.

Quê nội

.

Quê nội tôi nằm ở một vùng trù phú của đồng bằng sông Hồng. Ngày bé mỗi khi về quê cùng cha, tôi lại thấy bỡ ngỡ, lạ lùng, sao mà nhà quê nhiều ao và tre đến thế. Những cầu ao Quán, cầu ao Chợ, cầu ao Miếu… với những lũy tre xanh um tùm, mọc ken chặt các bờ ao, buổi tối ra ngoài đường làng mà nghe thấy tiếng những cành tre cọ vào nhau kêu kin kít là những đứa trẻ như tôi sợ hoảng hồn. Trẻ em ngoài thành phố có thể sợ cái cầu ao bằng đá xanh có hàng trăm năm trơn nhẵn bóng được ghép chìm xuống mặt ao xanh thẳm và tiếng kẽo kẹt của cành tre đu đưa trong gió chứ trẻ con sinh ra ở trong làng không hề sợ. Thằng Uyển, thằng Nhiên, Thiêm con chú tôi, chúng ra cầu ao tắm táp vào buổi tối là chuyện thường, tiếng trẻ con tắm tùm tùm, vài con đom đóm lập lòe bay trên đám bèo lục bình, tiếng chú Thường điên hát u ê vọng khắp xóm là những khung cảnh đặc biệt ấn tượng với lũ trẻ con ngoài phố. Ngõ quê khi đó chưa có đèn điện, những đống rơm lù lù to như cái nhà, những con mèo mắt xanh lét trong đêm, gió từ cánh đồng thổi vào ù ù, những vệt lân tinh xa mờ trên cái nghĩa địa làng là những thứ gây ấn tượng mạnh với bọn trẻ con, chủ yếu là cảm giác rờn rợn, xa ngái, luễnh loãng như đang lạc vào một miền đất kỳ bí, lạ lẫm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi cứ giữ mãi những ấn tượng đó về quê nội của mình, một miền quê giữa vùng đất phù sa màu mỡ mà những ngôi nhà mái rạ bạc xỉn vì mưa gió, đường làng lầy lội phân trâu và buổi đêm đi ra ngoài với ngọn đèn hoa kỳ tù mù chỉ đủ tỏa ra một quầng ánh sáng yếu ớt và bắt gặp một người đàn ông đi lù lù trước mặt mà không thấy đánh động gì là run lẩy bẩy; chú Thường điên đi lầm lũi trong đêm, một chốc chú lại cười sằng sặc khiến bọn trẻ con chúng tôi gặp chú là hoảng hồn bỏ chạy…

Làng quê tôi nay đã thay đổi rất nhiều, mỗi lần về quê lại thấy một điều khác. Cái làng Gừa nằm giữa một vùng đồng bằng được bồi đắp của phù sa cổ của các chi lưu sông Thái Bình đã thay đổi đến mức không nhận ra nữa. Những cái ao lớn màu xanh thẳm của tảo lục và thả toàn bèo Nhật Bản đã còn rất ít, chúng đã được san bằng hoặc biến thành những cái ao nhỏ hơn, có kè bằng chắc chắn; đường làng lầy lội vào mùa mưa ngày xưa đã trở thành những con đường trải bê-tông rộng rãi sạch sẽ, những bụi tre rậm rạp, kẽo kẹt ngày xưa đã gần như biến mất hoàn toàn. Tôi đi trong những con ngõ nhỏ hơi ngoằn ngoèo mà ngắm nhìn những biệt thự xây kiểu hiện đại đang mọc lên hằng ngày. Ngôi nhà ba gian, hai chái cũ kỹ của chú tôi đã được đứa em xây thành một ngôi nhà hai tầng với màu ngói đỏ rực và kiểu cách rất hiện đại.

Thường vào tiết thanh minh, như một truyền thống lâu đời của dòng họ và của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, con cháu xa gần  tụ họp để tưởng nhớ tổ tiên của mình và cũng để anh em họ hàng được gặp nhau. Những chiếc xe lớn nhỏ từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… tấp nập đậu kín trong các con ngõ. Ngày thanh minh ở quê tôi còn vui hơn cả Tết vì ngày đó con cháu tụ họp gần như đông đủ và cùng hướng ra một địa điểm duy nhất: khu nghĩa trang của làng nơi đặt ngôi mộ tổ và phần tro cốt của những ông bà, chú bác đã đi xa. Mỗi người nhặt một ít cỏ, quét một ít bụi, thắp một nén nhang và thành kính cúi mình trước tổ tiên, ông bà của mình. Ai cũng lặng đi trong giây lát để hồi tưởng những người thân yêu đã khuất hoặc nhớ lại những ngày khốn khó của ngày xưa đã lùi xa. Những ngôi mộ đất xám xịt bé tí những ngày mưa phùn thỉnh thoảng vụt những đốm lân tinh ngày xưa nay đã được xây cất thành nơi ở khang trang, bề thế cho người đã khuất. Con cháu thành đạt thì tổ tiên, ông bà cũng được vui lây phúc đức. Một ngôi mộ của cụ cố tôi nằm biệt lập ở giữa cánh đồng lúa, tôi đến thắp hương cho cụ và tìm thấy xác một con chim sẻ đã chết khô khi vào trú rét trên tầng mái, con chim chết có thể vì rét quá, vì kiệt sức nhưng hình như linh hồn của chú chim nhỏ đã được siêu thoát giữa một cánh đồng lộng gió và dưới một vòm gạch đỏ chắc chắn.

Một lần, vào dịp thanh minh, tôi quan sát những ngôi mộ trong cái gò nghĩa trang của làng và phát hiện ra có một ngôi mộ khá khiêm tốn và ít người hương khói. Tôi hỏi đứa em họ, mộ của ai đó. Nó đáp, mộ của chú Thường điên ấy, anh còn nhớ chú ấy không? Nhắc đến chú Thường điên, một nỗi niềm xa ngái, khó tả, nao nao bỗng ùa đến. Tôi lại nhớ những ngày khốn khó khi xưa và tiếng hát u ê của chú trong những đêm tối mưa phùn. Tôi bớt lại một phần hoa cúc, lấy ba nén nhang và thắp lên mộ chú. Một người điên khi sống đã cơ cực nhưng khi chết cũng không được mấy ai để ý, linh hồn chú đang ở đâu, có được siêu thoát và yên ổn như con chim sẻ ở ngoài đồng xa?

Đêm ở làng, các bóng điện cảnh giới tỏa đủ sáng con đường đi. Tôi không nghe thấy tiếng tre kẽo cọt dọa ma nữa, cũng không nhìn thấy bầy đom đóm lập lòe trên những đám bèo mặt ao và đặc biệt không còn nghe thấy tiếng cười rờn rợn, tiếng hát ỉ ê của chú Thường điên nữa. Một cảm giác vừa vui vừa nôn nao cứ dậy lên, làng quê đã giàu có và văn minh hơn nhưng liệu những mảnh đời như chú Thường liệu có tồn tại ở một nơi nào đó, hay họ đã ẩn khuất ở đâu đây, trong một thế giới rất xa và khác biệt.

UÔNG TRIỀU

;
.
.
.
.
.