.

Cổ tích của Nắng

.

Yên nhoài người về phía cửa sổ, hít một hơi thật sâu. Không gian đêm đông khu nhà trọ đặc quánh mùi rêu phong. Chợt cô thấy đói cồn cào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Bánh bao nóng đê...! Tiếng rao trong đêm đông nghe khắc khoải đến lạ. Yên nhận ra đó là tiếng rao của Nắng - thằng bé bán bánh bao vẫn thường vào khu nhà trọ này mỗi đêm. “Nắng ơi! Cho chị cái bánh bao”, cô gọi. Lát sau, một cái đầu bù xù xuất hiện trước cửa sổ phòng Yên, toét miệng cười, phô hàm răng trắng bóng. Thằng bé trạc 15 tuổi, gương mặt rám nắng, trưởng thành so với tuổi. 

- Đêm nay em bán cũng được lắm, gần hết rồi nên chị không phải mua giúp em đâu! Nó cười nói.

- Lắm chuyện! Còn bao nhiêu cái, đưa hết đây rồi vào phòng ngồi chút cho ấm. Đạp xe ngoài đường cả ngày chắc em mỏi chân lắm. Để chị chia bánh cho mấy chị phòng bên - Yên tỏ vẻ cau có nhưng mắt lại cười.

- Lần nào em bán ế, chị cũng mua giúp mà có ăn đâu. Chị không thích bánh bao mà. Em vào ngồi chơi một tý rồi đi bán tiếp - Nắng bướng bỉnh.

Hiểu tính thằng bé, Yên không ép nữa nhưng vẫn bảo nó đưa một cái bánh bao, vì quả thật, bụng cô đang rỗng... Cẩn thận dựng chiếc xe đạp vào tường, nó bước vào phòng Yên. Lật chiếc chăn ra, cô bảo:

- Chui vào đây cho ấm em!

Nó ngoan ngoãn làm theo rồi hít hà:

- Ấm quá đi mất. Tối nay chị lại không đi đâu à? Sống ru rú thế chả trách sao đến giờ này vẫn... ê... sắc... ế!

- Cụ non! Không mượn em lo chuyện chị! - Yên gắt.

Hai chị em yên lặng ngồi bên nhau, mỗi người một ý nghĩ. Chợt nó lên tiếng  thông báo:

- Tuần sau em nghỉ bán về thăm ngoại một tuần. Chị muốn ăn gì, em mang vô?

- Ngoại đau gì hả em? - Yên lo lắng.

- Dạ không! Em thấy nhớ ngoại quá nên về thôi! - gương mặt thằng bé  trở nên tư lự.

Biết Nắng hơn năm nay, Yên hiểu tính nó nên không gặng hỏi gì thêm. Cô lặng lẽ mở rương lấy ví rồi dúi vào tay nó ít tiền:

- Chị không có nhiều, gửi em ít để đi đường. Trước ngày về, nói cho chị biết để chị mua chút quà gửi thăm ngoại.

Nắng rơm rớm:

- Cảm ơn chị. Hơn một năm vào đây mưu sinh, nếu không có chị, chắc em bơ vơ lắm! Biết bao giờ em mới trả được hết ơn này? Chị đã cho tiền rồi thì quà cáp gì nữa. Để em mang tiền này về đưa cho ngoại, nói quà chị biếu là được rồi.

- Ơn nghĩa gì ở đây! Chị em mình sống xa quê, không giúp đỡ nhau thì biết giúp ai? Với người già tiền không quan trọng mà cần cái tình thôi em à!

Nắng im lặng, không cãi thêm gì nữa.

Nắng ra đời vào một ngày mưa tầm tã. Quê nó ở bên dòng sông Kiến Giang (Quảng Bình). Một tháng sau khi sinh nó, mẹ nó bỏ nó lại cho ngoại nuôi rồi đi biệt xứ. Thương số phận đứa cháu mới sinh ra đã chịu cảnh biệt ly, ngoại đặt tên cho nó là Nắng với hy vọng cuộc đời nó sẽ ấm áp như tia nắng mặt trời. Lúc đó, ngoại nó vẫn còn rất trẻ, mới hơn 40 tuổi. Nhìn lũ trẻ trong làng ai cũng có cha có mẹ, nó thắc mắc, tại sao mình lại ở với ngoại? Một lần, nó hỏi ngoại:

- Cha mẹ con đâu hả ngoại? Sao con lại ở với ngoại mà không phải ở với cha mẹ?

