.

Như con chim doóc doóc

.

Hồi đó, má hay ru chị Hai:

“U… a…

Con chim doóc doóc đậu đọt bạch đàn

Sáng, trưa, chiều réo… ờ… dậy làng anh ơi…”

Bây giờ, chị lấy ra ru lại cho thằng cu con chị. Thằng nhỏ đáng yêu với cái lúm đồng tiền mà chị tự hào khoe giống hệt chồng mình, cười có duyên hết sức. Mỗi lần nhìn con ngủ như lúc này, chị lại xăm soi vào cái đồng tiền ấy, với ánh nhìn vừa âu yếm vừa yêu thương, mà cũng đầy nỗi xót xa. Nghe nói, chồng chị vẫn chưa về nhà!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chim doóc doóc lại kêu dưới mé sông, nghe ồn ào và buồn quá. Mùa này, chúng kéo bầy về đây ăn lúa, túm tụm trên  những đọt bạch đàn cao chót vót. Hễ người ta bỏ mắt khỏi trải lúa đang phơi một chút là chúng ùa xuống nhặt lấy nhặt để. Đến khi có tiếng người đuổi, tiếng vỗ tay bốp bốp, tiếng miệng “xuỵt xùy” thì chúng mới đập cánh bay lên trên những đám cây bạch đàn kia. Có lần, chị hai tôi ví von, bầy chim doóc doóc ùa xuống như  một đám lá rụng và bay lên như một đội kèn hơi. Đúng vậy thật, những lần bị làm giật mình, chúng sẽ kêu vang tiếng “doóc doóc… doóc doóc…”, đập cánh làm chao đảo cả mấy nhánh bạch đàn. Nghe muốn điếc tai, đến nhức óc.

Mấy bà già xưa hay bảo, số con chim doóc doóc tội lắm, cái số tha phương mệt mỏi, đập cánh cả cuộc đời từ đồng này đến đồng kia. Cái tiếng “doóc doóc” mà chúng kêu, các bà nói đó là lời than vãn nhớ quê, ngóng trông trên những đọt bạch đàn già cằn già cỗi. (Ở quê tôi, bạch đàn là một trong những loài cây cao nhất).

- Ủa vậy quê của tụi nó ở đâu vậy bà? - Tôi thắc mắc.

- In như là ở trong rừng! - Bà Tư của tôi trả lời.

Bà Bảy tôi thì rõ ràng hơn:

- Ở dưới U Minh lận. Cái loài lạ hết sức lạ, ở đâu không đẻ mà đẻ tận trong rừng tràm, mà rừng U Minh mới chịu. Tổ của nó kín dữ lắm, nó giấu kỹ, hiếm ai thấy được. Tao cũng chưa thấy bao giờ, mà nghe cụ cố mày kể. Hồi đó ổng sống bằng nghề gác kèo ong trong rừng mà, chuyện rừng thì ổng rành dữ lắm.

Nghe tiếng chim doóc doóc lại kêu dưới mé sông. Bà Ba tôi nhìn bà Bảy, rầu như chính đôi mắt của bà, cái miệng đỏ màu trầu, cái lưng còm nhom của bà từ trước đến giờ:

- Lúa trổ vàng đồng cắt gần hết, doóc doóc cũng về cả tháng rồi mà sao…

Bà Ba bỏ câu nói lấp lững, chép miệng nhìn sang chị Hai. Tôi thấy mặt chị buồn rười rượi, rồi lặng lẽ chị cúi xuống ngắm con, nồng nàn nơi lúm đồng tiền lún sâu theo cái chép miệng của con chị. Tôi nghe ai cũng thở dài.

