.

Đi tìm một nửa

.

Ở đời, một nửa thì chưa hoàn mỹ, chưa viên mãn. Do vậy, từ xưa tới nay, cả văn chương và triết học, đều nỗ lực tìm kiếm một nửa còn lại của mọi thực thể. Một nửa chưa tìm hoặc khuất lấp luôn là ẩn số đối với con người. Trong cuộc hành trình đi đến chân - thiện - mỹ, nhân loại vẫn không ngừng tìm đến một nửa. “Nửa”, theo Từ điển Tiếng Việt, là “một trong hai phần bằng nhau của một cái gì” (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, trang 744). Một nửa không chỉ ở tình yêu, ở ứng xử, sâu xa hơn, đó chính là vấn đề về chân lý, về ý nghĩa đích thực của con người, cuộc sống. Các thi sĩ, các triết gia trên mọi nền văn minh, từ xưa đến nay, ít hay nhiều, khía cạnh này hoặc khía cạnh khác, đều bàn đến một nửa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong Truyện Kiều, có một nửa trăng ở lại với Kiều và một nửa trăng đi với Thúc Sinh. Trăng không còn nguyên vẹn nữa! Nguyễn Du, người đã thổi tâm trạng chia ly của con người bằng vầng trăng xẻ đôi, cá biệt hóa cái nhìn về thực thể “trăng”. Đây là lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam có cách nói này:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

“Xẻ làm đôi” là chia lìa đôi ngả. Đêm trăng ấy là điềm mộng báo cho biết cuộc đời khấp khểnh, diệu vợi của Kiều.

Tản Đà trong Nói chuyện với bóng, đã viết mấy dòng thơ tràn ngập nỗi niềm nhân thế:

Bóng ơi, mời bóng vào nhà
Ngọn đèn khêu tỏ, đôi ta
cùng ngồi
Ngồi đây ta nói sự đời
Ta ngồi ta nói, bóng ngồi
bóng nghe...

Cả bài thơ là sự phân thân: ta và bóng. Cả hai cũng chỉ là một. Một mà lại hai. Sự đời mênh mông nỗi buồn, ta là bóng, bóng là ta. Bóng chính là ánh xạ của ta. Ta chính là hồn cốt của bóng. Vậy mà, “Có khi quãng vắng đêm thâu / Mình ta với bóng âu sầu nỗi riêng”. Bóng là nửa kia của ta. Khi trở về với cát bụi, “Ta đi, bóng có ở chi cõi trần ?”. Tản Đà là người đã làm nên một tiếng thơ riêng, thức tỉnh của cái tôi giữa cuộc đời này, góp phần cho sự thắng lợi của Thơ Mới, của Thời đại mới trong thi ca Việt.

Hàn Mặc Tử là nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi trăng. Đó là: Trăng nằm sóng soãi/ Trăng tự tử/ Người trăng ăn vận toàn trăng cả/ Trăng rơi lả tả trên cành/ Trăng tái mặt/ Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng/ Bóng trăng quỳ/ Ngủ với trăng/ Chơi với trăng/ Chết như trăng/ Một vũng trăng/… Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là trăng của những vực thẳm không cùng, những đỉnh trời xa vợi, mù tăm nhưng cũng gần với những giới hạn của hoàn cảnh (situations limites), như Karl Jaspers quan niệm. Vì thế, thực thể “trăng” là cô đơn, biệt ly, chia cắt, không vẹn tròn, hạnh ngộ. Trăng là sự trở về đầy dang dở:

Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột,
Gió làm nên tội buổi chia phôi.

(Một nửa trăng)

Ở một bài thơ khác, bài Những giọt lệ, hai khối hồn “xa rồi khôn níu lại” gợi nên những dư vị đau đớn, chia lìa, tan vỡ. Nhiều dấu hỏi bật lên: “bao giờ”, “bao giờ”, “còn đây hay ở đâu”, “ai đem tôi bỏ dưới trời sâu”, “sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu ?” làm cho tiếng kêu thê thiết, dày vò. Những giọt lệ đã rỏ xuống một hồn thơ, sau khi:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…

        (Những giọt lệ)

Trong nhiều sáng tác của Hàn Mặc Tử, bóng dáng những người phụ nữ, một nửa của cuộc đời, một nửa của sáng tạo, một nửa của thiên thần, …  luôn chập chờn, ảo hóa, đã góp phần làm nên những tác phẩm độc đáo của thi sĩ.

