.
TRUYỆN NGẮN

Ở cạnh nhà thầy

.

Tôi trở thành hàng xóm với thầy một cách ngẫu nhiên. Khi đã chán bươn chải hết thành phố này đến đô thị khác, vợ chồng tôi quyết định về tỉnh nhà lập nghiệp. Để thuận tiện đi lại giữa hai bên nội ngoại, chúng tôi mua một mảnh đất làm nhà ở thị xã.

Đất thuộc khu sân bay quân sự cũ đã lâu không sử dụng nên thị đội trả về cho thị xã mang bán đấu giá. Khi chuyển về, tôi hoàn toàn không biết thầy sống ở đây. Vì trong suốt thời gian làm nhà, mọi công việc đều do chồng tôi đảm nhận từ chào hỏi hàng xóm đến xin dùng nhờ điện, nước. Tôi bận con nhỏ đang gửi nhà ngoại nên chỉ thỉnh thoảng đáo qua.

Đến tận hôm về nhà mới, chồng mời hàng xóm đến “giao lưu” thì tôi mới gặp lại thầy. Thầy không nhận ra tôi, điều ấy cũng bình thường thôi vì biết bao nhiêu lớp học trò làm sao thầy nhớ hết. Tôi lại chẳng có gì đặc biệt để nhắc thầy nhớ đến. Chỉ là một cô trò nhỏ chăm ngoan trong lớp học của thầy.

Mười bảy năm kể từ ngày ra trường tuy không một lần thăm hỏi nhưng trong tôi vẫn lưu giữ hình ảnh về môt người thầy hiền lành, mẫu mực. Tôi cứ nghĩ cuộc sống của thầy hẳn sẽ thong dong bình yên lắm. Cho đến khi về sống cạnh nhà thầy mới thấy cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền đâu có bỏ sót ai. Tóc thầy bạc đâu phải vì bụi phấn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà thầy mở quán bán bún chả. Thầy dạy buổi sáng, chiều nào cũng ngồi quạt chả ngay lề đường khói bay mù mịt sang nhà hàng xóm. Cửa hàng quần áo nhà tôi cũng ám đầy mùi chả. Thầy ái ngại cười trừ mỗi khi thấy ai đó phàn nàn. Thỉnh thoảng tôi tưởng như thầy chìm lẫn đâu đó trong màn khói. Chỉ đến khi ai đó kêu chủ quán đâu cho xin quả quất, xin thêm một đĩa bún nữa nào, nước chấm sao vừa chua vừa nhạt…, thì thầy như bừng tỉnh đứng vụt dậy thoát khỏi cụm khói mùi mỡ lợn vội vã chạy vào trong. Tôi bỗng nhiên nghe thấy ký ức vọng về. Giọng thầy trầm ấm vang lên trong lớp học:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”(1).   Ký ức cũng giống như một làn khói mơ, mờ ảo và đẹp đẽ. Nó khác với thứ khói của hiện thực đang được chiếc quạt rỉ sắt thổi thốc vào khay than đen nhẻm xì xèo mỡ. Mà cũng phải thôi mười bảy năm đã trôi qua, có thứ gì còn nguyên vẹn nữa. Thỉnh thoảng đứa con gái nhỏ reo lên mừng rỡ khi tìm thấy một sợi bạc lẫn trong mớ tóc của tôi. Thì có lý nào thầy còn trẻ mãi. Thời gian luôn biết cách làm nhàu nhĩ phận người.

Vợ thầy ngoài năm mươi tuổi, trông đẫy đà và đúng kiểu dân chợ búa chẳng ngán gì ai. Khách hàng là thượng đế còn dính mắng té tát huống hồ chồng con. Ngày nào cũng quát con ra rả, vừa bán hàng vừa quát. Khách đến ăn bún được khuyến mãi luôn một tràng thở than kể lể. Rằng lấy chồng giáo viên nghèo kiết xác lương ba cọc ba đồng chẳng đủ tiền chi tiêu lặt vặt.