Nắng trưa oi ả như khiến người ta mệt mỏi quá, muốn vắt sạch nước trong cơ thể người ta ra. Chị Hai tôi thì không muốn phun phí nước thêm nữa. Chị Hai tôi không buồn khóc. Chị nhẹ nhàng lắc võng, và chị lại ru con bằng bài ru của má. Thấy buồn hết sức!
Năm đó, mùa đó là mùa mưa, chim doóc doóc về rừng làm tổ. Vậy mà xóm vẫn cứ ồn ào, dù chẳng nghe một tiếng doóc doóc nào cả. Trong xóm, người già người trẻ, đàn ông đàn bà, con nít con noi cùng háo hức cho một đôi vợ chồng mới, cho một đám cưới mới. Không khí trong xóm nhộn nhịp lắm, ai ai cũng tất bật với công việc của riêng mình.

Bên này, một vài người có đôi tay khéo léo, lăng xăng đốn chuối làm cổng; giắc lên đầy ớt đỏ, dây đủng đỉnh xanh tươi. Bên kia, cũng ồn ào tiếng những người mượn bàn mượn ghế, chạy lúp xúp khắp nhà này nhà nọ, gọi nhau ú ới. Đám thanh niên thì kéo nhau cuốc bộ hơn năm trăm thước ra sông gánh nước, đổ đầy những lu khạp vừa mới mượn lúc chiều hôm qua. Phía nhà sau, mấy bà mấy má đang làm gà, cắt thái rau củ để chuẩn bị nấu cháo tối. Ở ngoài hè, ông Tư có bộ râu bặm trợn cùng vài người đàn ông khác đâm heo, lũ trẻ con chí chóe giành nhau chỗ nhìn.

Tiếng dao băm lên mặt thớt. Tiếng chén dĩa kiểu khua nhau. Tiếng người này hỏi người kia. Trong nhà xôn xao tiếng cười nói:

- Chị Lành, có đủ ớt chưa, em hái thêm?

- Tụi nhỏ đừng có giỡn chững nữa, ra ngoài cho mấy bà làm công chuyện!

- Thịt heo nè má Bảy.

- Thơm quá!

- Cái này hơi lạt nghe Chín, thêm miếng nước mắm mới vừa.

Ngoài nhà cũng vui không kém:

- Anh Hai tối lại ăn cháo nghe!

- Nhớ nói sấp nhỏ qua chơi.

- Ông Tư ở Cần Thơ lên nè bây ơi, ra tiếp ổng nè, chà trái cây nhiều dữ ông Tư!

- Ê, lại nhà cô Xót mượn thêm năm cái ghế với cái mặt bàn, lẹ!

- Tí, kiếm chị Hai mầy coi, biểu nó nhanh về sửa soạn, đâu không thấy mặt mũi gì hết.
Tôi dạ. Thằng Tí là tôi. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy ù đi tìm chị Hai mình, cũng chính là cô dâu. Tôi biết phải tìm chị mình ở chỗ nào, tôi chạy một mạch ra bến sông. Và tôi thấy chị khóc bên vai một người đàn ông, người này tôi biết, gặp hoài đến chai cả mặt. Nhưng ổng đâu phải anh Thanh, đâu phải là chú rể. Nhìn kỳ cục quá trời.

- Chị Hai, má kêu chị về.

Hai người cùng giật mình quay lại, thấy tôi họ càng hoảng hốt. Người đàn ông kia đỡ đầu chị ra khỏi vai  rồi nhìn tôi, quay sang nhìn chị tôi cười buồn. Lặng lẽ, người đó đi về phía mặt trời tàn.
Chị Hai tôi thẫn thờ một lát cũng đứng dậy, xuống cầu vốc nước rửa mặt rồi nắm tay tôi đi về. Lúc đi chị có thì thầm vào tai tôi một lời khẩn cầu. Tôi tội nghiệp chấp nhận. Thấy mắt chị ngấn lệ chực trào, chị bảo sẽ quên người ấy nhanh thôi!

Suốt mấy ngày đám cưới của chị, tôi có để ý nhưng không thấy người đàn ông đó. Cái bữa đưa dâu bằng tắc ráng qua Xẻo Môn, tôi thoáng thấy anh ta một lần, duy nhất, và chẳng còn gặp lại nữa. Thôi, vậy cũng tốt, để chị có thể quên người ấy nhanh thôi, như chính lời chị nói.

