.
TRUYỆN NGẮN

Biên cương trong thành phố

.

Anh! Có lẽ anh vào đồn hôm trước thì hôm sau lá thư này đến nơi.

Lâu lắm rồi chỉ mình anh viết thư. Em nhớ nhưng ngại, bởi quen nhấc máy a-lô rồi. Anh ngạc nhiên về em lắm phải không? Viết thư chắc phải có gì hệ trọng? Vâng em viết cho anh về chuyện chẳng đâu vào đâu của chúng mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc anh bảo đi em đã khóc. Bé Dịu đi mẫu giáo cả ngày, em lên lớp một buổi. Một buổi soạn bài mãi vẫn không hết được. Anh cứ ở bên em, quẩn quanh lúc đang cười đùa dưới bếp, lúc giơ tay chào báo cáo vợ....

Anh bên em trong tưởng tượng chẳng được lâu. Em mong anh về từng ngày, từng đêm. Hôm cậu Thoan cùng đồn ra công tác có nói cuối tháng anh sẽ về ít ngày. Hôm ấy em không ăn được cơm anh biết không. Có cái gì cứ nghèn nghẹn, đung đưa, chèn trong cổ, trong ngực, trong đầu. Từ đấy đến cuối tháng cũng gần hai mươi ngày, thế mà đã mấy lần, em nghe như có tiếng anh về, em cứ bỏ bếp đang nấu dở, lao ra cổng. Khi em đã đuối sức mong chờ thì anh về thật.

Em ào ra khóc trên vai anh. Anh xấu hổ vì mấy chị hàng xóm thấy tiếng anh chạy sang. Họ cứ đứng nhìn, ngùi ngùi chứng kiến phút giây hạnh phúc của người lính biên phòng. Em mãi sau mới biết. Ngại quá! Thôi chắc họ thông cảm với mình. Ngày nào em chả nhắc anh với các chị ấy. Chị Hoa tốt lắm, bé Dịu sốt sang ngủ cùng, nửa đêm dậy mò mẫm tìm lá nhọ nồi. Chị Tình đi đâu về cũng phần quà cho bé Dịu. Chị bảo: “Lắm lúc nghĩ thương con bé này. Chắc hôm nào bố về chẳng nhận ra”. Chị nói cũng đúng. Cưới nhau xong bốn ngày thì anh đi A Pa Chải. Em báo tin mừng cho anh. Anh cũng chỉ thư về được, sung sướng, động viên. Con chào đời, chỉ nhìn thấy mẹ mà không thấy bố. Nhiều lúc em thương con quá. Lúc nó lớn lên, biết nói, nó sẽ hỏi bố đâu.

Em tập cho nó nói chuyện với anh. Ảnh chúng mình ngày cưới ấy. Anh tươi cười trong quân phục biên phòng. Em e ấp vào ngực anh mãn nguyện. Khi con cười em chỉ vào anh bảo “Bố nói chuyện với con đấy. Bố bảo con thật ngoan, khi nào bố về sẽ mang một con thỏ rừng về cho con chơi”. Con toét miệng cười. Chẳng biết nó thích con thỏ hay bố. Bao nhiêu ngày em nựng con như thế. Em nuôi con, nuôi mình bằng anh. Con hai tuổi thì hôm nay anh về. Con lại đi nhà trẻ chưa về. Mấy chị hàng xóm biết ý, hỏi thăm chúc mừng, uống chưa xong chén nước vội về. Còn lại anh và em, cứ là lạ như ngày mới quen.

Anh bảo nhiều đêm ở đồn toàn mơ về em. Nhắm mắt, mở mắt ra vẫn thấy em. Có hôm đi xuống bản dạy dân làm ao cá, gặp cô gái thấp thoáng từ xa lại anh ào tới... Nhầm. Sao giống em thế? Anh biết là mình hoang tưởng, biết là mình cháy bỏng nhớ em. Anh nghĩ lúc ấy chắc em cũng đang chập chờn hình bóng anh. Em bảo “Hòa bình mà như chiến tranh. Hạnh phúc tính bằng ngày giờ chính xác. Tuần trăng mật kế hoạch đành lỡ dở. Thôi thì hoàn cảnh nào theo hoàn cảnh ấy”.