Rằng “chồng tôi hiền lắm, chỉ văn chương thơ phú chứ biết gì chuyện buôn bán làm ăn”. Có hôm vừa mới mở mắt ra đã nghe thấy vợ thầy to tiếng. Có khi mắng con lười ăn, lười học. Có khi càu nhàu chồng “bảo đi xin chuyển lớp cho con mà cứ chần chừ. Đồng nghiệp với nhau nói một câu là xong. Không lẽ có chồng làm giáo viên mà phải để mụ vợ chợ búa này phải đi xin xỏ”.

Hình như thầy bảo học lớp nào chẳng vậy, giỏi hay không là do mình hết. Hình như vợ thầy tru tréo thêm vài câu. Tiếng đoàn tàu Yên Bái - Hà Nội vừa chạy qua sau nhà khiến tôi không nghe rõ. Ngày vài lần tàu chạy, những cơn rung lắc khiến tôi bừng tỉnh khỏi những cơn mụ mị. Thầy có khi cũng thế.

Vài lần, không biết thầy mê mải nghĩ gì mà để chả cháy khét. Đoàn tàu như cắt ngang giữa thế giới hiện thực trần trụi và mộng ảo xa vời. Vợ thầy gào lên “có mỗi việc nướng chả mà không xong”. Khách hàng trêu “vợ gì như sư tử”. Thầy chỉ lắc đầu cười “Mệnh hỏa mà. Trông thế thôi nhưng tốt bụng, thương người. Khẩu xà tâm phật ấy mà. Thôi kệ”.

Tôi thường ngồi ngó theo dáng thầy đạp xe đến trường mỗi sáng. Ở nhà, thầy ăn mặc giản dị, quần áo có khi đen nhẻm bụi than ám đầy mùi thịt chả; tay chân thầy lúc nào cũng đầy dầu mỡ khi xiên thịt, lúc rửa bát, dọn bàn. Nhưng đến giờ đi dạy là thầy như biến thành một người hoàn toàn khác. Thầy sơ-vin quần âu áo trắng, mọi thứ thật sạch sẽ phẳng phiu.

Đó là bộ quần áo vợ thầy thường mang sang nhà tôi phơi nhờ. Cô nói “đồ mình sao cũng được nhưng riêng đồ đi dạy của ông ấy là phải thơm tho. Hôm nào cũng phải giặt bằng tay, ngâm nước xả vải tử tế. Phơi ở nhà ám mùi nem chả. Lên lớp học trò ngửi thấy, tội ổng”.

Tôi như thấy lại vẻ thong dong của thầy mười bảy năm trước. Thầy thong thả đạp xe tới trường bỏ lại đằng sau quán nhỏ, bà vợ ưa to tiếng và mấy đứa con đùa nghịch ầm nhà. Khách kéo đến ăn sáng ngày một đông. Đời sống ở thị xã khác xưa nhiều rồi. Người dân cũng biết tiêu xài, hưởng thụ hơn. Quán nhà thầy có khi bảy giờ sáng đã đông nghịt người đến ăn bún chả.

Thầy đi dạy, mẹ vợ ra quạt chả ngoài hè. Em gái thầy cũng ra phụ bán hàng. Hàng xóm bảo “có khi phải đổi tên thành “phố bún chả” vì suốt ngày ngầy ngậy mùi chả mỡ”. Những buổi sáng đông đúc, tất bật và ngột ngạt ấy, thầy đang bận đứng trên bục giảng. Tôi cứ nghĩ đó là lúc thầy được sống là mình nhất. Đứng trước học trò, nhìn chúng bằng đôi mắt thương yêu. Cùng trò khám phá một áng văn hay, trải nghiệm một vùng đất, một cuộc đời mà văn chương mang đến.