Năm 1949, khi nhận Giải thưởng Nobel văn chương, trong diễn từ đọc trước Hàn lâm viện Thụy Điển, William Faulkner (1897 - 1962), có nói “nghệ sĩ là chiến đấu với tâm hồn mình”. Các tác phẩm của W. Faulkner đã chứng tỏ cuộc chiến đấu này của ông. W. Faulkner đã sáng tạo ra hai loại nhân vật nổi loạn, một loại chiến đấu với kẻ khác, một loại chiến đấu với chính bản thân mình. Chính vì thế, ông đã đào sâu vào tâm hồn nhân vật bằng một thứ kỹ thuật của dòng ý thức (Stream of consciousness). Suy cho cùng, W. Faulkner vẫn đi tìm chính mình, tìm mình bằng chính những trang viết có tính chất thi ca lãng đãng, tuyệt vời và độc đáo.

“Một nửa” đã trở thành chủ đề trong thơ của nhiều tác giả. Một nửa ám ảnh: Hạnh phúc như hai bờ sáng tối / Một nửa qua đi, một nửa lại đợi chờ (Hà Minh Đức-Vườn xuân). Nguyễn Nhật Ánh vừa làm thơ vừa viết văn. Lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Trong nhiều bài thơ hay, có bài thơ, chỉ 12 câu, với tựa đề Một nửa, được nhiều bạn đọc yêu thích:        

Thiếu một nửa, tôi đi tìm một nửa
Một nửa nắng vàng, một nửa mưa bay
Một nửa khuya, một nửa chiều, nửa gió
Ai sẽ là một nửa của tôi đây ?
Nhớ một nửa, tôi đi tìm một nửa
Một nửa đường xa, một nửa bụi hồng
Một nửa vui, một nửa buồn, nửa giận
Bạn có là một nửa của tôi không?
Khuyết một nửa, tôi đợi chờ một nửa
Như rằm chờ một nửa của vầng trăng
Như câu hỏi đợi một người để hỏi:
Bạn có là một nửa của tôi chăng ?

“Thiếu một nửa, tôi đi tìm một nửa”. Tìm một nửa của “nắng vàng”,  “mây bay”, của “khuya”, của “chiều”, của “gió”, của “đường xa”, “bụi hồng”, của “vui, buồn, giận” và tiếp tục “đợi chờ một nửa”. Chú ý sẽ thấy, đầu mỗi khổ thơ, nhà thơ nói rõ cái “thiếu”, cái “nhớ” và hơn ai hết, biết cái “khuyết”: bạn có là một nửa của tôi chăng ? Bài thơ có những điệp từ, điệp ngữ (một nửa), có so sánh (như), có câu hỏi tu từ vang lên ở cuối mỗi khổ thơ (ai, bạn) như xoáy vào tâm thức người đọc, rằng là, dẫu nỗ lực “đi tìm”, dẫu “đợi chờ”: Như rằm chờ một nửa của vầng trăng thì vẫn chỉ là: một nửa. Nửa kia ở đâu, phương nào? Dấu hỏi lớn đó, dẫu đi hết một đời cũng không thể nào có lời đáp.

Thảo Phương (1949 - 2008), nhà thơ nữ có bản sắc, người góp phần cho Phú Quang có một Nỗi nhớ mùa đông bất tuyệt. Con người đó luôn đốt cháy cảm xúc, mở rộng biên thùy của thơ song lại đau đáu về sự hụt hẫng và thiếu vắng của hạnh phúc. Thảo Phương có không ít những câu thơ se sắt về sự cháy tắt và lạnh lẽo của thời gian và không gian. Bài thơ Một nửa viết theo thể ngũ ngôn nhưng lại ngắt nhịp bất thường, gấp gãy: Buổi chiều / nghiêng / khập khiễng / Nắng đổ / về / một bên / Mưa đổ/ về / một bên / Hàng cây / cụt / một bên / Không gian / đâu một nửa / Bài ca / không có đầu / Đứng quay hoài / một chỗ / Bầu trời / không có màu / Mây buồn / không trôi nữa  / Sao níu được buổi chiều / Theo anh đi - Một nửa. Tất cả đều nghiêng, đổ, cô đơn, chỉ một bên. Mỗi dòng thơ chênh vênh một nỗi niềm.

Con người không ngừng đi tìm một nửa. Chế Lan Viên có Tháp Bay-on bốn mặt: Anh là tháp Bay-on bốn mặt / Dấu đi ba, còn lại đấy là anh / Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc / Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình. Bài thơ viết vào mùa bệnh 1988. Hơn ai hết, Chế Lan Viên hiểu rõ sự hữu hạn của đời người. Cái mặt “nghìn trò cười khóc” không thể nhòe đi sự đớn đau, quằn quại của cái mặt “ẩn hình”.

Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa, có nhiều bài thơ tạo được ấn tượng nơi người đọc. Người đọc nhận ra mình trong một bài thơ, chỉ 4 câu, có tên Không đề:

Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Thấy hồn mình tách làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa.

