.

Quán ven đường

.

Hồi còn độc thân, hay đi đường dài bằng xe máy tôi thường đếm những quán ven đường để thấy bớt xa hơn. Mùa hè hầm hập nóng tôi tự động viên mình “sắp đến quán có cây phượng già. Cố thêm chút xíu”. Tôi mong quán vì muốn ghé lại uống cốc nước sấu của bà cụ có mái tóc bạc phơ. Nước sấu ở đây không có gì ngon. Nhưng tôi vẫn muốn dừng xe lại chỉ vì muốn ngửi cái mùi thân thuộc ấy. Mùi trầu. Giờ hiếm lắm những bà cụ ăn trầu môi đỏ răng đen. Nên tôi bỏ vài chục ngàn tiền lẻ mua một vốc ký ức cho mình. Ngoại tôi từng mê ăn trầu lắm. Xung quanh những gốc cây sau nhà vứt đầy bã trầu. Người trong làng hay mang cau đến biếu bà. Có khi vài quả, có khi cả buồng. Thỉnh thoảng dì lại đi đẽo vỏ vối phần bà. Cậu chiều bà, phải nhờ người mua cho bằng được thuốc lào Tiên Lãng, Hải Phòng. Bà chia thuốc lào thành nhiều gói nhỏ cất trong túi áo. Cối giã trầu luôn để ngay đầu giường. Giàn trầu không leo ngay bên cửa sổ. Thèm ăn lúc nào là bà chỉ việc thò tay ra ngoài ngắt một lá trầu xanh. Trước lúc mất bà không chịu ăn gì ngoài mấy cuốn trầu. Dì ngồi bên cạnh vừa têm trầu vừa khóc. Bà mất, không còn ai ăn trầu nữa nên giàn trầu sau nhà cũng tự héo dần. Giờ nhìn bà cụ chủ quán nước ven đường lặng lẽ ngồi têm trầu giữa ồn ào bụi bặm. Tôi như được gặp lại ngoại đang cười bằng hương của trầu cau…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cũng có đôi khi mong quán không phải vì mệt mỏi muốn một chỗ dừng chân. Mà quán như hiện thân của một quãng đường mình cần phải đi qua. Như là trên con dốc kia sẽ có quán mọc ở lưng chừng, đi hướng nào cũng vẫn thấy chênh vênh. Quán hình như là chỗ nghỉ chân của vài người hỏng xe dọc đường, vài gã cô đơn, vải kẻ lừng khừng chưa biết có nên đi tiếp hay dừng lại. Tôi gặp bạn ở đó, lôi tuột ra khỏi cơn mộng mị và những ngông cuồng tuổi trẻ để cùng nhau đồng hành trên những con đường tươi đẹp. Đi qua quán lưng chừng là sẽ đến cung đường rợp bóng cây cổ thụ. Xe trôi đi trong miên man ý nghĩ tươi xanh. Rồi cánh đồng sẽ hiện ra, đầm sen sẽ hiện ra. Những cánh cò trắng muốt như thể bay ra từ cổ tích để rồi lẫn vào đám mây trắng xốp. Quán ven đường hiện ra với lủng lẳng bánh gai, bánh tro, bánh tẻ nóng hổi. Với những bó hoa sen thơm ngát. Với những người đàn bà tảo tần ngồi bán hàng bên cánh võng đong đưa ru con ngủ. Vài đứa trẻ thay mẹ ngồi trông quán. Trong lúc cầm xấp tiền lẻ nhẩm tính để trả lại cho khách tay thằng nhỏ vẫn còn cầm một cuộn dây diều.

Có những khi nghĩ lại bỗng thấy giật mình. Hầu như những chuyện li kì nhất tôi đều cóp nhặt đâu đó trong những quán ven đường. Bà già ăn trầu kể từng mua được một chùm cau có hình lạ lắm. Nhìn vào quả nào cũng thấy có hình ảnh người đàn bà trong đó. Hỏi ra mới biết chủ nhân của cây cau là một người đàn ông lớn tuổi. Thời trai trẻ có hẹn ước với một người con gái rằng khi cây cau trước nhà ra mùa quả đầu tiên sẽ hái xuống mang hỏi nàng làm vợ. Đến mùa cau ra quả người con gái đột ngột bỏ làng ra đi không rõ lý do. Người đàn ông chờ từ khi trai trẻ cho đến lúc tóc trên đầu bạc như những đám mây.

Đêm nào cũng nhìn lên cây cau trước nhà mà thầm thì nhớ nhung hẹn ước. Cau hình như cũng hiểu được lòng người khắc khoải nên hóa bóng hình người con gái tuổi đôi mươi. Rồi hôm ngồi ở quán lá liêu xiêu của người đàn bà tên Hinh, chị kể đêm nào cũng mơ thấy có người dẫn mình đi tìm kho báu. Mỗi đêm là một đoạn đường khổ ải luồn rừng lội suối. Có lúc tưởng chừng như chạm vào kho báu thì tiếng con khóc, tiếng chồng chửi, tiếng ho khan của bà mẹ chồng ở phòng bên làm chị tỉnh giấc. Tôi cứ nghĩ chị chắc hẳn có tâm hồn trẻ thơ nên từng ấy tuổi vẫn tin vào cổ tích. Nào ai ngờ đó là lần cuối cùng gặp chị. Quán lá ngày xưa giờ có ông già lấy làm chỗ bán ngô. Hỏi về chị thì ông cười bảo “cô ấy giàu rồi giờ không bán quán nữa mà mua đất làm trang trại. Trồng đủ loại cây ăn quả từ táo, xoài, na đến thanh long, bơ của miền trong cũng mua giống về ươm. Nuôi mấy chục bò nái, vài trăm con vịt”. Tiền ở đâu ấy à? Thì nghe nói cô ấy đào được hũ vàng hôm lên rừng bẻ măng. Chắc là ăn ở hiền lành trời rủ lòng thương. Một mình nuôi ba đứa con, một ông chồng suốt ngày say khướt, bà mẹ chồng thì đau yếu quanh năm. Phải chi ai nghèo trời cũng thương như thế…

Tôi giờ đã lập gia đình, có con nhỏ nên đi đâu cũng không thể rong ruổi bằng xe máy. Thành ra tôi nhớ những quán nhỏ ven đường như nhớ đến một phần tuổi trẻ. Tôi cũng gửi lại ven đường vài mảnh nhỏ đời mình trong những câu chuyện lúc hào hứng hoặc cô đơn. Bởi quán ven đường đâu chỉ là chỗ nghỉ chân lúc mưa bất chợt, nắng gắt gay. Mà còn là nơi vun những phận người lại với nhau dù chỉ trong vài phút giây ngắn ngủi…

Thanh Ba

;
.
.
.
.
.