Biết đâu thầy đang đọc bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử giống như năm xưa vậy. Những bài giảng của thầy đã theo tôi suốt nhiều năm tháng. Đôi khi trở về trong một giấc mơ trưa vội vã. Lúc tâm hồn tôi mệt nhoài vì toan tính mưu sinh thì đâu đó giọng thầy lại cất lên “Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra…/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”(2). Tỉnh dậy thấy lòng mình còn bâng khuâng vì những điều đẹp đẽ…

Thầy ốm. Cả tuần không thấy thầy dắt xe ra khỏi cổng đi dạy. Cũng không thấy thầy ngồi quạt chả mỗi chiều. Vợ thầy vừa cắt bún cho khách vừa lắc đầu bảo:

- Thì tự nhiên ốm thôi. Chắc là lâu chưa được ốm. Không sao đâu, ốm cũng là một đặc ân. Ổng sẽ được thảnh thơi nằm đọc sách.

- Thầy đau yếu ở đâu vậy cô? Bệnh sơ sơ hay bệnh nặng?

- Ừ nhỉ, cô bận rộn suốt ngày cũng chưa kịp hỏi. Mà có hỏi ổng cũng bảo “chỉ thấy mệt trong người”. Hai hôm trước không ăn uống gì, chiều qua thì húp lưng cháo trắng. Chắc lại đau dạ dày. Đến khổ.

Tôi lên thăm thấy thầy ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây, người gầy xọp. Thầy đang đọc dở cuốn sách của Victor Hugo, ngẩng lên nhìn tôi cười:

- Em không vào có khi thầy biến mất đâu đó trong những trang sách hay, những ngôn từ quá đẹp.

- Sách có làm thầy bớt cơn đau không ạ?

- Cơn đau da thịt thì vẫn luôn hiện hữu. Đến thuốc thang còn không chữa dứt điểm nữa là. Sách không làm giảm bớt cơn đau nhưng giúp thầy quên nó. Quên tất cả mọi thứ xung quanh. Quên luôn cả sự tồn tại của mình. Thầy đã đắm chìm vào nhân vật. Như thể đó là thân phận chính mình.

- Khi gập trang sách lại hẳn là thầy thấy hụt hẫng rất nhiều?

- Không cần phải chờ đến lúc gập sách đâu. Mùi chả nướng sẽ gọi thầy trở về thực tại.

Thầy bật cười giòn tan nhưng tôi thấy lòng mình đắng lại. Thầy gầy quá, những cơn đau dạ dày đã vắt kiệt sức thầy. Mẹ tôi cũng từng đau như thế những mùa dài. Cũng từng cố gắng nuốt những viên nghệ trộn mật ong khô khốc. Thầy nói những ngày đau chỉ có mùi sách và mùi bánh mì là dễ chịu.

 Ăn bánh mì sẽ hút dịch dạ dày khiến thầy bớt đau hơn?

- Không hẳn thế đâu em. Khi ốm đau cơ thể mình chỉ thích nghi với những thứ dịu dàng. Mùi bánh mì ấy mà thơm như mùi tay mẹ. Mẹ thầy từng là chủ một lò bánh mì. Bà nặn bánh suốt đêm. Lúc gần sáng khi công việc đã xong, những mẻ bánh đã ra lò được bà ủ ấm trong từng chiếc thúng. Cũng là lúc bà khẽ khàng nằm xuống cạnh các con. Chao ôi, thầy hít hà thứ mùi thơm bánh mới. Chúng ta thực ra không vụt thoát khỏi tâm hồn một đứa trẻ. Những ngày đau thường nhớ mẹ nhiều hơn.

Tôi rời căn phòng nhỏ của thầy lòng rưng rưng xúc động. Đi xuyên qua làn khói tôi không còn thấy mùi thịt chả. Lòng tôi nhẹ nhõm và thơm tho như một chiếc bánh mì…

Vũ Thị Huyền Trang


(1) (2) Thơ  Hàn Mặc Tử

;
.
.
.
.
.