Ngoại nó ngước mắt lên trời lẩm bẩm: “Còn điều gì khó hơn nữa không hả trời?”, rồi nói với nó:

- Cha mẹ cháu đi làm ăn xa nên phải gửi cháu cho ngoại nuôi. Hằng tháng vẫn gửi tiền về cho ngoại lo thêm cho cháu! Cha mẹ thương cháu lắm!

Nó vốn là đứa trẻ ngoan nên tin ngay lời ngoại nói…

Lên lớp 5, một lần đi học về, nó bị bọn trẻ làng trên nói kháy:

- Đồ cái thứ con hoang, không cha, không mẹ mà bày đặt làm phách!

 Nó ức quá, quay lại hét:

- Ai nói tụi bây tau là con hoang? Cha mẹ tau đi làm ăn xa đặng có tiền lo cho tau ăn học. Đừng có nói bậy!

- Mày về hỏi bà mày đi! Rằng có phải mẹ mày lấy phải người đã có vợ, xấu hổ quá nên bỏ xứ đi không? Muốn biết cha mày là ai, về hỏi ngoại mày để bà ấy chỉ đặng còn đi tìm cha! - nói xong, bọn trẻ khoái trá, cười phá lên.

Uất ức, nó xông vào đánh nhau với bọn trẻ làng trên. Hậu quả, nó bị thương tích đầy mình nhưng không cảm thấy đau vì điều đó. Nó chạy thục mạng về nhà, khóc, bắt đền ngoại:

- Mấy đứa làng trên nói con là con hoang. Rằng mẹ con lấy phải người có vợ nên phải bỏ xứ mà đi. Đúng không ngoại?

Đang lui hui bên nồi cám heo, ngoại ngẩn lên nhìn nó. Gương mặt đau đớn tột cùng. Nó chợt hiểu, điều bọn trẻ làng trên nói đúng. Mặt nó tái mét:

- Ngoại nói dối! Con ghét ngoại!

Rồi bỏ chạy về phía bờ sông. Ngoại chạy theo, van lơn:

- Nắng ơi! Chờ ngoại với. Ngoại xin lỗi cháu!

 Nhưng nó không nghe thấy gì cả. Tai nó ù đi, mắt nó nhòa lệ. Nó lao người xuống sông, trầm mình trong làn nước mát lạnh. Ngoại nó cũng lao xuống sông:

- Cháu không thương ngoại sao? Thôi thì hai bà cháu mình cùng chết đi vậy!

Chẳng biết vì thái độ của ngoại hay vì làn nước mát lạnh đã làm nó tỉnh ra. Nó bơi về phía ngoại, đưa bà vào bờ:

- Mình lên đi ngoại. Trầm lâu dưới nước, ngoại cảm đó!

Ngoại ôm nó vào lòng, lặng lẽ khóc... Trưa hôm đó, nó được nghe ngoại kể về cuộc đời bà, cuộc đời mẹ và sự ra đời của nó...

Ông ngoại mất khi mẹ nó 5 tuổi. Ngoại lúc đó còn trẻ, mới 30 tuổi nhưng quyết ở vậy nuôi con, không đi bước nữa dù bà rất đẹp. Mẹ nó hưởng gien xinh đẹp từ ông bà ngoại, mới 15 tuổi đã có nhiều mối ngấp nghé, ngỏ lời ong bướm. Dù con nhà nông, nhưng mẹ nó được ngoại cưng lắm, chẳng phải động tay động chân, chỉ mỗi việc học và nội trợ. Việc đồng áng, làm vườn, nuôi heo…, một tay ngoại làm tất. 16 tuổi, mẹ nó đem lòng yêu một thanh niên hơn mình 8 tuổi, dẫn đến có thai. Oái oăm thay, đó cũng là lúc mẹ nó biết được người đàn ông ấy đã có vợ. Đau đớn, không biết phải xử lý cái thai như thế nào nên mẹ nó đành thú thật với ngoại. Ngoại nó chết lặng. Những ánh mắt dị nghị, những lời dèm pha của bà con lối xóm khiến mẹ, ngoại nó xấu hổ không dám cất mặt lên mỗi khi ra đường. Nhưng tình mẫu tử đã vượt lên tất cả. Một tháng sau khi biết hung tin, ngoại chấp nhận tiếng chì, tiếng bấc của bà con trong làng, bảo mẹ nó cứ sinh con. “Thiên hạ có đàm tiếu thì cũng vài ba tháng thôi, chẳng dư hơi đàm tiếu cả đời đâu con! Mọi chuyện để mạ lo, con đừng nghĩ quẩn, nghe chưa!” -  ôm con gái vào lòng, ngoại đã nói như vậy.

