.

Người thợ hàn thủ công

.

Với tôi, hình ảnh bác thợ hàn thủ công gồng gánh long tong khắp làng với câu rao mời “Ai hàn nồi, niêu, xoong, chảo… không?” tưởng chừng chỉ còn đọng lại trong ký ức một thời tuổi lên 5, lên 6 nơi quê nhà. Bởi sau bao năm ăn học rồi lập nghiệp tại đất khách, hình ảnh đó đã mất dần trong trí nghĩ. Vả lại, trong thời buổi kinh tế thị trường này hẳn nghề thợ hàn thủ công sẽ chẳng còn mấy ai để ý đến nữa. Ấy vậy mà...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi gặp bác, người thợ hàn đặc biệt vào một buổi sáng ở đầu cổng chợ huyện. Hôm ấy là ngày chợ phiên về. Ấn tượng ban đầu về bác trong tôi là sự tò mò nhưng cũng đầy khâm phục. Một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi, mái tóc hoa râm, đôi mắt sâu thẳm, nước da đồi mồi và đôi bàn tay lấm lem than muội. Điều đặc biệt là một chân trái của bác đã không còn. Hỏi ra mới biết, thời trẻ, bác gia nhập quân ngũ và chiến đấu hơn hai năm trên chiến trường. Một trận càn quét của giặc Mỹ đã lấy đi một phần thân thể của bác. Ngày bác bị thương cũng là những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975.

Người ta vẫn gọi bác thợ hàn với cái tên thân mật là Bốn Thắng. Gia đình bác có ba anh chị em. Người anh đầu tên Chiến đã nằm lại trên chiến trường năm 1968. Người chị thứ hai tham gia thanh niên xung phong rồi trở về lập gia đình, giờ cũng đã 70 tuổi. Bác là em út trong nhà. Lòng yêu nước cùng ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã thôi thúc người thanh niên ấy cầm súng đánh giặc khi mới tròn 18 tuổi. Để rồi sau khi xuất ngũ trở về, bác là một anh thương binh.

Nỗi đau chiến tranh và mặc cảm về thể xác đôi lúc khiến bác tưởng như gục ngã. Nhưng rồi ý chí của một thương binh “tàn nhưng không phế” cứ như đống than hồng vùi trong tro bếp. Và hơn hết, tình yêu của người hàng xóm tốt bụng, cũng là người vợ hiền cùng hai đứa con ngoan theo thời gian đã khích lệ niềm lạc quan sống trong bác. Một tháng, chợ huyện có 6 phiên, và hầu như bác Thắng chẳng vắng phiên nào.

Bên cạnh chiếc xe máy ba bánh sờn màu là bộ đồ nghề hàn thủ công gọn nhẹ của bác: vài chiếc búa lớn, nhỏ; cái đe, cái kìm chuyên dụng cắt kim loại và mớ đồng lá, nhôm lá vụn lấy từ nồi cũ bỏ đi, kèm với một túi đựng lá khoai nước, lá dọc mùng nho nhỏ... Chúng gắn bó với bác kể từ khi trong làng, người thợ hàn thủ công già yếu, trước khi qua đời đã truyền lại cho bác. Vừa muốn có cái nghề trang trải cuộc sống để phụ vợ, cũng vừa là muốn giữ nghề, giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thế nên bác kiên quyết không bỏ, dù càng ngày, nghề hàn thủ công chẳng còn được ưa chuộng như trước.

Mẹ tôi từ quê vào chơi, thấy cái nồi dùng nấu nước bị thủng một lỗ. Tôi bảo mẹ bỏ đi để sắm cái mới, mẹ ngăn lại: Nồi hãy còn tốt. Nếu có bác thợ hàn thì... Và thế là tôi nghĩ ngay đến bác. Tôi rủ mẹ cùng đi chợ phiên.

Mẹ tôi cũng trạc tuổi bác. Có lẽ vậy nên câu chuyện của hai người cùng thế hệ với nhau có vẻ rất hợp. Vẻ mặt điềm đạm của người từng trải cùng giọng nói hồ hởi, vui vẻ của bác khiến mẹ cứ tấm tắc khen. Bác kể, hồi bao cấp, nghề này ăn nên làm nổi. Có vậy, bác  mới có đủ tiền cho con ăn học và chèo chống cuộc sống khốn khó của gia đình. Giờ thì...! Bác lặng đi một hồi sau câu nói, nhưng mẹ và tôi hiểu được bao nỗi niềm trong khoảng lặng ấy.

Đôi tay của người thợ hàn lành nghề cứ thoăn thoắt từng bước hoàn thành các công đoạn: nào đánh sạch muội than và han gỉ quanh chỗ thủng; nào cắt khoét mép hình tròn chỗ thủng; nào cắt miếng nhôm vá to hơn chút ít; nào dùng kéo cắt tỉa hàng chân rết xung quanh; nào luồn miếng vá từ trong lòng nồi ra ngoài đáy nồi; nào dùng búa tán chặt hàng chân vào đáy nồi; cuối cùng là dùng nắm lá khoai đánh quết vào quanh vết hàn. Bác còn cẩn thận đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi mới hàn, đặt lên chiếc bếp ga mini đỏ lửa để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Chỉ với một số tiền nho nhỏ nhưng chiếc nồi lại được sử dụng trở lại bình thường. Vậy mà tôi đã để nó nằm im trên gác bếp từ lâu dù biết bác là thợ hàn nồi.

Mồ hôi lấm tấm đọng lại trên vầng trán đã hằn nhiều nếp nhăn, đôi ba vết muội thành vệt trên hai gò má nhưng bác vẫn tươi cười bên công việc. Khách của bác đa phần là các bà, các mẹ dưới quê, số ít là các gia đình trên phố. Nào niêu, nào thùng, nào siêu đun nước,... mỗi buổi chợ phiên cũng chỉ hàn được một, hai cái nhưng với bác là cả một niềm vui lớn. Có lẽ vì thế mà dù con cái năn nỉ bác từ bỏ công việc, bác vẫn chỉ cười xòa: Còn sức khỏe còn làm, có lao động mới vinh quang!

Sáng nay, tôi lại thấy bác ngồi trước cổng chợ huyện bên cạnh chiếc xe máy ba bánh cùng bộ đồ nghề hàn thủ công. Trong dòng người tấp nập qua lại, đôi mắt của người thương binh chỉ còn một chân vẫn lạc quan đầy hy vọng. Nhìn bác, tôi thấy mình như càng được tiếp thêm nghị lực để sống và cống hiến cho đời!

LÊ THỊ XUYÊN

;
.
.
.
.
.