Mãi anh mới nhè nhẹ lắc vai em “Người lính hòa bình cũng như chiến tranh. Lính biên phòng thì luôn luôn trực chiến. Cả một vùng biên bốn mươi cây số đồn anh đảm nhiệm. Một phút lơi là lúc ấy ra sao...”. Anh bảo “Anh không khéo nói, cứ sách vở làm sao nhưng không thể vì quyến luyến vợ con mà lơ là nhiệm vụ”. Em lặng im nghe anh. Em hiểu nhưng làm sao cứ nghèn nghẹn trong lòng. Em không nói, chỉ “Vâng. Em đã là vợ Biên phòng thì... Biên cương ở ngay nhà mình cũng chông gai, gian khó. Em bền lòng chắc chí bên anh. Nuôi con khỏe ngoan cũng là nhiệm vụ lớn”. Anh bảo em “Thật xứng đáng vợ lính. Về đồn anh sẽ kể chuyện em”. Chúng mình bên nhau thật là hạnh phúc. Em chỉ mong mãi được như thế.

Đến giờ đi đón con. Em bảo đi, anh cũng “đòi” đi. Chúng mình trên đường phố, giờ tan tầm nhộn nhịp người xe. Em quên mất điều đó, vòng tay ôm anh, ngả đầu vào lưng anh. Có thể nhiều người nhìn thấy, nhưng nhìn quân phục biên phòng chắc họ sẽ sẻ chia. Xe chầm chậm qua con đường ngày xưa chúng mình dạo bước.

Anh và em không nói chỉ nhìn. Chỗ cây phượng kia anh cầu hôn. Chỗ cây bàng này em tiễn anh về đồn... Mãi nhìn, mãi nghĩ, đi chậm thế mà đã đến nơi rồi. Cổng trường mầm non đông nghịt bố mẹ đến đón con. Anh nhìn như là lạ. Em chợt nảy ra một ý và bảo anh “Con ở trong lớp A1 kia. Anh vào đón con, xem anh có nhận ra con không?”. Anh cười “Bố mà không nhận ra con thì nói làm gì”. Và anh sung sướng rảo bước vào cùng những ông bố bà mẹ trẻ. Em ngồi ngoài cổng mà lo cho anh. Nếu không nhận ra con anh sẽ khổ tâm lắm. Em thật oái oăm, trẻ con.

Sao anh lâu ra thế nhỉ? Người ta sắp về hết cả rồi. Hay là anh không thấy con...? Em nhìn rồi không chịu nổi, chạy vào. Anh đang cho con ngồi lên vai, quay vòng, đi máy bay trong lớp. Bé Dịu cười như nắc nẻ. Em ngắm anh và con qua cửa sổ. Chao ôi... sung sướng làm sao. Thôi cứ để hai bố con vui một lúc nữa. Em cứ đứng nhìn thế, chắc anh không biết. Có lẽ em vui gấp vạn lần anh. Gì vui bằng được ngắm chồng  nô đùa với con như hai đứa trẻ. Nếu con không bảo “Mẹ! Mẹ!” thì không biết bao giờ anh mới đưa con về. Chúng mình lại vi vu xe. Ba người ai cũng tranh nhau nói.

Bé Dịu quyền to nhất, nói nhiều nhất. Nó líu lo bao nhiêu là chuyện. Kể chuyện đi thi Bé khỏe bé đẹp, đầu tiên phải giới thiệu về mình... Con tên là Thu Dịu. Nhà con ở phố..., phường ..., thành phố... Mẹ con tên là.... làm nghề dạy học. Bố con tên là.... làm nghề bảo vệ biên giới. Bé Dịu nói đến đấy, anh sung sướng đến không chịu nổi, cúi xuống thơm lên tóc con.