Nghe lời ngoại, mẹ nó nghỉ học, ru rú trong nhà dưỡng thai. Một tháng sau khi sinh, mẹ nó lẳng lặng bỏ đi sau khi để lại nó cho ngoại cùng một lá thư vỏn vẹn mấy dòng: “Con có lỗi với mạ nhiều lắm! Nhưng ở đây, con không sống nổi với ánh mắt người đời. Con phải ra đi thôi. Mạ nuôi cháu giúp con! Đứa con bất hiếu của mạ…”. Ngoại nó thêm một lần nữa chết điếng! Những tháng ngày sau đó, ngoại ôm nó đi bú nhờ quanh làng; nấu cháo lấy nước cho nó bú để chắc dạ. Thấy hoàn cảnh hai bà cháu tội nghiệp, từ chỗ dè biểu, người trong làng thôi không bàn ra, tán vào chuyện mẹ nó chữa hoang nữa. Dần dà mọi chuyện cũng nguôi ngoai… Nắng lớn lên tự nhiên như cây cỏ, có vẻ đẹp rắn rỏi. Trong đôi mắt to, sâu thẳm chất chứa một dấu chấm hỏi câm lặng!

Nắng yêu ngoại nhất trên đời. Trong mắt nó, ngoại là người phụ nữ đẹp nhất trần gian. Năm nó học lớp ba, cô giáo ra bài tập làm văn miêu tả người mà em yêu nhất, nó tả về ngoại. Bài của nó được cô cho điểm cao nhất lớp… Một lần, nó tò mò hỏi ngoại:

- Ngoại ơi! Con giống cha hay giống mẹ?

- Vừa giống cha, vừa giống mẹ!

- Rứa thì đẹp hay xấu? Sao con không giống ngoại để được đẹp như ngoại? - nó cắt cớ.

Ngoại cười để lộ hai lúm đồng tiền:

- Cha cậu! Nịnh vừa vừa thôi. Xấu đẹp bên ngoài có gì quan trọng. Chủ yếu là tấm lòng có đẹp không thôi.

- Tóm lại, con đẹp không?

Ngoại nó không trả lời, chỉ tay vào gương bảo:

- Nhìn vào trong gương đi rồi tự mình nhận xét.

 Nó nhìn vào gương. Mặt hình chữ điền, chân mày rậm, miệng rộng, răng đều như hạt bắp và đôi mắt… đặc biệt của nó cứ sáng lên! Nó toét miệng cười:

- Nghĩa là con không xấu, phải không ngoại?

- Cha nội nhà anh! Nít mà khôn ranh…

Cuộc sống tuy chật vật, nhưng nó không cảm thấy mình khổ. Trong tâm khảm nó, một ngày nào đó cha mẹ làm ăn khấm khá sẽ trở về đón nó cùng ngoại đến một thành phố rộng lớn. Nó sẽ được đi học ở một ngôi trường thiệt to, không như ngôi trường làng ọp ẹp của nó. Nó sẽ được mặc những chiếc áo thật đẹp, được đi xe đạp xịn như thằng Hoàng con nhà giàu nhất làng nó! Đấy là những suy nghĩ trước khi nó biết sự thật về sự ra đời của mình…

Từ sau trận “hỗn chiến” với bọn trẻ làng trên, nó trở nên lặng lẽ. Đi học về vẫn giúp ngoại cắt rau nấu cám heo, tưới cho đám khoai lang trong vườn, ra đồng làm cỏ… Nhưng nó không cười nữa... Ngoại rầu lắm nhưng không dám động vào nỗi đau của nó... Cho đến lần có một người đàn ông cao lớn đến tìm ngoại nó. Bà đuổi khéo nó sang nhà hàng xóm chơi. Linh tính có chuyện khúc mắc, nó giả vờ đi nhưng rồi quay về, núp dưới nhà bếp. Và nó sững sờ khi biết người đàn ông đó chính là cha nó. Ông đến nhận lỗi với ngoại, xin được hỗ trợ tiền hằng tháng để ngoại nuôi nó ăn học. Ngoại từ chối.