Cuộc sống vợ chồng của anh chị Hai tôi có thể gọi là ổn, họ rất hạnh phúc. Lúc nào cũng cười cười nói nói thân mật. Mấy lần tôi qua chơi, anh Thanh hay biểu chị đổ bánh bò cho tôi ăn. Anh nói tôi ăn bánh bò như chim doóc doóc ăn lúa, xốc xốc giống mắc nghẹn ở cổ, coi mắc cười hết sức. Anh Thanh hay nói về chim doóc doóc lắm, có lần tôi hỏi:

- Bộ anh thích mấy con chim doóc doóc lắm hả?

- Ừ.

- Nó ăn lúa của mình.

- Nhưng nó cũng có ăn ruồi muỗi.

Anh Thanh nói, chị hai tôi đáng yêu như chim doóc doóc. Chị cười, thầm trong miệng giả giọng kêu hai tiếng doóc doóc.

Hôm doóc doóc ngoài sân rục rịch sửa soạn bay đi nơi khác tìm lúa, anh Thanh cũng nôn nao cho một chuyến đi dài. Anh bàn với chị Hai tôi là anh sẽ đi theo đám thợ gặt xuống miệt dưới, kiếm mớ tiền về làm ăn. Năm đó tôi mười lăm tuổi, anh rủ tôi đi cùng. Anh mua bầy gà về cho chị nuôi, sắp xếp mọi thứ rồi lên ghe; đi về nơi bạch đàn dậy tiếng con chim doóc doóc, nơi mồ hôi của anh rơi ướt đất đồng.

- Nắng lên rồi, dậy! Tiếng chú Thống, người chủ chiếc ghe thợ gặt này, nghe thật rắn rỏi, rất đanh nhưng ấm vô cùng.

Chú giục mọi người rửa mặt, tranh thủ lên đồng cắt lúa. Chú bảo phải nhanh nhẹn như con chim doóc doóc, rề rà là không có được. Trời chưa sáng mà chúng đã kêu um xùm, còn tụi mầy thì vẫn con ngái ngủ.

Bao giờ chú cũng xăng xái đi đầu, chú là thủ lĩnh. Mọi người nghe chú bằng đôi tai kính nể còn điều chú nói thì xuất phát từ trái tim. Chú quan tâm mọi người lắm. Hôm rồi tôi bị lưỡi hái cắt đứt tay, máu chảy ghê gớm, tôi sợ muốn xỉu. Chính chú đã cẩn thận nhai đọt rau muống đắp vào vết cắt của tôi. Chú bình tĩnh và tỉ mỉ, tôi còn giật mình tưởng là chị hai mình. Nhưng chị Hai tôi đâu có râu nhiều dữ vậy, tôi cười, nhớ chị Hai quá chừng, mà anh Thanh còn nhớ chị nhiều hơn, nhớ dữ lắm!

Anh ngóng hoài, như doóc doóc nhớ rừng dõi mắt trên cây. Nhớ chị nhưng anh không nói, không than như lời doóc doóc ầm ĩ. Như sáng hôm nay, anh vẫn mặt tươi rói ra đồng, hăng hái cắt hết vạt này đến vạt kia. Chú Thống hài lòng về anh lắm, vỗ đôm đốp lên vai anh mà cười ha hả. Chú khen: “Thằng này biết chịu khó làm ăn, đàn ông có vợ là phải vậy, nghe tụi bây!”. Mấy người bạn gặt cùng ghe nhe răng cười: “Chà, chắc tui cũng phải kiếm con vợ, có mối nào được được không anh Thống?”. “Được hả? Được là tao hốt mất mẹ rồi, hơi đâu tới lượt mầy”. Thế là mọi người cùng cười, quên mất cảm giác nhồn nhột của giọt mồ hôi vừa lăn xuống cằm, quên cả mệt.

