.

Đêm nằm nghe gió mưa

.

Đêm, nghe tiếng mưa ào ào đổ, tiếng gió đập mạnh vào cửa sổ, nghĩ đến ngày mai thức dậy những con phố nhỏ sẽ ngập trũng nước, những cây cối không chịu nổi phong ba đã xiêu vẹo ngả nghiêng hoặc đổ gục bên đường, những tấm pa-nô, những mái tôn ngổn ngang trên phố. Mới chỉ nghĩ chừng ấy thôi, lòng đã thấy mệt mỏi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ lúc sáng gọi điện về cho bố. Bố bảo đêm qua bão quần suốt đêm ở xứ Nghệ mình, hai ông bà thức trắng đêm không ngủ. Qua cơn bão, sân ngập một lớp lá dày, mấy viên ngói vỡ vụn trước hiên, cây cối quanh nhà nghiêng ngả, mảnh vườn bao nhiêu thứ rau mẹ chăm bón cho từng phiên chợ nay tả tơi trong nước và bùn. Con chó con khờ dại không biết nép vào đâu mà sáng nay tìm quanh nhà chẳng thấy. Cúp điện, mẹ đang cố nhen mấy thanh củi ướt nấu cơm. Giọng bố buồn thoáng chốc rồi lại trở nên vui vẻ “Nhưng con yên tâm, không sao đâu, bão qua rồi, bố mẹ ở nhà vẫn khỏe”. Tôi biết chứ, dù có cuồng phong đến mấy thì rồi cũng sẽ qua thôi. Tuổi thơ tôi cũng đã quen với việc quê mình mỗi năm trải qua bao cơn bão. Quen nhưng vẫn lại không quen, vì mỗi mùa bão đi qua là ngập tràn những tổn thương, mất mát.

Quê mình qua cơn bão rồi, Hà Nội mới ào ào đổ mưa. Nhớ lúc chiều bé con đi học về, nhân lúc mẹ không để ý đã chạy ra ngõ theo mấy thằng cu hàng xóm, đến khi về ướt như chuột lột, trên tay cầm hai con cá Ấn Độ bé tí. Bực mình, quất cho con mấy roi. Giờ nhìn con ngủ ngon lành, mặc trời có sấm chớp gió giông, tự nhiên lòng thương vô hạn.

Nhớ ngày còn nhỏ, còn được cùng anh chị em sum vầy. Cứ mỗi tối mưa to, mẹ rang một mẻ ngô rồi cả nhà ngồi túm tụm trên giường nghe mẹ kể chuyện. Anh trai tôi chỉ những đám mốc trắng ở mái hiên được lợp bằng rơm hù dọa tôi là ma hiện hình. Tôi khóc, còn anh thì bị mẹ mắng.

Tôi nhớ những sáng qua cơn bão, bước ra khỏi nhà nhìn màu trời trắng đục, một khung cảnh tiêu điều xơ xác hiện ra, tự nhiên mẹ ngồi phịch xuống thềm, thở than rằng lúa ngoài đồng vừa trổ bông chắc là mất trắng. Anh tôi xách lưới ra đồng, rồi trở về với một xô đầy cá rô, cá diếc, cá quả. Tôi chạy ra vườn chọc dăm quả khế. Thế là bữa cơm có món cá ngon thơm phức.

Bố tôi công tác ở xa, mỗi mùa bão về chỉ có mấy mẹ con chống chọi. Âm thanh tiếng mưa tí tách suốt đêm chảy vào xô chậu mẹ đặt hứng những chỗ nhà bị dột đã trở thành nỗi ám ảnh trong trí nhớ non nớt của tôi, đến nỗi mỗi khi nghe đài báo có mưa gió tràn về, điều đầu tiên tôi nghĩ là không biết lần này nhà mình có còn bị dột.

Có một lần trong giờ địa lý, thầy giáo nói với chúng tôi rằng “Dáng hình Việt Nam hình chữ S, miền Trung nằm ở giữa như thể đang oằn mình gánh hai đầu đất nước. Người dân cần cù chịu thương chịu khó nhưng vẫn nghèo bởi không thắng nổi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vậy nên mỗi lần nhìn thấy cái hình chữ S cong cong, nhớ đến lời của thầy, thương miền Trung đến nhói lòng nhói dạ.

Sáng nay đọc báo, lòng đau thắt khi thấy tin hai cán bộ giao thông trong lúc kiểm tra tình hình sạt lở một huyện miền núi ở Nghệ An không may bị lũ cuốn và tử vong. Một trong hai nạn nhân ấy là hàng xóm ở cạnh nhà mình ngày xưa. Vẫn nhớ thuở thiếu niên, cậu bé có gương mặt hiền lành, trắng trẻo khôi ngô, dáng hình mảnh khảnh dễ thương. Lâu lắm không gặp cậu ấy. Cậu bé ngày xưa đã trưởng thành, đã làm cha của hai đứa trẻ, và nay cậu vội vã ra đi khi mới chạm ba mươi tuổi đời.

Đêm nằm nghe mưa gió, nghĩ đến bao nhiêu số phận, bao nhiêu mảnh đời. Bão trời rồi sẽ qua thôi, chỉ có bão lòng bị giày xéo bởi những nỗi đau còn lâu mới nguôi ngoai tĩnh tại. Chỉ luôn cầu mong chân người vững chãi, lòng kiên cường để đi qua những bão giông. Bởi chúng ta dù muốn dù không vẫn phải tuân theo lẽ của đời, sống vì những điều còn chứ không phải vì những điều đã mất. Chỉ cần tin rằng qua đêm nay thôi ngày mai trời sẽ nắng thì dẫu ngoài trời đang quần quật gió mưa cũng không phải là điều gì quá đáng sợ.

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.