.

Thơ

.

Các cháu miền Nam ra thăm Bác

Các cháu ở miền Nam mới ra Bắc lần đầu
Đến thăm Bác bất ngờ không hẹn trước
Nắng đẹp trời trong mà rưng rưng nước mắt
Bác cháu quây quần như Nam Bắc đoàn viên

Cúi xuống nhìn mâm cơm, chúng tôi cùng nhìn lên
Lòng như thể cánh rèm rung trong gió
Các cháu vượt Trường Sơn ra đây bằng đôi chân đi bộ
Bác thật có lỗi với đồng bào miền Nam vì chưa thể
vào thăm?!

Câu nói của Người làm chúng tôi nghẹn ngào suốt cả bữa ăn
Suốt cả bữa ăn Bác chỉ lo gắp thức ăn và xới cơm cho từng đứa
Chúng tôi đến bất ngờ, bữa cơm thường mà như cỗ
Món ăn hai miền đủ cả những buồn vui.

Món ăn hai miền được chế biến tự tay Người
Dặn nhà bếp mua về, tự tay Người nấu nướng
Đúng khẩu vị miền Nam khi cúi xuống
Ngước lên nhìn như đang ở miền Nam

Hỏi thăm từng đứa một, Bác đi khắp quanh bàn
Năm sáu đứa chúng tôi, đứa nào cũng được ngồi cạnh Bác
Bác ở giữa miền Nam, miền Nam đang giữa lòng miền Bắc
Bác cháu quây quần như Nam Bắc đã đoàn viên

Không còn được đón Bác vào thăm ngày thống nhất hai miền
Không phải Bác có lỗi với đồng bào miền Nam mà chúng ta có lỗi…
Đâu chỉ năm sáu đứa chúng tôi còn nợ Người câu hỏi
Các cháu có hợp khẩu vị hay chỉ vì nể Bác bữa hôm nay?!

NGUYỄN HƯNG HẢI

Trước đảo Gạc Ma

Kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ bảo vệ Trường Sa

Giữa biển khơi xa vang ngân khúc nhạc trầm hùng Chiêu hồn tử sĩ
Hàng trăm người tưởng niệm mắt rưng rưng
Dâng nén hương thơm mà nghe lòng thổn thức
Niềm tiếc thương vô hạn, vô chừng

Đài hoa đỏ sao vàng dâng lên mặt biển
Biển duyềnh lên ngỡ mộ sóng dưới thân tàu
Bao lễ vật tri ân cùng với biển
Biển mở lòng thu nhận mỗi niềm đau…

Xin các anh yên nghỉ nơi biển cả    
Linh hồn các anh cùng trời biển giao hòa
Máu xương các anh đang hóa sóng
Gìn giữ yên bình biển đảo trước phong ba

Nguyễn Xuân Tư

Những dấu chân Sơn Mỹ

(Tưởng nhớ những người dân vô tội làng Sơn Mỹ trong cuộc thảm sát năm 1968)

Dấu giày đinh lẫn vào vết chân bùn
tôi đến Sơn Mỹ sau bốn chín năm
người cũng đã khuất từ dạo ấy
còn đau cho đến bao giờ!

còn đau cho đến bao giờ
những vết giày đinh
những chứng tích tận cùng tội ác
người dân vô tội nơi này!

sau bốn chín năm
còn nghe muôn tiếng van xin
còn nghe tiếng kêu rỉ máu
còn nghe những lời hờn oán
người dân vô tội nơi này

không ai sống hai lần
nhưng có thể chết nhiều lần
khi tội ác nhân lên
cũng nhiều lần như thế
người dân vô tội nơi này.

Đoàn Văn Mật

;
.
.
.
.
.