Cắt được công đất thì chủ ruộng cho giạ rưỡi lúa. Làm quần quật cũng có cái đem về nhà cho vợ. Anh Thanh mừng lắm, hết mùa, anh tất tả về nhà. Vừa đến bến sông là anh đã réo gọi vợ, gọi lần lần đến hàng ba thì chị chạy ù ra ôm chầm. Hai người nước mắt nước mũi tèm nhem. Mắt chị tôi sáng như trăng rằm:

- Em có bầu.

Anh ngạc nhiên:

- Bao lâu?

- Gần ba tháng.

- Trời, anh vui quá, vợ anh giỏi quá!

Vậy là, anh quyết định ở nhà, không đi cắt lúa mướn nữa. Số tiền kiếm được, anh Thanh mua gỗ về xẻ ra đóng vạt chỏng bán. Anh cưng vợ như trứng, cái gì cũng bảo: “Để anh, để anh”. Bụng chị tôi ngày càng to, tôi càng nghe xóm giềng xỉ xỏ. Họ nói, chị lăng nhăng với người khác. Họ tả về người đó, tôi nghe giống kẻ đã ngồi bên bờ sông ngày đám cưới chị. Nhưng tôi tin chị Hai mình, chị nói là đã quên người đó rồi mà. Tôi giận những ai hay liếc mắt nói xấu chị. Anh Thanh cũng vậy.

Anh nói vợ anh là con chim doóc doóc đáng yêu. Và chim doóc doóc thì rất thủy chung. Cả đời chúng sống cặp với nhau, chẳng bao giờ phụ bạc nhau. Nghe xong, chị Hai tôi mặt đầy nước mắt, chắc chị xúc động đấy mà, chị tôi rất dễ rơi nước mắt!

Đứa bé được sinh ra, người ta tiếp tục xì xầm nó chẳng giống anh Thanh. Chị Hai tôi lại bưng mặt khóc. Anh động viên:

- Đâu có, con có cái đồng tiền kìa, đẹp trai y hệt anh mà - Anh chỉ tay lên gần khóe miệng mình, lắc lư đầu làm trò.

Chị Hai tôi phì cười, chị gật đầu nhắc lại lời anh. Và chị nhìn anh bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương (tràn từ khóe mắt chị, những giọt yêu thương!).

Hết mấy tháng ở cữ của chị, anh Thanh lại khăn gói đi biệt. Lần này, tôi không đi, tôi phải tránh mặt anh mấy hôm để được ở lại nhà. Còn anh, anh cũng muốn được ở lại nhà với vợ đó thôi nhưng anh không thể tránh mặt đồng tiền. Dạo gần đây nghề mộc rất phổ biến, việc kiếm tiền từ mấy vạt chỏng của anh trở nên khó khăn hơn. Anh lại đi theo ghe của chú Thống. Anh đi, nhưng đi chuyến này anh chẳng về nữa. Dù doóc doóc cứ đến mùa là réo, dù chị Hai cứ nhắn gởi tìm người.

Xóm lại được dịp đồn ầm lên, họ nói chồng chị biết chị phụ bạc rồi nên buồn quá bỏ xứ tìm quên. Có người độc mồm, buông hai chữ làm chị chết lặng: “Đáng đời”.

Chị tôi ngậm đắng nuốt cay mà nuôi con. Gặp đám thợ gặt nào cũng hỏi thăm anh chồng. Tội nghiệp chị, hễ thấy bóng chim doóc doóc là chị lại nôn nao hy vọng. Đến khi con chim doóc doóc cuối cùng cũng bay đi xứ khác, chị lại quặn thắt khóc than.

Có lần, chị rủ tôi bắt chim doóc doóc, dồn chúng vào một cái lồng nhỏ. Chị viết đúng năm mươi mẫu thư, gói lại buộc vào chân chim rồi thả chúng ra. Chị mong đám chim sẽ bay đến cánh đồng chồng chị gặt. Thấy thư, anh sẽ về. Nhưng con chim doóc doóc nhỏ quá, sao chở nỗi những mong ngóng của chị được, chị Hai!

