánh sáng nên thường chui vào gậm giường chơi với đàn gà nhép và lũ chó con. Tôi cục tính, sẵn sàng lao vào đánh tới tấp bất cứ bạn nào trêu chọc mình. Tôi hay lặp đi lặp lại một động tác như di chân xuống đất, vân vê gấu áo. Hậu quả là tôi bắt đầu đãng trí, học hành sa sút và chìm đắm hoảng loạn trong những cơn ác mộng vào lúc nửa đêm. Tôi không nhớ mình đã vượt qua giai đoạn ấy lúc nào. Nỗi sợ sự ồn ào và đám đông hiện tại liệu có phải là di chứng của căn bệnh tự kỷ thời thơ ấu hay không. Nhưng tôi nhớ rất rõ mình đã đơn độc đến thế nào khi phải một mình chiến đấu. Bố mẹ tôi khi đó còn bận kiếm kế sinh nhai để những bữa cơm bớt đi phần sắn độn. Vào thời điểm đó, phần lớn những đứa trẻ nông thôn đều không đủ tiền tiêm những mũi vắc-xin cơ bản. Thì căn bệnh tự kỷ là hoàn toàn xa lạ trong nhận thức của những bậc làm cha làm mẹ.

- Chúng tôi đã quá mải lo cơm áo gạo tiền mà quên mất con. Suốt ngày nhốt con quanh quẩn trong nhà với bốn bức tường. Vợ tôi thì hay cáu gắt, la mắng con. Tôi đi làm về mệt là lăn ra ngủ. Con quấn lấy mình thì lần nào cũng nói “bố mệt lắm, để yên cho bố nghỉ”. Cho đến khi biểu hiện của bệnh ngày càng nặng thì mới phát hiện ra.

- Anh có đưa cháu đi chữa ở đâu không?

- Tôi có cho cháu đến bác sĩ tâm lý. Nhưng quan trọng vẫn là những người thân xung quanh giúp cháu hòa nhập với cộng đồng. Đó là một cuộc chiến lâu dài chị ạ. Vợ chồng tôi ngày nào cũng thay nhau ở bên chăm sóc và chơi cùng con.

Tôi ngẩng lên thấy đứa con gái bé nhỏ của mình đang chập chững đi lại phía con gái người đàn ông. Tôi chạy lại nắm lấy tay con rồi cùng tiến về phía cô bé ấy. Nhìn sâu vào đôi mắt bé bỏng ấy, tôi gặp lại mình của những tháng ngày “tuổi thơ dữ dội”. Hôm qua trên ti-vi nói ngày càng nhiều đứa trẻ thành phố có nguy cơ bị tự kỷ. Đó là con bạn, cũng có thể sẽ là con tôi - những đứa trẻ tội nghiệp bị bố mẹ bỏ quên trong bốn bức tường.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.