.

Những mùa hoa thương nhớ

.

Vào những ngày giáp Tết, hơi lạnh dìu dịu của đất trời hòa trong những hạt mưa phùn lấm tấm rơi, không dưng lại làm lòng tôi như trĩu đầy bao nỗi niềm se sắt. Bắt gặp gánh hàng hoa đang đi trong làn sương lãng đãng phía cuối đường, chợt thấy lòng mình hoang hoải nao nao mà da diết nhớ thương bao tháng ngày xưa cũ. Những cánh hoa rực rỡ sắc màu được đựng trong chiếc giỏ mây mộc mạc trên đôi quang gánh bằng tre dung dị, như đánh thức bao hoài niệm trong tôi về miền ký ức của tuổi thơ yên bình…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi lại nhớ những buổi sáng trời mưa bay lất phất, tôi theo mẹ ra góc chợ quê cạnh dòng sông đầu làng, phụ mẹ bán những cành hoa lay ơn. Mẹ thức dậy từ lúc đất trời vẫn còn mơ màng trong giấc ngủ, khẽ khàng thắp chiếc đèn măng-xông đặt trong góc bếp, rồi lặng lẽ bước nhẹ ra vườn cắt từng cành lay ơn còn ướt đẫm sương đêm. Từng cánh hoa mềm mại màu đỏ hồng duyên dáng, phiến lá xanh mướt, thẳng và dài như những thanh kiếm nhỏ. Mẹ chỉ cắt những cành có nụ hoa vừa bung nở, rồi cột chúng thành nhiều bó nhỏ bằng dây chuối khô, sau đó khẽ khàng đặt lần lượt từng bó vào chiếc thùng nhựa, thật nhẹ nhàng để các cánh hoa không bị dập. Ngày ấy nhà tôi chỉ có chiếc xe đạp cũ rích, mẹ phải ràng thùng hoa cố định vào yên sau, rồi vất vả dắt ra chợ trên con đường làng quanh co, khéo léo tránh từng hố đất, từng mảnh đá lồi lõm dễ làm trật bánh xe. Những cơn gió cuối mùa mang hơi lạnh buôn buốt luồng vào thịt da, mà mồ hôi vẫn chảy thấm ướt cả đôi vai gầy của mẹ…

Nhà tôi có mảnh vườn rộng phía trước nhà, được mẹ chăm chút quanh năm để trồng những liếp rau, luống cà, giậu mồng tơi quê mùa, thơm thảo. Rau quả thu được một phần mẹ dành cho những bữa cơm gia đình, một phần mẹ gánh ra góc chợ quê bình dị, tảo tần ngồi bán dưới tấm bạt mỏng đã cũ rách, sờn mòn. Mẹ xin những củ lay ơn từ một người họ hàng, đều đặn mỗi năm vào khoảng giữa tháng mười âm lịch, tôi lại thấy mẹ lấy chúng ra, bóc hết lớp vỏ khô màu nâu ở bên ngoài, rồi ươm chúng ngay ngắn thành từng hàng xuống dải đất rộng phía cuối vườn. Xong ba ngày Tết, hết mùa hoa, mẹ lại cuốc đất thu những củ giống về, phơi chúng dưới nắng cho khô, cẩn thận cất vào bao rồi để trên cái giàn tre dưới chái bếp.

Mỗi buổi chiều đi học về tôi lại thấy mẹ cặm cụi vun vén cho mảnh vườn của mình. Bên những luống đất thẳng tắp trồng lay ơn, mẹ ngồi tỉ mẩn nhổ từng bụi cỏ dại, lom khom tưới nước, rồi lại loay hoay với mớ rau, đàn gà. Đôi lúc bắt gặp ánh mắt mẹ như đang nhìn về phía xa xăm, chắc là mẹ cầu cho mưa thuận gió hòa, luống hoa lay ơn nở đúng vào những ngày cận Tết. Khi đó mẹ sẽ dành dụm được nhiều hơn để sắm sửa thêm một vài thứ trong nhà, mua cho anh em tôi bộ quần áo mới, lợp lại cái mái ngói đã bị dột sau bao mùa nắng mưa. Mẹ đã nhọc nhằn, vất vả cả đời vì đàn con thơ dại, ấy vậy mà có bao giờ tôi nghe mẹ mong ước điều gì cho riêng mình. Với mẹ, được nhìn chúng tôi từng ngày trưởng thành, khôn lớn đã là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình, mà người đâu hay sương rơi trên mái tóc, thời gian đã in hằn những nếp nhăn…

Đã lâu rồi mẹ không còn trồng lay ơn nữa. Mỗi lần về quê, những ngày Tết đến tôi lại bùi ngùi nhớ mảnh vườn trồng lay ơn trước nhà, nhớ những buổi sáng sớm cùng mẹ ra chợ bán hoa trong làn mưa phùn lấm tấm. Trong những câu chuyện thường ngày, mẹ hay nhắc đến những mùa hoa của ngày xưa, và Tết năm nào tôi cũng thấy trên bàn thờ tổ tiên, bên mâm ngũ quả là bình lay ơn tươi thắm mà mẹ đã dày công chuẩn bị. Những cánh hoa duyên dáng như đánh thức bao ký ức thân thương về một thời gian khó, gieo vào lòng người nỗi nhớ da diết, khôn nguôi…

KIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.