Chờ mãi không nghe được tin gì của chồng, chị sốt ruột bán hết nhà cửa, vườn mận cùng bầy gà trăm con của mình. Chị mua chiếc ghe sống kiếp thương hồ, vừa bán vừa hỏi thăm tin chồng. Cả năm chị chỉ về hai lần, về cùng bầy doóc doóc.

- Mầy là thằng Tí, phải không? Thằng Tí, trời ơi gặp được mầy tao mừng quá!

- Ủa, chú Thống.

- Ừ. Mấy năm nay tao tìm mầy mỏi chân, nghe mầy đổi nhà tao định bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến chị mầy, nghĩ đến thằng Thanh tao đành cố gắng đi tìm.

- Chuyện gì chú?

- Thằng Thanh không về nữa đâu, mầy kiếm chị hai mầy mà nhắn lại. Phải chi tao biết mặt chị mầy thì hay biết mấy. Năm đó cả đám đi cắt ở tận biên giới. Trước khi đến đồng, ghe có ghé lại một cái chợ ở trển. Rồi người trong chợ rủ anh mầy đi rừng, đốn gỗ về bán. Anh mầy ham, gỗ nguyên cây lúc đó bán đắt như tôm tươi. Nó có rủ tụi tao nhưng không ai dám, cọp beo vật chết, ai mà đi. Vậy đó mà anh mầy đòi, tao cản đâu được. Nó nói đi một lần duy nhất thôi, kiếm tiền cho con nó. Nó đi, lâu lơ lâu lắc. Đồng tụi tao cắt xong xuôi hết, nán lại vài bữa đợi nó. Rồi cái ông đi theo nó cũng về, ổng nói cả đám bị lạc nhau, ổng là người địa phương nên tìm đường về được. Anh mầy lạ chỗ chắc chết đói chết khát rồi, mà… ở trển cọp beo nhiều dữ lắm…

- Trời đất, tội cho ảnh mà càng tội cho chị Hai. Chỉ tìm ảnh mấy năm nay mỏi mòn.

- Thôi đừng buồn quá. Nè, mầy đưa cái này cho chị mầy, bữa trước khi anh mầy đi nó có đưa tao, biểu tao đem về cho vợ nó nếu…(im lặng). Thôi tao về, coi như tao đã làm xong nhiệm vụ.

Tôi thuật lại toàn bộ cho chị hai. Chị ôm cái gói giấy mà chú Thống gởi, khóc nức nở. Cổ họng chị nấc lên từng tiếng. Tay chị run run giở gói giấy ra xem. Bên trong là số tiền 490 nghìn, tiền anh chắt mót dành dụm. Và, kìa, một chiếc lông của con chim doóc doóc, anh gửi về nhà. Đau khổ quá, chị càng gào khóc tức tưởi. Tóc chị rũ rượi, dính bệch vào đôi má đẫm nước. Môi chị giật lên bần bật, mếu máo ú ớ chẳng nên lời. Đứa bé con chị, thấy mẹ nức nở cũng òa khóc theo. Cứ thế, hai mẹ con ôm nhau mà khóc…

Tôi cứ tưởng sau ngày đó, chị sẽ bán ghe theo tôi về nhà. Nhưng không, sáng hôm sau, chị thôi khóc và kiên quyết từ chối lời đề nghị của tôi. Chị không tin chồng mình chết, mà nếu có chết chị cũng phải tìm cho ra xác anh mà đem về chôn cất ở đất nhà.

Chị Hai cho máy nổ, mặc những lời can ngăn của tôi, chiếc ghe ngược dòng lên biên giới. Chị đi, dù biết ở trển chợ búa đầy, đâu cần chiếc ghe hàng bông của chị.

Tôi lại nghe tiếng chim doóc doóc kêu, mùa lúa chín lại về. Tôi nghĩ đến loài chim kỳ lạ này, chúng rất giỏi chờ đợi (chờ ngày được quay về tổ), cũng rất giỏi tìm đường (tha phương mà, phải nhớ đường mới được chớ)…

Võ Đăng Khoa
 

;
.
.
.
.
.