Đưa người yêu hôm nay ngang qua nhà người yêu cũ có lẽ là sự tình cờ, thuận chân. Vậy mà, cũng con đường xưa ấy, vẫn cảnh cũ ngày nào, chỉ khác đối tượng. Kỷ niệm ngày xưa thức dậy. Cơn mưa ban trưa đã ướt hai phía tâm hồn, hai nửa khung trời: bây giờ và xa xưa. Mối tình đẹp đẽ, trong trắng, khó phai mờ theo năm tháng, vì vậy, chỉ cơn mưa ban trưa đã kéo về bao cảm xúc, bồi hồi, thương nhớ. Người của bây giờ không biết ngôi nhà và con đường cũ, chỉ người con trai một mình quay về quá khứ. Quá khứ lại chạm ngay hiện tại. Nguyễn Thụy Kha chọn tên bài thơ Không đề, một thứ vô ngôn, khó nói thành lời để diễn tả một điều có thật của tâm hồn, mãnh liệt đấy những cũng thật đằm thắm, thiết tha. Một tứ thơ hay, được nhiều bạn đọc yêu thích, đồng cảm.

Nguyễn Minh Hùng có Một nửa thật ý vị. Tất cả, từ thời gian (hai mùa mưa nắng / thu - không phải là thu / ngày chẳng còn ngày-đêm chửa là đêm), đến không gian (vườn cây thấp nửa hoa nửa trái / bầu trời cao nửa sáng nửa mây mù / thị trấn nhỏ có chút que chút phố / ...) và tâm trạng, để rồi:

Em một nửa và không em một nửa
Ở trong tôi một nửa lại không tôi
Tôi đau khổ và tôi sung sướng
Trước bao nhiêu lẫn lộn ở trong đời.

Võ Văn Trực với Thu về một nửa, tả mùa thu toàn cảnh “mờ ảo xa vời”, “như kỷ niệm rất gần, như nỗi chờ xa lắc / mùa thu về rồi đó ư em”. Nhà thơ cầm được “tiếng hát chim khuyên”, “giọt nắng vàng tươi”, mà “một nửa quả mùa thu chưa kịp chín”.

Nguyễn Hoàng Sơn có Một nửa, viết theo kiểu triết luận, bàn về các khía cạnh của cái một nửa. Có cái cụ thể như cốc nước, vầng trăng nhưng cũng có cái trừu tượng như chân lý, tình yêu, cái chết. Hóa ra ở đời, “một nửa” không dễ định nghĩa và chia sẻ. Bài thơ trọn vẹn như sau:  

Nửa cốc nước cũng làm vơi cơn khát
Nửa vầng trăng đủ cho kẻ mộng mơ
Nửa sự thật không còn là sự thật
Tình yêu không một nửa bao giờ !

Tôi tự hỏi phải chăng mình khe khắt ?
Thế giới này vạn vật chia hai
Nhưng tôi biết điều này là sự thật:
Trong cuộc đời không ai chết thay ai !

Hoàng Hữu (1945 - 1981), một họa sĩ tài năng, sống trên đời chỉ 36 năm, có bài thơ Hai nửa vầng trăng, được nhiều người yêu thích, đoạt giải nhì Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1981-1982. Hai nửa vầng trăng được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc và ca sĩ Ngọc Tân trình bày. Hơn ba mươi năm rồi, bài thơ vẫn ám ảnh người đọc. Bài thơ có ba chủ thể: Anh - Trăng - Em. Vầng trăng như một nhân chứng, khuất nửa, mờ tỏ, lặng lẽ, hao khuyết, mặn chát. Lần đầu tiên trong văn chương, Hoàng Hữu có cách viết rất gợi: hai-nửa-vầng-trăng. Cách gọi đó cũng cho thấy những nỗi niềm đầy u uẩn của người viết. Bài thơ ngắn. Giọng điệu có lúc khẽ khàng, thủ thỉ, có lúc da diết, đau đớn. Nỗi buồn cứ chầm chậm, chiếm lĩnh tâm hồn người đọc. Một số phận nghiệt ngã. Một bài thơ định mệnh: Tình cờ anh gặp lại vầng trăng / Một nửa vầng trăng thôi, một nửa / Trăng vẫn đấy mà em xa quá / Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?/ Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm / Trăng đầu tháng có lần em ví / Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa / Tên anh như nửa trăng mờ tỏ / Ai bỏ quên lặng lẽ sáng lên trời / Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi / Trăng say đắm dào trên cỏ ướt/ Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được / Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết / Em đã khóc / Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát /Em đã khóc / Nhưng làm sao tới được / Bến bờ anh tim dội sóng không cùng / Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh / Cứ một nửa, như đời anh, một nửa / Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ.../ Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ ?/ Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.

Đi tìm một nửa là tâm thức chung của nhân loại, của thơ ca và triết học. Trên hành trình đó, con người vẫn cứ mãi mãi đứng bên này bờ vực, vẫn là, như tên một tác phẩm của Phạm Công Thiện, Im lặng hố thẳm (An Tiêm, Sài Gòn, 1967).

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.