- Cảm ơn anh! Tấm lòng của anh, bà cháu tôi xin nhận. Nhưng xin anh về cho. Bao năm nay, anh có đoái hoài gì đến nó đâu, sao giờ lại đến xin nhận cha con? “Con dại cái mang”, tôi biết con gái tôi trẻ người, non dạ lỡ yêu người đã có vợ nên cũng chẳng trách gì anh. Xin anh để cho bà cháu tôi yên, đừng để chị nhà biết chuyện, xuống đây gây chuyện, tội cho thằng Nắng. Người lớn có lỗi chớ nó không có tội gì cả. Anh về đi cho...!

Ngoại nói một hơi rồi đứng dậy có ý tiễn khách. Ông ta lủi thủi ra về. Nắng bám theo về tận làng trên. Mới hay, nhà cha nó to nhất ở làng trên. Nhìn qua cửa ngõ, nó thấy ông ta ôm hai đứa con gái vào lòng, Mắt nó nhòa đi! Năm đó, nó học lớp 8…

Một ngày sau khi kết thúc xong chương trình lớp 8, nó về nhà sớm hơn mọi ngày, gánh nước đổ đầy các chum, vại; giặt áo quần cho ngoại, cuốc lại mấy vồng khoai lang trong vườn, nấu cám, tắm và dọn chuồng heo. Rồi đem lưới đi thả, bắt được một mớ cá đồng. Chạng vạng tối, ngoại từ đồng về đã thấy nó dọn cơm lên mâm. Mùi cá kho thơm phức. Nó toét miệng cười, rạng ngời như tên nó:

- Con nấu sẵn nước nóng cho ngoại rồi đó. Ngoại tắm đi rồi ăn cơm cho nóng! Ngoại nhìn nó ngạc nhiên. Chưa khi nào bà thấy nó chu đáo như thế cả.

- Cháu tôi trưởng thành từ lúc nào rứa không biết?

 Nó cười:

- Con 13 tuổi rồi chớ bộ!

Ngoại nó vui lắm! Bà cứ nghĩ nó đã suy nghĩ thấu đáo. Nào ngờ! Sáng hôm sau thức dậy, ngoại nó thấy lá thư cùng lời xin lỗi của đứa cháu mà bà thương hơn cả mạng sống. Vì nó mà bà gắng gượng sống. Bà đã nuôi nó bằng tình yêu thương của một người bà, người mẹ, người cha, người ông cộng lại. Vậy mà, nó vẫn nỡ lòng bỏ bà ra đi. Điều bà lo nhất là nó còn quá nhỏ, trong khi biển đời mênh mông, bất trắc khó lường. Với 2 chỉ vàng tự “tạm ứng” của bà, liệu có thể mưu sinh được nơi xứ người?  Một tháng sau, bà nhận được thư nó. Nó bảo đã thuê được nhà trọ giá rẻ, mua được chiếc xe đạp cũ để đi bán bánh bao dạo. Trong thư nó viết: “… Ngoại đừng lo cho con. Con bình thường, sống cũng tạm ổn. Ngoài 2 chỉ vàng lấy mà chưa được sự đồng ý từ ngoại, con cũng có dành dụm ít tiền từ giăng lưới bắt cá, đi làm thuê dịp hè. Ngoại ở nhà nhớ đừng làm ráng sức mà bệnh, không có người chăm lo. Con hứa, sau khi tìm gặp mẹ, con sẽ về với ngoại…”. Cứ thế, đều đặn nó gửi thư về. Thi thoảng, còn mua quà về gửi cho ngoại nữa…

Những chuyện này, Yên biết được sau khi quen nó được 1 năm. Yên gặp nó như là cái duyên. Hôm đó, sau khi tan ca, cô dắt xe ra khỏi cổng nhà máy thì phát hiện “kẻ bám đuôi” đang đứng chờ bên kia đường. Quýnh quáng, cô quay xe sang hướng khác, vô ý đâm sầm vào chiếc xe chở bánh bao của nó, làm bánh văng tung tóe. Dựng xe lên, nó tức giận hét lớn:

- Bộ chị không có mắt hả?

 Yên lúng túng nhìn nó như có lỗi. Chẳng hiểu sao, đang giận dữ, gương mặt nó bỗng chùng xuống. Yên hỏi giá những cái bánh bao bao nhiêu để cô đền, nó phẩy tay: “Thôi! Bỏ đi”. Rồi hốt số bánh bao bị dính đất đem bỏ thùng rác. Những cử chỉ đó gieo vào lòng Yên một tình cảm khó tả. Mặc cho thằng bé từ chối nhận tiền đền bù, cô vét toàn bộ tiền có được trong ví đưa cho nó, rồi lên xe bỏ đi. Thằng bé đuổi theo cô về tới tận khu nhà trọ để trả lại tiền.