Chúng mình về nhà. Em cho anh mở cửa. Anh bảo “Hôm nào anh lên cầm theo một chìa khóa. Để bất thình lình về đỡ phải gọi cửa”. Em bảo “Anh về chỉ cần cách nhà một trăm cây số là em biết liền”. Anh bảo “Thôi em vào tắm cho con để anh nấu cơm”. Em không muốn để anh nấu cơm. Ai lại chồng hơn hai năm mới về lại để lui hui vào bếp. Em muốn anh cứ chơi với con cho thỏa. Sau này về đồn đỡ nhớ. Em nói vậy, anh không nghe. Anh cứ loanh quanh dưới bếp bên em. Con cũng thế đòi nấu cơm cùng bố mẹ. Thế là cả nhà làm bếp. Anh được giao phần luộc gà, anh luộc chín đúng độ, chặt y như dân làm cỗ chuyên nghiệp ở quê. Em nhìn anh chặt nhát nào ra nhát đấy. Anh thật thà “Ở đồn, cán bộ cũng như chiến sĩ, ai việc gì cũng phải giỏi. Nấu ăn giỏi, khâu vá như mẹ hiền luôn”. Em chợt nhìn anh, thương anh quá. Ở đồn chắc thiếu thốn, vất vả nhiều.

Đêm ấy chúng mình không ngủ. Em không ngủ được. Đúng ra là không muốn ngủ. Cảm giác chồng bằng xương bằng thịt bình yên cứ lan lan, nhẹ nhàng. Anh cũng thế, cứ nhìn em như sợ mất.

Anh kể nhiều về các anh ở trong đồn. Chỉ có bốn cán bộ, chiến sĩ có người thân trong tỉnh. Anh là một trong bốn người có diễm phúc ấy. Dù một năm, hai năm, ba năm không về thì chí ít ý nghĩ, tưởng tượng cũng đi nhanh hơn. Còn lại anh em đều quê dưới xuôi, đủ các tỉnh. Anh Thanh đồn trưởng, bố mẹ già, vợ con tít dưới Thái Bình. Hai đứa con lớn lên hoàn toàn trông cậy vào vợ. Vợ anh chịu khó viết thư. Thư nào cũng bảo bố mẹ và em khỏe, các con ngoan. Anh thuộc lòng từng bức thư, hay kể từng đoạn mà anh cho là… cần xin ý kiến anh em. Ví như cu Hoàng năm nay lên lớp 10 phải học tin học. Em định mua cho con máy vi tính, nối mạng luôn. Nhưng em sợ con sa đà vào net, bê trễ học hành. Ở quê bây giờ cũng nhiều trẻ say chơi game. Anh Thanh băn khoăn, thừ người ra... Anh bảo vợ mình cũng hi sinh mà ít người nhắc đến. Con có hư mình cũng chẳng trách cô ấy. Hay như cậu Hóa sáu năm rồi chưa về quê lần nào. Mấy lần được về cậu đều bảo “Thôi em chưa vợ con để sau này cũng được”. Nghĩ cũng thương cậu ấy. Bố mẹ thư nào lên cũng giục về lấy vợ, cưới xong rồi đi. Cậu ấy nói thật với anh em “Em chưa muốn lấy vợ. Em sợ vợ khổ!”. Những lúc ấy anh càng nghĩ về em, thương em quá... Anh kể mãi, mãi chẳng thấy em kể. Anh dừng lại hỏi “Có lúc nào vất vả quá mà em trách anh không?”…

Bây giờ còn một mình em. Em viết những dòng này mong anh lúc tuần tra anh đừng nghĩ ngợi gì nhé. Em thương anh.

NGUYỄN ANH DŨNG

;
.
.
.
.
.