- Lỗi tại chị không chú ý quan sát, làm hỏng hết bánh bao của em. Đền là đúng rồi! - Yên nghiêm mặt nói...

 Từ đó, nó hay ghé vào khu nhà trọ nơi Yên ở hằng đêm. Khi đã trở nên thân thiết, nó tâm sự: “Không hiểu sao, nhìn vào đôi mắt chị, em lại nghĩ đến mẹ. Dù chưa một lần gặp, nhưng em nghĩ, chắc mẹ cũng có đôi mắt đẹp và buồn như chị...!”. Yên lặng đi sau câu nói đó. Càng thân thiết với thằng bé, Yên nhận ra, ẩn sau vẻ lầm lì, ít nói của nó là một tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối. Thương Nắng mới tí tuổi đầu phải tha phương mưu sinh, những hôm nó bán hết bánh sớm, cô gọi nó vào phòng trọ để dạy một số kiến thức cơ bản chương trình lớp 9, 10 để “khi nào có điều kiện em đi học bổ túc, lấy bằng phổ thông”. Nắng thông minh, bày vẽ là hiểu liền...

Nắng về quê đã hơn một tuần nhưng không thấy quay vào. Yên bồn chồn, không biết ở quê ngoại nó có chuyện gì? Đến ngày thứ 10, cô quyết định xin nghỉ phép để đón xe tìm về quê nó thăm thì Nắng xuất hiện với giỏ cam trên tay. Nó cười ấm áp như tia nắng:

- Em vô rồi nè!

- Chu cha! Chị đang định đón xe ra thăm em đây! Không biết ngoại ra sao mà không thấy em quay vô? Ủa! Mà xe bán bánh bao của em đâu?

- Em… bán rồi! Em vô dọn phòng để về quê luôn chị à! Em tới đây thăm chị lần cuối!

 Đang mừng rỡ, Yên tắt tiếng cười:

- Bộ ngoại bị sao hả? Hay em tìm được mẹ rồi?

- Em vẫn chưa tìm được mẹ, nhưng ngoại cần em. Hôm về thăm, nhìn ngoại già đi nhiều, sức khỏe yếu hẳn, em chợt nhận ra mình thật ích kỷ. Suốt bao nhiêu năm qua, ngoại đã hy sinh cho mẹ con em. Vậy mà, em chỉ biết nghĩ đến nỗi đau, sự mất mát của mình, không nghĩ đến nỗi đau xé lòng của ngoại. Em quyết định về quê chăm ngoại, chờ mẹ trở về! Cổ tích không có giữa đời thường, nhưng không vì thế mà không yêu chuyện cổ tích. Em nghĩ rứa đó chị!

Yên ứa nước mắt, cầm tay nó lắc mạnh:

- Em chị trưởng thành thật rồi! Đúng là cổ tích không có thật giữa đời thường nhưng vẫn nên hy vọng cuộc đời sẽ có kỳ tích... Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi còn có điều để ta hy vọng. Chị mừng vì em đã mở lòng tha thứ cho mẹ, biết nghĩ cho ngoại. Đời ngắn ngủi lắm! Nếu chỉ biết nghĩ về nỗi đau, sự thiệt thòi của mình, em sẽ không bao giờ thấy được điều ý nghĩa cần phải làm cho mình, cho những người xung quanh...!

Hôm tiễn Nắng ra bến xe về quê, Yên dúi vào tay  nó một chiếc điện thoại di động cùi bắp và một túi xách, bên trong có chiếc áo len tặng ngoại, hộp sữa dành cho người già. Nắng hứa sẽ đăng ký học bổ túc và sẽ thường xuyên liên lạc với Yên. Xe bắt đầu chuyển bánh, nó nhoài đầu ra ngoài cửa sổ, miệng méo xệch: “Chị về đi! Chừng nào thu xếp công việc, chị ra quê em chơi. Em sẽ nướng khoai lang, nướng gà bằng rơm cho chị ăn. Ngon hết sẩy luôn!”. Tiết trời mùa đông âm u, nhưng Yên chợt nhìn thấy trên đầu Nắng xuất hiện những tia nắng ấm áp. Và gương mặt ngoại nó hiện lên, đẹp như bà tiên trong chuyện cổ tích...

PHAN THỦY

;
.
.
.
.
.